April 18, 2024, 9:37 pm

Nhận diện thị trường văn học Việt Nam

 

Ngày 29/8, tại Hà Nội, Viện Văn học đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Thị trường văn học và văn học thị trường: Lý luận và thực tiễn”. Đây là cuộc Hội thảo được kỳ vọng sẽ  đem đến một cái nhìn toàn diện hơn về  tình hình phát triển Văn học Việt Nam đương đại.  Hướng tới nhận diện, phân tích, đánh giá tình hình phát triển thị trường văn học và văn học thị trường hiện nay.
 

Toàn cảnh hội thảo
 

Hội thảo đã quy tụ gần 50 tham luận của các đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, các cơ quan văn hóa - văn nghệ trên toàn quốc, tập trung thảo luận: Những vấn đề lý luận chung về văn học thị trường, quan niệm về văn học thị trường, mối quan hệ tương tác giữa văn học và thị trường; văn học thị trường với văn học đại chúng, văn học mạng, văn học giải trí; tương quan giữa văn học thị trường với văn học đặc tuyển; Quá trình hình thành và phát triển thị trường văn học ở các nền văn học trên thế giới; tác động của kinh tế thị trường đến đời sống văn chương; những biến chuyển của đời sống văn hóa và văn học Việt Nam trong cơ chế thị trường; Đánh giá thực trạng và các xu hướng phát triển của văn học thị trường ở Việt Nam, vấn đề chất lượng và giá trị của các tác phẩm, vấn đề thị hiếu và nhu cầu của người đọc đối với văn học thị trường; Những khả năng và hạn chế của văn học thị trường nói riêng và văn học nói chung trong nền kinh tế thị trường, những thách thức đối với nhà quản lý, giới sáng tác và phê bình; Giải pháp phát triển văn học Việt Nam trong kinh tế thị trường, những cơ chế, chính sách đối với thị trường văn học và văn học thị trường.


Tại tham luận, GS Trần Đình Sử khẳng định “Ở các nước vốn là xã hội chủ nghĩa nay chuyển sang kinh tế thị trường, khi nói đến mối quan hệ giữa văn học và kinh tế thị trường thường nêu lên nhiều mặt trái của nó. Tuy nhiên thị trường đã có ít nhất hơn ba trăm năm lịch sử, và đã sáng tạo ra những giá trị văn học bất hủ của nhân loại từ chủ nghĩa lãng mạn đến chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại ngày nay. Vì vậy thiết nghĩ cần xem xét tác động qua lại giữa văn học và thị trường như một hiện tượng khách quan. Quan hệ văn học và thị trường, tức thị trường sách, ít nhất có ba khía cạnh: 1/ văn học trở thành hàng hóa, 2/ thị trường là môi trường tiếp xúc bình đẳng, và 3/ cung và cầu là quy luật điều tiết của thị trường” . Về phía GS Phương Lựu , ông khẳng định “Mặc dù kinh tế thị trường lành mạnh, chân chính, lấy chữ TÍN làm đầu có nhiều tác dụng tích cực cho sáng tác văn học, nhưng trên thực tế lại hàm chứa rất nhiều mâu thuẫn ngay trong đặc trưng bản chất của chúng. Vậy chúng ta hãy cùng nhau bình đẳng, thành tâm, mạnh dạn tìm tòi phương hướng tổng quát để giải quyết”

 

Ở góc độ phê bình PGS, TS Đỗ Lai Thúy khẳng định: “Văn học Việt Nam từ thời trung đại chuyển sang thời hiện đại đã là một văn học khác về nguyên tắc. Tìm hiểu diễn trình chuyển hóa này để thấy được cái khác ấy là công việc có tầm quan trọng. Hơn nữa, chính cái khác này cho phép nhận diện được tính chất của văn học đương đại khá đa tạp hiện nay. Đến với vấn đề này, có thể, có nhiều cách tiếp cận. Nhìn văn học Việt Nam từ “văn hóa quà tặng” đến “văn hóa hàng hóa” là một cách. Trên thế giới, quà tặng và hàng hóa là những sự kiện nối tiếp nhau trong sự phát triển xã hội, nhưng ở Việt Nam lại là những sự kiện gối tiếp, thậm chí tồn tại cùng nhau. Bởi thế, nó mang tính chất của một sự kiện xã hội tổng thể và, do đó, xã hội mang nó ít nhiều vẫn là một xã hội tổng thể. Từ góc nhìn này, văn học Việt Nam được nhìn nhận rõ ràng hơn” ...


Trong thời gian một ngày, đã có 20 tham luận được chọn trình bày tại Hội thảo. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực trạng, các hiện tượng, xu hướng phát triển, tiềm năng cũng như những thách thức của văn học thị trường ở Việt Nam hiện nay, các đại biểu đã đề xuất giải pháp vì một nền văn học và thị trường văn học phát triển lành mạnh và bền vững. Khi tác phẩm văn chương trở thành một loại hàng hóa (dù là hàng hóa đặc biệt) thì đã mang chứa hai thuộc tính cơ bản của hàng hóa là giá trị và giá trị sử dụng. Trong kinh tế thị trường, lợi nhuận là yếu tố có thể chi phối, quyết định, in dấu ấn lên cả việc sản xuất ra giá trị và việc biến nó thành giá trị sử dụng. Tình trạng này đưa đến nhiều hệ lụy tiêu cực ở cả người sáng tác và ngành xuất bản, phát hành, đó là một lý do quan trọng góp phần trả lời câu hỏi: Tại sao chưa có tác phẩm đỉnh cao trong văn học hiện nay?

PV


Có thể bạn quan tâm