April 25, 2024, 10:56 am

Nhận diện đầy đủ thì mới khuyến khích sáng tạo

Văn học nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng là kênh giao tiếp quan trọng, kết nối con người với cộng đồng, xã hội, là phương tiện hữu hiệu để giáo dục thẩm mỹ, xây dựng nhân cách và nuôi dưỡng tâm hồn. Chính bởi sự nhạy cảm và tinh tế như vậy mà mọi sự biến động, thay đổi của thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa... đều trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực này.

 

Show thực cảnh “kí ức Hội An”. Nguồn Internet

Tuy nhiên, dù ra đời trong thời chiến hay thời bình, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những thay đổi, biến chuyển bởi thể chế chính trị khác nhau qua từng thời kỳ và những đòi hỏi của sự phát triển, hội nhập, song nhìn chung văn học nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng vẫn đang làm tốt vài trò kết nối và cũng cho thấy giá trị bất biến vượt thời gian. Ví như trong 3 năm qua, kể khi đại dịch covid-19 bùng phát, mọi hoạt động sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc đều bị ngưng trệ, nhưng nhiều nhạc sĩ đã cho ra đời hàng trăm ca khúc. Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã xuất bản tuyển tập ca khúc mang tên Niềm tin cùng livestream tại 3 điểm cầu là: Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề: “Niềm tin chiến thắng” đạt hàng triệu lượt view, cho thấy sức mạnh và vai trò xung kích của âm nhạc đồng hành cùng dân tộc trong thời đại công nghệ số. Tiếp đó, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Cuộc thi sáng tác ca khúc “Giai điệu nơi tuyến đầu”. Chưa đầy 2 tháng, Ban tổ chức nhận 1.300 tác phẩm của 935 tác giả và đồng tác giả từ 63 tỉnh, thành phố tham dự, thêm một lần nữa khẳng định vai trò trách nhiệm, ý thức công dân của giới nhạc sĩ trước vận mệnh đất nước.

Thực tiễn phát triển và hội nhập của xã hội cho thấy, các giá trị truyền thống ít nhiều có những chuyển dịch cơ bản; xuất hiện những cái mới tiềm năng và những vấn đề nảy sinh đối với các giá trị mới. Nền kinh tế thị trường vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, vừa là áp lực cạnh tranh để tạo dựng và xác lập một cơ chế văn hóa hoàn toàn khác biệt so với trước đây. Vì thế, chúng ta cần có cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng những chương trình thường thức âm nhạc trên sóng phát thanh và truyền hình, nhằm định hướng thẩm mỹ, bảo vệ sự xâm nhập, xô bồ của thị trường âm nhạc ngoại lai và cả những độc hại phát sinh từ nội tại.

Mặt khác, các nhà quản lý văn hóa cần kiểm soát chặt chẽ hơn các ấn phẩm băng, đĩa, sách, báo, tạp chí, các nền tảng mạng xã hội… Điều mong mỏi của những người làm nghề là các cơ quan quản lý văn hóa cần xây dựng một đề án tổng thể, tranh thủ lấy ý kiến của các nhà chuyên môn để đưa ra giải pháp mang tính chiến lược lâu dài, nhằm xây dựng một lớp công chúng thưởng thức có nền tảng văn hóa, tri thức, biết thưởng thức nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng ở tầm cao hơn. Khi được trang bị những yếu tố cần và đủ, người nghe sẽ tự miễn dịch với những thứ âm nhạc độc hại, tự đào thải chúng ra khỏi đời sống tinh thần.

Có thể thấy, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã làm thay đổi về căn bản trong mối quan hệ, hợp tác văn hóa, nghệ thuật cũng như xóa bỏ ranh giới hiện hữu, khiến cho các hiện tượng văn học nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng nhanh chóng được tiếp nhận trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ cần một chút lơ là, thiếu định hướng, thì tác phẩm có nội dung không tốt sẽ phát tán mất kiểm soát chỉ bằng một cái nhấp chuột. Chúng ta chấp nhận sự khác biệt. Song, mọi sáng tạo phát triển có rộng lớn đến đâu, có khác biệt thế nào thì cũng phải cho người thưởng thức thấy được giá trị thực sự của tác phẩm. Cùng với phát triển nhanh chóng của công nghệ 4.0 vừa là động lực thúc đẩy sáng tạo. Sự đa dạng về lợi ích chính là mặt trái của kinh tế thị trường dẫn tới sự thay đổi về nhận thức tư tưởng, thẩm mỹ đến sự phân hóa, chênh lệch đáng kể trong quan niệm về thưởng thức nghệ thuật. Quản lý và bảo đảm quyền lợi của người sáng tạo không chỉ thúc đẩy hoạt động văn hóa nói chung, âm nhạc nói riêng phát triển, mà còn thể hiện sự văn minh, tiến bộ và hội nhập…

Khi đã dấn thân vào con đường sáng tạo nghệ thuật, mang cái đẹp đến cho đời thì có lẽ chẳng nghệ sĩ nào đặt mục tiêu tiền tài, danh vọng lên trước nghệ thuật cả. Tuy nhiên, những giải thưởng lại là động lực to lớn thúc đẩy sáng tạo và nâng tầm chất lượng nghệ thuật. Khi nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ được vinh danh thì chúng ta sẽ càng có nhiều những tác phẩm xứng đáng...

Tác phẩm có mang tầm vóc nghệ thuật, giá trị nhân văn thì mới sống lâu bền cùng thời gian. Vì vậy, Nhà nước cần nghiên cứu và mở rộng biên độ chính sách đặc thù đối với từng lĩnh vực, trong đó có âm nhạc. Bởi sự biến đổi về quan niệm giá trị đã và đang chi phối mạnh mẽ đến đời sống Văn học nghệ thuật, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải được nghiên cứu, nhận diện đầy đủ thì mới khuyến khích sáng tạo, quảng bá tác phẩm. Đặc biệt, văn  học, nghệ thuật, trong đó có âm nhạc phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế để cùng thúc đẩy xã hội phát triển và hội nhập. 


Có thể bạn quan tâm