November 30, 2023, 8:39 pm

Nhàn đàm về những... Tấm “Lưng ong”

Dân ta, đặc biệt là “phái mạnh”, tít từ thời các cụ, đã viết: “Những người thắt đáy lưng ong - Vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con”. “Khéo nuôi con” thì nhà có phúc. “Khéo chiều chồng”, nhà thường trực tình yêu.

Có một ông bạn rất rắn rỏi, xù xì tính cách của tôi, một lần trải lòng: “Tôi nghiệm ra rằng, cánh đàn ông chúng mình, hoá ra còn thích được chiều chuộng hơn cả phụ nữ, hoặc ít ra là không kém. Ông ạ!”. “Thế giới này âm tính cả rồi” - Tôi cười đáp lại. Cười đáp xong, ngẫm kỹ, hoá mình cười mình. Tôi đã từng viết: “Có một Thăng Long áo mỏng - Gió đùa quanh tấm lưng ong” (Thăng Long), thế thì cả tôi, cả Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, đều chẳng đã rất “âm tính” là gì?

Mà chẳng cứ tôi hôm nay, cụ Nguyễn Khuyến - Tam nguyên Yên Đổ - xưa, trong câu đối Khóc vợ, cũng đã viết: “Nhà chỉn vốn nghèo thay! Nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quay cồng, tất tả chân đăm đá chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc/ Bà đi đâu vội mấy! Để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá toạ, gật gù tay đũa chạm tay chén, biết cùng ai kể lể chuyện trăm năm”. “Thắt lưng bó que” chẳng cũng là “Thắt đáy lưng ong” đó sao?

Đỗ Mục (803-853), thi gia quan trọng thời Vãn Đường (836-907), có bài Khiển hoài (Tự sự): “Lạc phách giang hồ tái tửu hành - Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh - Thập niên nhất giác Dương Châu mộng - Doanh đắc thanh lâu bạc hạnh danh”. “Sở yêu tiêm tế” nghĩa là “Lưng gái nước Sở thon nhỏ”, cũng tức là “Thắt đáy lưng ong”. Đời Xuân Thu (770-475 tr.CN), vua nước Sở là Sở Linh Vương chỉ ưa những cung phi có eo lưng thon nhỏ, nên con gái nước Sở muốn vào cung và được vua yêu, phải bớt ăn để có được tấm lưng thon. Từ đó, “Sở yêu” - “Lưng Sở” - thành ra một “tiêu chuẩn” trong vẻ đẹp con gái phương Đông. “Chưởng trung khinh” nghĩa là “Nhẹ giữa lòng tay”. Đời Tây Hán (226 tr.CN-220), Hán Thành Đế (32 tr.CN-20), cũng chỉ thích những cung phi “Eo lưng nhỏ bằng một chét tay, có thể nhảy múa trên bàn tay lực sĩ”. Chị em nàng Triệu Phi Yến được vua mê mệt, cũng bởi sở hữu những tấm “lưng ong” (Sở yêu) như vậy. Thậm trí, hai nàng này còn luôn đeo sạ hương bên “lưng ong” để tránh thụ thai, để “lưng ong” mãi, mong được vua yêu mãi. Các cụ ta xưa cũng rất “rầy rà”: “Những người thắt đáy lưng ong - “Rầy rà” tát bẩy gầu sòng chửa vơi” đó thôi!
Bài thơ của Đỗ Mục ở trên, có thể dịch là: “Giang hồ quen thói, không dừng được - Rượu ngon, gái Sở chốn lầu xanh - Mười năm, tỉnh giấc Dương Châu mộng - Bạc hạnh, còn đeo tiếng bạc tình”.

Phương Đông là thế. Phương Tây nào có khác gì. Tiêu chuẩn “3 vòng”: 90 - 60 - 90 trong các cuộc thi hoa hậu cũng chính là để có “Sở yêu”. Bởi vì, nếu không có “vòng 1”, “vòng 3” nở nang, thì lấy đâu ra “lưng ong”? 3 vòng bằng nhau, người Việt gọi là “cá rô đực”!

Cho nên con gái, điển hình là các “Chị Hai quan họ”, dù mớ ba mớ bảy, thì vẫn phải có cái “thắt lưng xanh”. Ngoài việc phối màu với “dải yếm đào”, với “mớ ba mớ bẩy” và tấm áo tía sang trọng, nó còn làm nổi bật tấm “lưng ong” của họ. Vì thế Nguyễn Bính mới thốt ra: “Mùa xuân là cả một mùa xanh - Giời ở trên cao lá ở cành - Ra khỏi cổng làng tôi bỗng thấy - Bắt đầu là cái thắt lưng xanh”. “Thắt lưng xanh” để nhấn mạnh cái “Sở yêu”, “Việt yêu”.

Nhìn chiếc áo dài tân thời - Lơ muya - của ta, trong một lần biểu diễn thời trang, một nhà thiết kế người Nhật nổi tiếng thế giới, bảo tôi là, nó “rất... sexy!”. Quả vậy, nó vừa bó eo, khoe eo, lại tôn cả “vòng 1” lẫn “vòng 3”. Rồi khi gió bay hay quạt thổi, nó tung đôi vạt mỏng manh, phấp phới như hai lá cờ của tình yêu, nồng nàn quấn quýt lấy “Sở yêu”, “Ấn phúc” (bụng Ấn Độ) và “vòng 3”; thậm chí, nếu gió hơi mạnh, nó còn ve vuốt cả “vòng 1” nữa! “Sexy” thế mà vẫn là thục nữ, vẫn đoan trang, mới tài! Ôi cái áo dài Việt! Ôi những cái “Việt yêu” (Lưng Việt) của tôi!

Nói thế không có nghĩa là, đời chỉ nên yêu mỗi “Sở yêu”. Ai lưng thon, lưng ong, thì đẹp kiểu độc bình cắm hoa. Bây giờ, không biết còn bao người thích cắm hoa vào cốc, vào cup, vào vò, vào chum và vại nữa. Không cần và không phải, ai cũng giống Sở Linh Vương hay Hán Thành Đế ngày xưa. Có vẻ đẹp “đào tơ liễu yếu”, lại có vẻ đẹp khoẻ mạnh, đầy đặn, đầy ắp sức vóc.

Tốt nhất là nên nhớ câu này: “Không có phụ nữ xấu, chỉ có những người phụ nữ không biết làm đẹp cho mình mà thôi”.

Đỗ Trung Lai

Nguồn Văn nghệ số 33/2023


Có thể bạn quan tâm