April 19, 2024, 6:52 am

Nhà văn ra đi để lại gì cho nhân thế?

 

Cách đây hơn hai tuần, nhà văn Vũ Hạnh mãi ra đi, dù không phải nhiễm Covid 19, nhưng do thực hiện giãn cách, đám tang của ông cũng chỉ có năm ba người đưa tiễn với hai vòng hoa khiêm nhường đặt trên nấm mộ đất.

Vì tuổi cao và mắc bệnh nền, nhà văn Trần Hữu Lục đã không vượt qua được tuổi 80 khi mắc COVID-19, ông trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch lúc 8h30 ngày 30/8, theo tin từ gia đình.

Nhà văn Trần Hữu Lục sinh năm 1941 tại Vĩ Dạ, thành phố Huế.

Trần Hữu Lục còn có các bút danh Yên My, Trần Phước Nguyện, Hồng Hữu. Ông từng là giáo sư dạy văn Trường trung học Bùi Thị Xuân Đà Lạt; nguyên phó chủ tịch thường trực Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP.HCM; nguyên chủ biên tập san Nhớ Huế; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam;

Nhà văn Trần Hữu Lục là tác giả các tập truyện ngắn Cách một dòng sông (1971), Chiếc bóng (1987), Thời tôi yêu (1998) và các tập thơ Lời của hoa hồng (1988), Thu phương xa (2003), Vạn Xuân (2006), Ngày đầu tiên (2009)… và tập bút ký - bình luận Góc nhìn văn chương (2010); trong đó Trần Hữu Lục viết về những gương mặt văn nghệ thân quen từng xuất hiện trên văn đàn miền Nam từ trước 1975 như: Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tôn Nữ Hỷ Khương, Hồ Đắc Thiếu Anh...

(Ảnh: Nhà văn, nhà báo Trần Hữu Lục với đồng nghiệp Báo Tuổi Trẻ.)

Người mất vì nhiễm Covid không thể có được một nghi lễ tiễn đưa, cũng không một người thân bên cạnh. Vợ, con, gia đình, người thân, chỉ có thể cắn răng nén nỗi đau tột cùng.

Nhà thơ Trần Hữu Lục, mất vì nhiễm Covid sáng qua. Có lẽ phải nhiều ngày nữa, gia đình mới nhận được hủ tro cốt của người mất.

Nhà thơ Trần Hương Giang, em gái của nhà văn Trần Hữu Lục, đang cố gắng bình tĩnh, dành cho anh trai mình bằng cách lần về ký ức, về tác phẩm, về những đóng góp không nhỏ của nhà văn Trần Hữu Lục suốt nửa thế kỷ qua. Chị nhắn: “Em ơi, sự nghiệp văn của anh Lục chừ viết cả tháng cũng chưa hết”

Trong nhiều tác phẩm của nhà văn Trần Hữu Lục, chị Trần Hương Giang nhắc nhiều đến tập truyện ngắn “ Cách một dòng sông”, một thời, nổi tiếng từ Nam ra Bắc…

Tôi vào Google gõ từ khóa “ Cách một dòng sông - Truyện ngắn Trần Hữu Lục”. Tìm không thấy. Trên không gian mạng, tác phẩm của nhà thơ Trần Hữu Lục chỉ ít ỏi dăm ba bài thơ, dăm ba bài viết về văn chương ông của bè bạn cùng thời.

Mà đâu riêng gì nhà thơ Trần Hữu Lục. Không ít nhà văn có những tác phẩm văn chương thật sự có giá trị cũng dần trôi vào lãng quên. Trong khi, không ít tên tuổi chỉ cần ấn nhẹ phím tìm kiếm trên không gian mạng là hiện lên vô thiên lủng tác phẩm, bài viết, nhiều bài viết còn huy động một lượng tính từ ngợi ca vẻ đẹp không giới hạn của nó. Giá trị hư thực cứ lẫn lộn. Mà giá trị thực thường âm thầm chìm khuất.

Tôi lại tiếp tục “chat” với chị Hương Giang. Nhắc về người anh tài hoa của mình, cũng phần nào làm chị đỡ đi cái cảm giác đớn đau. Rồi hai chị em đi đến một quyết tâm là, chị và gia đình sẽ cùng Hội Nhà văn Tp.HCM, chọn những tác phẩm của nhà văn Trần Hữu Lục in một quyển sách dày dặn. Quyển sách sẽ có bài viết về nhà văn Trần Hữu Lục, về tác phẩm của anh của những người bạn cùng thời với anh mà hiện nay vẫn còn mạnh khỏe. Chị kể một số tên tuổi đã từng chia ngọt xẻ bùi cùng với nhà văn Trần Hữu Lục, như các anh: Võ Quê, Nguyễn Duy Hiền, Trần Hoài, Tôn Thất Lập, Huỳnh Tấn Mẫm…

“Chát” một hồi dài, tôi cùng chị Hương Giang “ngéo tay” nhau: “Hết dịch, hai chị em sẽ gặp nhau, bàn cụ thể việc in sách anh Lục…”

Nhà văn Trần Hữu Lục sẽ không vĩnh viện mất đi, nếu như những tác phẩm thực sự có giá trị của anh được in, được đọc…

Những quyển sách thực sự có giá trị sẽ không bị lãng quên.

Nhà văn để lại cho nhân thế trang sách của mình, nỗi đau của mình, khát vọng của mình và đó là niềm hạnh phúc vừa nhỏ nhoi vừa lớn lao của người cầm bút.  

                                                                                      Tối ngày 31.8.2021

                                                                                          BÍCH NGÂN

 

 

 


Có thể bạn quan tâm