April 23, 2024, 2:19 pm

Nhà văn quân đội và nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trong tình hình mới

HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM LẦN THỨ X

Diễn ra trong hai ngày 10-11/9 tại Hà Nội, Đại hội Chi hội Nhà văn Quân đội nhiệm kì 2020-2025 đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã đến dự và chỉ đạo Đại hội. Đại diện Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cũng đã có mặt dự và phát biểu. 52 hội viên Chi hội Nhà văn Quân đội đã dự Đại hội, thực hiện quyền lợi, trách nhiệm của nhà văn hội viên.

Thay mặt lãnh đạo Tổng cục Chính trị, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương những nỗ lực, cùng những thành tựu của các nhà văn quân đội đạt được trong thời gian qua. Đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị yêu cầu Chi hội Nhà văn Quân đội không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trên dưới đoàn kết, thúc đẩy sự sáng tạo để có thêm những tác phẩm phản ánh chân thực đời sống cán bộ chiến sĩ, nhân dân trong tình hình mới. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý các nhà văn quân đội cần tiếp tục trăn trở, suy tư, nỗ lực sáng tạo về đề tài Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, để có những tác phẩm lớn xứng tầm với các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, với truyền thống anh hùng của quân đội ta.

Tiếp lời đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, nhà thơ Hữu Thỉnh cảm ơn các ý kiến đóng góp của các nhà văn trong hai ngày qua để tiếp tục hoàn thiện văn kiện Đại hội Nhà văn Việt Nam. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng đánh giá đội ngũ nhà văn quân đội là lực lượng đổi mới mạnh mẽ nhất trong quá trình sáng tạo. Nhiều thập kỉ qua, đây là đội ngũ tiên phong trong việc tìm tòi, đổi mới trong phong cách sáng tác… Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng cho rằng, đội hình của nhà văn quân đội trong đại hội đã thể hiện được tinh hoa của đội ngũ sáng tác với bề dày trong hoạt động văn học nghệ thuật. Ông cũng cho rằng, việc bầu cử đại biểu cần tập trung vào các đại biểu ưu tú, có thời gian sáng tác lâu dài, đề cao tính chuyên nghiệp, kinh nghiệm, bản lĩnh và sự ảnh hưởng.

Chi hội Nhà văn Quân đội là Chi hội đầu tiên trong Hội Nhà văn Việt Nam tiến hành tổ chức đại hội nhiệm kì cấp Chi hội, Liên chi hội, và cũng là Đại hội cơ sở đầu tiên được tổ chức trong lộ trình tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X sẽ được tổ chức vào cuối năm nay. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kì 2020-2025 gồm 5 đồng chí: nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Phùng Văn Khai, nhà văn Phạm Duy Nghĩa, nhà văn Đoàn Hoài Trung và nhà thơ Phạm Vân Anh; và bầu được 26 đại biểu sẽ tham dự Đại hội đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X.

PV

 

Ra mắt Ban Chấp hành Chi hội Nhà văn Quân đội nhiệm kì 2020-2025.

 

…Trong hai cuộc kháng chiến, chính binh chủng đặc biệt - binh chủng văn nghệ sĩ đã vào chiến trường, và ở đó, những tác phẩm văn học nghệ thuật đầy sức sống đã ra đời, động viên rất lớn cuộc chiến đấu của quân và dân ta. Những ngày ác liệt ấy, văn công ra tận chiến hào biểu diễn phục vụ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tiếp đó, trong chống Mỹ, các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, ca sĩ vào chiến trường trực tiếp vừa cầm súng vừa cầm bút, biểu diễn phục vụ bộ đội. Chính cội nguồn văn hóa dân tộc đã hun đúc lên những tác phẩm nghệ thuật kịp thời động viên cán bộ chiến sĩ, góp phần làm nên chiến thắng.

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, đội ngũ nhà văn quân đội luôn có mặt ở các mặt trận. Ở đâu có bộ đội, ở đó có nhà văn quân đội. Bộ đội đọc tác phẩm của nhà văn quân đội trên đường hành quân, bên cánh võng, trong căn hầm dã chiến hoặc giữa hai trận đánh. Nhiều cuốn do bom đạn đã xém lửa, đôi khi thấm máu được bộ đội chuyền tay nhau đọc. Có thể thấy, những trang văn trang thơ của các nhà văn quân đội đã luôn đồng hành với nhân dân và chiến sĩ suốt chặng đường đánh giặc.

Đội ngũ nhà văn quân đội có nhiều nhà văn được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật như: Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Chính Hữu, Nguyễn Khải, Hồ Phương, Hữu Thỉnh, Xuân Thiều và hàng chục nhà văn được Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hội Nhà văn, Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng và các Giải văn học quốc tế (Bông Sen, Asean, Sông Mê Kông). Những tên tuổi như: Thanh Tịnh, Vũ Cao, Nguyễn Trọng Oánh, Phùng Quán, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Chí Trung, Dũng Hà, Mai Ngữ, Nhị Ca, Thu Bồn, Triệu Bôn, Nguyễn Trần Thiết, Lê Lựu, Chu Lai, Hồng Diệu, Dương Duy Ngữ, Phạm Hoa, Nguyễn Thị Như Trang, Vương Trọng, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Khắc Trường, Khuất Quang Thụy, Ngô Thảo, Vương Trí Nhàn, Thanh Quế, Trung Trung Đỉnh,… Trong đội hình đó, Văn nghệ Quân đội là tạp chí văn chương đầu tiên, duy nhất hiện nay được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT và cũng là một trong không nhiều cơ quan báo chí có phóng viên được truy tặng danh hiệu Anh hùng, đó là nhà văn liệt sĩ Nguyễn Thi. Điều này càng khẳng định đội ngũ các nhà văn quân đội luôn bám sát cuộc sống chiến trường, trực tiếp chiến đấu và hy sinh cùng với nhân dân và chiến sĩ… Có nhiều nhà văn được phong quân hàm cấp tướng. Đó là các nhà văn Văn Phác, Dũng Hà, Hồ Phương, Nguyễn Chí Trung. Điều này cũng là điều đặc biệt. Không ai sinh ra đã mặc định viết văn mang quân hàm tướng. Chính cuộc chiến đấu vĩ đại vì Tổ quốc vì nhân dân đã sinh ra nhà văn và vị tướng. Nhà văn và vị tướng trước hết thuộc về nhân dân và chiến sĩ của chúng ta…

Từ cuộc sống sôi động, đa chiều của nhân dân và đất nước ngấm vào từng trang văn của các nhà văn quân đội để từ từng trang văn ấy lại tỏa ra cuộc đời dài rộng. Các tiểu thuyết, trường ca, truyện ngắn, bút ký, thơ, nhạc ùa đến với nhân dân và chiến sĩ. Đội ngũ các nhà văn quân đội nối tiếp nhau thực hiện sứ mệnh văn chương. Ở những điểm nóng nhất của thời cuộc, đều thấy bóng dáng, trọng trách của các nhà văn quân đội. Nhiều tác phẩm văn học đã là những biểu tượng của một thời, của nhiều thời. Từ những Núi đôi của Vũ Cao; Đồng chí của Chính Hữu; Mùa lạc, Tầm nhìn xa của Nguyễn Khải; Mảnh trăng cuối rừng, Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu; Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi của Nam Hà; Việt Nam trên đường chúng ta đi của Xuân Sách… và sau này là những Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông của Lê Lựu; Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường; Ăn mày dĩ vãng, Phố, Mưa đỏ của Chu Lai; Lạc rừng, Ngõ lỗ thủng của Trung Trung Đỉnh… và tiếp đó là thế hệ Nguyễn Hữu Quý, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Mạnh Hùng, Uông Triều, Hoàng Đăng Khoa, Đoàn Minh Tâm… đảm đương vai trò tiếp nối một cách xứng đáng.

Đối với các nhà văn, nhất là các nhà văn quân đội, chúng ta phải xác định rằng, viết về đề tài chiến tranh cũng bình đẳng như các đề tài khác. Các nhà văn thế hệ sau này không tham gia chiến tranh, nhưng cha mẹ họ, chú bác họ đều có mặt, đổ máu ở trong cuộc chiến ấy. Là con cháu các anh hùng liệt sĩ, việc viết về chiến tranh cũng như máu thịt chảy tự nhiên trong thân thể mình. Là một nhà văn quân đội, các truyện ngắn, tiểu thuyết, chân dung văn học mà họ viết về chiến tranh, từ thời bình đi ngược về quá khứ thời chiến. Đây cũng là đặc điểm riêng, là thế mạnh của các nhà văn quân đội.

Nhiệm vụ của nhà văn là hướng tới thân phận con người. Chiến tranh là sự kiện lớn của con người, của quốc gia, nên với một đất nước như Việt Nam, sự đậm đặc tác phẩm viết về chiến tranh là tất yếu. Mặc dù các đề tài khác cũng luôn được các nhà văn quan tâm, và nhiều tác phẩm đạt đỉnh cao, nhưng không thể tách các tác phẩm ra khỏi bối cảnh chiến tranh dù nó được viết sau chiến tranh. Một đất nước từng hàng chục, thậm chí hàng trăm năm chiến tranh thì con người xã hội sẽ không thể tách rời những ảnh hưởng đặc trưng của nó. Điều đó cho thấy đề tài chiến tranh luôn là mảnh đất màu mỡ của các nhà văn trong đó có các nhà văn quân đội…

Các nhà văn quân đội không chỉ có mặt trên mỗi trang viết mà còn có mặt nơi bão lốc, cháy rừng, lũ quét. Các nhà văn quân đội đều nhiều lần đến Trường Sa. Có người đi hàng tháng như Duy Khán. Có người ở nhiều năm như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Xuân Thủy. Mùa sóng gió, mùa biển lặng, các nhà văn đều đến nơi biên giới, hải đảo với tấm lòng của nhà văn - chiến sĩ. Hằng năm, các nhà văn quân đội đến Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ ăn cùng, ở cùng và lắng nghe nhịp đập của trái tim người chiến sĩ. Những tập ghi chép, bút ký, truyện ngắn mang đậm hơi thở người lính là món ăn tinh thần bổ ích của bộ đội ta. Và cũng chính người chiến sĩ đang ngày đêm miệt mài với từng nhiệm vụ nơi biên giới hải đảo đã tiếp thêm sức mạnh, là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà văn quân đội.

Từ phác thảo đội ngũ các nhà văn quân đội đã thấy được chặng đường hơn nửa thế kỷ của các nhà văn quân đội là chặng đường sức vóc, nhiều thành tựu của đội ngũ các nhà văn quân đội. Chặng đường ấy là chặng đường trưởng thành của văn học Việt Nam hiện đại mà đội ngũ các nhà văn quân đội đã góp phần xứng đáng, tự hào và kiêu hãnh từ những gì chính mình trải nghiệm, đã được Tổ quốc và nhân dân ghi nhận. Trong công cuộc đổi mới hôm nay, đồng hành với người chiến sĩ và nhân dân, các nhà văn quân đội chắc chắn sẽ xứng đáng với những gì thế hệ trước đặt niềm tin.

Nguồn Văn nghệ số 38/2020


Có thể bạn quan tâm