March 28, 2024, 11:37 pm

Nhà văn Kiều Bích Hậu: Tôi chẳng sở hữu gì cả, nhưng có thể dùng tất cả

 

                Thực hiện: Hoàng Đăng Khoa

                                                       Khách mời: Nhà văn Kiều Bích Hậu

Nhà văn Kiều Bích Hậu - sinh năm 1972 tại Hưng Yên, hiện làm việc tại Ban Truyền thông Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX), Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam - là cộng tác viên thân thiết của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Giữa tháng 1/2020, nhân dịp dự Lễ trao giải Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới do VNQĐ tổ chức, chị đã có những chia sẻ thú vị với bạn đọc tạp chí xung quanh những trải nghiệm đi, sống và viết của mình.

- Rick Fowler, Giám đốc phát triển tài năng, YoungOne Corporation, từng không ngại ngần hào phóng dành lời có cánh để nói rằng, Kiều Bích Hậu là “cây bút biết ghim ý tưởng của mình vào tâm trí bạn đọc”. Vì tán thành nên tôi mới dẫn lại, và nhân đây tôi muốn nghe chị nói thêm…

+ Tôi gặp Rick Fowler khá tình cờ, trong một lần đi công tác Nam Định, thực hiện việc truyền thông cho Tổng công ti Dệt may Nam Định. Rick cũng đến Nam Định vì anh đang đảm đương vị trí Giám đốc phát triển tài năng của một tập đoàn Dệt may Hàn Quốc - YoungOne Corporation. Có thể nói, năm ấy và cả bây giờ, YoungOne Corporation vẫn hút khá nhiều nhân sự từ Dệt may Nam Định do chính sách lương bổng và điều kiện làm việc. Tôi ban đầu muốn tiếp xúc sâu hơn với Rick vì tò mò anh này có chiêu gì dụ nhân sự, săn đầu người, còn tại sao Rick lại muốn kết nối với tôi thì sau này tôi mới biết là do anh khá bất ngờ với những kết luận bất chợt của tôi về những gì xảy đến.

Chúng tôi đã có một cuộc song hành thật dài hôm đó. Cùng ngắm tượng đài Trần Hưng Đạo, đi dạo quanh hồ Vị Xuyên và công viên Vị Xuyên, câu chuyện còn bện chặt, nên mỏi chân dừng lại một quán cà phê bên hồ Vị Xuyên, Rick uống hết hai tách cà phê thì chúng tôi mới chia tay nhau. Tôi tặng anh một tập sách, nhưng bằng tiếng Việt, nên sau đó anh email cho tôi rằng nếu có truyện nào đã dịch sang tiếng Anh thì gửi anh đọc. Tôi gửi một số truyện ngắn của tôi đã chuyển ngữ tiếng Anh, tiện thể nhờ anh góp ý, biên tập thêm. Rick cảm ơn, gửi lại cho tôi bức ảnh anh chụp tôi bên tượng đài Trần Hưng Đạo. Bức ảnh đó trông tôi khá ngầu với mái tóc tém, bộ áo khoác kiểu quân đội, tóm lại không nữ tính chút nào theo nhận định của chính tôi, nhưng Rick lại bảo rằng anh thấy tôi thật tự hào từ thẳm sâu, về vị tướng lỗi lạc của dân tộc mình. Thật thế chăng?! Tôi thích trò chuyện và gửi mail cho Rick sau đó. Anh làm chuyên môn nhân sự, nên có cách dùng từ rất lạ trong tiếng Anh, tôi học được những câu chữ thú vị qua việc email qua lại với Rick. Anh như một phù thủy ngôn ngữ vậy. Rick có lần giải thích rằng từ hồi nhỏ anh đã được bố mẹ thuê một huấn luyện viên ngôn ngữ kèm cặp.

Những “ý tưởng ghim vào tâm trí” trong truyện ngắn của tôi mà Rick Fowler đề cập, cũng chính là những ý tưởng đã ngay lập tức ghim vào tâm trí tôi qua trải nghiệm sống hàng ngày, qua tiếp xúc với những bộ não khủng. Có lẽ tôi vẫn tham kiến thức và chuộng lạ (theo kết luận của nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Khắc Phục về tôi) nên tôi thích những cuộc trò chuyện bất tận với những tài năng độc đáo. Có thể cả câu chuyện với họ, chỉ cần một ý nào đó đọng lại là tôi có thể triển khai viết. Đó là một sự cộng hưởng của năng lượng trí não. Thú thực, tiếp xúc với ai đó một thời gian, nếu họ không thể mới hơn được, mà cứ lặp lại thông điệp cũ, thì tôi lập tức xa họ. Điều đó có thể rất tệ, nhưng tôi không thể “diễn” được trước mỗi lần tiếp xúc với người quen mà tôi thấy không còn gì hay ho trong nội dung nữa.

- Tôi đề cao ý tưởng/ tư tưởng, đến mức quan niệm ý tưởng/ tư tưởng là yếu tính của một tay bút. Tất nhiên, tôi hiểu rằng, nhà tư tưởng chỉ có thể trở thành nhà văn khi anh ta có khả năng đốt cháy tư tưởng của mình thành cảm xúc, rồi tượng hình chúng bằng ngôn từ nghệ thuật. Chị, như tôi đọc, có cả điều kiện cần và đủ này…

+ Khi bắt đầu viết văn, tôi chưa đặt nặng các tiêu chí, nhưng như một sự tự nhiên, các ý tưởng thú vị cứ dẫn dắt tôi đến các cốt truyện khác nhau, những dòng cảm xúc bất tận để làm sóng mang thông điệp. Cốt truyện hấp dẫn, hay cảm xúc mạnh mẽ, như sắc màu và hương thơm của một bông hoa, thu hút ong bướm hay con người, nhưng ý nghĩa vẻ đẹp và bừng nở của hoa mới là cốt lõi của tác phẩm.

Như đã nói ở trên, tôi luôn bị hấp dẫn bởi những bộ óc khủng. Có người hỏi tại sao mà tôi lại gặp được nhân vật nọ nhân vật kia, tôi trả lời rằng đó như một dòng sóng não lan truyền, tức khi tôi bắt được dòng sóng não nào đó đồng nghĩa với việc tôi gặp sự đồng điệu. Và điều kì diệu thường xảy ra, mà tôi không cần cố công tìm kiếm. Một ngày đẹp trời, tự nhiên nhân vật khủng xuất hiện trước tôi và tôi được dịp đắm chìm trong dòng tư tưởng của bộ óc đó. Tôi đã trải nghiệm, chỉ cần bản thân nghĩ đến nhân vật đó, liên quan đến ý tưởng nào đó, thì dù nhân vật ở tận đâu trên trái đất này, lập tức sóng não của chúng tôi sẽ tương giao. Sóng não âm thầm kết nối, khiến những ý tưởng mới bừng nở, thăng hoa, và đó là hạnh phúc.

Thời gian qua, tôi rất thích lắng nghe những người thầy tinh thần trên khắp thế giới này, những người thầy phù hợp với “tạng tinh thần” của tôi. Tôi để tư tưởng của những người thầy ấy ngấm dần vào mình, tự nhiên, trong trẻo, trong mỗi sáng thức dậy, khi tinh thần khỏe khoắn nhất, tràn đầy năng lượng tích cực. Sau đó, tôi lắng nghe chính mình, đón nhận những ý tưởng mới mẻ bất chợt nảy ra, từ sâu thẳm dấy lên, và viết. Quá trình đó thật kì diệu, nó như một suối nguồn bất tận, không bao giờ vơi cạn. Ý tưởng gọi ý tưởng đến, chữ gọi chữ về. Tôi viết không khó khăn như mười năm về trước nữa…

Nhà văn Việt Nam không nhiều người vừa thông thạo tiếng Anh vừa giỏi tiếng Việt như Kiều Bích Hậu. Lại nữa, cả ba yếu tố của một người viết, theo cách định nghĩa của nhà văn Nguyễn Tuân, gồm “đi - đọc - viết” đều hội đủ nơi nữ sĩ này. Mừng thay có một lớp nhà văn như thế.
                                                                                                                                                                                                                                                                                                 (Nhà phê bình BÙI VIỆT THẮNG)

- Và chị đã viết và viết, với rất nhiều thể loại, là biểu hiện sinh động thuyết phục của “mô hình” tay bút “đa năng”, “nhiều trong một”. Những Kiều Bích Hậu nhà báo, nhà văn xuôi (truyện ngắn, tiểu thuyết, bút kí, ghi chép, tạp văn…), nhà phê bình, dịch giả… thì hẳn bạn đọc đã biết đến nhiều, còn một Kiều Bích Hậu nhà thơ thì có lẽ chưa nhiều người biết, thưa chị?

+ Trước kia, tôi mê viết truyện ngắn, chỉ tập trung viết truyện ngắn thôi. Có báo đặt tôi viết tản văn, tôi từ chối, và được một đồng nghiệp khác tán thành, rằng tôi viết truyện ngắn đang lên tay thì việc gì phải đầu tư viết tản văn cho nó phí ý tưởng đi!

Bây giờ, tôi cũng đã thoát ra khỏi giới hạn quan điểm của chính mình, rằng chỉ nên đóng đinh tên tuổi bằng một thể loại. Tôi cũng thoát luôn khỏi ám ảnh bị đánh giá xếp hạng trong giới, không quan tâm một khuôn khổ nào nữa. Bởi tôi hiểu rõ, vào khuôn là khổ, là hủy diệt sáng tạo. Tôi chỉ hợp tự do: dịch chuyển tự do, tư tưởng tự do, thể loại tác phẩm cũng tự do. Tôi chọn thể loại đa dạng, miễn sao ngòi bút mình thỏa sức thỏa chí. Thậm chí có những điều tôi viết ra, chưa biết xếp vào thể loại nào, thì cũng không đáng ngại; chưa biết sẽ phù hợp đăng vào báo nào, in vào sách nào, thì cũng giữ như “của để dành”.

Thời còn là sinh viên, tập tành sáng tác, tôi “dị ứng” với thơ lắm. Sau này, sáng tác nhiều truyện ngắn, làm quen với giới văn chương, thỉnh thoảng được tặng tập thơ, tôi trân trọng cảm ơn, rồi mang về đặt lên giá sách, và… không đọc! Biết thế là tệ lắm, nhưng làm thế nào được. Tôi chẳng bao giờ nghĩ mình làm thơ. Cho đến một lần, vợ chồng tôi giận nhau, và dịp sinh nhật anh sắp đến, chẳng hiểu sao tôi điên khùng tới mức làm một bài thơ dài bằng… tiếng Anh để tặng chồng! Do chúng tôi giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh nên khi cảm xúc thơ đến với tôi cũng chảy thành những dòng tiếng Anh.

Chuyện “thơ thẩn” đó rồi cũng qua đi, tôi không có ý định tiếp tục viết thơ. Cho đến mùa xuân năm 2019, tôi gặp một bạn thơ có tư tưởng lạ, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tôi. Anh nói, người như tôi rồi đến lúc nào đó sẽ làm thơ. Mà không chỉ tôi đâu, ai đó trong cuộc đời mình, vào đúng khoảnh khắc phù hợp, khi tinh thần thăng hoa đồng điệu với tinh thần vũ trụ, đều làm thơ. Cuối tháng 3 và suốt tháng 4/2019, tôi đã viết những bài thơ không phải bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Tôi không cố tình làm vậy, mà bởi những dòng thơ bằng ngôn ngữ Anh đã đánh thức tôi dậy giữa những đêm ngủ trong ngôi nhà ở khu rừng vùng Rotselaar (Vương quốc Bỉ). Có thể dòng tư tưởng Âu châu, cảm hứng Âu châu đã tự nhiên chảy trong tôi, thành dòng thơ đó, và tôi chỉ việc viết nó ra thôi.

Sau đó, chị Andrea H. - một dịch giả kiêm biên tập viên Tạp chí NEUMA của Romania gửi thư cho tôi, phỏng vấn tôi cho tạp chí này số mùa hè 2019. Nội dung phỏng vấn xoay quanh quan điểm của tôi về thể loại tiểu thuyết dành cho kì nghỉ hè. Sau khi trả lời Andrea H., tôi gửi chị chùm thơ tôi mới viết, nhờ chị đọc giùm. Tôi chỉ muốn thử phản ứng của một biên tập viên văn học ở châu Âu trước những dòng thơ “ngẫu hứng” của tôi. Nào ngờ, sau đó chị đã dịch cả chùm thơ này sang tiếng Romania, đăng lên tạp chí NEUMA số mùa thu (tháng 8 - 9/2019). Chị cũng gửi thư cho tôi, nói rằng chị thích chùm thơ đó nên đã dịch ngay, chị thấy thơ Việt Nam rất đáng đọc, và tạp chí của chị không chỉ đăng các sáng tác của nhà văn, nhà thơ Romania, mà muốn giới thiệu cả thơ văn của Việt Nam cho bạn đọc nước chị. Sau đó, tôi cũng đã gửi thơ của các nhà thơ Hữu Thỉnh, Trần Quang Quý, Nguyễn Hoa, Lê Thanh My… để Andrea H. dịch và đăng tải dần trên NEUMA.

Sau khi viết khoảng hai chục bài thơ bằng tiếng Anh, tôi bỗng dưng viết thêm dăm bài thơ bằng tiếng Việt. Viết thơ, trải những suy tư của mình qua những con chữ chắt lọc, với nhịp điệu riêng, tôi chẳng kì vọng gì, vẫn ngượng khi ai đó biết mình làm thơ, nhưng tôi cho rằng với thể loại này, suy tư ấy, trong lúc ấy, đã tìm được dòng chảy suôn sẻ nhất, đẹp đẽ nhất. Cái hay là, tôi có thể viết thơ bất cứ lúc nào, khi thơ đánh thức tôi giữa đêm khuya, không cho tôi ngủ tiếp, hay thơ sà xuống lúc tôi đang đứng đợi bus bên đường, hay lúc tôi đang tập vài động tác vặn vẹo người bên bàn máy tính… Bất kể lúc nào thơ đến thì tôi dừng lại và viết thoắng ra trên sổ tay, trên tờ lịch vừa xé, trên một tờ giấy hiện ra trong tầm với, hay note trên chiếc điện thoại Samsung. Nếu không viết ra ngay lúc đó thì thơ đó sẽ bay mất, như một làn gió, đến rồi đi, không mục đích gì cả.

Tôi cho rằng nhà thơ là những người dũng cảm, và đáng kính trọng bậc nhất trong giới nghệ sĩ. Công chúng phần đông ghẻ lạnh sợ hãi trước thơ đích thực, trong khi đó, thơ bình dân ngồn ngộn lạm phát. Trong sự hỗn loạn ấy, những nhà thơ đích thực dũng cảm sống và viết, bám vào chấp chới giữa người và thánh, nhất quyết không để quỷ dữ lôi phăng đi.

- Với tư cách là dịch giả, chắc hẳn chị muốn chia sẻ sâu về câu chuyện dịch thuật, câu chuyện quảng bá xuất khẩu văn học Việt Nam ra thế giới?

+ Khoảng gần chục năm nay, tôi có quan tâm đến chuyện dịch thuật và quảng bá văn học ra thế giới. Khi mới hỏi một số dịch giả về câu chuyện quảng bá văn học thì họ đều có cái nhìn bi quan. Một nữ dịch giả còn nói thẳng, chị đầu tư dịch một tác phẩm sang tiếng Anh và xuất bản ở Việt Nam, để làm tấm căn cước ra với thế giới, đặng giao lưu với bạn văn thế giới, chứ thực tế chẳng hi vọng gì nhiều; trong nền văn học thế giới, văn học Việt Nam vẫn xếp hạng nhược tiểu, chẳng bán được trên thị trường quốc tế, dù có bày ra ở các hội chợ sách quốc tế thì cũng ít được quan tâm.

Lời nhận xét của chị dịch giả nói trên và những bi quan khác của một số dịch giả Việt Nam không phải là không có căn cứ. Nếu trên thị trường sách thế giới, lượng sách Việt Nam được dịch sang ngôn ngữ khác (điển hình là tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga) còn quá ít, mà lại chỉ tập trung vào một số tác giả (như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh…) thì cái nhìn cái hiểu của độc giả cũng như giới văn học thế giới đối với cả nền văn học Việt Nam quả nhiên phiến diện nghèo nàn.

Thực ra, trong suy tính của mình, tôi thích dùng cụm từ “xuất khẩu văn học” hơn là “quảng bá văn học”. Đơn giản là gạo Việt Nam, trái cây rồi hàng dệt may Việt Nam đã xuất khẩu nhiều ra thế giới; những sản vật đó do bàn tay khối óc con người Việt Nam làm ra và được thế giới chấp nhận, thậm chí những thị trường khó tính như Nhật Bản và châu Âu cũng đã chấp nhận. Còn những tác phẩm văn học mang tinh thần tình cảm trái tim Việt Nam thì sao? Thế giới có tò mò về đời sống tinh thần, sản phẩm tinh thần đậm chất Việt Nam hay không?

Đặt câu hỏi đó, viết về câu chuyện xuất khẩu văn học mang tính khơi gợi cho cả một mảng đầu tư cực kì lớn, nhưng thực sự dấn thân lại là điều khó khăn với chính tôi. Tôi vẫn ham sáng tác, ham đi, ham tìm hiểu và tích lũy chất liệu sống quá nên chưa dành quỹ thời gian cho một dự án tiềm năng mà tôi đã hình dung ra. Tôi cũng biết Hội Nhà văn Việt Nam có quan tâm đến quảng bá văn học, tổ chức những hội nghị quảng bá văn học thu hút nhiều dịch giả, nhà xuất bản, người trong giới văn học quốc tế quan tâm, nhưng thực tế, việc đa dạng hóa tác phẩm chọn dịch chưa thực hiện đảm bảo, số lượng tác phẩm được chọn dịch sang tiếng nước ngoài còn hạn chế do kinh phí đầu tư quá nhỏ bé, công tác xã hội hóa phần này vẫn đang vướng mắc.

Khi tiếp xúc rộng rãi hơn với bạn văn quốc tế trong các diễn đàn văn học hoặc trong các quan hệ cá nhân, tôi nhận thấy hầu hết tác phẩm của các bạn đều được dịch sang từ năm đến hai mươi ngôn ngữ khác nhau. Mỗi bạn văn đều có từ ba đến năm tác phẩm được dịch sang ít nhất từ hai đến năm ngôn ngữ. Họ hoàn toàn có thể tự hào về điều đó. Trong khi nhà văn, nhà thơ Việt Nam, dù đã có danh tiếng trong nước, được một số giải thưởng văn học ngoài nước, nhưng không có nổi một tác phẩm được dịch ra ngôn ngữ quốc tế thông dụng nhất là tiếng Anh.

Tất nhiên, đã là người cầm bút, ai cũng muốn mình có ít nhất vài ba tác phẩm được dịch sang tiếng nước ngoài để được “vượt biên” tới với bạn đọc toàn cầu. Nhưng từ ý muốn đến hiện thực hóa nó lại khó không tưởng, thậm chí là tắc tị! Đầu tiên, phải tính đến đầu tư công sức, tiền, sau đó mới tới quan hệ. Riêng việc dịch ngược tác phẩm cũng đã mắc ngay ở quan điểm. Đa số người Việt cho rằng, việc dịch tác phẩm văn học Việt Nam phải để “Tây” làm, chứ “ta” làm sao nổi… Nhìn xem trong thực tế, các dịch giả nổi tiếng Việt Nam đều dịch xuôi, hiếm ai liều đi dịch ngược. Trong khi đó, để “Tây” dịch cho “ta” thì dịch giả đó phải học ngôn ngữ Việt Nam tại Việt Nam, phải chuyên sâu nghiên cứu văn học Việt Nam, văn hóa Việt Nam, phải dành tâm sức cả đời vào việc này mới mong dịch cho ra hồn, vì ngôn ngữ Việt Nam thuộc loại khó! Ngữ nghĩa của mỗi từ không nhất thành bất biến, mà có thể được hiểu khác đi trong ngữ cảnh, không tự biến đuôi để biến nghĩa, cũng không quy định phải dùng bổ từ để minh định thời gian… Về điều này, chính dịch giả Gunter Giesenfeld (người Đức) đã phàn nàn khi dịch tác phẩm của Dương Hướng: “Từ ngữ Việt Nam lập lờ lắm, nhà văn Việt Nam lại còn quá biết cách lợi dụng sự lập lờ của ngôn ngữ để chơi trò đánh đố. Dịch tác phẩm văn học Việt Nam rất khổ sở với tôi”. Số dịch giả “Tây” như giáo sư Gunter Giesenfeld, hoặc Lady Borton, chịu đầu tư dịch tác phẩm văn học Việt Nam khá hiếm. Có một đối tượng dịch giả dịch ngược đáng được tin cậy khác, đó là những Việt kiều đã trải qua thời thanh niên sống ở Việt Nam, ngôn ngữ Việt đã vững, có đầu tư thời gian công sức cho dịch văn học. Như trường hợp dịch giả Nguyễn Bá Chung ở Mĩ chẳng hạn. Nhưng số lượng dịch giả này cũng hiếm hoi nốt.

Xã hội hóa khó khăn, các nhà tài trợ không sẵn sàng mở hầu bao cho dịch và xuất khẩu văn học, nhất là đối với sách thơ. Bản thân tôi, khi đi kêu gọi nguồn tài chính cho việc xuất bản một hợp tuyển thơ Việt Nam ở nước ngoài, đã chỉ nhận được lời từ chối thẳng thừng, tới mức tôi nghĩ, có lẽ tôi sẽ phải làm gương, tự tài trợ cho dự án này, sau đó mới có thể kéo người khác vào cuộc. Vì thế, tôi khá ấn tượng trước quyết định của nhà văn X.Đ. Sau khi dự một diễn đàn văn học quốc tế, chắc ông chạnh lòng trước việc chưa có tác phẩm nào của mình được dịch và xuất bản ở nước ngoài, nên đã quyết định tự đầu tư ba mươi triệu đồng cho việc chuyển ngữ một tiểu thuyết của mình sang tiếng Anh và nhờ tôi tìm cơ hội xuất bản ở Mĩ hoặc châu Âu.

Nhà thơ Mai Văn Phấn, nhờ quan hệ cá nhân, nhờ chịu đầu tư nên thơ của anh được dịch sang khoảng ba mươi ngôn ngữ, có cuốn bán khá chạy ở Liên hiệp Anh. Trường hợp “xuất khẩu thơ” của Mai Văn Phấn chính là nguồn cảm hứng và ví dụ hay cho cách làm, cách tháo gỡ bế tắc đối với câu chuyện này.

- Cái tên Kiều Bích Hậu còn mang đến cho người đọc hình dung về một chủ thể “công dân toàn cầu”. Chị đã trở thành và trải nghiệm chủ thể này như thế nào?

+ Tôi có may mắn là sinh ra trong gia đình có bố giỏi các ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp. Bố tôi học, luyện ngoại ngữ mỗi ngày, điều đó ảnh hưởng đến tôi. Tất nhiên tôi chỉ được học tiếng Anh và Pháp, sau này tôi chọn chuyên ngữ Anh thời đại học. Tôi suy tính, khi tới tuổi bốn mươi, con cái đã lớn, thoải mái về thời gian hơn, thì tôi sẽ trải nghiệm công dân toàn cầu vì nó thu hút tôi. Là người viết nên tôi có thể dịch chuyển thuận lợi, khái niệm và hình ảnh hấp dẫn của digitalnomad (du mục kĩ thuật số) vận vào tôi. Với vốn ngoại ngữ Anh, với máy ảnh, laptop, điện thoại có kết nối internet, tôi có thể làm việc ở mọi nơi mọi lúc. Tôi yêu cảm giác ở trên một phương tiện di chuyển nào đó, điện thoại cầm tay, balô trên vai, tay kia vịn giữ vào tay nắm chiếc vali nhỏ gọn. Tôi yêu cảm giác ngồi ở một sân bay quốc tế, dù transit khá lâu, nhưng tôi ngả vali ra, gác chân thoải mái, laptop để trên đùi, và gõ bàn phím như mưa rào. Tôi có thể đi bất cứ đâu, một mình. Bạn đồng hành trong những chuyến vừa đi vừa viết như thế lắm khi khiến tôi rất không thoải mái và mất tự do, tôi không tận dụng được hết mọi cơ hội và công năng của chuyến đi.

Tôi có thuận lợi là thành viên gia đình công dân châu Âu nên trong thời gian vừa qua, bản thân đi nhiều nước ở châu Âu, không gặp khó khăn về thủ tục như người khác. Vấn đề tài chính với tôi cũng không quá khó khăn. Tôi có quỹ người thân và bạn hữu ở hầu hết các nước châu Âu nên “đâu có bạn là ta cứ đi”, và tôi biết sử dụng đồng tiền với hiệu quả tối đa. Thêm nữa, có bạn học tài trợ cho tôi vé xe bus xuyên Âu. Em rể tài trợ vé tàu từ Bỉ đến Anh. Rồi một lái xe bus xuyên Âu người Tây Ban Nha gốc Mexico tên Ramiro (lái xe cho hãng Eurolines) mà tôi quen trong chuyến đi bus từ Praha (Cộng hòa Czech) sang Perpignan (miền Nam nước Pháp) đã tặng tôi những chuyến đi bus xuyên Âu miễn phí, nhưng quý giá hơn lại là những câu chuyện lạ trong đời một người lái xe bus xuyên Âu mà sau này anh chia sẻ với tôi qua email... Tôi vô cùng cảm ơn những nhà tài trợ lặng thầm đó, họ đã góp phần tạo nên một kiểu nhà văn du mục kĩ thuật số là tôi. Trước mắt tôi còn những lời mời của các bạn ở Mĩ, Canada, Úc… Trong thời gian năm năm tới, tôi muốn tiếp tục đầu tư đi châu Âu đã. Ngồi nhẩm đếm khi một tạp chí về du lịch hỏi tôi đã qua bao nhiêu nước, tôi giật mình với con số ba mươi. Tôi không du lịch kiểu lướt ván hay check in, tôi đi để viết, để trải nghiệm nhiều cuộc đời khác nhau trong mỗi ngôi nhà cư dân bản địa mà tôi hữu duyên ở lại.

Một thuận lợi nữa, là tôi làm công việc ăn lương của mình bằng hình thức online. Tôi dần cai ham muốn sở hữu, dần trở thành người vô sản. Tôi niệm câu thần chú “Tôi chẳng sở hữu gì cả, nhưng tôi có thể dùng tất cả”.

Việc chuẩn bị về sức khỏe cũng là điều tôi quan tâm. Khi đã “có tuổi”, tôi phải biết thực hành kĩ năng gìn giữ năng lượng. Do đó, trước mỗi chuyến đi dài lang thang châu Âu, tôi lại vừa hồi hộp sung sướng vừa căng thẳng như đến hẹn mối tình đầu.

- Đọc Kiều Bích Hậu, còn đầy lên trong tôi cả hình dung về một chủ thể viết thuộc mẫu phụ nữ rất đỗi tự tin kiêu hãnh bởi vẻ đẹp nội tâm ngoại thân của mình, và do vậy, không bỏ lỡ những cơ hội phiêu lưu thăng hoa yêu…

+ Phụ nữ dám hạnh phúc là phụ nữ dấn thân vào hai cuộc phiêu lưu khám phá suốt cuộc đời mình: Vẻ Đẹp của chính mình và năng lực Yêu của mình. Nhưng hơn hết, đó là Quyền mà tôi bảo vệ.

- Chị có thể chia sẻ về những dự án chữ nghĩa mà bản thân đang hoàn thành?

+ Gần đây tôi ít ra sách cá nhân. Năm 2018 tôi có xuất bản tập truyện ngắn Smart Wife (Vợ ảo - Nxb Phụ nữ). Năm 2019 không xuất bản cuốn sách nào của riêng mình, nhưng tôi tham gia điều phối một dự án hợp tác dịch văn học của Hội Nhà văn Việt Nam với một số đối tác ở EU, xuất bản được sáu cuốn sách tại Việt Nam và Hungary, Ý (hai tập thơ của hai tác giả Hungary dịch và xuất bản ở Việt Nam; tập thơ Ý dịch và xuất bản ở Việt Nam; tập thơ Sông núi trên vai của Việt Nam dịch và xuất bản ở Ý; tuyển tập sáu mươi bài thơ của sáu tác giả tiêu biểu Việt Nam dịch và xuất bản ở Hungary; tập truyện ngắn Trại bảy chú lùn của Bảo Ninh dịch và xuất bản ở Hungary). Công việc này mới mẻ và rất thách thức với tôi, cả ở khâu dịch thuật và lo nguồn tài chính, nhưng tôi sẽ không thoái lui. Chúng tôi mong muốn kéo dài dự án trong mười năm, và hi vọng những khó khăn không tưởng như đã xảy ra trong năm 2019 sẽ dần qua đi.

Năm 2019 tuy chưa xuất bản sách của mình, nhưng tôi đã chuẩn bị xong bản thảo cho bốn cuốn sách, trong đó có hai cuốn tiểu thuyết, một tập truyện ngắn, một cuốn sách thuộc loại kĩ năng sống (viết dựa trên thực tế cuộc sống và thành công của một vị tướng quân đội). Bốn cuốn sách đó, tôi chờ dịp thuận lợi sẽ xuất bản trong năm 2020 và 2021.

Có một cuốn sách nữa tôi ấp ủ viết hai năm nay, cũng thuộc thể loại kĩ năng sống. Sống thông thái. Qua trải nghiệm đi, sống, viết, tiếp cận nhiều phận đời ở nhiều nơi trên thế giới với nhiều cung bậc hạnh phúc thống khổ, tôi thu nhận những bài học/ quà tặng cuộc sống. Nhiều lúc tôi ngạc nhiên thấy mình như được tiếp truyền nguồn năng lượng siêu nhiên vậy, và tôi muốn chia sẻ với mọi người điều kì diệu đó qua một cuốn sách.

Nguồn VNQD

Có thể bạn quan tâm