March 28, 2024, 10:23 pm

Nhà văn khoa học

Nhà văn Tố Hoài, quê huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ông sinh ra trong gia đình bố là nhà giáo, dạy chữ Hán - Nôm và cả chữ Pháp. Tuy nhiên, khi học trường Phổ thông cấp 2 và cấp 3 (từ lớp 5 đến lớp 10) Hải Hậu, ông lại được học tiếng Trung Quốc và giỏi môn này. Bác và chú ruột ông cũng dạy học và làm thơ nổi tiếng quê nhà. Tiếp thu văn học từ sớm ông đã đam mê. Hồi bé có lần bộc lộ ước mơ với bạn học, Tố Hoài muốn thành nhà thơ! Và đã có bài thơ Trăng Bưởi đăng báo tỉnh từ năm 14 tuổi.

Nhà văn Tố Hoài

Khoảng năm 1961, Tố Hoài gặp nhà thơ Xuân Diệu ở phố Cửa Đông, Hà Nội (nhà cô Diệp, vợ nhà thơ). Ông có hỏi về thế nào là thơ mới. Nhà thơ Xuân Diệu bảo đọc cho ông nghe một bài thơ. Ông đọc bài Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư. Nghe xong, Xuân Diệu hỏi: “Em có biết bài thơ nào của các nhà thơ Pháp không”. Tố Hoài đọc cho ông nghe bài thơ tiếng Pháp. Xuân Diệu khen đọc diễn cảm. Tố Hoài bảo nhờ bố uốn nắn từng ngữ điệu cho mình. Xuân Diệu nói đại ý: Thơ tiếng Pháp đa âm mà nghe vẫn hay phải không? Thơ mới là loại thơ không câu nệ niêm luật, số chữ, số câu… nhưng chất thơ, ngôn từ phải được sáng tạo… Nghệ thuật phải vị nhân sinh. Đó là bài học đầu tiên về đổi mới thi ca.

Vốn là bà lang, mẹ ông bảo thích con trai làm bác sỹ, nhưng ông học Đại học Y. Năm 1970 ông nhập ngũ bổ sung cho Binh đoàn B70 chuẩn bị chiến dịch chống cuộc Hành quân Lam Sơn 719 của Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở đường 9 - Nam Lào… Chiến trường Quảng Trị (Mặt trận B5) được coi là mũi nhọn của cuộc chiến chống Mỹ. Ngoài máy bay OV10 trinh sát  vo ve suốt ngày trên đầu, và bất ngờ hàng loạt bom đạn chụp xuống, cùng với những trận pháo kích từ Hạm đội Mỹ từ biển bắn vào đội hình cùng chất độc da cam dội xuống… Ông cùng đồng đội đã quên đi cái chết để cùng nhau cấp cứu, điều trị thương bệnh binh.

*

Khi hơi thở cuộc sống đã được tích lũy lại, hồn thơ được khơi dậy. Ở chiến trường, công việc vô cùng bận bịu, ông vẫn dành cho những dòng thơ nóng hổi. Những bài thơ viết trong khói lửa chiến trường đã in trên báo Quân Giải phóng Quảng Trị và những tập thơ bộ đội của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam xuất bản thời chống Mỹ. Thơ viết về đạn lửa có hơi ấm tình yêu. Bài Ánh sáng lời ca (trong tập Thơ chiến sĩ Trị - Thiên - Huế xuất bản năm 1973, trang 35) viết tặng người đồng đội, đồng nghiệp cùng Quân y viện Binh đoàn. Bài thơ được đọc, ngâm động viên thương bệnh binh trong lán trại rừng xanh sâu thẳm vào dịp lễ, tiết… Thơ ông viết ở chiến trường được gom lại thành tập Trước cửa bình minh - NXB Hải Phòng, 1992. Tiếp đó là các tập thơ Chưa một lần như thế… (NXB Văn Nghệ, 2004), Lang thang tứ tuyệt (NXB Văn Nghệ, 2007), Phục Sinh (NXB Hội Nhà văn, 2018)…

Học chuyên khoa cấp 2, ông về dạy ở trường Đại học Y - Dược Thái Bình và Thành phố Hồ Chí Minh. Ông dành thời gian cho văn xuôi nhiều hơn. Bắt đầu là những tập truyện ngắn và bút ký: Giấc hòe hoa bỏ ngỏ (NXB Trẻ, 2002). Hoa hậu không nước mắt (NXB Trẻ, 2003). Stress hiện hình và hóa giải (ký y học, NXB Văn Nghệ, 2004). Cung bậc tình yêu (NXB Phụ Nữ, 2006). Đêm ngái ngủ (NXB Văn Nghệ, 2010). Lời câu hôn đêm giáng sinh (NXB Thanh niên, 2019). Người phác thảo một vùng đất (NXB Thanh niên, 2022)… Xen kẽ là những tiểu thuyết ra đời đều đặn như: Hoàng hôn dát đỏ (NXB Quân đội nhân dân và Tạp chí Văn nghệ Quân đội ấn hành, tái bản năm 2016). Viết về chuyện tình giữa đồng đội trong khói lửa đạn bom, cả mối tình si một chiều của tù binh Mỹ là Emerci. Tiểu thuyết nhân ái, nhân văn, được các bạn thanh niên đón nhận gối đầu giường, như là cách tìm ra thiết kế tốt nhất cho màn bắn pháo hoa rực rỡ muôn sắc theo chủ đề tình yêu và cuộc sống. Ký tự chìm trên bia đá cổ (2010). Hoa hồng mùa gió chướng (2014). Ký ức miền chân sóng (2012, tái bản 2015). Bản thảo gửi lịch sử (2020)…

Tiểu thuyết Công bằng & Giả trá là cuốn sách văn học hiếm hoi viết về đề tài chất độc da cam/dioxin.  Viết về tính chất nhân vật, lính bay rải chất độc dioxin của Hoa Kỳ tại Việt Nam và lúc về lại Hoa Kỳ… rất công phu với sự am hiểu về văn hóa, pháp luật, tư duy khoa học… Với những mối tình đan chéo nhau ở cả 2 chiến tuyến: Bộ đội và 2 sắc lính (Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa), cùng bị phơi nhiễm dioxin, họ có chung những nỗi đau đớn về những đữa con bị dị tật… Nỗi đau của các nạn nhân được tác giả cô đặc lại trong một ấp và lan ra qua những mối quan hệ đồng đội, kẻ thù… trong chiến tranh đến tận Hoa Kỳ. Cho dù tác hại của người dân Việt Nam gánh chịu lớn hơn ngàn lần cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam bị phơi nhiễm, nhưng đa số đã trở thành nổi đau âm thầm…

Tác phẩm luôn có 2 tuyến hòa quyện với nhau. Tuyến hư cấu là trăn trở, bi kịch tạo nên số phận, nhân vật. Do có vốn ngoại ngữ, tuyến các nhân vật thật, sự kiện thật, các tư liệu thực được tác giả công phu chắt lọc từ nguyên bản, cộng với kiến thức khoa học không làm thay đổi bản chất của sự việc. Tư liệu được làm mới một cách công bằng, logic tạo nên tư duy phản biện để độc giả hiểu đến gốc rễ vấn đề tác giả đặt ra. Chỉ có nhà văn khoa học, với tư duy phản biện mới đánh giá được tầm mức hậu quả của chất độc dioxin gây ra cho con người ở cả hai chiều sâu: duy tình và duy lý. Nhưng trên hết, tác giả chỉ ra Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã lừa dối nhân dân Mỹ, nhân dân miền Nam Việt Nam để tiến hành cuộc chiến bằng vũ khí hóa học với quy mô lớn nhất: sử dụng 45 triệu lít dioxin, rộng nhất (rải trên 12 triệu ha đất rừng, đất nông nghiệp, sông suối, ao hồ) và thời gian dài nhất (9 năm 1 tháng) là những con số lớn nhất; có hậu quả lớn nhất và kéo dài nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới. Hậu quả trước mắt là hủy hoại môi sinh miền Nam Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh hóa học đó, không có xác chết trên chiến trường do độc chất dioxin. Nhưng cả hai bên và những người dân vô tội lặng lẽ mang đau đớn tột cùng trở về chết tại quê hương của mình và lưu lại những tháng ngày đau đớn cho con cái họ đến lúc lìa đời, không biết đến thế hệ nào mới dừng lại...

Bác sĩ Tố Hoài được tập huấn từ Binh chủng hóa học về vũ khí hóa học của Mỹ sử dụng ở miền Nam. Ông cũng bị chất độc da cam dội thẳng vào mình. Cảm nhận được hơi thở chiến trường, cộng với thu thập một khối lượng tư liệu đồ sộ và sử dụng chi tiết nhuần nhuyễn với những lập luận khoa học diễn đạt dễ hiểu là điều, các báo cáo khoa học chưa làm được, chỉ có nhà văn khoa học mới viết được bản cáo trạng đầy đủ như vậy.

Bản thảo gửi lịch sử là cuốn tiểu thuyết tư liệu. Thông qua bi kịch cuộc đời Dương Mẫn Ngọc, cô sinh viên khoa Sử, mang hai dòng máu Hoa - Việt, kết quả của sự trốn chạy khi biến cố lịch sử của những thập niên 50-60 của thế kỷ trước ập lên gia đình ông nội cô. Bố của Mẫn Ngọc (người Hoa) bị lừa làm nội gián cùng đứa em trai ruột đang học phổ thông bị mất tích ngay trong ngày đầu cuộc chiến. Mẹ cô (người Việt) bị lính từ bên kia biên giới dùng báng súng đánh đập đến chết do không chịu bị hãm hiếp… Để hiểu tận cùng sự thật cô phải đi tìm chứng cứ rõ ràng. Thế là cô đi tới những nơi cuộc chiến đã xảy ra và tới từng thân phận nạn nhân của chiến tranh. Không những thế, cô về quê cha để kiểm chứng... Kết quả là Dương Mẫn Ngọc thất vọng trước thực tế cuộc đời ở Trung Hoa, cô đã gieo mình xuống sông quê. Cái chết giúp độc giả khắc sâu bi kịch Trọng Thủy – Mỵ Châu.

*

Ngày thường nhà văn Tố Hoài vẫn khám chữa bệnh trong phạm vi phòng mạch; trân trọng, tỉ mỷ và chu toàn, ông đã chẩn đoán đúng, trị liệu khỏi nhiều ca bệnh đã trải qua nhiều thầy thuốc và người bệnh mắc thời gian dài. Năm 2021, thời Covid-19, ông tham gia Ban chống dịch của phường. Tư vấn trị liệu tại nhà với hiệu quả cao và cùng với tuyến trên xử lý các ca bệnh nặng kịp thời.

Do bệnh nghề nghiệp, khi viết văn, nhà văn Tố Hoài cân nhắc các chi tiết trong sử sách, trong đời thường và con chữ của mình cẩn thận như xem xét người bệnh để kê đơn.

Là Giảng viên Trường Đại học Y – Dược, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ngoài việc trị cho người bệnh và viết văn, ông còn tham gia tư vấn về Sức khỏe sinh sản cho Tổng đài 1088.

Đến nay, nhà văn Tố Hoài đã in có trên dưới 24 đầu sách: 7 tiểu thuyết, 8 tập truyện ngắn và bút ký, 4 tập thơ, 5 đầu sách về phổ cập kiến thức y khoa ứng dụng... Đặc biệt Điển tích Văn học của Tố Hoài dày 1.100 trang, chứa gần nghìn rưởi điển tích văn học đông tây, kim cổ. Là cuốn sách biên soạn công phu dùng cho nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh và các bạn đọc yêu văn hóa nói chung, văn học nói riêng; để làm việc. Nó là kết tinh của kiến thức khoa học, văn hóa cả vốn ngoại ngữ cùng sức đọc, sưu tầm, khảo cứu… Do tính thực dụng cao, Điển tích văn học góp phần khiêm tốn cho phát triển văn học nước nhà.

Từ một giảng viên đại học, bác sỹ từ tâm, đam mê văn học đã góp phần tạo ra chất Nhà văn khoa học. Tố Hoài luôn khát khao đem kiến thức và góc nhìn mới đến bạn đọc.

Lê Thanh Huệ

Nguồn Văn nghệ số 9/2023


Có thể bạn quan tâm