March 29, 2024, 12:19 am

Nhà văn Ðinh Công Diệp và “Rừng có tiếng người”

Cuốn sách dầy chẳng dầy bao nhiêu, mỏng chẳng mỏng bao nhiêu, theo cách nói của các nhân vật người H’Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn, trong tiểu thuyết “Rừng có tiếng người” của cố nhà văn Đinh Công Diệp.

Lúc ấy ông già chẳng già bao nhiêu, trẻ chẳng trẻ bao nhiêu, nhưng bây giờ đã khuất núi rồi! Đinh Công Diệp là lứa thanh niên đầu tiên hăng hái nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc “lên miền Tây vời vợi nghìn trùng” để thực hiện kế hoạch 5 năm đầu tiên xây dưng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, khai hoang phục hóa dựng cơ đồ! Ông sống hết cả đời trên miền núi, gắn bó với Hà Giang – Tuyên Quang, sớm ôm mộng văn chương, chữ nghĩa, thuộc diện nhà văn mới, được phân công đi sống và làm việc ở các tỉnh lẻ miền núi “bám” địa bàn, “cắm” thôn bản, chung thủy với đề tài, như là một nhiệm vụ được cách mạng phân công, đồng thời cũng là một thứ định mệnh, một thứ “luật” không thành văn. Đinh Công Diệp nhiều năm, lúc nào, đi đâu thì chớ, về đến nhà là ông lọ mọ trong góc tối với cái bàn gỗ nhỏ và mớ sách vở giấy má rất không trật tự, cặm cụi viết, cặm cụi đọc, cặm cụi nghĩ ngợi, mò mẫm như kẻ trộm, không để cho vợ con thấy lúc mình làm việc. Mớ bản thảo giấy trắng chả ra trắng, vàng chả ra vàng, mủn xì, nom phát yểu, có cho bọn con trẻ học trò thời nay làm vở nháp nó cũng chả nhận. Ông quen viết trên thứ giấy đó, sờ nắn vuốt qua vuốt lại cho phẳng, thỉnh thoảng, trong cơn  mê muội, ngồi nghĩ về các cuộc rong ruổi,  rượu vào lời ra với ba cái chén lăng nhăng cùng mớ bạn nhem nhuốc trong làng, ngoài bản, dưới ngõ phố, đều là dân lao động giản đơn. Họ thảy đều  không biết ông là ai, làm nghề ngỗng gì, chỉ biết ông là người hiền lành, dễ tính, chả cáu gắt, chả cãi vã, uống tì tì nhưng không lắm lời, chỉ cười hề hề, ai nói gì cũng gật gù cười cười. Khi say thì chui vào chỗ nào tốt cho lưng, làm một giấc, thức dậy lại tỉnh bơ, không vòi vĩnh, không phiền hà, chỉ cần tu gáo nước mưa, hút điếu thuốc quấn. Ông viết ít, nghĩ nhiều, không có nhu cầu nổi tiếng. Các nhân vật của ông đa số là những người đang tìm đường sống. Văn ông giản dị, không màu mè riêu cua. Sách ông đếm trên đầu ngón tay, ít đăng báo, ít được in và phát hành rộng rãi. Những  cuốn  mỏng, nhẹ như “Hương bạch đàn”, “Gió vào cửa bầu”, “Lũng Tù”, “Chỉ mình em mặc áo đen”, theo chỗ tôi biết, hồi ấy, với ông, in thì in không in thì thôi. “Tớ kông piết.”, ông nói giọng giễu nhại gọn lỏn và nhe răng cười hề hề khi tôi đòi sách tặng! Ông ngượng nói chuyện bán sách, tặng sách, biếu sách làm quà, càng không thích bon chen tên tuổi. Nhưng cuối đời, đến cuốn này thì khác. Nó được ông “nuôi nấng” với một “âm mưu” đầy tham vọng từ rất lâu rồi. Không phải tham vọng nổi tiếng. Không phải nhằm vào các loại giải thưởng này nọ. Tham vọng của ông là viết được cái mà mình thích, mình mê, mình chết vì nó, thế thôi.

Sau này, do cách xa, ít gặp, nhiều lúc nghĩ tới nhau, tôi càng quý ông, phục ông hơn vì cái tính bất cần đời! Nay càng kính phục ông anh hơn, sau khi đọc cuốn “Rừng có tiếng người”.

*

Những năm của thập niên 1980, có lần xuống chơi với tôi, hai anh em rượu suốt đêm, hết khôn dồn ra dại, tôi bảo ông anh, bác lười quá, viết gì thì viết đi, lâu không thấy có sách tặng! Đinh Công Diệp  nói sang chuyện khác. Tôi kiên quyết lên giọng, bác rong chơi mãi không chán à? Đinh Công Diệp bỏ li  rượu xuông chiếu. Li rượu đổ!  Ông nhìn tôi vẻ thương hại, cười nhạt: “Chú kéo cái phoóc-mô-tuya-miệng-của-chú-lại-đi! Ở đời, đến anh em ruột các cụ cũng dạy kiến giả nhất phận. Chúng mình đồng nghiệp việc ai nấy làm, cơm ai nấy ăn. Rồi ông cười hiền, nói nhỏ, “Viết văn mà chú làm như bổ củi đào sắn, rõ dở?!”.

Hồi ấy, Đinh Công Diệp có một cơ ngơi chả ra cơ ngơi, là căn hộ cấp bốn trong dãy nhà dài xập xệ của cơ quan. Đơn giản, một viên chức nghèo, cái nghèo khó chung, gia cảnh ai cũng thế, nhưng tôi nhận ra ông là nhân vật khá điển hình của đám nhà văn tỉnh lẻ tuềnh toàng úi xùi, xởi lởi. Đến tỉnh nào ta cũng gặp ít nhất một người như Đinh Công Diệp. Chả ai phân công, nhưng họ, giống nhau ở chỗ, ngay lập tức trở thành bạn ta, người giúp ta kết nối với địa bàn, với người bản xứ. vui vẻ vô tư không hề có chút vụ lợi. Nói tóm lại là lấy vui làm gốc. Ông có bà vợ nhỏ nhắn xinh xẻo mau mắn. Một nhiếp ảnh gia, một nghệ sĩ sống ở miền núi lâu năm như chị, chỉ có cái đức tính lo toan cho chồng cho con, cần mẫn, cam chịu, ngày này tháng nọ lam làm, kỳ cà kỳ cạch với cái máy ảnh cà khổ, đi ngang về tắt hết núi, hết sông, hết các cơ quan ban ngành “chớp”, được bao nhiêu kiểu, kiếm được  mấy đồng tiền lẻ về nuôi ba đứa con tồng ngồng. Chị quyết không để chúng thành con chị Dậu. Chị tần tảo cũng tàm tạm đủ ăn, chả phải nheo nhóc, nhưng chúng được hưởng cái phong lưu theo kiểu riêng của bố, tức là lúc nào cũng hỉ hả vui với khách khứa bạn bè, không kêu khó kêu khổ. Đố ai thấy bố uống rượu một mình bao giờ! Nhưng nhiều người không hiểu lại đánh giá ông là tay hay rượu. Thực ra ông hay bạn, nghiền bạn, nghiền chuyện trò, các cụ gọi là hiếu khách.  Ông luôn có rượu quốc lủi “sang trọng”, rượu thuốc ngâm hẳn hoi. Khách của ông đa số là  các nhà văn nhà thơ nghệ sĩ, ai cũng dễ dãi vui vẻ nên các chú bác bạn  của bố được uống rượu ngâm con rết bằng ngón tay trong cái be bằng bàn tay là đủ hỉ hả. Rượu có sẵn như rết có sẵn, rượu hết rồi lại rót đầy be.  Con rết ấy được ngâm đi ngâm lại xác xơ mà nó vẫn cứ giúp các  bố cười tươi khề khà cả buổi. Và đêm đến, ông  lại ngồi bên bàn gỗ cũ mèm liêu xiêu, chiếc đèn dầu lờ mờ, sau này là đèn  điện, đèn điện để bàn có chụp ánh sáng hẳn hoi, nhưng vẫn kiên quyết mù mờ, yếu ớt, nhỏ tí hin lom lom đỏ. Ông  lọ mọ lật giở một mình, loay hoay một mình với mớ bản thảo nhầu nhĩ giấy vàng khè được bàn tay thô ráp đằn lên đằn xuống, rồi giập, rồi xóa, rồi viết đi viết lại, viết tái viết hồi, đến nát cả giấy, tèm nhem cả mắt. Ông đọc thuộc lòng rồi mà vẫn cứ ôm khư khư mớ bản thảo kỳ khu ấy đến khi hết hơi, sắp tắt thờ vì sức cùng lực kiệt  mới cho nó vào cái túi thổ cẩm cũ mèm từ đời nảo đời nào, vật kỷ niệm của các ông bà người H’Mông nhân vật trong sách, tặng. Ông ném tất tật vào cái quẩy tấu rách. Mãi mấy năm sau cậu con trai, cô con gái và bà vợ nhiếp ảnh gia nhà quê tỉnh lẻ  mò mẫm  lấy ra, gặp thời đất nước mở cửa mới gom góp  đủ tiền nong nhặt nhạnh lâu nay đem in ra cho bố, để lên ban thờ lạy cụ. Hồi còn sống, bố biết nhà mình nghèo lấy tiền đâu ra in. Nhờ bạn bè thì bố không muốn. Bạn mình ai cũng nghèo, cũng khó cả.

Đinh Công Diệp lười mà không lười, chịu khó chả chịu khó bao giờ. Ông viết cuốn sách này có đến hai ba chục năm thì hãi thật. Ông nhẩn nha hay đúng hơn là kỳ cạch, có lúc túi bụi, có lúc úi xùi, có lúc đã định buông bỏ, thế rồi lại có hôm lên cơn nghiền, đọc lại, lại thấy hay hay, được được, máu thú vị dâng lên, lại ngồi nghĩ về ý tưởng, về bố cục, về nhân vật cha con Xúa Lử, Xúa Ly thế nào? Bọn nhân vật mà mấy lão cụ nhà họa sĩ Quốc Cứu người H’Mông ở Đồng Văn kể lên kể xuống, vậy mà khi ngồi viết họ cứ lẩn đi đâu! Chàng trai Thào Lềnh thổi khèn quấn lấy Xúa Ly rồi mai này sẽ ra sao? Ồ, Xúa Ly như con gà mái tơ trước mắt con cáo già Cư Vằn; nó đã chiếm đến bốn cô vợ non rồi, Xúa Ly bị làm vợ nó nữa, để trả nợ cho bố mẹ sẽ khổ sẽ nhục! Ở Khòa Thầu có nhiều người mắc cảnh oái oăm như  Xúa Ly, như cô Nù, người sót lại của cái thời chưa bao giờ hay, chả lúc nào tốt ở trong  ngôi nhà cũ nát, bên chợ Xì Sán cô độc một thân một mình, bị tay lái ngựa  lừa rượu lừa tình lừa tiền. Hắn cùng một giuộc với lão Cư Vằn giầu tiền giầu của giầu mưu mẹo, giầu ác độc mà sao ai cũng phải cúi mình? Không phải ở đây chỉ có nhà bố con Xụa Lử, Xụa Ly, còn có cả cái lão Nhụa Đê khổ hơn khổ, nhục hơn nhục, thân kiếp lão nặng!  Mồ côi cha mẹ, nghèo hơn nghèo, lớn lên sống được chả biết vì sao sống, cứ  lê lết nhà này nhà kia, đói ăn, có hôm thằng bé bú nhờ  sữa chó ngoài ngõ một nhà, may mà chó mẹ chó con mới đầu  gừ gừ, sau đều cho bú nhờ.  Cái tên Nhụa Đê là người Khòa Thầu gọi thằng bé là con chó hay con của loài chó cũng thế. Lớn lên bằng ăn mèn mén thừa của con ma, uống thứ rượu ma. Ở xứ núi Tù Sán Khòa Thầu người H’Mông mỗi khi có ai chết đều để bên mộ một ít món ăn, món uống cho người ma. Nhụa Đê quen rồi, nghiện rồi. Khi lớn hơn, khỏe hơn, có một cô gái cũng mồ côi định lấy nhau, nhưng sau nó gặp người giầu hơn,  theo mất. Nhụa Đê đành nghe lời rủ rê nhập bọn phường săn, đi săn hổ, giết được cả hổ, rồi bị nạn. May mà một đêm đi mò rượu ma ngoài  nghĩa địa, lại gặp được con hổ con, đem về nuôi nó như nuôi mèo.  Càng lớn nó càng quấn chủ…! Đời con người ta như đá chồng đá, như nước xối nước. Ở Khòa Thầu có những thằng giầu  thâm độc như Cư Vằn thì tất có thêm bọn lái ngựa như Xịa Chá, Thảo Say. Xịa Chá coi người Khòa Thầu như những món mồi; nó lèo lái cái to nó nói một lúc nghe thành nhỏ, cái nhỏ nó mói một lúc người ta tin là to.

Ông nhà văn Đinh Công Diệp nhớ hết chuyện này nhớ sang chuyện khác, nhớ rồi ngồi đó chỉ với ý đồ viết mà chơi, chơi mà viết? Đay đi đay lại, đẽo câu gọt chữ, ưng rồi lại ngồi bó gối ngẩn ngơ như lão tâm thần, bị hãm trong nhà Xúa Lử, có con chó đen “khôn chẳng khôn bao nhiêu, dại chẳng dại  bao nhiêu”, định cùng đến nhà Cư Vằn bán cho lão đổi lấy mấy bi. Xúa Lử yêu con chó nhưng vẫn phải nghĩ xấu về nó. Lâu nay lão quen “ăn” năm bi thì cũng cho nó “đớp” một bi.  Ăn mười bi thì cho nó hai bi, và con Đen của lão thành nghiện. Ông Đinh Công Diệp viết thế rồi sao lại xóa, lại đổ mực đầy tờ giấy đang viết! Hóa ra “bố Diệp” định bẻ bút thì Xúa Lử bảo, nay nhà lão  hết sạch sành sanh mọi thứ rồi, nhất định  phải lần mò tìm đến Cư Văn mới được. “Đường dốc xuống như người ngã, đường dốc lên như người đứng, đường nào thì đường, đã có con chó dẫn”. Nhất định phải đến nhà Cư Vằn cho con Đen “đi” vì Xúa Lử biết Cư Vằn thích con đen từ lâu rồi. Đen đến nhà Cư Vằn, Cư Vằn đang “ăn cơm đen” nhả khói trùm thơm khắp. Con Đen nước rãi phòi ra trắng hai bên mép. Nó khom lưng, quỳ xuống, bò lê tới bên mép giường la liếm. Cũng như lão, lão cũng lên cơn thèm, đầu óc u u minh minh chao đảo, thấy con Đen xum xoe, lão bụng thương nó nhưng lại chửi nó là đồ phản chủ! Chửi nó thế cho mình có cái lý cái lẽ rất phải của người H’Mông. Ông Diệp viết: Xúa Lử đay nghiến thầm: “Mày là quân phản chủ, ông sẽ cho mày biết tay!”. Thế rồi cuộc ngã giá khi Cư Vằn vừa “ăn” xong bữa. Cư Vằn biết con Đen này từ lâu rồi. Cư Vằn nghĩ bụng, hôm nay “Trời mang cái sang cái quý đến cho ta đây rồi”.

Nghĩ vậy nhưng Cư Vằn lại nói khác:

“Chó à? Về đi, chó thì nhà tao thiếu gì!”.

Cơn nghiện đang cào cấu trong bụng Xúa Lử. “Nghiện nó về thì nhà cũng phải bán, vợ cũng phải bán. Khốn nỗi vợ lão mới ngoài bốn mươi mà như quả bầu khô…”.

Sau lúc chèo kéo, Xúa Lử  kì kèo: “Tôi mang con Đen đến để nó hầu hạ ông đây!”. Cư Vằn làm như không cần, tiếp tục đuổi nhưng lại nghĩ: “Nhiều lời quá có khi hỏng việc”. Hắn buông một tiếng:

- Bao nhiêu?

- Nhiều không nhiều bao nhiêu. Ít không ít bao nhiêu. Ông cho xin năm đồng cân.

- Xì. Một đồng cân không đáng. Đồ cứt khỉ. Về đi.

Nói xong Cư Vằn lại tiêm thuốc. Hút một mình chả cần mời Xúa Lử.”

Nhà văn Đinh Công Diệp, trong quá trình viết cuốn sách này, cũng bị cơn nghiện cơn say giống như Xúa Lử nghiện “cơm đen” không chú trọng mình đang làm gì, nói gì. Đầu óc ông lúc nào cũng lom lom nghĩ về thân phận cái thằng người Xúa Lử đang lâm cảnh khốn cùng tăm tối. Ông viết ra cảnh Lử đang cắm mặt vào chuyện cầu cạnh bán cho được con chó, không cay cú giận hờn sự u tối của  mình.  Ông viết ra cái u tối của các con người ấy, bởi họ cũng chỉ biết luẩn quẩn xung quanh cái bản Khòa Thầu của ông. Bản  Khòa Thầu heo hút với cái bàn đèn của lão nhà giầu Cư Vằn, chuyên ăn “cơm đen” trong khi mọi người chả ai có tiền có bạc trắng bao nhiêu. Người nghèo như Xúa Lử, ăn cơm vàng cơm trắng của vợ mà ngon thì nói làm gì? Cơm đen nó làm đen cái đầu, đen cái nghĩ, đen cái lòng, nó mà lên cơn thì vợ cũng bán, con cũng bán, trâu bò, nương rấy cũng lần lượt ra đi cả…

*

Tôi quen rồi chơi thân với Đinh Công Diệp từ năm 1976, khi ông là cán bộ văn hóa tỉnh miền núi Hà Tuyên tăng cường cho Gia Lai- Kon Tum. Trong đám cán bộ tăng cường ấy, anh nào cũng có vẻ mặt quan trọng, thậm chí dè dặt khó gần. Duy có mỗi cái anh gầy gầy, cao cao hay cười, thích làm thân với mấy tay bản địa có vẻ xuề xòa ham chơi và thế là anh em tôi rất nhanh thành tri kỷ. Có lần tôi đưa ông về chơi đồn biên phòng Đức Cơ, giáp Cam pu chia, uống rượu cần thỏa thích. Cũng có lần về vùng K8 An Khê, K10 chiến khu của tỉnh Gia Lai rồi xuống AyunPa vùng Cheo Reo Phú Bổn. Tóm lại là khá rôm rả. Mỗi lần đi là một lần khắc dấu cảm tình anh em. Ra Hà Nội tôi lên Tuyên chơi với ông ngay. Ở đâu cũng thế, khi ở công sở hay lúc về làng, lúc nào ông cũng dễ dãi xởi lởi.  Tôi theo ông và anh Quốc Cứu, một họa sĩ người Tày về Đồng Văn Mèo Vạc, nhà anh Cứu. Hai ông anh, một Tày, một Kinh, nhưng ngồi trong nhà dân tất cả đều nói tiếng Việt. Ăn mèn mén, uống rượu bát, lúc đi sang nhà này nhà kia, ngồi bên bếp lửa, nói chuyện rù rì với người già, hát theo các cô gái, múa khèn theo các chàng trai, rồi thỉnh thoảng có kéo nhau đi chợ, vào chợ ăn thắng cố, tất nhiên là uống rượu ngô, không có sự giãn cách, không có sự phải làm quen, càng chẳng bao giờ thấy ông “tác nghiệp” như hỏi han, ghi chép. Tôi thì hay có cái trò hỏi lung tung, ghi chép lung tung, nhất là ham học nói, học hát tiếng H’Mông, mà cứ uống rượu vào là hay bốc lên dở lắm trò chả ra gì. Ông toàn cười cười, nhìn thằng em như kiểu người bản xứ tiếp khách.

Câu chuyện Nhụa Đê cùng anh Sừ canh giữ cho nhà họ Vàng giết hổ vang động khắp vùng. Rồi đến chuyện lão Đê đêm đêm cùng con hổ mò ra nghĩa địa kiếm cái ăn cái rượu ma để uống, để sống, rồi gặp ma anh Sừ. Anh Sừ ma đưa đường dẫn  lối cho cái chân Đê chân hổ theo bóng cây lao đâm hổ năm xưa của anh. Tay Đê cầm con dao đào đất, lật được một miếng hai miếng, gặp túi bạc trắng hoa xòe. Túi bạc không phải của anh, không phải của em thì bạc là của con ma người Hán, ma Sừ nói. Thằng người Hán này non tuổi mà nó đã lừa, biết cướp bắt gái bản gần bản xa nhiều lần, trai các bản xa bản gần giết nó. Bố mẹ nó đau khúc ruột già, đau khúc ruột non, nên khi nó về chầu ma, dựa theo cái lý cái lẽ của người H’Mông mà cha mẹ Hán nó  cho nhiều gói bạc trắng hoa xòe. Ma anh Sừ ôm Nhụa Đê nói  với Nhụa Đê rằng, anh đã yên phận, còn em, lưng vẫn đeo hòn đá nặng… Đê ơi, em cầm gói bạc này trả ơn cho người bắn ba phát súng đưa em về với anh, với cõi ma…

Thực ra cuối cùng ông Nhụa Đê vì thương Xúa Lử mới tìm gặp Xúa Ly, Thảo Lềnh trong rừng. Đứa trai đẹp, đứa gái đẹp vào sâu trong rừng nói lời yêu, nói lời tốt hay ông nhà văn Đinh Công Diệp viết thế, kể thế. A hà, ông muốn rừng có tiếng người đẹp, rừng có tiếng người hay là thế! Ông nhà văn, sau  nhiều năm nhiều ngày rong ruổi khắp cao nguyên tìm mãi tìm mãi  không tìm đươc, không tìm ra chỗ rừng có suối có chim, có người đẹp như hai con chim Ly Lềnh mà đường vẫn con đường dốc đứng như người đứng, dốc ngang như người nằm. Đường dốc xuống như người chổng mông. Đường nào thì đường, trước đây đã có con Đen, con Hổ dãn lối.  Lối đến nhà ma, nhà ma anh Sừ, ma Sừ nó dẫn cho em bạn Nhụa Đê gặp bác Diệp, cả  một đời người đi theo cách mạng viết văn, bây giờ kể chuyện này cho dân bản Khòa Thầu thời nay để cho họ biết  cái thời trước họ phải sống, hay chả hay gì, đẹp chả đẹp gì, may mà nhờ có bác khi bác về với cõi ma mới hay ông bác là nhà văn Đinh Công Diệp. Chỉ có ông Diệp mới thương bản Khòa Thầu, thương  bố mẹ Xúa Ly, thương con Đen con hổ của lão Nhụa Đê, vật vờ chả còn vật vờ nữa. Ông Diệp rộng lòng cho phép dân bản đón gặp vợ chồng Lềnh Ly được bế con theo về bản mới….

Hà Nội những ngày CoVid nhớ bác Diệp.

Thứ Ba ngày 6 tháng 7 năm 2021

Nguồn Văn nghệ số 32/2021


Có thể bạn quan tâm