April 26, 2024, 4:08 am

Nhà văn Hữu Ước - Một cây bút đa tài

Thời gian đồng hiện 20 năm trước, về tuổi trẻ của tôi ngày bước vào giảng đường đại học năm 1997 hay tuổi 17 lên đường ra trận như nhiều thanh niên thế hệ 5X như nhà văn Hữu Ước (1953). Tuổi 63, ông xuất bản 2 tập của tiểu thuyết đầu tiên và quan trọng của đời văn: Kiếp người. Mỗi tập cách nhau đúng nửa năm: 8/5 ra mắt tập 1 Sống (497 trang, in 3 vạn cuốn), 8/11 trình làng tập 2 Lửa (399 trang, in 5 vạn cuốn). Bộ sách đều khổ 16x24cm, kỉ lục về lượng phát hành ở thời buổi suy giảm văn hóa đọc (NXB Văn học) thực sự là hiện tượng gây chú ý trong giới cầm bút trí thức, nghệ sĩ năm nay. Tôi may mắn được tác giả chia sẻ tác phẩm này từ bản thảo. Mỗi tập đánh máy khổ A4 nặng về khối lượng lẫn suy nghiệm, dự báo, hệ thống tuyến nhân vật, vốn sống. Tình huống, dữ liệu dồn dập thoại rất đời mà không thiếu chất hài hước (humour) - một biểu hiện cuốn hút của văn chương thế giới hiện đại. Có thể khẳng định, Kiếp người là cuốn tiểu thuyết đáng đọc. Đấy là kiếp của chính nhà văn và các phận người ông gặp, gắn bó, biết và chứng kiến. Không đơn giản là  tự truyện xây dựng tuyến tính để công chúng thông thường và những đồng nghiệp hiếu kỳ có thể rỉ tai nhau: “Đọc đi, đọc để biết đời Hữu Ước!”. Kiếp người chứa bối cảnh xã hội chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam trước, sau chiến tranh chống Mỹ, qua thời kì đổi mới cho đến nay, tính đa tầng của tiểu thuyết này là khả năng điều tiết xúc cảm tài tình của việc phân tâm bằng đa giác của góc nhìn không lệ thuộc tâm thế, quan điểm của cái tôi. Điều này tạo nên độ khách quan, trung thực trong việc tạo dựng các không gian, nhân vật. Nếu là  nhà sản xuất phim, tôi sẽ mua ngay bản quyền, đề nghị nhà văn chuyển thể tác phẩm này thành kịch bản (KB) điện ảnh… để làm một bộ phim đồ sộ.


Có thể bạn quan tâm