March 29, 2024, 2:34 am

Nhà văn Diêm Liên Khoa: Văn học chỉ quan tâm đến cái thiện là nông cạn

Sáng 5/4/2019, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm văn học Khám phá tiểu thuyết với sự hiện diện của các diễn giả là nhà văn Diêm Liên Khoa (Đại học Nhân dân Trung Quốc) và giáo sư Vương Nghiêu (Đại học Tô Châu,Trung Quốc). 

Đây là dịp để giới chuyên môn và độc giả ở Việt Nam có cơ hội tiếp cận, trao đổi với Diêm Liên Khoa - nhà văn được đánh giá là một trong những cây bút xuất sắc nhất của văn học Trung Quốc đương đại. Một số cuốn tiểu thuyết của ông đã được dịch ra tiếng Việt như: Phong Nhã TụngNgười tình phu nhân sư trưởngNàng Kim Liên ở trấn Tây MônKiên ngạnh như thủyĐinh Trang mộng...

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Văn học chỉ quan tâm đến cái thiện và tình yêu là nông cạn

Tại buổi tọa đàm, nhà văn Diêm Liên Khoa chia sẻ về con đường đến với văn chương của mình. Sơ khởi ông đến với văn chương vì một ước mong trần tục, đó là thoát khỏi những lao động ruộng đồng. Bây giờ nhìn lại, nhà văn nhận ra, mình không thể làm gì khác ngoài viết lách.

Những quan niệm về văn chương là cốt lõi để Diêm Liên Khoa định hướng cho những sáng tạo của mình. Một phần không nhỏ trong những tác phẩm của ông là lối viết đi sâu vào cái ác để soi chiếu điều thiện. Nhà văn cho rằng: Văn học chỉ quan tâm đến cái thiện và tình yêu là một nền văn học nông cạn. Sự vĩ đại, lớn lao là văn học quan tâm đến cái ác, ở trong bóng tối để nhìn ra ánh sáng và cái thiện. Sự quan tâm một chiều sẽ làm cho văn học trở nên lạc hậu. Mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta đều là tài nguyên của văn học. Và nhà văn thì nên xem mọi thứ không là tốt cũng không là xấu. Ông nhấn mạnh: “Tôi luôn đứng trong bóng tối để đánh thức, khơi dậy những điều chân, thiện, mĩ”.

Trong mối liên hệ của quan niệm này với văn học Việt Nam, nhà văn Diêm Liên Khoa đã không ngừng bày tỏ sự yêu thích và ngưỡng mộ nhà văn Bảo Ninh với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh. Ông cho rằng, đây là cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh với giọng văn đầy trữ tình, quan trọng hơn, nó đã vượt qua hình thái chiến tranh và ý thức chính trị để trở về với nhân tính.

Tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa thường viết về tự nhiên theo những cách khác thường và đầy ám ảnh. Điều tiếc nuối của nhà văn là, ông sinh ra ở nông thôn, nhưng ngày nay ở nông thôn Trung Quốc, khi thức dậy người ta đã không còn nghe thấy tiếng chim hót. Ông cho rằng, khi một nhà văn viết về thiên nhiên, môi trường là khi có một nguyên nhân, một lí do quan trọng thôi thúc họ viết. “Khi đối diện với tự nhiên, bạn coi đại tự nhiên như một con người thì hãy viết, còn nếu chỉ viết như văn miêu tả phong cảnh thì hãy dừng lại. Viết về đại tự nhiên không chỉ là trách nhiệm của nhà văn chân chính mà vì tự nhiên chính là một phần sinh mệnh của chúng ta”.

Mỗi tác phẩm của Diêm Liên Khoa là một sự nhảy vọt về tư tưởng và nghệ thuật. Điều này luôn đặt ra những thách thức với các nhà nghiên cứu phê bình khi định danh, gọi tên phong cách hay trào lưu sáng tác của ông.

Người định nghĩa lại văn học

Ở Trung Quốc, sau năm 1949 văn học có sự chuyển biến lớn. Chủ nghĩa hiện thực phê phán gần như không có, hoặc có thì cũng không đúng nghĩa, thay vào đó là hiện thực xã hội chủ nghĩa. Sau năm 1978, một phần là sự thay đổi tự thân, một phần do ảnh hưởng của văn học phương Tây, văn học Trung Quốc đã chuyển sang chủ nghĩa hiện thực đầy tính hiện đại.

Diêm Liên Khoa cho rằng các sáng tác của ông hấp thụ những kinh nghiệm của văn học phương Tây, cùng với sự tiếp nối hiện thực Trung Quốc, nhưng đó là cái hiện thực không giản đơn, hiện-thực-ta-không-nhìn-thấy. Và chính xác là ông đã bỏ chủ nghĩa hiện thực để sang chủ nghĩa thần thực.

Chủ nghĩa thần thực quan tâm đến cái hiện thực ta không nhìn thấy, cái chân thực bị che lấp, cái hiện thực không hề tồn tại. Đinh Trang mộng và Kiên ngạnh như thủy chính là mầm mống của phong cách này. Trong cuốn lí luận Khám phá tiểu thuyết của mình, nhà văn nói rõ hơn về chủ nghĩa thần thực mà ông theo đuổi. Bạn đọc có thể hình dung, đó là cách nhà văn đi vào tầng sâu của tiềm thức, đi tìm sự chân thực của con người qua giấc mơ. Tâm thức và vô thức của con người là nơi chứa đựng bản nguyên người nhất. Nhưng đó là một hiện thực mà ta không thể tìm thấy. Diêm Liên Khoa đã mượn thần thực để nói về hiện thực/hiện tại bi thương. Đọc ông để nhận ra, thần thực không phải vì thực mà vì nhân.

Từ trái qua phải: nhà văn Diêm Liên Khoa, tiến sĩ Đỗ Văn Hiểu, giáo sư Vương Nghiêu

Giáo sư Vương Nghiêu cho rằng: Việc đặt nhà văn vào một trào lưu nào đó là việc của nhà phê bình. Tuy nhiên, một nhà văn xuất sắc thì không thể dùng trào lưu để luận. Vì nhà văn xuất sắc sẽ vừa ở trong, vừa ở ngoài trào lưu mà chúng ta cũng không thể nắm bắt. Dùng trào lưu để đánh giá nhà văn, thì nhà văn đó coi như đã là một nhà văn thất bại. Không thể xếp Diêm Liên Khoa vào trào lưu nào, vì ông là riêng biệt. Giáo sư Vương Nghiêu đánh giá, cá nhân ông coi Diêm Liên Khoa là nhà văn đương đại xuất sắc nhất Trung Quốc hiện nay. “Diêm Liên Khoa là nhân vật lịch sử, ông đã định nghĩa lại văn học Trung Quốc”, giáo sư khẳng định.

Diêm Liên Khoa luôn hoài nghi về những thành tựu văn học của những người đi trước để tìm ra những khiếm khuyết, từ đó tạo cho mình một con đường khác. Ông là nhà văn có thế giới quan tốt và quan niệm nghệ thuật xuất sắc. Tác phẩm của ông phản ánh những nhận thức về thế giới của ông.

Đằng sau sự rụt rè của vẻ bề ngoài là một nội tâm mạnh mẽ để nhà văn đề kháng lại những vấn đề trong xã hội. Diêm Liên Khoa không phản kháng hay chống lại những chính sách và thể chế, mà tác phẩm của ông được xem là những lí giải lịch sử mang tính cống hiến. Ông cho rằng mình đã không giễu nhại, châm biếm qua những tác phẩm, mà đó là những gì thuộc về Trung Quốc một thời. Giáo sư Quý Tiến đến từ Đại học Tô Châu cho rằng: Diêm Liên Khoa là nhà văn Trung Quốc có phẩm cách thế giới nhất, hay nói cách khác, ông đã viết những tác phẩm văn học thế giới có ý hướng Trung Quốc.

KIM NHUNG

Nguồn VNQĐ


Có thể bạn quan tâm