April 26, 2024, 6:30 am

Nhà văn của binh trạm...

 

Trong một giao lưu văn học mới đây với các sỹ quan quân đội, các anh hỏi danh xưng nào làm tôi yêu thích nhất, tôi trả lời ngay là danh xưng “nhà văn binh trạm”. Bởi trước tôi, đã từng có những nhà văn, nhà thơ xuất thân từ binh trạm, gắn bó với binh trạm, trở thành những nhà văn nhà thơ “binh trạm” nổi tiếng như Phạm Tiến Duật, Trần Nhương, Phạm Trung Nhân...

         ... Mùa mưa năm 1970, từ một tiểu đoàn pháo cao xạ chiến đấu ở Bản Ban, tôi được gọi về ban Tuyên huấn Binh trạm 11. Ở đây đã sẵn có hai anh là Ngô Xuân Thông, trợ lý câu lạc bộ và Phạm Trung Nhân, trợ lý tuyên truyền. Thoạt đầu tôi được phiên chế về đội văn nghệ của Binh trạm, ngày ấy là gọi là đội Tuyên văn, để ra Hà Nội tập huấn xây dựng chương trình biểu diễn. Nhưng chưa kịp lên đường, thì có quyết đinh binh trạm tách hai, thành lập một binh trạm mới là binh trạm 13 lên tuyến trước, thuộc nước bạn Lào. Anh Xuân Thông ở lại binh trạm 11, hậu cứ ở Mường Xén, bên này biên giới, còn anh Trung Nhân và chúng tôi được đưa về binh trạm 13, đi sâu vào nước bạn Lào 200 km, mờ mịt đạn bom. Anh Trung Nhân vẫn là trợ lý tuyên truyền, còn tôi  được giao nhiệm vụ làm thơ, viết kịch cho đội Tuyên văn biểu diễn, với những diễn viên như Hữu Chính, Thu Hòe, Thu Minh, Kim Tuyến, Quang Văn, Ngọc Thìn, Việt Bắc, Đức Long, Thu Lan... rút về từ những đơn vị pháo, công binh, TNXP, kho hàng... năm tháng sống cùng lửa đạn chứ chưa một lần đứng dưới ánh đèn sân khấu...

So với chúng tôi, anh Trung Nhân không những hơn về tuổi đời, tuổi quân, cấp bậc, mà còn về uy thế, tên tuổi. Anh là con một, sinh ra trong một gia đình nền nếp gia giáo, rất khá giả ở đất cảng. Bố anh có một ngôi nhà thuộc loại cổ nhất của Hải phòng. Anh nhập ngũ từ năm 1962, từng là một lái xe dạn dày của đại đội 51, thuộc lòng từng cung đường, từng trọng điểm, từng vách núi... của những tuyến đường sang nước bạn Lào. Anh còn là một nhà văn, người duy nhất ở binh trạm chúng tôi được gọi là nhà văn vì từng có tác phẩm in ở tạp chí Văn nghệ quân đội (ngày ấy danh xưng nhà văn là sang trọng lắm, oách lắm, không chỉ trong quân đội mà còn ở bên ngoài), nên các thủ trưởng binh trạm nâng niu lắm, quý trọng lắm, cứ luôn sợ một ngày nhỡ Tổng cục hay Trung ương điều ra Hà Nội thì... nguy… 

Anh Trung Nhân kể: Ngày ấy mình đang là lái xe ở C51, thì được chuyển về làm thống kê ở đơn vị. Lý do chuyển về vì đã học hết phổ thông, mà ngày ấy lính tốt nhiệp phổ thông còn hiếm lắm… Làm công tác thống kê vừa sẵn giấy bút, cũng lại yêu thích thơ văn, nên thi thoảng mình cũng viết tin bài gửi về bản tin Tổng cục Hậu cần hay báo Quân đội nhân dân. Thế mà lại nên chuyện. Năm 1968, mình được đơn vị cử ra Hà Nội dự lớp viết văn đầu tiên của Tổng cục Hậu cần. Thày dạy viết văn  là các ông Đỗ Gia Hựu, Vũ Sắc, Đại Đồng. Nhiều cây viết của Tổng cục ngày ấy như Trần Nhương, Phạm Thị Thanh Thủy, Phạm Hoa, Trần Duy Mạnh, Xuân Mai... cũng về sự trại. Sau trại ấy, mình có truyện ngắn  đầu tiên là Chuyến hàng tới đích được giới thiệu ở tạp chí Văn nghệ quân đội. Có thể vì thế mà binh trạm 11 đã rút mình về cơ quan tuyên huấn, giao nhiệm vụ chuyên xuống các đơn vị viết tin bài cho bản tin của binh trạm và cho các báo chí Trung ương mà mình cộng tác... Ở binh trạm mình được các anh em yêu quý gọi là nhà văn, còn trên tổng cục (Hậu cần) mình được các anh ấy xếp vào lực lượng viết của vận tải (Cục vận tải quân sự) lúc ấy đang có các anh Phạm Tiến Duật, Trần Nhương, chị Phạm Thị Thanh Thủy… Lực lượng này cũng được coi đáng kể, sánh với lực lượng viết các quân binh chủng khác...

Sau đó anh tặng chúng tôi một một tờ báo Quân đội nhân dân có bài viết mới nhất của anh: Một bài viết ở mục “gương người tốt việc tốt” về môt chiến sỹ đại đội xe 52 là Lê Văn Học đã thông minh và dũng cảm dùng chính xe ô tô của mình để lao qua bãi bom của địch, phá bom từ trường, mở đừong cho xe ta băng qua tiến về phía trước, mặc anh bị mảnh bom cắm đầy mình và có thể hy sinh.

Bài báo ký tên Phạm trung Nhân sáng ngời...

*

Cũng chính bài báo ấy đã giúp tôi. Số là thời gian ngắn sau, đội tuyên văn của chúng tôi ra Hà nội, cùng các đội tuyên văn các binh trạm trên các tuyển vận tải quân sự trên cả nước tập huấn văn nghệ, xây dựng chương trình biểu diễn mới chuẩn bị cho mùa khô sắp tới (Là mùa vận chuyển). Từ bài báo của anh Trung Nhân, với sự giúp đỡ của thày Lưu Quang Thuận, tôi đã viết  vở kịch ngắn Trọng điểm, được đạo diễn Doãn Hoàng Giang dàn dựng cho các đội văn nghê các binh trạm biểu diễn. Kết quả này của tôi, đương nhiên có 50 % từ bài báo của anh Trung Nhân, bởi câu truyện của kịch chính là sự tích lái xe Lê Văn Học dũng cảm dùng xe của mình phá bom từ trường mà  tôi được biết từ bài báo của anh Phạm Trung Nhân 

Sau đợt tập huấn từ Hà nội trở về, trong khi đội tuyên văn của binh trạm mang kịch Trọng điểm đi biểu diễn ở các đơn vị, thì “tác giả” của nó lại nhận một công việc mới: Tham gia làm tờ tin Đường phía trước của binh trạm do anh Phạm Trung Nhân phụ trách. Tờ tin  này được làm nên dưới những tán cây săng lẻ, nằm kề bên đường vào mặt trận, in bằng đá litô. Anh Trung Nhân vừa là người duyệt bài, lại cũng là người viết bài, lại sẵn nhiều hoa tay, hướng dẫn một chiến sỹ công binh vừa được rút về  là Ngô Quốc Lập viết chữ ngược lên đá, rồi lăn mực, phơi khô, rồi chiều tới ba anh em cõng báo ra ven đường phát cho các lái xe, các chiến sỹ công bính, pháo binh... đang chiến đấu ngoài mặt đường Hai năm binh trạm, hàng trăm số báo như thế đã đến với người chiến sỹ, làm lính tráng rất nức lòng, nhất là với một binh trạm xa xôi hẻo lánh như binh trạm miền tây này...  

Tờ báo cùng công việc của một sỹ quan tuyên truyền có lẽ đã thu hút hết tinh lực, dường như không lúc nào anh Trung Nhân có thể cầm bút viết văn, dù con đường 7 của chúng tôi đúng là một con đường của văn chương, nơi nhà văn nổi tiếng Nguyễn Minh Châu đã viết một truyện ngắn đầy thơ mộng Mảnh trăng cuối rừng... Nhưng dù vậy, Tổng cục vẫn hết sức tín nhiệm cây bút Phạm Trung Nhân, liên tục gọi anh về tham dự các trại viết tổng cục, và đó là thời gian yên tĩnh cho các truyện ngắn Những tàu lá đùng đìnhTrung đội trưởng trung đội 4 viết về các nữ lái xe Trường sơn ra đời, được giới thiệu trong các tập sách của Nxb Giải Phóng và Nxb Quân đội nhân dân...

Sau ngày giải phóng, binh trạm 13 sát nhập lại với binh trạm 11, rồi lại sát nhập với binh trạm 18. Không còn phiên hiệu nữa, những người lính tản mát khắp nơi. Anh Trung Nhân và anh Ngô Xuân Thông đi học đại học văn hóa, trở thành những đạo diễn nghệ thuật, anh Thông trở lại Tổng cục hậu cần, còn anh Trung Nhân về Nhà Văn hóa Hải quân, nơi có một lực lượng làm công tác văn học nghệ thuật hùng hậu: sáng tác văn học có Trần Đăng Khoa, Đình Kính, Lê Hoài Nam, Sĩ Thoại… âm nhac có nhạc sĩ Thế Dương với bài hát Lướt sóng ra khơi nổi tiếng, rồi nhạc sĩ Trần Tuất, biên đạo múa Thanh Tiền... Thế là Trung Nhân xa binh trạm, xa ngành vận tải quân sự, nơi anh đã gắn bó suốt những năm tháng chiến tranh

*

Tôi về học Đại học Sư phạm rồi tình nguyện lên Tây Nguyên, rồi đi làm báo. Thật lòng dù ở nơi nào, tôi cũng luôn nhớ những tháng năm đời lính, những tháng năm binh trạm… Cũng chính từ những ngày đạn bom máu lửa này, trong sự tôi luyện của chiến trường, và trong tấm lòng ấm áp của các anh, người lính trẻ là tôi đã không ngừng trưởng thành, và thức dậy nhiều hoài bão về văn chương. Đặc biệt là từ những trang viết của anh Trung Nhân, từ chính những tin bài từ bản tin Đường phía trước, tôi đã mang trong thâm tâm một mong ước sẽ viết một bộ tiểu thuyết về cuộc chiến đấu anh dũng của cán bộ chiến sĩ binh trạm 13, và tiểu thuyết này, tôi thầm nghĩ, dù mình viết được 200, 300 trang hay nhiều hơn thế nữa, thì cũng chỉ đặt một cái tên rất giản dị nhưng rất hàm súc, là Binh trạm, với lời đề tựa “Kính tặng Binh trạm 13 thân yêu”…

Năm tháng qua đi với bao nhiêu bận rộn, mặc dù khao khát về cuốn sách ấy luôn day dứt trong tôi, nhưng cũng phải đến 42 năm sau tôi mới có thể bắt tay vào thực hiện được khao khát ngày ấy. Đó là vào năm 2011, tôi cùng những người bạn Nguyễn Hiệp, Nguyễn Hiếu, Trần Minh Văn, Bùi Lê Huyên, Trịnh Dũng… có một chuyến đi sang thủ đô Viêng Chăn của Lào, được một người con trai của Chủ tịch Xuphanuvông đang giữ cương vị là Thứ trưởng trong Chính phủ Lào, cùng đại sứ của ta ở Lào lúc ấy là nhà thơ Tạ Minh Châu đón tiếp rất ân tình. Đêm ấy trong một khách sạn tầm cỡ 5 sao ở Viêng Chăn, khi các bạn đã ngủ yên, thì tôi nằm mà nước mắt cứ trào ra khi nhớ lại tuổi 17 của mình với chiếc ba lô cóc và khẩu súng trên vai. Một đêm chiến tranh, lội qua Nậm Tiền, Nậm Mật, khi thì nước sông loang loáng ánh bạc, khi thì bừng sáng vì pháo sáng quân thù… Chúng tôi đã trở thành những người lính tình nguyện kề vai sát cánh cùng các bạn Lào trong hoàn cảnh như vậy… Vâng, cái đêm tuổi 17 lần đầu vượt Trường Sơn bước chân qua biên giới ấy, có bao giờ tôi dám nghĩ rồi một ngày người lính năm ấy là tôi sẽ bay trên một chiếc Boeing 777 đến thủ đô của bạn như hôm nay, lại được những người con thân yêu của Lào đón tiếp trọng thị và cờ hoa rực rỡ thế này…

Và cùng với những giọt nước mắt, tôi lại nhớ về những cánh rừng, những con đường, những trọng điểm… Nậm Tiền, Nậm Mật, đèo Đất đèo Đá, rồi Bản Ban, Phunokok… mà chúng tôi đã chiến đấu vô cùng gian khổ để giúp các bạn Lào giành lại Cánh đồng Chum, để giải phóng nhân dân các bộ tộc Lào. Những người đồng đội, đồng nghệp ngày ấy: Chính ủy Dư Cao, Binh trạm trưởng Việt Sinh, thủ trưởng Hạnh, thủ trưởng Nho, thủ trưởng Độ, anh Trung Nhân, Ngô Quốc Lập, Phan Hữu Chính… giờ ai còn, ai mất? Bao sự tích hào hùng những năm tháng ấy, bao vẻ đẹp cao quý của người lính những ngày tháng ấy, lẽ nào theo nước con suối kia, theo con gió cánh rừng kia, một đi không trở lại? Không, không và không! Nước có thể trôi, gió có thể bay, nhưng những chiến công và cuộc đời các anh, những cán bộ, chiến sĩ của binh trạm 13 của chúng ta, sẽ phải còn lại mãi, đọng lại mãi, không một điều gì có thể làm mất đi hay làm phai mờ...

Vậy là sau chuyến đi ấy, tôi đã từ Tp Hồ Chí Minh bay ra Vinh, rồi theo con đường 7 trở lại những con đường, những cánh rừng năm xưa. Đã vã lên mặt mình nước dòng sông Lam, đã quỳ xuống uống ngụm nước trong vắt của sông Nậm Mật, Nậm Tiền… Và rồi đêm ấy, đã bắt đầu những dòng chữ đầu tiên cho câu chuyện này: “Bạn ơi, tôi sẽ kể bạn nghe/ Một câu chuyện về rừng và những năm tháng ấy…”. Đó chính là tiểu thuyết Tiếng chim hót lảnh lót giữa rừng, được nhận sự đầu tư sáng tác văn học của Bộ quốc phòng, và cũng được giải thưởng của Bộ quốc phòng về các tác phẩm Văn học Nghệ thuật giai đoạn 2009-2014. Khi nhận giải thưởng, tôi muốn tặng lại  một nửa cho binh trạm 13 của tôi, và một nửa cho anh Phạm Trung Nhân, người đã dìu dắt tôi từ những tháng năm lửa đạn… 

*

Như trên vừa kể, sau chiến tranh, anh Trung Nhân về học Đại học văn hóa, trong một lớp học bao gồm những người lính từ mặt trận về, như Thái Văn Hóa (tác giả bài hát Đất nước bên bờ sóng), Xuân Thông, Tô Nhuần, Ngọc Bái, Phạm Lê, Nguyễn Vũ Hoàng... Tốt nhiệp, anh về Nhà văn hóa Bộ tư lệnh Hải quân. Thoạt đầu nhà văn của binh trạm chúng tôi là trợ lý, rồi sau đó mang quân hàm Thượng tá, là chủ nhiệm nhà văn hóa Bộ tư lệnh Hải quân. Tuyến hoạt động của anh giờ không chỉ trải dài theo những con đường miền Tây sang nước bạn Lào như xưa, mà dọc theo những bãi biển, những hòn đảo từ Đông Bắc - Quảng Ninh cho tới Kiên Giang - Phú quốc... Anh khoác ba lô tới xây dựng những chương trình nghệ thuật, xây dựng“ Phòng Hồ Chí Minh” cho các đơn vị, xây dựng những chương trình tham gia hội diễn toàn quân cho lực lượng văn nghệ quần chúng hải quân… Có thể vì nhiệm vụ mới, anh đã không viết văn nữa chăng? Đã có lần tôi hỏi anh như vậy. Anh bảo một phần thôi, còn là bởi một lý do khác…

Trầm ngâm một lúc rồi anh nói: - “Anh em mình bao năm qua chuyên viết những tấm gương, những sự tích anh hùng của người lính, nghĩa là chỉ chuyên viết ngợi ca người lính trong chiến tranh, giờ đây về một cuộc sống khác với nhiều cái chưa hay, chưa tốt, cùng nhiều sự bất công, tự nhiên thấy khó viết và thật sự là không muốn viết nữa em ạ. Thà chọn cái nghề múa hát cho vui...”.

Tôi biết anh nói vậy, nhưng không phải những năm tháng binh trạm ngày nào đã nhạt phai trong con người ấy. Qua câu chuyện, biết anh vẫn đang ấp ủ một một đề cương tiểu thuyết về chiến sỹ Lê Văn Học, lái xe đại đội 52 đã dùng chính chiếc xe của mình làm phương tiện phá bom từ trường mà anh đã từng viết báo trước đây. Sáng kiến và hành động anh dũng của Lê Văn Học đã được binh trạm biểu dương và sau có đề nghị ra Hà Nội phong anh hùng, nhưng có nhiều lý do của cuộc đời khiến Lê Văn Học vẫn mãi là một anh hùng khuất lấp, và cuốn tiểu thuyết của anh Phạm Trung Nhân vì thế trở nên dang dở… Chính điều đó đã khiến anh cảm thấy có lỗi với Học, với những đồng đội lái xe của mình năm xưa, và có lỗi với chính tuổi trẻ dũng cảm chiến đấu, mê say văn chương của mình...

Sau buổi gặp gỡ vơi sanh một thời gian ngắn sau, tôi được nhận từ anh một bài thơ, trong đó có câu:

 ... Đồng đội ơi

Nước đã chảy qua Nậm Mật ,Nậm Tiền

Gió đã thổi qua "Những tầng cây săng lẻ"

Vệt bánh xe đã mo dọc bản Ban đèo Đá

Hố bom đã lấp đầy Funukok , Khang khay

"Tiếng chim lảnh lót "cũng xa rồi dốc Long Chẹn, Cánh đồng Chum

Chỉ còn những chiến công ngày xưa vẫn còn vang vọng...

Cái hôm được bài thơ anh gửi, tôi lại đang ngồi với nhạc sỹ Hữu Xuân, tác giả của những ca khúc Hát về Tổ quốc tôi, Thuyền và biển, Hoa tìm ngày xưa, Hà nội mùa lá bay, Hà nội ngày chia xa... Xúc động, tôi đưa bài thơ của anh Trung Nhân cho anh Hữu Xuân cùng đọc.

            Ba ngày sau, nhạc sỹ Hữu Xuân đến thăm tôi, mang theo bài hát, mang tên Nỗi nhớ binh trạm do anh phổ bài thơ của Phạm Trung Nhân. Rồi Hữu Xuân khe khẽ hát cho tôi nghe bài hát đó. Chẳng hiểu sao những giọt nươc mắt bỗng trào ra, lăn trên má tôi theo mỗi lời nhạc sỹ....

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2019

 


Có thể bạn quan tâm