April 19, 2024, 5:56 am

Nhà văn – chiến sĩ và một thế hệ tiêu biểu của văn học cách mạng kháng chiến

Hơn bảy mươi năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh những chiến công, những danh tướng, những anh hùng, liệt sĩ còn có một đạo quân, một đội ngũ nhà văn – chiến sĩ đông đảo. Đó là vốn quý, là niềm tự hào không những của riêng quân đội mà còn là niềm tự hào của nhân dân, dân tộc Việt Nam. Nhớ lại năm 1948, trong Hội nghị tuyên truyền toàn quốc lần thứ III tổ chức tại chiến khu Việt Bắc, nhà văn Nguyễn Đình Lạp, một nhà văn trong phong trào “văn nghệ sĩ đầu quân”, một “vua phóng sự” của Hà Nội, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng: Thanh niên trụy lạc, Ngoại ô, Cường hào, Ngõ hẻm... đã tiên đoán: “Nguồn văn nghệ bộ đội đã manh nha. Cái mầm ấy tuy mới nhú lên nhưng là cái mầm của hạt giống tốt. Tương lai tới đây, thân cây ắt sẽ lớn khỏe, sẽ thẳng vút lên khoảng mây trời”. Lời tiên đoán ấy, 70 năm sau đã thành hiện thực.

Bộ phim tài liệu nhựa đầu tiên tôi tham gia cộng tác với Điện ảnh Quân đội là phim Nhà văn - chiến sĩ được ra đời cách nay đã gần 20 năm. Tôi cũng chỉ được xem nó dăm bảy lần, chủ yếu là trong các dịp gặp gỡ nhân các ngày lễ lớn của quân đội hay của giới nhà văn. Bẵng đi đã hơn 20 năm, những ngày được nghỉ chống dịch covid-19 mới rồi, tôi mới tìm lại được cái đĩa CD. Con trai tôi bảo, ghi lâu thế rồi chắc chất lượng hình kém; và CD liệu có còn dùng được?. Tôi bảo, cứ kiểm tra lại vì đây là kỷ niệm của bố. Thế là con hí húi một chập rồi nói, được rồi, từ đây vĩnh viễn phim của các cụ sẽ còn, không sợ mối mọt gì nữa! Tôi mừng quá vội vào “mạng”, thì ra Nhà văn - chiến sĩ đã được tung lên internet!

Tôi nhớ lại, một hôm đạo diễn Phạm Huyên (nguyên là Phó quản đốc phân xưởng phim truyện của Điện ảnh quân đội), tới nói ý định muốn mời tôi tham gia làm một bộ phim tài liệu về các nhà văn quân đội, cụ thể là “viết gấp cho một kịch bản”. Một đề tài thật vô cùng thú vị, bởi không chỉ tôi đang là quân nhân tại ngũ lại có tới hơn hai mươi năm sống ở “phố nhà binh” - phố Lý Nam Đế, Hà Nội, gắn bó với “nhà số 4” mà còn ở chỗ, đề tài này tôi cũng đang đeo đuổi. Tôi đã có vài ba chuyên luận viết về các nhà văn áo lính, trong đó có những cuốn sách đã được xuất bản viết về nhà thơ Thanh Tịnh, nhà văn Trần Đăng và nhà thơ Hoàng Lộc, những cuốn sách mà tôi cho là có ích nhất trong gần ba chục năm cầm bút của tôi. Tuy nhiên, khi đã nhận lời với Phạm Huyên rồi tôi mới thực sự lo. Lo vì, trải qua năm mươi năm xây dựng và chiến đấu, quân đội ta đã tạo ra không chỉ dăm bảy chục nhà văn mà là cả một “binh chủng đặc biệt”, đó là đội ngũ các văn nghệ sĩ - chiến sĩ. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì ngoài hơn 30 hội viên Hội Nhà văn hiện đang khoác áo lính, có tới hơn 300 hội viên nhà văn khác đã từng cầm súng, đã từng thành danh bởi những tác phẩm đặc sắc viết về người lính, viết về anh bộ đội Cụ Hồ và chiến tranh cách mạng, trong đó có những tên tuổi lớn của văn học hiện đại. Sẽ viết thế nào đây khi đứng trước một “núi” tư liệu với hàng trăm gương mặt, hàng ngàn cuốn sách xuất hiện liên tục trong một quãng thời gian dài dằng dặc tới nửa thế kỷ?. Vô cùng lúng túng nên nhiều lần đã toan bỏ cuộc toan… chạy làng!. Nhưng về sau, được các anh Đặng Xuân Hải, Trần Thanh Hiệp trong Ban Giám đốc Điện ảnh quân đội động viên, các nhà văn trong Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Chi hội nhà văn quân đội cổ vũ, chúng tôi đã “vào cuộc” và kết quả là sau hơn một năm, phim Nhà văn - chiến sĩ (Biên kịch: Ngô Vĩnh Bình, đạo diễn: Phạm Huyên, quay phim: Phạm Minh Tuấn, lời bình: Hà Đình Cẩn, âm nhạc: Trịnh Ngọc Tân …) do Điện ảnh Quân đội sản xuất (năm 1998) đã ra đời.

Để tránh tình trạng “thấy rừng mà không thấy cây”, các tác giả phim đã dừng lại ở nhiều “điểm nhấn”, mở hết chiều kích của thời gian, không gian mà nội dung phim đề cập nhằm tạo ấn tượng cho người xem. Ấn tượng nhất trong Nhà văn - chiến sĩ là khơi gợi, phác thảo được cuộc đời, số phận một số nhà văn, nhất là những nhà văn gạo cội của văn học thời chống Mỹ…

Xem lại phim Nhà văn chiến sĩ, người xem như được sống lại những năm tháng hào hùng của cả một dân tộc đã trải qua cái đói cái nghèo, lội mưa bom bão đạn mà chiến thắng không chỉ “hai đế quốc to”… mà các nhà văn chúng ta đã đồng hành cùng dân tộc trong suốt cuộc trường chinh ấy. Xem lại bộ phim, người xem còn được như thấy những chặng đường lịch sử của Hội Nhà văn Việt Nam từ những ngày Văn hóa Cứu quốc, qua phong trào Văn nghệ sĩ đầu quân, rồi đi sát đi cùng bộ đôi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” rồi tiến về thành phố trong ngày vui đại thắng mùa Xuân đại thắng 1975… Tiếp theo là hòa mình vào cuộc chiến tranh không kém phần gay go ác liệt để bảo vệ Tổ quốc nơi biên giới phía Bắc, phía Nam và công cuộc tự cởi trói, đổi mới cùng cả dân tộc đi lên vì một nước Việt Nam hòa bình độc lập dân chủ và hùng cường.

Xem lại phim Nhà văn - chiến sĩ, người xem được thấy lại chân dung nhiều nhà văn tiêu biểu của văn học cách mạng kháng chiến, những nhà văn liệt sĩ, những anh hùng, những nhà văn vinh dự nhận những giải thưởng cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật. Xem lại phim, người xem không khỏi xúc động khi thấy lại cuộc đời bi có, hùng có; vui buồn lẫn lộn; lắm trớ trêu và nhiều trắc trở của nhà văn tài năng Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thi qua lời kể Thanh Tịnh – một nhà thơ tiền chiến tập kết ra Bắc, một yếu nhân của tờ Tạp chí Văn nghệ Quân đội và qua câu chuyện của vợ ông bà Bình Trang, nguyên Giám đốc Nhạc viên Tp. Hồ Chí Minh. Rồi một cuộc đời của chính lão nhà văn Thanh Tịnh với ba mươi năm “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân”, sống cảnh “ngày Bắc, đêm Nam” qua hồi ức của bạn bè, qua giãi bày tâm sự của người vợ miền Nam của nhà văn, bà Nguyễn Thị Đào lúc sinh thời. Rồi nhà văn Nguyễn Minh Châu, những ngày cuối đời qua lời kể của người bạn đời của ông, bà Nguyễn Thị Doanh… Và thật không thể tưởng tượng thời ấy lại có một cuộc vượt Trường Sơn khác dữ dằn gian nguy không kém. Ấy là chuyến cõng theo con nhỏ đội mưa bom bão đạn, qua mịt mờ chất độc da cam ngược ra Bắc của vợ chồng nhà thơ thu Bồn… Nhiều hơn là những câu chuyện về đọc, đi và viết; vừa làm rẫy, cõng gạo vừa chống càn vừa viết nơi chiến trường B ngắn, B dài; nơi tuyến lửa Khu IV, ngoài đảo Cồn Cỏ xa xôi… của các nhà văn Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Khải, Nam Hà, Xuân Thiều, Hồ Phương, Nguyên Ngọc, Hữu Mai, Liên Nam, Thanh Giang, Võ Trần Nhã… Rồi nữa, đông đảo hơn là lớp các “nhà văn trung úy” trẻ trung, nhiều tài năng và can trường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ra biên giới Tây Nam và ngược đường lên ải Bắc đồng hành với nhân dân, với những người lính trận để viết nên những trang sách, trang báo nhằm động viên cổ vũ kịp thời đồng bào và chiến sĩ ta chiến đấu lập nhiều chiến công…

Thế đấy, để có một nền văn học cách mạng, một tủ sách văn học đồ sộ và sáng đẹp viết về chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ những năm nửa sau thế kỷ XX, chúng ta đã phải đổi bằng biết bao máu xương của đồng chí đồng bào, trong đó có các nhà văn, có những người cầm bút. Tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của họ là sản phẩm của một lịch sử tất yếu và khắc nghiệt. Họ chỉ là “một mảnh nhỏ, một góc hẹp, một giọt nước mong manh, nhưng qua đó cũng có thể thấy hiện lên, sâu thẳm, cả cuộc chiến tranh anh hùng và đau đớn mà dân tộc ta đã phải cắn răng đi qua… để có được ngày hôm nay!.

Phim Nhà văn - chiến sĩ, tuy chỉ là một phác thảo, nhưng xem xong có thể lưu lại trong người xem được nhiều điều. Trước hết, phim cho thấy: quân đội ta, trải qua mấy cuộc chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược không chỉ bằng sức mạnh vật chất sức mạnh kỹ thuật mà còn bằng sức mạnh trí tuệ, sức mạnh tinh thần. Hoạt động văn hóa - văn nghệ xuất hiện ngay từ khi lực lượng vũ trang nhân dân ra đời, đã góp phần xây dựng nên sức mạnh trí tuệ, sức mạnh tinh thần ấy mà chúng ta vẫn quen gọi là sức mạnh nội sinh.

Trong phim có những cảnh, đôi khi rất ngắn, về một thư viện với lớp lớp những giá sách để rồi hiện lên những tên tuổi, những tác phẩm. Ấy có thể là hình ảnh một tập bản thảo vết bom lỗ chỗ, một tờ báo xuất bản tại mặt trận, đôi tấm hình đã ngả màu thời gian và lớp lớp những đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” xen lẫn câu ca: Có những ngày vui sao/ Cả nước lên đường…đã mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc!

Lần đầu tiên xây dựng một tác phẩm điện ảnh tài liệu về các nhà văn quân đội, phim Nhà văn - chiến sĩ của Điện ảnh Quân đội chưa phải là tác phẩm điện ảnh xuất sắc, nhưng những người làm phim chúng tôi bớt đi được một phần nỗi lo âu. Lo rằng, thời gian sẽ như “bóng câu cửa sổ” và mọi thứ sẽ phôi phai, phim Nhà văn - chiến sĩ dẫu muộn, nhưng đã giữ được những cái gì còn giữ được cho mai sau. Mặt khác, chúng tôi cũng cho rằng việc sản xuất phim Nhà văn - chiến sĩ là một hướng đi đúng, một góc độ khai thác phù hợp và một việc làm kịp thời, có ý nghĩa của Điện ảnh Quân đội - một đơn vị hàng đầu về phim tư liệu của điện ảnh nước nhà.

… Và khi Điện ảnh Quân đội quyết định mang phim Nhà văn - chiến sĩ đi tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XII tại thành phố Huế, những người làm phim cũng chẳng mong mỏi gì. Tới hôm, từ nơi xa, đạo diễn Phạm Huyên điện thoại về báo tin: “phim của cánh ta được Giải thưởng của Ban Giám khảo”, tôi vừa mừng vừa tiếc. Mừng vì thế là, với phim Nhà văn - chiến sĩ chúng tôi đã làm được một việc, dẫu là nhỏ nhoi thôi nhưng có ích, nhưng được ghi nhận; thế là những vất vả của nhóm làm phim; đặc biệt là đạo diễn Phạm Huyên, nhà quay phim Phạm Minh Tuấn và mấy chị, mấy em trong tổ dựng phim ròng rã suốt một năm trời lặn lội khắp nơi, dò tìm từng địa chỉ, nâng niu từng tư liệu mới tìm ra… đã không uổng: Rồi tiếc, tiếc rằng, còn biết bao nhiêu tư liệu, còn nhiều những gương mặt, những số phận nhà văn đã chưa đưa vào phim được!. Mừng và tiếc thế nhưng vẫn hy vọng, vẫn ước ao. Ước rằng, giá như được làm lại, giá như được làm tiếp, giá như có thời gian, giá như, giá như… thì phim Nhà văn - chiến sĩ chắc rằng sẽ có ích hơn, sẽ gây được ấn tượng nhiều hơn và sẽ xứng đáng với Giải thưởng của một liên hoan phim quốc gia hơn.

Nguồn Văn nghệ số 47/2020


Có thể bạn quan tâm