April 18, 2024, 7:46 am

Nhà thơ Trần Anh Thái, người góp phần hồi sinh trường ca

 Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022 được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2023) tại Hà Nội. Trong số 128 tác giả, đồng tác giả được vinh danh giải thưởng cao quý này có Đại tá, nhà thơ Trần Anh Thái, nguyên Trưởng phòng Biên tập Văn hóa – Thể thao Báo Quân Đội Nhân Dân, được trao Giải thưởng Nhà nước với tác phẩm trường ca “Đổ bóng xuống mặt trời”.

Có thể nói, bước vào thời kỳ đổi mới, Trần Anh Thái là một trong số ít cây bút đi đầu trong đạo quân nghệ thuật ngôn từ tiến hành đổi mới thơ. Trong đó, trước hết và trực tiếp với Trần Anh Thái là đổi mới trường ca.

Nhà thơ Trần Anh Thái vừa được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2022. Ảnh: Thái Phương

Nhà thơ Thanh Thảo có lần lên tiếng: “Trường ca có quyền nghỉ ngơi vì chiến tranh đã kết thúc rồi”. Nhưng vào năm cuối cùng của thế kỷ 20, khi trường ca “Đổ bóng xuống mặt trời” của Trần Anh Thái xuất hiện đã tạo ra sức hút đối với bạn đọc. Chủ đề trong “Đổ bóng xuống mặt trời” không phải là chiến tranh mà là quê hương, thời đại. Vậy là không nhất thiết phải nói về chiến tranh, trường ca vẫn đứng vững. Tất nhiên, vững hay không còn do tài năng thi sĩ. Chế Lan Viên từng suy ngẫm: Thơ đong từng ngao mà tát bể/ Là cái cân nhỏ xíu lại cân đời.

Trong trường ca “Đổ bóng xuống mặt trời”, chúng tôi-một thế hệ yêu thơ thời ấy đã nhận ra một chàng thi sĩ đang dùng “cái cân nhỏ xíu” để cân đời. Mở đầu trang thơ là hình ảnh đoàn người với tay rìu, tay cuốc đi mở cõi. Đoàn người đi lam lũ dưới hoàng hôn/ Nắng rớt sau ngày chói gắt/ Nơi biển thuở hồng hoang mở đất/ Sương giá tan tê dại kiếp đời. Những dòng thơ dung chứa sức nặng của lịch sử từ buổi khai thiên mở cõi tới khi định hình một ngôi làng lam lũ. Ánh ngày về đâu/ Người đối mặt vào trời khô khốc/ Cõi xanh ngăn ngắt/ Cánh đồng chết lặng hoàng hôn/ Đàn ông mây khói xoáy gào… Ngay từ chương đầu mang tên “Khởi hoang”, người đọc đã nhận ra âm hưởng bi tráng của một bản anh hùng ca, phảng phất bóng dáng một Đan-cô của M.Gorky đốt lửa trái tim mình mở đường cho dân làng thoát bóng đêm đi về miền đất mới. Chỉ có điều Trần Anh Thái có cái nhìn thế giới bằng lối nhìn ngược, một lối nói khác: Đổ bóng xuống mặt trời. Tên gọi cho bản trường ca thật độc đáo. Âm hưởng anh hùng ca cổ đại đã trở lại ở Việt Nam qua trường ca này.

Chiến tranh trong trường ca “Đổ bóng xuống mặt trời” được biểu hiện trong một chương riêng và nó được quan sát từ một góc nhìn khác, xuất hiện trong một gương mặt khác. Đó là góc nhìn nhân bản. Chiến tranh không phải là chuyện riêng của người cầm súng kháng chiến và người chiến thắng, mà là câu chuyện của tất cả những con người: Người đưa thư báo tin chiến trận/ Mẹ đánh rơi nia gạo xuống sàn nhà; Tràn vào nhà/ Anh tôi nhập ngũ Mẹ ngồi vá áo/ Mũi kim bật máu bàn tay.

Giữa cái hiện thực bộn bề của chiến tranh ấy nổi lên hình ảnh người phụ nữ-nhân vật hội tụ tất cả những nỗi đau khổ của nhân loại chiến tranh. Ba mươi năm chị là cái bóng đi về không hay biết/ Ba mươi năm chị đi tìm mồ anh mà không tìm được/ Chị có lỗi gì đâu sao anh lại không về?; Giỗ tết người ta mua hương hoa viếng người thân trong nghĩa trang liệt sĩ/ Nén nhang chị thắp trời không! Chị héo hon lẫn vào dòng người đi tìm hài cốt/ Ca cút kêu thảng thốt bên trời.

Phần lớn các nhà phê bình đều thống nhất nhận định, với đề tài chiến tranh, Trần Anh Thái là một trong số ít nhà thơ viết trường ca chung thủy. Nếu trong tiểu thuyết viết về chiến tranh, nhà văn Bảo Ninh (với “Nỗi buồn chiến tranh”) là nhà văn đầu tiên thì trong trường ca, nhà thơ Trần Anh Thái cũng là người mở đầu cho một dòng trường ca mới và khác về chiến tranh. Nhà thơ Thanh Thảo từng nhận xét: “Trường ca “Ngày đang mở sáng” của Trần Anh Thái là cuộc chiến tranh sau chiến tranh, là mất mát sau mất mát, là nỗi đau sau nỗi đau” và đó là “Một anh hùng ca, một trường ca kiểu khác, khác với chính chúng tôi”.

Ở đây chúng tôi thống nhất với ý kiến của một nhà nghiên cứu phê bình có uy tín khi ông nhận xét: “Sau đợt trường ca hai thập niên 1970, 1980 với các tên tuổi Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu…  nhìn chung trường ca của chúng ta vẫn còn khá đơn điệu trong hình thức sử thi độc thoại và xâu chuỗi. Tính cách nhân vật trữ tình nội dung cũng đơn điệu, thường là người lính, người chứng kiến chiến tranh, đau thương, mất mát, tư tưởng nhìn chung vẫn ngợi ca, lạc quan. Có lẽ đến trường ca của Trần Anh Thái là mới có tình cảm lo âu, bối rối, buồn rầu, thất vọng, mặc dù vẫn giữ niềm tin vào sự sống con người” .

Đề tài chiến tranh chỉ thực sự được chiếm lĩnh, được khẳng định từ quan niệm nhân bản về hiện thực, trên tinh thần của chủ nghĩa nhân văn, ít nhiều gắn bó với chủ nghĩa hòa bình (pazifismus). Viết về chiến tranh, Trần Anh Thái gác hẳn sang bên ý thức lịch sử về chiến thắng. Là người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu, ông không chỉ nhìn thấy ở chiến tranh những đau thương, mất mát, mà cao hơn là sự hủy diệt sự sống và thân phận con người: Tôi nghe lạnh giữa hai bờ cuộc chiến/ Cái chết nối hàng/ Cái chết tiễn đưa nhau/ Xác quân thù xác bạn gục vào nhau. Không chỉ riêng trong “Đổ bóng xuống mặt trời”, trong các trường ca viết sau (“Trên đường”, “Ngày đang mở sáng”) hay “Mỗi loài hoa một mặt trời”, mỗi khi đề cập tới chiến tranh, nhà thơ vẫn giữ nguyên quan niệm nghệ thuật nhân bản đó.

Trường ca và sáng tác nói chung của Trần Anh Thái đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều luận văn đại học. Khi đọc thơ Trần Anh Thái được dịch ra tiếng nước ngoài, có độc giả cho rằng, “Đổ bóng xuống mặt trời” có cấu trúc và âm hưởng “Thần khúc” của Đăng-tơ (Dante Alighieri, nhà thơ Italy thế kỷ 14). Câu chuyện trong “Thần khúc” là một đại tự sự. Nó cũng tương đồng như những câu chuyện lớn của Trần Anh Thái về làng và chiến tranh trong “Đổ bóng xuống mặt trời”.

Những người đàn bà mở gùi đặt đứa con lên cát/ Tiếng quạ kêu rờn rợn dọc bãi bồi là một bức phù điêu; Tôi ăn hương vị đầu mùa mắt tôi trong vắt/ Uống cạn tiếng cười náo loạn mảnh trăng non/ Chú cuội bao năm rồi vẫn ngồi thổi sáo/ Trái đất này chật mắt trẻ con chơi… như một bức phù điêu. Đi tìm đặc trưng thi pháp Trần Anh Thái, người đọc dễ gặp những câu thơ hay, chứa đựng nhiều hình ảnh, biểu tượng. Có điều, sự khác biệt mang dấu ấn đặc trưng của thơ ông là những hình ảnh đó được nâng lên thành những tác phẩm tạo hình điêu khắc. Một hình thức điêu khắc bằng ngôn từ, điêu khắc của thơ. Vì vậy mà bạn đọc sững sờ khi gặp hai câu thơ “lạ” này: Tôi đã viết như tôi đã chết/ Nước mắt tạc vào gió thổi ngàn sau. Hai câu thơ này đã bộc lộ trọn vẹn quan điểm nghệ thuật lẫn quan niệm thi pháp của Trần Anh Thái. Nó được tạo hình bằng nước mắt, dùng nước mắt của nhà thơ như một thứ bút khắc mà tạc vào thời gian.

Trần Anh Thái đã để lại sau lưng ông một chặng đường thơ với nhiều thành tựu. Ông là tác giả góp phần làm hồi sinh thể loại trường ca đầu thế kỷ 21. Các tác phẩm của Trần Anh Thái vẫn đang được dịch ra tiếng nước ngoài, đang đến với độc giả thơ ở nhiều châu lục. Với ông, phần thưởng cao quý nhất chính là những phần thưởng âm thầm mà người đọc hôm nay và mai sau trao cho ông. Từ các trường ca mà Trần Anh Thái viết, người đọc càng thêm trân trọng nhà thơ vì ông đã góp phần nâng lên niềm kiêu hãnh về khả năng biểu đạt tâm hồn và vẻ đẹp vĩnh hằng của tiếng Việt.

PGS-TS PHẠM THÀNH HƯNG

Nguồn QĐND


Có thể bạn quan tâm