March 29, 2024, 10:27 pm

Nhà thơ Phạm Tiến Duật: Con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại

 

Nhà thơ Phạm Tiến Duật sinh tháng 1.1941 tại Phú Thọ. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông nhập ngũ và có 14 năm tại ngũ, trong đó có 8 năm gắn bó với Trường Sơn, với Đoàn 559. Phạm Tiến Duật từng được ví là “con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại”, “cây săng lẻ của rừng già”, “nhà thơ lớn nhất thời chống Mỹ”.

Tham gia chiến đấu trong tư cách một phóng viên mặt trận, là người chứng kiến sự ác liệt, hy sinh, nỗi đau thể xác và tinh thần của người lính trong những năm tháng chiến tranh gian khổ và ác liệt, Phạm Tiến Duật vừa là người ở trong cuộc, vừa là người ở ngoài cuộc chiến tranh chống Mỹ. Phần ở trong, đã cho ông những tư liệu và kinh nghiệm của đời sống thực nơi chiến trường. Phần ở ngoài cho ông cái bồng bềnh, mơ mộng và lãng mạng của một thi sĩ trí thức. Cả hai đã tạo cho ông có những giây phút thăng hoa trong các bài thơ mà ông đã viết trong những năm tháng đó.

Có thể khẳng định, quãng đời ở Trường Sơn là quãng đời đẹp nhất của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Sinh thời, ông từng nói rằng, việc có mặt trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa, cuốn vào cuộc chiến ác liệt của quân và dân ta là một cuộc phiêu bạt lớn của số phận. Chỉ khi ở đây, ông mới thấu hiểu và ghi nhận được vẻ đẹp và sức mạnh của thời đại mình qua hình ảnh rất cụ thể của người chiến sĩ lái xe, cô thanh niên xung phong, thậm chí con muỗi, con bướm trong rừng…

Đọc thơ ông, người ta thấy một Trường Sơn thu nhỏ. Mọi thứ ở Trường Sơn đều được Phạm Tiến Duật khắc họa bằng thơ. Những anh bộ đội lái xe quả cảm và vui tính: “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha” (Bài thơ về tiểu đội xe không kính); những chiến sĩ công binh mở đường quả cảm: “Những đồng chí công binh lầm lì/ Mùi bộc phá trộn vào trong tiếng hát/ Trên áo giáp lấm đầy đất cát/ Lộp độp cơn mưa bi sắt đuối tầm” (Vầng trăng và những cuồng lửa); những cô gái thanh niên xung phong: “Ngày em phá nhiều bom nổ chậm/ đêm nằm mơ nói mớ vang nhà ”, nhưng vô cùng tinh nghịch, vô cùng lãng mạn và giàu tính nữ: “Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy nắng sớm/ Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều” (Gửi em cô thanh niên xung phong); rồi cả những người lính coi kho: “Mười năm sống xa phố, xa làng/ Tám năm ở trong núi trong hang/ Tất cả riêng chung…/ Dành cho miền Nam tất cả (Tiếng cười của đồng chí coi kho)…

Thơ ông, như một cuốn phim sống động. Sức hấp dẫn của thơ Phạm Tiến Duật không chỉ ở sự mới mẻ trong cách thức lựa chọn góc độ tiếp cận hiện thực, ở cấu tứ, giọng điệu mà còn thể hiện ở sự trẻ trung, tươi tắn của những chàng trai cô gái – những nguyên mẫu đời thường đã đi vào trang thơ một cách rất tự nhiên, trở thành những biểu tượng rạng rỡ cho vẻ đẹp và sức sống tình yêu của tuổi trẻ thời chống Mỹ…

Nhà văn Đỗ Chu cho rằng, lý do chủ yếu để giải thích tại sao thơ của Phạm Tiến Duật sớm được quần chúng đón nhận là bởi “anh là một người lính làm thơ cho lính đọc, anh chưa bao giờ sắm vai người nói hộ, chưa bao giờ yêu hộ, khóc hộ, lo âu hộ”. Theo Đỗ Chu, nhà thơ Phạm Tiến Duật là người một đời cõng lửa, chưa bao giờ vui quá, sướng quá, chưa bao giờ được làm một nhân vật quan trọng, nhưng anh vẫn là một người biết hát, dám hát, dám sống và dám viết như chính mình nghĩ thế, cảm thế về những năm tháng mình đã trải qua.

Trong kháng chiến chống Mỹ, thơ Phạm Tiến Duật có vị trí đặc biệt trong tâm hồn người lính. Thơ ông đã sớm đồng hành với cuộc chiến, vang vọng trong những cánh rừng Trường Sơn… Lúc sinh thời, khi được hỏi, ông là nhà thơ nổi tiếng của thời chống Mỹ, vậy ông có thể nói đôi lời về thơ của mình và sự gắn bó với Trường Sơn?, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã bày tỏ: “Trong Trường ca “Những vùng rừng không dân” (1971) tôi đã viết: “Từ cây lại trở về cây/ Từ rừng lại trở về đây gặp rừng”. Tỉnh Phú Thọ quê tôi là một tỉnh miền núi, từ cánh rừng quê hương tôi đến với rừng Trường Sơn như một lẽ tự nhiên. Trường Sơn không phải chỉ là một dãy núi mà là những cánh quân đông đảo hàng triệu người ra trận. Tôi gắn bó máu thịt với Trường Sơn và có thể nói Trường Sơn đã sinh ra nhà thơ Phạm Tiến Duật. Trước đây bây giờ và sau này nếu tôi viết được gì neo lại trong lòng bạn đọc chính là nhờ những năm tháng ở Trường Sơn!

Đây có thể nói là một lời “tự bạch” chân tình của Phạm Tiến Duật. Bởi trước khi đến với Trường Sơn, Phạm Tiến Duật có làm thơ, nhưng thơ ông chưa gây được sự chú ý. Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, Phạm Tiến Duật có thơ đăng báo từ năm 1961, nhưng thơ anh còn lẫn với nhiều người. Phải tới chùm thơ đoạt giải Nhất báo Văn Nghệ năm 1969 gồm: “Lửa đèn”, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, “Gửi em cô thanh niên xung phong”, “Nhớ”, Phạm Tiến Duật mới vượt lên, bộc lộ hết vẻ đặc sắc của mình.

Chùm thơ đoạt giải đó đã trở thành cột mộc không thể không nhắc tới trong sự nghiệp thơ của Phạm Tiến Duật. Trong chùm thơ này, có bài thơ “Lửa đèn”. Theo nhà thơ Phạm Tiến Duật, bài “Lửa đèn” đ­ược viết bằng một mô típ vòng tròn (Rondo), là do điệu múa đèn của Thiệu Hóa. Thanh Hóa gợi ý“Từ chiến trư­ờng ra Hà Nội, tôi về căn gác hai của báo Độc lập, ở phố Lý Thư­ờng Kiệt (nơi làm việc của nhà thơ Hoàng Tố Nguyên), viết liền trong 5 đêm mới xong. Có lẽ đây là bài thơ khổ công nhất của tôi”, nhà thơ Phạm Tiến Duật từng chia sẻ.

Bên cạnh đó, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” cũng có những câu thơ ấn tượng, mà nhiều người đến nay vẫn thuộc: “Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi/ Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng…/ Không có kính, ừ thì có bụi,/ Bụi phun tóc trắng như người già/ Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc/ Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha…”

Tuy nhiên, có một câu thơ mà chính Phạm Tiến Duật coi đó là “dòng thơ ruột gan”. Ấy là câu: “Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”. Câu thơ ấy cũng ít được các nhà phê bình bình luận, dù cả bài thơ đã được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Ông từng giải thích điều này: “Giữa chiến trường, giữa trận mạc, trông thấy bạn và cơm mà lòng cảm động. Chỉ có bạn và bạn. Làm gì có gia đình bên cạnh. Những bát cơm giữa rừng làm sao quên. “Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy” là câu thơ được nhiều bạn Việt kiều thuộc. Có lẽ ở nước ngoài họ chỉ thấy thìa và dĩa… Chỉ ngày nghỉ mới dùng đến cơm Việt Nam…”

Tám năm gắn bó với Trường Sơn đã là chất liệu tuyệt vời để Phạm Tiến Duật viết nên những bài thơ, trường ca nói lên cá tính thơ ca của mình. Bởi thế, không chỉ có chùm thơ đoạt giải Nhất báo Văn Nghệ năm 1969, sau này ông còn viết nhiều bài thơ nổi tiếng khác. Trong đó, không thể không nhắc tới “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”. 

Thời gian đã lùi xa, đến nay, nhiều người cho rằng “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” là hay nhất của thơ ca chống Mỹ. “Trường Sơn Đông, Trường Sơn” đã miêu tả chân thực khung cảnh chiến trường, không khí thời đại, tình đồng đội và cả điều sâu xa hơn thế.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, Phạm Tiến Duật là người làm mới thi ca thời chống Mỹ. Thơ Phạm Tiến Duật có nhiều sáng tạo, đổi mới, trong đó có một dạng tấu nói, có một dạng văn xuôi đọc rất hấp dẫn, phù hợp với những năm tháng chiến tranh oai hùng ấy. Sau này, một số nhà thơ tiếp bước Phạm Tiến Duật, làm giàu thêm văn thơ thời chống Mỹ nhưng hầu như không ai vượt được nhà thơ Phạm Tiến Duật…

Sau khi đoạt giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ, Phạm Tiến Duật được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Trong thời bình, Phạm Tiến Duật từng làm việc tại Ban Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam; là Phó trưởng Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam. Ông cũng đã xuất bản nhiều tập thơ: “Vầng trăng quầng lửa” (1970), “Thơ một chặng đường” (1971), “Ở hai đầu núi” (1981), “Vầng trăng và những quầng lửa” (1983), “Nhóm lửa” (1996), “Tiếng bom và tiếng chuông chùa” (1997)…

Nhà thơ Phạm Tiến Duật mất ngày 4.121.2007. Với những đóng góp của mình, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học – nghệ thuật năm 2001, Huân chương Lao động hạng nhì năm 2007 và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học – nghệ thuật năm 2012.

THU HẰNG

Nguồn Báo Đại Đoàn Kết


Có thể bạn quan tâm