April 19, 2024, 5:24 pm

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Kích thích sáng tạo của nhà văn, bảo vệ và lan tỏa những giá trị cốt lõi của văn chương đích thực

“Văn là người”-câu nói đó là cảm nhận của chúng tôi mỗi lần trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Khi nghe ông say mê bàn luận về văn chương có cảm giác như đang đọc những bài thơ ông đã viết: Mạnh mẽ, cuốn hút, chân tình, tràn đầy năng lượng sáng tạo đổi mới. Lúc nào ông cũng muốn lan truyền tình yêu văn chương đến với những người cầm bút, nhất là thế hệ trẻ. Giờ đây, khi là người đứng đầu tổ chức văn chương của những người cầm bút cả nước, ông muốn làm nhiều việc để hỗ trợ, kích thích các nhà văn đi xa trên con đường sáng tạo, để văn học Việt Nam sớm có những thành tựu mới.


Phóng viên (PV): Tên tuổi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều gắn với phong trào đổi mới thơ ca cách đây hơn 20 năm. Những năm tháng học tập ở Cuba, được tiếp xúc với văn học Mỹ Latin, phải chăng đã góp phần quan trọng để đổi mới thi pháp thơ ca của ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi được Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) cử sang Cuba học tiếng Tây Ban Nha trong 4 năm (1985-1989). Hành trang sang đảo quốc tự do chỉ là chút “vốn liếng” văn chương với giải thưởng thơ ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội; trình độ cử nhân tiếng Anh. Lúc đi du học, tôi không biết một chút tiếng Tây Ban Nha nào; hiểu biết về văn học Mỹ Latin rất ít.
 

6 tháng học dự bị tiếng Tây Ban Nha không đủ giúp tôi hiểu ngay những tác phẩm được giảng dạy năm thứ nhất như kiệt tác “Thần khúc” của đại thi hào Italy Dante Alighieri. Được sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè Cuba, hòa mình vào đời sống bản địa, dần dần vốn ngôn ngữ và kiến thức văn chương tiếng Tây Ban Nha của tôi tốt dần lên.

Với một nhà văn, khi được tiếp xúc với nền văn hóa, văn chương mới lạ, ít nhiều sẽ chịu ảnh hưởng. Đời sống văn hóa Cuba rất phóng khoáng, cởi mở; kể cả với văn hóa Mỹ. Tôi vẫn còn nhớ những tối thứ bảy, say mê xem bộ phim Mỹ kinh điển được trình chiếu, bình luận sâu sắc trên truyền hình Cuba. Còn văn chương Mỹ Latin rất hấp dẫn, độc đáo, đặc biệt là trí tưởng tượng phi phàm. Văn chương, nhất là thơ ca được hư cấu tạo ra một thế giới khác đời thực trên nền tảng trí tưởng tượng. Con người sáng tạo trong tôi ngay từ đầu hướng về sự tưởng tượng trên tinh thần đổi mới. Khi thẩm thấu văn chương Mỹ Latin tôi thấy hợp với tạng của mình; sức sáng tạo thấy mạnh mẽ, đầy đặn hơn.

PV: Ít năm sau khi về nước, ông đã được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” (1992). Chúng tôi được biết, có nhiều ý kiến trái chiều về tập thơ này, trong đó có nhận xét thơ ông như “thơ dịch”. Lúc đó ông đối diện với dư luận như thế nào?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hồi đó, tôi còn trẻ, mới ngoài 30 tuổi; tất nhiên là tôi buồn, thậm chí là tức giận trước những lời chê bai thiếu thiện chí. Đó không phải là những lời phê phán thông thường, mà cố tình muốn phủ nhận, không muốn chấp nhận một giọng nói khác. Những cách hành xử đó không nên tồn tại trong văn chương bởi không có tinh thần tranh biện dựa trên cơ sở khoa học, mỹ học... Nhưng tôi lại chấp nhận những người “phê phán” thơ tôi bởi sự trung thực của họ. Họ không hiểu thơ tôi, họ không thích vì khác trường thẩm mỹ chứ không vì một lý do nào ngoài thơ. Nhưng tôi tin rồi họ sẽ hiểu nếu họ thực sự quan tâm một cách chính đáng đối với thơ.

Nhiều người thường thắc mắc vì sao tôi chưa bao giờ hồi đáp bất cứ lời chê bai về thơ mình? Tôi nghĩ điều đó là không cần thiết bởi tôi tin con đường sáng tạo của mình. Thơ tôi được dựng xây từ nền tảng kiến thức về thơ mà tôi tìm hiểu, nghiên cứu trong nhiều năm, từ cách nhìn của tôi và cá tính sáng tạo của tôi. Tôi có cơ hội đọc các tác phẩm thơ, lý luận phê bình thơ bằng ngôn ngữ gốc. Tôi hiểu thế nào là thơ hiện đại, những điều mới mẻ trong thi ca thế giới vì sao lại có thể tồn tại, được tôn vinh trở thành những giá trị phổ quát toàn cầu.

PV: Như vậy có thể hình dung đổi mới thơ ca đích thực là điều không hề dễ dàng? Và nhất là đông đảo công chúng có thể “quay lưng” với những nỗ lực cách tân thơ ca?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi in tập thơ đầu tay “Ngôi nhà tuổi mười bảy” (1990), ngay lập tức lọt vào chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Tập thơ in ra, tôi thấy đó không phải là con đường thơ ca mà tôi muốn đi, vẫn nhận ra nhiều dấu vết ảnh hưởng của những nhà thơ khác. Tôi muốn thoát ra và rất nhanh chóng ngôn ngữ, nhịp điệu của chính tâm hồn tôi vang lên thật mạnh mẽ và thôi thúc. “Sự mất ngủ của lửa” ra đời rất nhanh sau đó, đã hiện lên một thế giới của chính tôi mà tôi muốn chìm đắm trọn vẹn ở trong đó. Tôi thường viết thơ khi có những xúc cảm mạnh nhất, bài thơ hoàn thành trong đó pha trộn tiềm thức, kỹ thuật, kinh nghiệm... Khi tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” ra đời, tôi đã làm mất lòng nhiều bạn bè. Bởi họ không thể chấp nhận những bài thơ đổi mới của tôi. Nhưng tôi tin ở bản thân mình, muốn đi tận cùng con đường sáng tạo thơ ca. Khi đó, tôi có chút cảm giác mơ hồ độc giả chưa thể hiểu hết thơ mình, nhưng tôi tin theo thời gian, người đọc sẽ dần nhận ra những đổi mới sáng tạo chưa quen thuộc.

PV: Làn sóng đổi mới văn chương gần nhất cách đây hơn 20 năm mà ông là một trong những tác giả tiêu biểu. Nhìn vào hiện trạng văn chương Việt Nam đương đại, chưa thấy xuất hiện những tài năng làm mới văn học. Theo ông, đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chúng ta không nên sốt ruột về chuyện những tác phẩm tầm cỡ thế giới, những tài năng văn chương sớm xuất hiện. Tôi luôn có niềm tin vào các nhà văn trẻ, những tài năng trong tương lai. Vấn đề là phải tạo ra môi trường thuận lợi, kích thích sáng tạo... để những cây bút tầm cỡ xuất hiện.

Những tác phẩm văn học Việt Nam hiện nay đúng là chưa đủ để tạo ra sự đổi mới rõ rệt. Thành tựu văn chương là do tài năng sáng tạo cá nhân; song những yếu tố khác như môi trường văn hóa, giáo dục... cũng rất quan trọng. Lấy ví dụ chuyện dạy và học văn chương trong nhà trường hiện nay, rất nhiều người, trong đó có tôi thấy rằng chưa thực sự giúp ích cho người học tiếp cận, thấu cảm văn bản văn chương theo hướng đa chiều. Cứ nhìn cách dạy và học, cách ra đề thi... mà dư luận đã bàn luận nhiều, không khỏi khiến chúng ta lo lắng. Tất nhiên không thể lạc quan tếu, đổi mới cách học văn chương trong nhà trường sẽ tạo cho những tài năng phát triển. Ít nhất sẽ tạo ra lớp công chúng đông đảo cho văn chương trong tương lai. Nếu lớp công chúng được học văn chương bài bản, tích cực hơn chắc chắn sẽ có khả năng nhìn nhận và ủng hộ những tác phẩm giá trị, mới mẻ. Qua đó, tạo ra một “áp lực” cho chính nhà văn không thể bình chân như vại, lặp lại chính mình.

PV: Thơ của ông đã dịch ra nhiều ngoại ngữ, đã giành được một số giải thưởng quốc tế. Đó là nhờ mối quan hệ riêng của ông, một kiểu “xuất khẩu” thơ theo đường “tiểu ngạch”. Giờ đây, khi được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, một trong những ưu tiên ông hướng đến là giới thiệu, quảng bá văn chương Việt Nam ra thế giới một cách bài bản hơn?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Một trong những ưu tiên mà Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X đặc biệt quan tâm là cố gắng thực hiện một dự án giới thiệu, quảng bá văn chương Việt Nam ra thế giới. Nói vui, giống như chuyện Mai An Tiêm: Dưa hấu ngon rồi nhưng phải gửi đi thì mới mong có một ngày người ta biết được. Chúng ta phải nỗ lực để thế giới biết đến nền văn học Việt Nam. Hội Nhà văn Việt Nam mong muốn xuất bản một tờ tạp chí về văn học Việt Nam bằng tiếng Anh (khoảng 2 số/năm, mỗi số vài trăm trang) để gửi đến các hội sách, các trường đại học, nhà xuất bản, thư viện... nổi tiếng thế giới.

Chúng ta hoàn toàn tự tin văn chương Việt Nam có những tác phẩm giá trị, độc đáo, khác lạ. Vấn đề là phải chọn những tác phẩm có thể gây chú ý ở một mức độ nào đó. Tôi lấy ví dụ truyện ngắn “Hai người đàn bà xóm trại” của tôi chỉ đoạt giải khuyến khích cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Truyện đơn giản kể về hai bà già chờ chồng trong chiến tranh. Khi truyện được dịch ra, ở Trung Quốc, truyện ngắn này nhiều lần được tuyển chọn vào danh sách những truyện ngắn nước ngoài hay nhất. Rõ ràng, nếu không được dịch, truyện ngắn này chắc cũng chỉ gây xúc động cho một số ít bạn đọc trong nước.

PV: Một nhiệm kỳ 5 năm nhưng có vẻ sẽ có quá nhiều việc để làm. Ông có thể chia sẻ những dự định sắp tới mà Hội Nhà văn Việt Nam sẽ thực hiện?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đúng là có rất nhiều việc để làm. Nhưng làm gì đi nữa phải vì mục đích chung, đó là: Làm tốt hơn vị thế của Hội Nhà văn Việt Nam trong đời sống văn học. Trên hết, kích thích sáng tạo của nhà văn, phát hiện, bảo vệ, làm lan tỏa những giá trị cốt lõi của văn chương đích thực.

Một số cơ quan thuộc Hội Nhà văn Việt Nam sẽ kiện toàn, thay đổi cách thức hoạt động để trở nên hiệu quả, thiết thực... Việc trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam sẽ đổi mới cách thức, để tôn vinh tác phẩm xứng đáng. Kết nạp hội viên cũng sẽ phải thay đổi. Chúng tôi có thể mời những nhà văn, nhà nghiên cứu văn học tên tuổi nhưng vì nhiều lý do chưa vào hội; đồng thời, cũng sẽ thuyết phục nhiều cây bút trẻ có tài trở thành hội viên. Mặt khác, chúng tôi phải ngăn cản những cây bút không đủ yếu tố để trở thành hội viên hoặc tìm cách vào hội bằng một con đường phi văn chương. Những năm vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp khá nhiều hội viên, trong đó có những trường hợp không xứng đáng. Chúng tôi không cần nhiều người vào hội mà chúng tôi cần những nhà văn tên tuổi, những nhà văn có đóng góp cho văn học, có tác động xã hội. Không phải ai, chúng tôi cũng yêu cầu họ viết đơn vào hội. Cũng không nhất thiết cứ phải có hai tác phẩm đã xuất bản để xét vào hội. Có thể có cây bút chỉ mới in một cuốn sách nhưng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam thì người đó sẽ trở thành hội viên nếu họ muốn, hoặc họ nhận được giải thưởng cao của Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội... thì hoàn toàn có đủ tài năng để trở thành hội viên.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện)

Nguồn QĐND


Có thể bạn quan tâm