March 29, 2024, 2:32 pm

Nhà tạc tượng

Cha ông, một nhà tạc tượng danh tiếng ở chốn Thăng Long. Năm 1397 dưới triều Trần Thiếu đế, Hồ Qúy Ly cho xây thành Tây Đô, cha ông được mời đến khắc chạm nội thất trong điện tiền. Chính Thượng thư Bộ Lại Thái sử lệnh Đỗ Tình giao cho ông khắc tạc một đôi tượng rồng bằng đá, dài chín thước, đặt hai bên đường vào chính điện. Năm 1407 quân Minh xâm lược đánh bại nhà Hồ, cai trị nước Đại Ngu. Chúng bắt Hồ Qúy Ly, Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng cùng gia quyến và cho lùng sục bắt người tài giỏi như chế tác vũ khí, các nhà thiên văn địa lý, những nhà điêu khắc xuất chúng đưa về Yên Kinh. May mắn thay, cha ông đã trốn thoát. Cha ông rời Thăng Long, ở ẩn một làng quê bên ngoại để tránh sự truy lùng của bọn xâm lược. Bấy giờ ông mới được sáu tuổi.

Mười lăm tuổi, ông học vừa đủ đọc thông viết thạo rồi buông bút theo cha học nghề khắc chạm. Bước đầu cầm đục cầm búa lóng ngóng như một em bé lên ba tập cầm đũa. Rồi dần dần vững tay hơn, cha ông dạy cho ông thế nào là khắc, là chạm, là tạc. Muốn tạc một bức tượng bằng gỗ quý hay đá của một điển tích lịch sử, hoặc một nhân vật có thật, trước tiên phải hiểu thật kỹ cuộc đời, sự nghiệp, tác động đến giang sơn đất nước, rồi tìm trong đó nét tiêu biểu khắc họa cốt cách mà nhìn vào người đời hiểu được nhân vật mình đã tạc.

Tiếp đến là chọn loại đá. Loại đá trắng, có độ mịn cao vừa đẹp vừa phù hợp với những cốt cách cho những gương mặt văn nhân đạo cao đức trọng. Những tảng đá nhiều gân cho những dũng tướng anh hùng cái thế trong thiên hạ… Mười năm theo cha ông đã nhuần nhuyễn tay búa tay đục, nắm chắc các bí quyết của người tạc tượng. Ông có thân hình cao to, có đôi tay rắn chắt, bắp thịt vồng lên cuồn cuộn như tay lực sĩ. Khuôn mặt vuông vuông với vừng trán rộng, đôi lồng mày rậm làm cho hai mắt sáng của ông càng toát lên một sức sống mãnh liệt, đầy nghị lực. Vào năm 1430, ông đã ở gần tuổi ba mươi thì cha ông mất. Trước khi nhắm mắt, cha ông cầm tay ông mà dặn: không vì tiền, không vì danh vọng, không vì quyền uy làm cong đường khắc tạc kẻ ác thành người lương thiện, bạo chúa thành vua anh minh. Một nhát khắc vào đá là khắc vào lịch sử, khắc vào tâm khảm, hằn sâu trong lòng người. Bởi ngàn năm bia đá vẫn còn cho trần gian, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ cho kẻ tạc tượng.

Ông hiểu đức độ của người tạc tượng.

Đi khắp, nghe nhiều, ông nhận ra đất nước mình trải qua ngàn năm Bắc thuộc, bị dìm trong nô lệ nhưng sức sống bền bỉ và quyết liệt con dân Đại Việt luôn vùng lên giành lại độc lập. Ông khâm phục tiền nhân bằng gửi hồn mình vào đường khắc nét chạm qua những bức tượng các đấng anh hùng.

Dưới triều Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông có một viên quan nhỏ ở triều đình chuyên mài mực, tìm đọc những sử sách khi Sử quán Tổng tài cần một sự kiện của những ngày xưa; xếp thẻ tre của Sử quán Tổng tài chép sử vào các ô thứ tự của lưu viện xin cáo quan về quê nghỉ hưu. Làng ông ở thôn xã Bảo Tháp, Đông Cứu, huyện Gia Bình. Khi được tin ông về, người làng của ông tụ tập tại đình làng đón ông. Hàng ngàn con mắt nhìn vào ông mong mỏi một điều tốt lành đến với họ. Đó là, ông ở chốn triều đình đã giải được nỗi oan gần ba trăm năm mươi năm đè nặng bao đời nay như một người gầy ốm mà trên vai vác tảng đá nặng quá sức, bước chân đi hẫng hụt giữa đất trời. Vừa bước xuống kiệu trước sân đình làng, ông quỳ gối, chấp tay vái lạy dân làng: Bao năm làm quan ta không có cách nào cất gánh nặng oan trái mà dân làng trao cho khi bước chân vào chốn cung đình. Ta đã cậy nhờ đại thần Sử quán Tổng tài tìm cách minh oan cho tổ phụ của ta, nhưng ngài phán chính sử đã chép như vậy, không thể khác. Ta nặng tội với quê hương. Nghe vậy, dân làng mặt buồn như chiều đông giá rét. Các lão làng đỡ ông dậy: Oan khuất này đến bao giờ mới giải được hỡi trời?


Có thể bạn quan tâm