April 18, 2024, 11:25 am

Nhà phê bình văn học Ngô Thảo: Lặng lẽ một chữ tình

Nhà phê bình văn học Ngô Thảo được bạn đọc biết đến với những trang sách ăm ắp vốn sống và ấm áp tình cảm, nhất là khi ông viết về những bạn văn. Tên tuổi ông gắn với những tác phẩm như: Từ cuộc đời chiến sĩNăm tháng chưa xaChiến trường sống và viếtDĩ vãng phía trướcThư chiến trườngBốn nhà văn nhà số 4Lặng lẽ những đời văn

Sáng 29/11/2022 tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội (số 4 - Lý Nam Đế, Hà Nội) đã diễn ra buổi gặp mặt giới thiệu 4 cuốn sách của nhà phê bình văn học Ngô Thảo, đó là những cuốn sách mà ông gọi bằng cái tên “Những trang viết tri ân Văn nghệ Quân đội” để cùng với các nhà văn hôm nay nhắc đến những nhà văn từng gắn bó với ngôi nhà đặc biệt này - Nhà số 4. Hầu hết, các nhà văn được nhắc đến đều là những nhà văn có tên tuổi không chỉ gắn bó với Tạp chí Văn nghệ Quân đội mà còn ghi dấn ấn trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Thời gian lùi xa, những tên tuổi ấy dường như đã vắng bóng cả, nhưng qua những trang sách của Ngô Thảo, họ như còn hiện diện, còn trò chuyện với bạn đọc hôm nay.

 

 Nhà phê bình văn học Ngô Thảo. Ảnh: Thành Duy

Trong lời mở đầu buổi gặp mặt, nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa đã có những gợi mở về chân dung Ngô Thảo và những tác phẩm của ông: Nhà phê bình Ngô Thảo từng hữu duyên gắn bó với VNQĐ 15 năm. Mặc dù chuyển công tác, nắm giữ những “quyền cao chức trọng” bên ngoài, nhưng với ông, 15 năm ở Nhà số 4 mãi luôn là quãng thời gian đẹp nhất, là “năm tháng chưa xa”, là “dĩ vãng phía trước” trong “đời người đời văn” của mình. Sự kiện ngày hôm nay như là một cách mà nhà phê bình của chúng ta “nghiêng trong bóng chiều” để nói lời tri ân với “nhà cũ”, nơi khởi sinh và trì bồi văn hứng của ông, nơi kiến tạo và định danh nhà phê bình Ngô Thảo, nơi ông được đọc và được sống cùng những bạn văn mà ông hết mực tôn kính như Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Thu Bồn... Ông là biểu hiện sinh động của cái mà nhà văn Nguyễn Tuân gọi là “tấm lòng biệt nhỡn liên tài”. Ông cũng là bằng chứng hùng hồn để củng cố và khẳng định tính chân lí nơi hai câu thơ của học giả Đào Duy Anh: “Cho hay tất thảy đều trôi nổi/ Còn với non sông một chữ tình”.

Nhà phê bình văn học Ngô Thảo là người hiếm hoi còn lại trong lớp những nhà văn được nhắc đến ở trên. Bên cạnh sự nghiệp cầm bút của mình, ông còn được biết đến như là nguồn tư liệu quý giá, người nắm giữ lịch sử của Nhà số 4. Suốt bao nhiêu năm tháng, ông đã tìm kiếm tư liệu, hệ thống lại để giới thiệu về những nhà văn mà ông đã hiểu và gắn bó. Ông chia sẻ: “Tôi chủ yếu đi tìm tư liệu về cuộc đời của họ. Bởi tôi luôn nghĩ, bên cạnh thơ văn, chính tiểu sử của họ cũng là một tác phẩm mang rất rõ dấu ấn của một giai đoạn lịch sử không dễ có. Nếu hào hùng là âm hưởng chính của các tác phẩm, thì cuộc đời nhiều người trong họ lại có nhiều - như câu thơ Thu Bồn - Niềm đau này xin giấu dưới thịt da.

Trong những trang viết của Ngô Thảo, bạn đọc đã gặp những tên tuổi gắn bó với Nhà số 4 như: Văn Phác, Thanh Tịnh, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hữu Mai, Xuân Thiều, Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung, Xuân Sách, Dũng Hà, Lê Lựu, Nhị Ca, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Thị Như Trang,… Trong đó, phải kể đến những tuyển tập và toàn tập về một số nhà văn mà Ngô Thảo đã dành tâm huyết để thực hiện như: Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi, Từ Bích Hoàng, Nhị Ca, Thu Bồn.

Phát biểu mở đầu buổi gặp mặt thân tình này, Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội chia sẻ: “Nhà phê bình văn học Ngô Thảo và lớp đàn anh thế hệ trước đã xây dựng nên thương hiệu cho VNQĐ và chúng tôi hôm nay phải giữ gìn. Các anh không chỉ là đàn anh, đồng nghiệp, người đi trước mà còn là bậc thầy trong nhân cách và tài năng. Nhà phê bình Ngô Thảo đã chọn giới thiệu sách ở đây là một tình cảm rất đẹp, rất xúc động. Chúng ta như thấy các nhà văn đã khuất của VNQĐ cũng đang có mặt ở đây để cùng chia sẻ những câu chuyện. Anh Ngô Thảo đã cho chúng tôi bài học về tình nghĩa anh em, đồng nghiệp và những người lính với nhau”.

Dù đã rời khỏi VNQĐ 40 năm, nhưng nhà phê bình Ngô Thảo vẫn muốn lựa chọn đây là nơi ông quay về để giới thiệu những cuốn sách ông viết về những nhà văn của Nhà số 4. Ông xúc động chia sẻ: “Nếu như tôi biết ơn 5 năm ở đơn vị chiến đấu, từ anh binh nhì, qua huấn luyện và chiến đấu pháo binh ở bờ biển Thanh Hóa, đến chiến trường Trị Thiên, để thành một cán bộ đại đội bậc phó (cấp quân hàm của Quân Giải phóng), đã rèn cho một anh thư sinh rụt rè, nhút nhát thành một người lính biết sống tự nhiên với lẽ sống QUÊN MÌNH, thì 15 năm tiếp theo, ở ngôi nhà này, bên cạnh những nhà văn tài năng và nghiêm túc, giàu cá tính, ở thời điểm tài năng đến độ chín, thể hiện trong nhiều tác phẩm viết kịp thời, đã giúp tôi định hình được nghề nghiệp của mình: Làm một người giới thiệu các tác giả và tác phẩm mới đó, không chỉ trên báo nhà. Cũng từ xuất phát điểm đó, mà lần tìm về tiểu sử của các nhà văn ở đầu nguồn dòng văn học trong quân đội. Có những tác giả đã hi sinh khi chưa đến 30 tuổi. Tôi luôn nhớ đến năm tháng đó với lòng biết ơn.”

Tại buổi gặp mặt, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên bày tỏ, Ngô Thảo đã ghi lại những tâm tình để sống với đời, với người và với văn. Tấm lòng Ngô Thảo không chỉ kính tài các đàn anh, bạn bè mà còn thơm thảo lo lắng cho đàn em. Ngô Thảo đã giúp bạn văn và gia đình họ hệ thống lại, tìm và giữ những tư liệu quý giá. Ông thuỷ chung đi với mảng văn chương người lính, gắn với hình ảnh bên cạnh cây súng là cây bút…

Thời gian vùn vụt trôi qua, ai rồi cũng phải rời bỏ cõi tạm này, điều còn lại là tình cảm của bạn bè và người thân, đối với người cầm bút thì còn là tác phẩm và bạn đọc… Nếu như không có những trang văn đầy tình cảm, tâm huyết viết về những nhà văn mà tên tuổi của họ, cuộc đời của họ đã cống hiến cho đất nước và cho văn chương như nhà phê bình văn học Ngô Thảo đã viết thì chúng ta sẽ bị mất mát, hao hụt, thậm chí là lệch lạc khi nhìn về lịch sử và những thế hệ nhà văn đi trước. Lặng lẽ nhưng thấu suốt, cẩn trọng và trân quý, nhà phê bình văn học Ngô Thảo đã sống và đã viết như thế.

HOÀI PHƯƠNG

Nguồn VNQĐ


Có thể bạn quan tâm