April 26, 2024, 12:21 am

Nhà ở lưng chừng núi

Nhà nằm ngang lưng núi, lối vào mùa này tím ngắt hoa sim, hoa mái. Người lạ lên bảo, nhà lúp xúp tí tẹo thế mà cũng sống được à? Đi vào phải cúi đầu. Ngủ phải co chân. Cái bếp nhóm lửa lên là khói cả vào tận trong buồng ngủ. Cay mắt lắm. Lúa đựng trong mấy cái vanh đan bằng tre, đủ ăn cho ba người và một con chó. Ba con gà thì ra bới gốc cây dưới khe nước.

Cả ngôi nhà chỉ lối vào là đẹp. Đẹp tự nhiên. Bước chân mòn lối thành đường đi, hai bên những viên cuội trắng xếp hàng. Sim, mua mọc chen vào trong những viên cuội, thẳng đều tăm tắp. Vào mùa chẳng ai chăm chúng cũng nở hoa, kết chùm, tím ngăn ngắt. Thi thoảng có đoàn khách ghé qua bản dừng chân chụp ảnh lối vào ngôi nhà trình đất lạ lẫm. Thấy đứa con gái xinh bảo ra chụp ảnh cùng rồi cho tiền mua son, mua khoen tai bạc mà đeo. Con gái đến thì, cái ngực nhô lên rồi, cái hông nở, eo thon lại rồi mà đôi mắt vẫn cứ ngơ ngác như nai con lạc mẹ. Đôi môi vẫn cứ nứt khô. Thế thì phí lắm. Thế thì còn lâu mới ra khỏi bản được, mới làm cho đời bớt buồn đi được. Họ nói rồi cười. Những đôi môi con trai bậm vào, những đôi mắt soi mói như người đi rừng ban đêm lướt khắp thân thể Dín. Dín quen. Quen với cái buồn thì lâu cũng chẳng thấy buồn nữa. Quen với cô đơn rồi thì lâu cũng chẳng thèm đến chỗ vui. Quen với đôi môi mím chặt rồi thì chả cần son môi làm gì.

 

Ngày đi học. Chiều về Dín ra đồng. Mấy sào ruộng gần nhà cố chăm còn lấy gạo ăn. Một mình Dín mấy mảnh ruộng. Thằng em đi học trường nội trú trên huyện thi thoảng về lại buộc cày vào con bò, cày ruộng cho Dín cấy. Mấy vụ rồi nó không về Dín tự buộc bò rồi cày. Lúa nương mỗi năm một vụ, đủ ăn là may. Bà bảo Dín cứ học đi, ruộng để bà làm. Nói thế thôi chứ sức bà nội yếu lắm rồi. Bà chỉ ngồi trên chiếc ghế tre ngoài sân đuổi được mấy con gà mổ thóc trong vanh, xoay xở giúp đứa cháu gái nấu nồi cơm bếp củi nửa sống, nửa nát. Làm mệt cơm đơm ra bát là cho vào miệng. Ăn miết rồi quen. Lại thấy cơm bà nấu sao mà thơm thế. Bà cười. Đôi mắt đùng đục như mây giăng buổi sớm trước nhà nhìn đứa cháu gái như nhìn thấy mặt trời vừa lên trên ngọn đồi. Cháu gái bà đẹp như bông hoa sim, hoa mái trong rừng. Chẳng cần chăm cũng đẹp. Cái đẹp lẩn vào những lùm cây, những ngóc ngách của trốn rừng hoang heo hút.

Bản cách trung tâm thị trấn chừng hơn mười ki lô mét. Mỗi lần mang rau vào chợ bán là phải băng qua cả một chặng đường dài. Chân Dín đi quen, bắp chân cứng lại rồi. Dốc hay đá chen lối cũng chẳng ngại gì. Tiền bán rau để dành trong ống tay áo bà nội, được thành cuộn to mang đổi lấy thuốc, lấy dầu cao. Bộ đội biên phòng bảo không được cúng ma. Có bệnh phải dùng thuốc. Chỉ có thuốc mới chữa bệnh được. Người tốt thì ma không bắt đi được nên đừng cúng ma. Dín nhớ lời bộ đội Kiên. Bộ đội Kiên thương bản, thương người của bản mà đến, mà giúp làm nhà, mà uống rượu cùng như người một nhà đấy thôi.

Dín nhớ lời cha “Rồi cha sẽ mang mẹ về Dín ạ. Mẹ đi lạc đường rồi”. Vậy mà cha vẫn chưa mang được mẹ về.

Nắng xuyên qua những tán lá, lóng lánh trên đầu, trên vai áo.

*

Dín yêu những mùa hoa sim như những cô gái yêu những chiếc váy tự tay mình thêu lấy. Dín không biết thêu cho mình một cái váy để đi ngày hội kiêng gió người Dao. Ngày kiêng gió, con trai, con gái ra khỏi nhà từ sáng sớm và về lúc mặt trời xuống núi chỉ để nói chuyện ngày xưa. Người có vợ, có chồng thì đến để gặp người yêu cũ. Người chưa có vợ, có chồng thì đến để tìm người thương. Dín thu chân ngồi ngoài cửa. Chiếc áo mới mặc rồi mà chân không muốn bước. Bà nội ngồi trên chiếc phản tre bấm đốt ngón tay nhớ ngày kiêng gió. Đôi mắt bà đùng đục như sương giăng đỉnh đồi, nhìn đứa cháu gái như nhìn ánh mặt trời đầu ngày. Buồn ở đó. Vui cũng ở đó thôi. Nó lớn, xinh đẹp như bà ngày con gái. Giỏi việc nhà như mẹ nó. Vậy mà… Thằng con trai bà không giữ được chân đứa con gái đảm việc nhà, làm ruộng nhanh như con hoẵng chạy trong rừng ấy. Để nó bước qua hàng rào sắt phía bên kia, theo những toán người từ bên kia sang, hứa làm được nhiều tiền, nhiều gạo. Rồi thì không về nữa…  Bà ôm đứa cháu trai còn thèm rúc ngực tìm hơi sữa, dắt đứa cháu gái mắt tròn ngân ngấn nước ngóng mắt nhìn màu hoa sim tím rịn.

Con trai bà cũng vượt đồi, băng dốc đi mấy mùa sim chín rồi, chẳng thấy tin về. Bà không khóc. Nước mắt quý như những hạt châu sa. Hạt châu sa trong hồ Mắt tiên ở tận trong thung. Đàn bà mỗi lần khóc là nhớ đến hồ Mắt tiên. Bà cũng kể cho Dín nghe về sự tích hồ Mắt tiên… Hồ Mắt tiên là cái hồ chứa hết nước mắt của những người đàn bà Dao mà thành. Ai có nỗi buồn, nỗi tủi hờn nào cũng bỏ vào thung, ngồi đó mà khóc. Nước mắt nhỏ xuống hồ, trong xanh như những hạt châu sa. Vậy nên đàn bà Dao giờ đôi mắt ai cũng sáng, cũng ráo hoảnh. Gặp chuyện buồn cũng cười, vui cũng thế thôi. Cứ nhìn vào đôi mắt đàn bà Dao chẳng thấy nhọc nhằn, chỉ thấy trong đó là niềm vui, là hy vọng.

Dín lớn lên từ đôi tay lem luốc gầy gò của bà nội, cũng chẳng bao giờ để nước mắt mình rơi. Cũng không tìm vào thung mà khóc. Chỉ nhớ nước mắt quý như những hạt châu sa, chỉ được rơi cho người mình thương, không rơi vì nỗi buồn, nỗi khổ.

Mùa trôi qua đếm theo ngày mây chờn vờn trên đỉnh núi.

*

Kiên lên miền biên giới này được chừng hơn một năm. Từ khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng. Ai cũng bảo Kiên quá trẻ để có thể quen với điều kiện môi trường khắc nghiệt ở xứ vùng biên viễn cực Đông Bắc của tổ quốc này. Chính Kiên cũng lo lắng vì điều ấy. Dẫu biết khi bước chân vào quân ngũ, lại là lính biên phòng thì gian nan, hiểm nguy càng nhân lên gấp bội. Đi tới những nơi sâu nhất, xa nhất của tổ quốc, đối mặt với những khó khăn, hiểm nguy từng giờ, từng ngày. Vốn được sinh ra và lớn lên ở thành phố, vì thế Kiên có chút lo lắng cho sự gắn bó với miền biên viễn xa xôi. Ấy vậy mà chỉ sau vài tháng, được đi tuần tra cùng các anh trong đồn, Kiên đã quen mọi ngả đường, thuộc nằm lòng những con dốc, những địa bàn nguy hiểm. Nhớ từng hộ gia đình khó khăn cần giúp đỡ, quen thân với bà con trong bản. Ai cũng nhớ Trung úy Kiên có miệng cười rất duyên, giọng nói trầm ấm. Và đặc biệt là một đôi mắt mà lần đầu nhìn vào người đối diện đã muốn được nói chuyện cùng anh. Ấy là sự chân thành và thông minh.

Kiên để chiếc xe máy dựng vào gốc cây ven đường, tựa lưng vào tảng đá nhìn ngắm trọn bản Phặt Chỉ với khoảng hơn mười hộ dân. Những ngôi nhà nằm chênh vênh trên sườn đồi. Mùa này hoa sim, hoa mái đua nở tím cả những lối ngõ nhỏ dẫn vào từng nóc nhà. Chiếc váy đỏ thấp thoáng trên con đường vòng quanh những tảng đá như sợi chỉ nối dài. Mới sớm mai mà ai đã vào rừng. Đàn bà xứ này cứ cần mẫn như con ong rừng. Cứng cỏi và can trường như những viên cuội. Càng gắn bó, càng gần gũi mới lại càng thấy yêu, thấy thiết tha với nơi này. Cả bản này mươi nóc nhà nhưng mỗi nhà lại là những con người với những nỗi khổ khác nhau. Nhưng thương nhất vẫn là hoàn cảnh của Dín. Dín còn trẻ quá. Trẻ thế mà đã phải lo cho cả một gia đình. Thương Dín lắm. Muốn động viên Dín tới trường để học chữ cho đời bớt buồn. Vậy mà Dín bảo “Dín đi học không ai làm nuôi bà nội, làm nuôi thằng Phừng đi học”. Nghĩ cũng đúng. Dín như cột cái trong cái nhà siêu vẹo ấy rồi. Nhưng rồi cũng phải cho Dín đi học. Ít ra phải học hết cấp hai mới được. Kiên đã đề nghị giúp đỡ cho hoàn cảnh của Dín. Đồn trưởng Tùng cũng đã đồng ý, chỉ chờ có thêm điều kiện là sẽ giúp bà cháu Dín có một ngôi nhà mới, giúp Dín được đến trường học tiếp. Nhưng từ nay tới đó phải động viên Dín, sợ Dín theo bọn xấu dụ dỗ băng rừng sang bên kia hàng rào sắt thì đời con gái chìm trong nước mắt mất thôi.

-Dín à? Đi đâu mà sớm thế?

Ngẩng mặt lên là đã thấy đôi mắt đen nhìn mình trìu mến. Chẳng biết nói với bộ đội thế nào cho lồng ngực thôi đập những nhịp đập rộn rã, đôi gò má bớt nóng và đôi bàn tay đang nắm sợi dây thừng đừng luống cuống cầm không chặt thế này.

- Dín dắt bò lên đồi à? Bò có ngoan không? Có nghe lời Dín không ăn lúa không?

- Bò ngoan. Cảm ơn bộ đội đã cho bò…

- Là bò của người trong bản giúp Dín. Tôi chỉ gợi ý thôi. Dín nhớ chăm cho

lớn, rồi nó sẽ đẻ cho Dín những con bê đẹp lắm.

Dín cúi đầu, lôi bò lên dốc.

Người đâu mà ít nói thế. Mới hỏi được vài câu định bỏ đi rồi. Dín cứ như bông hoa lan trong rừng ấy. Đẹp mà chẳng bao giờ biết mình đẹp. Cứ mộc mạc thế, đơn giản thế thôi. Thương lắm.

Cầm lấy sợi dây thừng trong tay, Dín lôi con bò qua đỉnh dốc. Dín cúi đầu, lầm bầm cảm ơn. Cái bóng Dín như chấm tròn đỏ giữa bạt ngàn xanh thẫm.

Nắng bắt đầu buông xuống từ đỉnh đồi, tỏa ra khắp không gian. Vàng ánh. Đâu đó tiếng chim gù trong rừng vọng vang, hình như tiếng lũ chim gọi bạn tình. Nơi này no nê nhất vẫn là nghe những tiếng chim gù gọi bạn. Cả tiếng róc rách chảy của những con suối giữa nắng hè cũng dội đi cái khát, cái nóng như rang. Những cung đường bỗng như ngắn lại. Chiếc xe máy rồ ga hết cỡ leo lên những con dốc. Những ngôi nhà còn lẫn  trong sương hay mây mù quện chặt. Ánh mắt lũ trẻ nhìn bộ đội như nhìn anh chị em trong nhà. Thương lắm. Cho mỗi đứa vài cái kẹo bỏ trong túi áo, thơm vào má nó rồi lại đi. Chúng cười. Nắng hoe vàng mái tóc. Lên biên giới đã lâu mà chẳng khi nào thấy nhớ nhà. Anh em vẫn bảo nhau “Đảo là nhà, biên giới là quê hương”. Xa một ngày đã thấy nhớ. Ở lâu với bản, với đồng bào cũng quen tiếng, quen hơi rồi hay sao ấy. Ăn gì không phải của nơi này cũng chẳng thấy ngon cơm.

*

Phừng về. Nhìn bà nội ngồi bên bếp lửa ngoáy nước gạo trộn với rau cho mấy con gà đang đuổi nhau ngoài sân đất. Đi học lâu trên huyện, quen với cái sạch sẽ, giờ về nhìn đâu cũng thấy phân gà Phừng như ngột thở.

- Cái Dín đâu mà không nhốt gà hả bà?

- Phừng về đấy à? Nó lên đồi rồi. Dắt bò lên đồi.

- Ai cho bò đấy?

- Bộ đội cho. Bảo cho để nuôi, đẻ ra nhiều con bò nữa.

Phừng đi vào trong nhà, nhấc cái vung ra. Vẫn là cơm chỗ khô chỗ nát. Chán lắm rồi. Bao lâu vẫn cái nồi cơm từ bếp củi, từ đôi tay cầm chiếc đũa cả không nổi của bà. Đi học, nhìn mấy đứa bạn mà thèm. Đứa nào cũng quần bò, áo trắng, cũng điện thoại đẹp nhắn tin, gọi điện, vào internet xem phim, nghe nhạc. Phừng thì ngay cả vài bộ quần áo cho ra hồn cũng chẳng có. Tiền Dín gửi lên chỉ đủ để thêm vào tiền ăn. Học rồi chẳng biết sẽ làm gì, chỉ thấy cái đầu lúc nào cũng phải nghĩ, bụng lúc nào cũng tủi với bạn bè. Lần này Phừng về hẳn. Dín có nói gì cũng mặc. Phừng là con trai trong nhà Dín phải nghe Phừng thôi, không bắt Phừng lên trường được nữa.

Vất chiếc túi vải xuống giường, Phừng nằm lăn ra ngủ. Hơi thở còn phả ra mùi rượu.

Dín về đến nhà, bà nội chạy ra, miệng và tay luống cuống:

- Thằng Phừng về. Xem có con gà nào làm thịt cho nó ăn.

Dín đuổi con gà đang bới sỏi. Tiếng kêu quang quác, lông bay cả lên áo, lên mái đầu Dín.

- Hóa kiếp cho mày sang kiếp khác!

Phừng là chủ của ngôi nhà này, là cây cột của mái nhà liêu xiêu này. Phải hy sinh mày cho Phừng ăn lấy sức còn đi học. Gà bày ra hai đĩa. Mình phừng cắm cổ ngồi ăn. Bà nội nhìn. Dín ngậm mãi miếng thịt gà trong miệng chỉ thấy đắng. Phừng giờ khác trước nhiều quá. Mái tóc cắt ngắn, lại còn lốm đốm những sợi tóc trắng, vàng. Đôi mắt Phừng nhìn vào không còn thấy cái sự chân thật của người bản nữa rồi. Trong đó chỉ chứa những ranh mãnh và hằn học.

- Tôi không học nữa. Học mà cứ thấy mình kém, thấy mình nghèo thì học để

làm gì. Tôi về đi làm kiếm tiền dựng nhà rồi lấy vợ.

Bà nội khóc. Cả bản này chỉ có mỗi mình Phừng được đi học tại trường nội trú trên thị trấn. Bà đã khóc vì thằng con trai duy nhất đi qua bên kia biên giới theo đứa con dâu. Giờ nhìn thằng cháu trai duy nhất, niềm tin duy nhất của bà đang trước mắt bà mà như dần xa bản, xa người Dao mất rồi.

*

Phừng dẫn về nhà một người đàn bà, chừng hơn Phừng mười tuổi. Người đàn bà cúi đầu bước vào ngôi nhà lúp xúp đưa mắt nhìn quanh một lượt rồi cụp đôi mắt xuống. Bà nội nhìn người đàn bà bằng đôi mắt hoảng hốt. Dín nhìn Phừng bằng đôi mắt khó hiểu xen lẫn sự tò mò.

Phừng dõng dạc:

- Đây là vợ tôi. Từ nay vợ là dâu trong nhà, là em dâu của Dín. Nhưng vợ không nấu cơm cho bà nội, cũng không chăn bò cho Dín. Vợ đi làm với tôi. Khi nào đủ tiền dựng nhà nơi miền xuôi tôi về đón Dín, đón bà nội.

Dín kéo tay Phừng:

- Đừng đi Phừng ạ. Định đi qua biên giới à?

- Đi đâu kiếm được nhiều tiền, dựng được nhà thì đi!

- Bộ đội Kiên bảo sẽ giúp mình dựng nhà, Phừng mà đi thì dựng nhà ai dựng cột?

Người đàn bà cúi mặt, lôi tay Phừng ra khỏi cửa. Bà nội ôm chân Phừng. Dín nắm cái túi vải của Phừng. Vậy mà không giữ Phừng ở lại được.

Lối vào nhà tím rịn hoa sim. Trên đồi nghèn nghẹt khói ai đốt chuẩn bị cho vụ mới. Những bậc thang ngoằn ngoèo, màu bùn săm sắp nước. Bước chân lên những bậc thang ấy nhìn chỉ thấy con đường ngoằn ngoèo như sợi chỉ ôm những ngọn đồi xanh ngút. Cúi mặt xuống, chỉ thấy gương mặt mình vỡ ra, nhòa trong nước mắt. Phía bên kia hàng rào sắt những bóng người lẩn khuất trong làn mây mỏng nhẹ. Dín nhớ mẹ. Vừa giận lại vừa thương. Sao mà đi biệt để Dín thay cái phận làm dâu, thay cái phận làm mẹ. Mà cũng chẳng có quyền ngăn đứa em trai. Chẳng có quyền dựng cái cột nhà cho vững.

Dín ngồi trên đá, ruột gan như lửa đốt. Sau đêm nay Phừng sẽ rời bản. Biết có quay về nữa không?

*

Dạo này có người hay về dụ dỗ người trong bản vượt biên sang biên giới. Lòng nóng như lửa đốt. Người bản ta hiền. Cứ ngỡ cái bụng ai cũng như bụng mình. Nói một câu là thật. Hai câu là chân thành. Thương người bản lắm. Người trong bản cũng tin cũng nghe lời mình nói. Chỉ tại đám người xấu cứ hay nhận họ hàng, người thân trong gia đình nên người bản mủi lòng. Bao nhiêu người đi có ai trở về đâu. Vậy mà vẫn cứ bảo nhau bỏ đi được.

Sương chưa kịp tan trên những tán lá. Con đường chỉ lờ mờ hiện ra qua ánh đèn pin loang loáng. Tiếng chim hót ran trong rừng, trong vách đá vọng ra. Tiếng côn trùng vỗ cánh. Những bước chân lặng thầm trong đêm tối.

- Phía trước có người. Trung úy Kiên tắt đèn đi! Tiếng Trung tá Tùng khàn,

trầm.

Ánh đèn pin nhỏ như một chấm tròn đỏ hỏn. Bóng người trong đêm vịn vai nhau đi. Hai người. Là người trong bản. Đến gần nhận ra khuôn mặt đứa con trai trẻ măng. Quen mặt.

Đèn bật lên.

- Phừng à? Đi đâu lúc gà chưa kịp gáy thế?

Kiên vừa cất lời thì đôi mắt đứa con trai ngước lên. Thấy bộ đội Kiên người đàn bà đẩy vai Phừng giục nhanh. Phừng đứng lại:

- Tôi đi tìm việc làm.

- Phừng chưa học xong đã đi làm gì?

- Làm gì kiếm nhiều tiền là được.

- Không được đâu Phừng ạ. Kiếm nhiều tiền mà bị bắt, bị giam Phừng có làm không?

Phừng im lặng. Tiếng chim cu trong rừng bắt đầu đua nhau gáy vang. Trời tang tảng sáng. Tiếng gà gáy trong những mái nhà chênh vênh. Đâu đấy đã loang mùi khói bếp.

- Tôi không làm việc xấu!

Đôi mắt Phừng nhìn đăm đăm về phía bản. Kiên đặt tay lên vai Phừng.

- Phừng đã hứa rồi. Hãy giữ lời hứa vững như cây lim trong rừng! Giờ Phừng quay về bản đã. Dựng xong nhà rồi hãy đi kiếm tiền. Phừng không ở nhà ít nữa ai dựng cột ?

Phừng cúi đầu. Đôi mắt người đàn bà cụp xuống. Hai bóng người lần theo con đường ngoằn ngoèo quay về phía bản. Lúc ấy mặt trời cũng chưa lên.

- Giữ được Phừng mấy ngày thôi, chẳng giữ được lâu. Phải tìm cách đưa  Phừng về lại trường. 

Trung tá Tùng thì thầm.

Tiếng gà bắt đầu đua nhau gáy. Khói bếp bay là là ngang lưng đồi. Một cánh chim sà xuống, cất tiếng hót vang cả núi rừng.

Kiên nhìn về phía con đường hun hút. Bản vẫn chìm trong mây. Mong một chấm đỏ nhỏ xíu trong màn sương trùng trình ngang lưng núi kia. Lan rừng nở, đẹp nhất. Dín thì mãi không nhận ra mình đẹp. Không nhận ra cái đẹp ấy cần được bảo vệ, nâng niu. Đừng buồn mãi thế. Thương…

*

Dín chạy ra ngõ. Thấy bóng Phừng mà cứ ngỡ không phải Phừng nữa. Mừng mà nước mắt cứ rơi. Phừng ở lại là cái nhà lúp xúp này còn có cột chống, không lo gì nữa cả. Sống lâu trong cái khổ chẳng còn sợ khổ. Chỉ sợ phải xa nhau, biền biệt, chẳng biết đâu mà tìm.

Bà nội lom khom đun mấy cây củi ướt, khói nhèm nhẹm. Khói hay nước mắt mà đỏ hoe. Những nếp nhăn trên trán, nếp nhăn nơi khóe mắt xô vào nhau, nhìn vào đó thấy niềm vui trong mắt. Người đàn bà không vui. Phừng cũng không vui. Dín biết. Họ chỉ mong mang nhau đi khỏi nhà, khỏi bản thôi. Không biết ai đã giữ được chân Phừng lại?

- Phừng thương chị, thương bà nội mà ở lại à?

- Không! Bộ đội Kiên bảo chống cây cột để dựng nhà xong rồi hãy đi. Tôi ở lại. Dựng xong nhà là tôi với vợ đi. Không ai giữ được nữa.

Vậy là bộ đội Kiên giữ chân Phừng lại cho Dín, cho bà nội. Ở bản này ngoài trưởng bản thì chỉ có bộ đội Kiên nói là ai cũng nghe, cũng tin.

Dín lên chợ. Chân quen lối, quen nhẩm trong đầu những thứ cần mua. Vừa đi vừa nhẩm tính xem cần bao nhiêu thứ, hết bao nhiêu tiền. Nhẩm mãi mà vẫn không ra. Giá ngày xưa Dín nghe bộ đội Kiên cứ theo học thì giờ đi chợ bán nhanh, tính giỏi rồi. Bộ đội bảo học chẳng bao giờ là muộn. Rồi Dín sẽ tới trường, sẽ học cho hết cái chữ, đếm cho hết con số. Nhất định thế.

Đang mải nghĩ thì chiếc xe máy đỗ ngay một bên:

- Dín đi chợ à?

Là bộ đội Kiên. Chưa dám ngẩng mặt lên. Nghe tiếng là đã biết người rồi.

- Vâng!

- Dín lên xe tôi lai lên chợ. Chợ xa Dín à, mang nhiều thứ thế đi lâu, chợ muộn bán làm sao được.

Dín vâng lời như đứa trẻ ngoan vừa được thưởng một món quà. Xe băng qua những tàng cây, những đồi hoa sim tím ngăn ngắt. Gió thổi làm tóc Dín xổ tung, che những ngượng ngùng trên má đứa con gái lần đầu ngồi sau lưng con trai. Muốn tựa đầu vào cầu vai chắc nịch. Muốn ôm tấm lưng vững chãi như nhà dựa vào tảng đá qua những ngày mưa lũ. Bộ đội Kiên gần và thân như người trong nhà, quen như người của bản. Vậy mà đôi bàn tay cứ thấy thừa ra, vụng về và luống cuống nắm chặt gấu áo.

Lên đến chợ. Chia tay rồi mà sao vẫn thèm ngồi thêm một đoạn đường nữa. Thèm dựa vào bờ vai vững chãi như mái nhà tựa vào tảng đá. Chợ dập dìu áo váy đỏ người Dao. Những đôi mắt con trai nhìn Dín như nhìn đứa con gái đẹp lần đầu ra khỏi nhà. Những đôi môi bậm vào, những đôi mắt căng ra như người đi rừng đêm. Dín nhận ra em dâu chen lẫn trong đám con trai ấy. Chưa kịp nói câu nào đã không nhìn thấy mặt.

*

Đêm. Xứ này đêm xuống nhanh như chớp mắt. Chẳng biết đêm xuống tự bao giờ. Dín cứ mở mắt rồi nhắm mắt. Chẳng thể nào mà ngủ. Tiếng em dâu thì thầm với Phừng điều gì ấy trong buồng. Tiếng cọt kẹt trở mình của bà nội. Tiếng ợ của con bò ngoài chuồng. Dín căng mắt trong đêm. Cứ ngồi đó, sờ tay lên má mình nóng hổi. Ngồi lâu mắt mỏi thì dựa vào tường nhà mà ngủ. Quen rồi.

Em dâu lay vai Dín.

- Dín à. Theo em vào rừng nhé!

- Giờ này sao còn vào rừng hả em dâu?

- Vào rừng lấy gỗ về mà dựng lại cái bếp, cái chỗ tắm cho đàng hoàng Dín ạ.

Ánh trăng theo chân người. Dín nhìn theo cái chấm tròn của ánh đèn mà bước. Chân quen lối rồi. Mà sao cái bụng không yên. Chẳng biết. Em dâu bảo thì đi thôi. Phải dựng lại cái bếp, dựng lại cái nhà tắm cho em dâu ở lại nhà, không bỏ đi làm nữa.

Tiếng côn trùng vỗ cánh trong đêm.

Bỗng mặt bị trùm kín. Không phải lá quất vào mặt. Cũng không phải cây rừng chắn lối. Tiếng người thì thầm. Tiếng em dâu khe khẽ.

- Đưa nó đi!

Những bóng người lẩn khuất phía bên hàng rào sắt. Những lời bộ đội Kiên thường nói vụt lên trong đầu Dín. Miệng ú ớ kêu không thành tiếng. Nhưng phải kêu. Hai tay bị nắm chặt rồi, đẩy về phía trước bởi sức con trai khỏe như trâu cày. Làm sao mà thoát được. Bà nội ơi! Phừng ơi!

Dín ngã dúi xuống gốc cây.

- Mày kêu ai cứu! Đi mau!

Chân quen lối. Chỉ nghe tiếng nước chảy, nghe tiếng gió cũng biết lối đến hàng rào sắt phía bên kia. Không! Dín quỵ xuống. Bị nhấc lên như một bó củi khô quẳng về phía trước. Nước mắt quý như những hạt châu sa. Vậy mà lã chã rơi. Đêm tối mịt mùng.

Dín nhớ đến bờ vai chắc nịch, nhớ tấm lưng đèo mình lên chợ sáng nay.

Tiếng bước chân dồn dập. Ánh đèn pin loang loáng như ánh chớp. Cánh tay chắc nịch nắm lấy vai Dín giữ chặt. Tiếng đám người kêu thất thanh rồi khụy xuống. Tất cả bị giải đi trong đêm. Tiếng bộ đội Kiên trầm ấm:

- Có sao không Dín ? Dín biết nó mang Dín qua bên kia là không về bản được nữa không?

Hai mắt mở ra đã thấy ánh mắt sáng trong đêm tối. Đôi mắt lần đầu nhìn vào đã thấy sự chân thành, tin tưởng.

Dín ngả đầu vào bờ vai chắc nịch. Nước mắt quý như những hạt châu sa. Lần đầu rơi vì hạnh phúc. Dín bặm môi, khe khẽ gật đầu.

Đôi mắt em dâu găm vào tim nhoi nhói.  Phừng ơi!

*

Tre xếp đầy ngoài ngõ, gạch, đá ngoài vườn. Chỉ mấy hôm nữa là nhà dựng xong. Anh em bảo nhau làm xong sớm cho khói bếp có lối ra, không quẩn trong mắt người.

Trung úy Kiên đặt tay lên vai Phừng:

- Phừng ở lại nhà dựng cây cột chống nhà đấy. Dựng xong lên trường học tiếp. Học để gần cái chữ, gần người tốt, người giỏi, tránh xa những người xấu Phừng ạ. Rồi thì về làm cây cột chống nhà cho vững.

Phừng gật đầu. Vậy là Phừng nghe lời không đi xa nữa, không giao du với người xấu nữa.

Bản ngập trong sắc nắng đầu ngày mới. Trên con đường ngoằn ngoèo như sợi chỉ vắt ngang lưng đồi, bóng áo đỏ thấp thoáng trong những lùm hoa sim, hoa mái tím rịn. Tiếng gió lơ lửng trên cao, vẳng tiếng hát cô gái Dao mong hội Ngày kiêng gió…

 Nguồn Văn nghệ số 27/2018


Có thể bạn quan tâm