April 24, 2024, 4:06 pm

Nhà bên kia sông

“Mẹ bảo, làm gì mà có nhiều khúc ca vui thế con”. Vâng, đời vốn buồn, mà nghệ thuật chính danh là tự sự của nỗi buồn. Khi để cho nỗi buồn cất tiếng cũng là lúc chủ thể mong đời mình được cất cánh. Hiện tại vẫn có thể khiến người ta bình yên, nhưng làm sao cấm cản được sự tìm kiếm, làm sao ngăn cưỡng được giấc mơ, đặc biệt khi người ta là nghệ sĩ? Nghệ sĩ cần nhiều thứ, nhưng chỉ trở nên đủ khi và chỉ khi sở hữu những chiếc cánh biết bay…

(Hoàng Đăng Khoa)

Minh hoạ: Phạm Hà Hả

Nhà vẫn đơn côi bên bờ sông. Gió về mở hội từng đêm. Đom đóm về thắp đèn. Ánh sáng lập lòe dọi qua cánh màn mỏng ngả màu vàng như quả dưa gang. Mẹ Thành ngồi đó trông ra, chiếc quạt để đầu giường. Bà lấy tay xua xua những con muỗi.

Thằng Đắc đã viết gì về chưa con? Chưa mẹ ạ, có gì con sẽ báo. Mà mẹ cũng đừng nghĩ ngợi nữa, tuổi này ta sống thế này có phải vui không?

Sau tiếng vui, Thành huýt một đoạn sáo cất lên những ca từ dí dỏm trong một bài hát, tiếng sáo đi xa tận ngõ, nghe được cả tiếng cá đớp ở con lạch cạnh bờ sân chạy vào. Mẹ Thành thở mạnh một cái, nó buồn hay vui bà đâu biết.

Sau tiếng sáo vui, Thành ngồi lại cạnh gốc dừa tỏa bóng xuống dòng mương, lá nó xanh và dài, thân tròn và mập. Thành nhớ tóc Diệp cũng dài và xanh thế, Thành nhớ người Diệp cũng tròn và mập thế. Thành đã ôm, đã hít hà mùi tóc, đã lần qua làn áo để biết được hình dáng trái dừa non cong vênh đầy kiêu hãnh xuân thì đời dừa. Khi từng dòng sữa trắng chảy ra ở rốn dừa non, mẹ Thành vẫn thường hái xuống, chặt vô, để chàng được thỏa thuê uống.

Diệp có mùi thơm của dừa non, cả người Diệp toát ra mùi thơm dừa non háo hức lắm.

Tiếng con cá quẫy vào đám lục bình tành tạch, một đụn dừa nước nào được đùn tới, từng đám lá khô chạy dọc trên những con sóng nhỏ xô vỗ vào bờ. Âm thanh đó gợi nhắc Thành đến tiếng sóng biển đánh oàm oạp ngoài khơi xa. Tiếng con tu hú cất lên vài đường lảnh lót. Thành nghĩ đó là tiếng còi tàu. Tim Thành thắt lên những nhịp nấc, môi Thành tím lại ở cái đoạn có tiếng ca vui thoát ra ngoài bằng tiếng sáo: Này này cô em, ta yêu cuộc sống, em biết chăng em, hãy về cùng ta, chung xây cuộc đời…

Mẹ Thành bảo, làm gì mà có nhiều khúc ca vui thế con. Bởi cả đời bà buồn, nên tiếng đàn của bà thường buồn lắm, cất lên những khúc thê lương ảo não, dội vào từng khúc sông mùa bão lũ. Bà dạy đàn cho Thành từ nhỏ. Lạ thay tiếng đàn cũng buồn, chưa khi nào vui cả: Chàng đi thiếp vẫn ở đây, bờ sông chẳng gió người hay chớ người… Nên bà chẳng tin có một tiếng ca vui trong tiếng sáo thằng con trai đã kịp lớn nhiều năm mà chưa bao giờ nghĩ chuyện hỏi vợ. 

Thành ngồi và nhớ lại bàn tay mẹ đan trên những phím đàn nhỏ máu khi dạy con cách cầm phím và bấm dây ngày Thành chỉ vài tuổi. Khi đánh lên những khúc ca hình như người ta mong đời mình được cất cánh. Rồi bà dạy Thành hát. Chỉ có vẽ tranh là Thành học được từ ngày học văn khoa, Thành hay lân la chơi với những anh chàng học trường mỹ thuật. Họ dạy Thành cách pha màu, cầm cọ, cách làm cho một đôi mắt rũ buồn hay sắc lên ma quái và ám ảnh. Thành đã vẽ đời sống bằng tất cả sự ma quái và ám ảnh đó. Khi bữa trước, mẹ Thành dặn, phòng tranh của con mục lên vì nước rồi đấy, đem hết chúng ra hong đi. Công việc đó bà vẫn làm thay con. Chọn ngày nắng ráo, phơi cho cả nỗi buồn hay niềm hy vọng, thì niềm vui đó đâu phải chỉ của bà, khi những bức tranh đó phải nhờ đến họa sĩ châu Âu thẩm định. Trường phái tranh con bà khác biệt, hay tư duy anh khác biệt, hoặc là mỹ cảm nghệ thuật đó vốn có gen di truyền từ thời nào ở xứ sở bên kia mà bà quên hỏi chồng, rằng anh thích vẽ không. Sau này bà cứ tiếc là chưa kịp hỏi ông, rằng anh có năng khiếu hội họa không, nhưng bà tin là có, chắc chắn là có, bởi đứa con bà có. Còn đàn ca thì khỏi bàn, ở góc độ nào đó, ông còn hơn bà. Chính ông dạy bà violin và piano, ông dạy bà hát nhạc đồng quê, và những bài hát thịnh hành ở những thập niên đó.


Có thể bạn quan tâm