March 19, 2024, 6:27 pm

Nguyễn Trãi và thơ tiếp sứ thần Trung Quốc

Nguyễn Trãi (1380-1442) là một thiên tài trác việt. Thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi hiện sưu tầm được hơn trăm bài, phần nhiều là những bài thơ đặc sắc. Phải để nhiều tâm trí vào nghiên cứu mới có thể cảm thấu được tình ý sâu xa trong thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi. Bài thơ ĐỀ HOÀNG NGỰ SỬ MAI TUYẾT HIÊN là một trong nhiều bài thơ như vậy!

Phiên âm:

 

ĐỀ HOÀNG NGỰ SỬ MAI TUYẾT HIÊN

 

Trãi quan nga nga diện tự thiết,

Bất độc ái mai kiêm ái tuyết.

Ái mai, ái tuyết ái duyên hà?

Ái duyên tuyết bạch, mai phương khiết.

Thiên nhiên mai tuyết tự lưỡng kỳ,

Cánh thiên đài bách chân tam tuyệt.

La Phù tiên tử bằng vi hồn,

Khoảnh khắc năng linh quỳnh tác tiết.

Dạ thâm kỳ thụ toái linh lung,

Nguyệt hộ phong song hàn lẫm liệt.

Nhược phi phong đệ ám hương lai,

Phân phân nhất sắc hà do biệt?

Tuần diêm bất phạ ngọc lâu hàn,

Ngân hải giao quang, cánh thanh triệt.

Cửu trùng chẩn niệm cập hà manh,

Vạn lý cầm y dao trú tuyết.

Sương phong quyển địa giản hoành thu,

Thân tại viêm hoang tâm ngụy khuyết.

Giao Nam thập nguyệt noãn như xuân,

Mộng trung chỉ hữu hoa kham chiết.

Tương tâm thác vật cổ hữu tri,

Cao trục thâm kỳ đạo tiền triết.

Đông Pha vị trúc bất khả vô,

Liêm Khê ái liên diệc hữu thuyết.

Càn khôn vạn cổ nhất thanh trí,

Bá Kiều thi tứ Tây Hồ nguyệt.

 

Dịch nghĩa:

 

ĐỀ HIÊN MAI TUYẾT CỦA NGỰ SỬ HỌ HOÀNG

 

Mũ trãi cao vòi vọi, mặt như sắt,

Không chỉ yêu mai mà yêu cả tuyết.

Yêu mai, yêu tuyết, tại sao yêu?

Yêu vì tuyết trắng, mai thanh khiết.

Mai, tuyết thiên nhiên, cả hai đều lạ,

Lại thêm cây bách ở trước đài, thật là ba cái tuyệt.

Tiên ở núi La Phù lấy băng giá làm linh hồn,

Bỗng chốc làm cho cây ngọc quỳnh vỡ thành từng mảnh.

Đêm khuya cây ngọc quỳnh tan ra lóng lánh,

Trăng chiếu vào cửa, gió thổi qua song, rét căm căm.

Nếu không có gió đưa mùi hương nhẹ nhàng tới,

Thì hai thứ cùng một sắc, sao phân biệt được?

Dạo quanh thềm không sợ vai lạnh,

Đôi mắt ánh sáng lay động lại càng trong suốt.

Chín Trùng thương xót dân phương xa,

Nên phái người mặc áo gấm, dựng cờ tiết ở ngoài muôn dặm.

Uy nghi như gió sương cuốn đất, cầm thẻ nghiêm nghị như khí thu,

Thân ở xứ nóng xa xôi mà lòng hướng về cửa khuyết.

Ở Giao Nam tháng mười ấm như mùa xuân,

Trong mộng chỉ có hoa này là đáng bẻ.

Đem lòng gửi vào vật thì người xưa đã từng có,

Dấu vết thanh cao rất mong theo đòi bậc hiền triết ngày xưa.

Tô Đông Pha bảo trúc thì không thể thiếu,

Chu Liêm Khê yêu sen cũng có bài luận thuyết.

Trời đất muôn thuở chung vẻ thanh cao,

Tứ thơ ở cầu sông Bá, trăng trên hồ Tây.

 

Dịch thơ (Bản dịch của  Đào Duy Anh):

 

Hiên ngang mũ trãi mặt tựa sắt,

Không những yêu mai, lại yêu tuyết.

Yêu mai yêu tuyết bởi vì đâu?

Vì tuyết trắng và mai tinh khiết.

Thiên nhiên mai tuyết hai giống kỳ,

Lại thêm bách đài đủ tam tuyệt.

Tiên nữ La Phù giá làm hồn,

Khoảnh khắc ngọc quỳnh ra nát bét.

Đêm khuya cây ngọc tan long lanh,

Trăng ngõ gió song lạnh ráo riết.

Nếu không hương ngầm gió thoảng đưa,

Một sắc lan man sao phân biệt?

Dạo thềm không sợ lạnh ngọc lâu,

Biển bạc ánh lay trong thấu triệt.

Chín trùng thương xót dân phương xa,

Muôn dặm áo gấm sai trú tiết.

Gió sương cuốn đất gió thu hăng,

Thân ở phương nam, lòng ngụy khuyết.

Giao Nam tháng mười ấm như xuân,

Trong mộng chỉ hoa này đáng chiết.

Đem lòng gởi vật người thuở xưa,

Cao bước dốc mong theo tiền triết.

Đông Pha bảo trúc không thể thiếu,

Liêm Khê yêu sen có thuyết hay,

Càn khôn muôn thuở niềm trong trắng,

Tứ thơ cầu Bá, trăng Hồ Tây.

 

Ông quan Ngự sử họ Hoàng này, tên thật và hành trạng như thế nào, các tài liệu nghiên cứu đến nay chúng tôi được biết, thì vẫn chưa mấy tỏ tường. Nguyễn Trãi viết bài thơ này để ca ngợi cốt cách thanh cao và tâm hồn đẹp đẽ của ông quan Ngự sử họ Hoàng, có lẽ là một trong những người mà Nguyễn Trãi cảm mến và quý trọng. Đây là vài nét tả “dung “nhan” vị quan Ngự sử: Mũ trãi cao vòi vọi, mặt như sắt.

Theo chú giải của người xưa, trãi là con giải trãi, có một chiếc sừng như con tê giác, tính nết nó rất cương trực. Theo đó, người ta làm cầu mũ cho quan Ngự sử theo hình chiếc sừng con trãi. Sao vậy? Là vì quan Ngự sử chuyên giữ việc đàn hặc các quan khác trong triều, do đó mũ trãi (trãi quan) tượng trưng cho sự chính trực, không thiên vị kiêng nể bất cứ ai. Quan Ngự sử đã đội mũ trãi trên đầu, lại thêm ngài có gương mặt như sắt, nghĩa là lạnh lùng nghiêm nghị và cứng rắn như sắt. Chỉ bằng một câu thơ bảy chữ (Trãi quan nga nga diện tự thiết), mà tác giả đã vẽ lên hình dáng oai nghiêm, có phần đáng sợ của quan Ngự sử họ Hoàng, chả khác gì ngài Bao Chửng “thiết diện vô tư” (Bao Công) ở đời Tống bên Tàu. Nhưng đấy mới chỉ là diện mạo bên ngoài, có thể là rất cần thiết đối với một người làm quan Ngự sử. Nếu chỉ quan sát bằng mắt thường, thì vị quan này rất khó để gần, chưa nói là để thân thiện. Tuy nhiên, quan Ngự sử họ Hoàng lại có một đời sống tâm hồn thi sĩ rất đáng yêu. Khác người là khác ở chỗ ấy. Hãy nghe Nguyễn Trãi “kể” về một con người khác, con người thi sĩ ẩn giấu bên trong cái vẻ bề ngoài sắt đá kia, rằng ông ấy: Không chỉ yêu mai mà yêu cả tuyết.

Yêu quý hoa mai, một thứ hoa được tôn vinh vào hàng quân tử, biểu trưng cho người quân tử chính danh, thì đã đành một nhẽ. Nhưng ông ấy chẳng những yêu mai, mà lại còn yêu cả tuyết nữa. Tuyết trắng trong tinh khiết như sương. Yêu mai, yêu cả tuyết, có gì mà lạ đâu? Nếu như bạn hỏi:Yêu mai, yêu tuyết tại sao đây? - Thì xin giả nhời ngay rằng: Yêu vì tuyết trắng, mai thanh khiết!

Thế đấy! Mai và tuyết, cả hai đều là đặc sắc của thiên nhiên. Trời đã sinh ra mai, lại sinh thêm tuyết, chẳng phải đã là một sự tuyệt vời, lại cộng thêm một sự tuyệt vời nữa đó sao? Ấy thế mà trước đài nơi quan Ngự sử làm việc hàng ngày, ngài ấy lại còn trồng thêm cây bách (Trắc bách diệp) nữa. Cây bách, cũng như cây tùng, đều là thứ cây quý, biểu tượng của người quân tử tiết tháo thanh cao. Như vậy, mai, tuyết, cộng thêm với cây bách, thành ra “tam ca”, đều là tuyệt vời cao khiết đáng yêu đáng trọng cả! Tài tử Cao Chu Thần khi ghé thăm núi Dục Thuý ở Ninh Bình, có câu thơ rất hay:

Núi sông đã kỳ tuyệt,

Lại thêm ta đến đây!

Núi sông cẩm tú đã là kỳ tuyệt rồi, lại còn có thêm Thánh thơ Cao Chu Thần ta đến đây, góp mặt vào đây nữa, cũng kỳ tuyệt như núi sông này, rồi cả hai cùng nhau làm nên một sự kỳ tuyệt siêu đẳng nữa. Ở đây, đã có mai, có tuyết, lại cộng thêm cây bách, thế là có ba cái tuyệt (chân tam tuyệt), cùng nhau làm nên một sự kỳ tuyệt bậc nhất, thật hiếm có trên đời. Kìa như:

Tiên ở núi La Phù lấy băng giá làm linh hồn,

Bỗng chốc làm cho cây ngọc quỳnh vỡ thành từng mảnh.

Đêm khuya cây ngọc kỳ tan ra lóng lánh,

Trăng chiếu vào cửa, gió thổi qua song, rét căm căm.

Đấy là tả màu tuyết trắng tinh bám vào cây ngọc quỳnh. Mà các vị Tiên ở trên núi La Phù kia cũng lấy tuyết, lấy băng giá làm linh hồn đấy! Nhưng mà tuyết cũng không thể ngủ mãi trên cây ngọc quỳnh, đến một khi nào đó, nó “Bỗng chốc” vỡ tan ra thành từng mảnh. Và trong đêm khuya, dưới ánh trăng trong, nhìn rõ tuyết ở những cây ngọc quỳnh kỳ lạ kia tan ra, chảy ra lóng lánh, đẹp đến mê hồn. Ngài Ngự sử không thể ngủ được trước thiên nhiên kỳ thú như vậy. Ông say mê ngắm tuyết long lanh vỡ ra dưới ánh trăng chiếu qua cửa sổ, mặc cho gió rét căm căm. Yêu tuyết say đắm đến thế là cùng. Ông quan thi sĩ mơ màng thả hồn vào thiên nhiên, đứng chiêm ngưỡng như bất động. Vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên đã hút hồn thi nhân, đến thế cũng là cùng!...Tuy nhiên, tuyết và mai kia, cả hai đều trắng phau một màu tinh khiết như thế kia, làm sao mà phân biệt được đâu là tuyết, đâu là hoa mai? Thì đây:

Nếu không có gió đưa mùi hương (của hoa mai) nhẹ nhàng tới,

Thì hai thứ cùng một sắc, sao phân biệt được?

Vậy là nhờ có gió. Làn gió trong đêm khuya nhẹ nhàng tình tứ dẫn mùi hương tới, thi nhân mới có thể nhận ra đâu là tuyết và đâu là hoa mai ngồn ngộn trắng tinh khôi dưới ánh trăng trong. Thật kỳ tuyệt! Tả, mà như là không hề tả. Tất cả cứ hiện lên vô cùng uyển chuyển, sống động và tinh tế vô cùng. Đó chính là cái tài khác người của bậc đại bút vậy!

            Thế còn ông Ngự sử kiêm thi sĩ thì sao? Ông thong thả “Dạo quanh thềm”, chẳng ngại gì đêm lạnh lẽo. Hình như vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên đã hút hồn thi nhân, khiến ông quên hết cả cái lạnh ghê gớm của đêm đông. Mà lạ thay, “Đôi mắt ánh sáng của ông đã sáng long lanh” rồi, trước thiên nhiên, lại càng thêm lay động, trong suốt. Thần thái thi nhân được tác giả tả qua đôi mắt, cho thấy bản lĩnh kiên cường của ông quan Ngự sử, dường như bất chấp mọi tác động của ngoại cảnh, cứ hồn nhiên mà sáng trong như thế!

            Đoạn thơ tiếp theo tả tấm lòng và uy đức của ông quan Ngự sử họ Hoàng. Rằng “Chín Trùng thương xót dân xa/ Nên phái người mặc áo gấm dựng cờ tiết ở ngoài muôn dặm”. Nghĩa là triều đình tin tưởng vào tài đức của ông, nên phái ông đến nhận nhiệm vụ ở một nơi xa xôi “chưa nhuần đức hóa” như cái xứ Giao Nam này chăng ! Ông đến nơi đó, thể hiện rõ được uy đức của một viên quan Ngự sử với trọng trách lớn lao, mà:

Uy nghi của ông như gió sương cuốn đất, cầm thẻ nghiêm nghị như khí thu”

Thân ở xứ nóng xa xôi mà lòng hướng về cửa khuyết.

Những hình ảnh ví von so sánh được tác giả sử dụng để ngợi ca uy vọng của ông Ngự sử có màu sắc của khoa trương, nhưng đều hợp lý và gợi cảm. Điều này song hành với ý thức trách nhiệm cao, chẳng những thường trực mà thêm nữa, chính là sự trung thành nghiêm túc với pháp lệnh triều đình của người thực thi công vụ. Mặc dù đi tuần tra ở phương Nam, nhưng ông Ngự sử này vẫn thường nhớ quê, nhớ cái hiên mai tuyết của mình ở quê nhà và thấy đó vẫn là những kỷ niệm không thể quên được:

Ở Giao Nam tháng mười ấm như mùa xuân,

Trong mộng chỉ có hoa này là đáng bẻ...

“Hoa này đáng bẻ” là hoa nào? Chẳng phải là hoa mai đó sao?

Thế rồi tác giả bình luận, rằng:

Đem lòng gửi vào vật thì người xưa đã từng có,

Dấu vết thanh cao rất mong theo đòi bậc hiền triết ngày xưa.

Sao vậy? Cái tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu cảnh vật như ông quan Ngự sử họ Hoàng đây, thực ra cũng không phải là quá đặc biệt, mà từ ngàn xưa cũng đã có rất nhiều rồi. Cũng chỉ là vì muốn nối bước người xưa đấy thôi. Những bậc hiền triết bao đời nay thường gửi tấm lòng thanh cao của mình vào cảnh vật, hoặc giả là lấy cảnh vật để biểu thị sự thanh cao minh triết của người quân tử trong đời… Nhưng chỉ riêng cái việc nối được gót tiền nhân, cũng đáng để người đời tôn trọng, nể phục. Vậy thì ông quan Ngự sử họ Hoàng chẳng phải đã làm được điều ấy hay sao? Cho nên:

Tô Đông Pha bảo trúc thì không thể thiếu,

Chu Liêm Khê yêu sen cũng có bài luận thuyết.

Chả là ngài Tô Đông Pha, thi nhân nổi tiếng đời Tống có câu: “Khả sử thực vô nhục, bất khả cư vô trúc” (Ăn có thể không có thịt, ở không thể thiếu trúc). Thịt ăn để nuôi sống thân xác con người, cần thiết lắm chứ. Người ta có thể tranh nhau miếng thịt mà chết, hoặc giả là đôi khi vì miếng thịt mà phải mang nhục. Thành ngữ”Miếng thịt là miếng nhục” có ý chơi chữ (Chữ Hán thì chữ “nhục”dịch nghĩa là chữ “thịt”), nhưng nó còn có nghĩa chỉ sự nhục nhã khi vì miếng thịt mà phải hạ cấp về nhân phẩm. Tuy nhiên, với người quân tử, bữa ăn có thể thiếu thịt, nhưng trong cuộc sống không thể thiếu trúc. Là bởi vì trúc được xem như biểu trưng của khí tiết người quân tử. Thịt nuôi phần xác, trúc nuôi phần hồn...Nếu như có cả thịt và cả trúc, tất nhiên là hay quá rồi!... Với Tô Đông Pha thi sĩ, thì đó là một sự khẳng định: Cuộc sống không thể thiếu trúc, là vậy! Còn như Liêm Khê, tức Chu Đôn Di, cũng là một danh Nho đời Tống. Ông ấy có bài: Ái liên thuyết, nói về lòng yêu sen, cho rằng sen là quân tử trong các loài hoa, sắc hương đủ cả, mặc dù “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”! Khép lại bài thơ, tác giả viết:

Trời đất muôn thuở chung vẻ thanh cao,

Tứ thơ ở cầu sông Bá, trăng trên hồ Tây.

Một cái kết mà tình thơ, ý thơ vẫn như chưa hề kết. Cái vẻ thanh cao của đất trời muôn thuở thì vẫn thế thôi, vẫn chung cái vẻ thanh cao ấy. Nhưng mà “tứ thơ ở cầu sông Bá” và “trăng trên hồ Tây” thì ngụ ý gì, mà nhà thơ lấy làm câu kết cho bài thơ khá dài này? Cầu Bá, hay là “Bá Kiều”, là chiếc cầu bắc trên sông Bá, ở tỉnh Thiểm Tây bên Tàu. Có một bạn thơ hỏi ông Trịnh Khải, rằng lâu nay ông có bài thơ nào mới không? Trịnh Khải trả lời rằng: “Tứ thơ của tôi là cảnh cưỡi lừa đi trong tuyết trên Bá Kiều, nay không có cảnh ấy thì làm thơ sao được”. Vậy nhà thơ đã dùng điển này để chỉ tuyết đấy thôi. Còn như “Trăng hồ Tây” cũng lại là một điển bên Tàu. Tây hồ là tên một cái hồ đẹp ở Hàng Châu, tỉnh Triết Giang. Tô Đông Pha từng ví vẻ đẹp của hồ Tây với nàng Tây Tử (Tây Thi), do vậy, hồ này còn có tên là Tây Tử hồ. Thơ Tô Đông Pha có câu: “Tây Hồ nguyệt sắc thị mai hoa”(Sắc trăng ở Tây Hồ là hoa mai). Thế nên, Tây Hồ ở bài thơ này, Nguyễn Trãi dùng để chỉ hoa mai vậy! Thi hào Cao Bá Quát (1808-1855) khi viết tám bài thơ về Tây Hồ ở Hà Nội (Tây Hồ bát cảnh) có câu:“Tây Hồ chân cá thị Tây Thi” (Tây Hồ đích thị là nàng Tây Thi), nhưng đó là Tây Hồ ở nước ta, chứ không phải là Tây Hồ ở Triết Giang bên Tàu đâu!...

            Bài thơ ĐỀ HOÀNG NGỰ SỬ MAI TUYẾT HIÊN xoay quanh chủ đề MAI và TUYẾT. Tả vè đẹp quyến rũ của mai và tuyết, nhưng là để ca ngợi phẩm tiết và cốt cách của ông quan Ngự sử họ Hoàng. Đúng hơn là nhấn mạnh vào phẩm chất, cốt cách của một ông quan thi sĩ, thật hiếm có trong đời. Căn cứ vào nội dung, có thể đoán định rằng ông quan Ngự sử họ Hoàng này có lẽ là người Tàu, được cử đi kinh lý ở phương Nam (Giao Nam), tức nước Đại Việt ta. Sau khi chiến tranh kết thúc, hòa ước được ký kết, nước ta thời ấy tuy là một quốc gia độc lập, nhưng vẫn phải thần phục nhà Minh về mặt hình thức. Nhân một việc gì đó ở Đại Việt, ví như có sự thay thế vua mới, đều phải có “báo cáo” về “Thượng quốc” để xin được sắc phong “chuẩn y” của “Thiên triều”. Họ thường cử quan lại sang nước ta, vừa là kiểm tra thực tế để minh xác, đồng thời để tỏ rõ uy vọng của kẻ làm bá chủ thiên hạ. Có lẽ Nguyễn Trãi là người có học vấn sâu rộng, có danh vọng cao, được triều đình cử làm người đại diện cho cuộc giao tiếp với viên quan Ngự sử họ Hoàng này chăng? Hiểu nhau rồi thì thành ra thân thiện với nhau, thậm chí kết bạn tri âm với nhau. Khiêm nhường, tôn trọng thượng khách, cũng là một chi tiết cần thiết trong ứng xử văn hóa, cũng như trong nghệ thuật bang giao. Vả chăng, Nguyễn Trãi cũng từng là ông quan Ngự sử đài chánh chưởng dưới triều Hồ, lại còn là quan Gián nghị đại phu dưới triều Hậu Lê, có sự đồng điệu về tâm hồn, về nhân cách kẻ sĩ với ông Ngự sử họ Hoàng trong bài thơ này. Vậy nên, đây có thể xem là một bài thơ đáp lễ, phảng phất màu sắc ngoại giao. Nhưng tấm lòng cảm mến của thi nhân là hoàn toàn chân thành, do vậy bài thơ cảm động được người đọc...

 

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2019

 


Có thể bạn quan tâm