March 29, 2024, 6:35 pm

Nguyên tiêu - mỗi năm một sắc thái mới

 

Nguồn tư liệu về chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với thời gian dần phát lộ thêm những cái mới dường như để ứng, để xứng với cuộc đời hoạt động phong phú của Người.

Tôi may mắn được người bạn đồng môn TS Võ Văn Sạch, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo hiểm tài liệu Lưu trữ Quốc gia thuộc Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước cho tiếp cận với một công trình nghiên cứu mới của ông, có tên gọi Một số tư liệu mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo Cứu Quốc.

Trong những số báo Cứu Quốc trong phạm vi sưu tập, nghiên cứu của TS Võ Văn Sạch đã phát lộ có rất nhiều tư liệu mới quý hiếm. Mới bởi có nhiều tư liệu, bài báo đến thời điểm này vẫn chưa được công bố hay công bố chưa đầy đủ trong các công trình nghiên cứu về chủ tịch Hồ Chí Minh. Với nguyên tắc nguyên văn và toàn văn, công trình của TS họ Võ này đã hướng tới việc góp phần xác lập một tư liệu khác trước và mới, góp phần việc nghiên cứu về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

*

Tiếp cận công trình nghiên cứu của Võ Văn Sạch cùng những số báo Cứu Quốc, tôi bất ngờ ngạc nhiên và thú vị bởi được tường thêm hoàn cảnh ra đời của bài thơ Nguyên tiêu nổi tiếng!

 Ấy là bài báo Hồ Chủ tịch đi thuyền thăm mặt trận (Báo Cứu Quốc, Chi nhánh Liên Khu IV, số 3, ra ngày 19/5/1946)

            Xin trích ra đây một đoạn trong bài báo.…

Đêm rằm tháng Giêng, Hồ Chủ Tịch cùng các nhân viên tùy tùng đi thăm Mặt trận X. gần sông Y. Sông (sau này công khai rồi, mọi người mới biết đó là sông Đáy - XB) chảy qua vị trí địch. Cụ ngồi trên một chiếc thuyền con. Đằng sau thuyền là thuyền của Ban chỉ huy, vài nhà báo và Đội vệ binh.

Tới giữa sông, Hồ Chủ tịch ra lệnh dừng thuyền lại. Cụ nói chuyện với ban chỉ huy và dặn đi dặn lại, cần phải ưu đãi tù binh và những ngụy binh đã chạy sang hàng ngũ ta. Đối với bộ đội phải thưởng phạt công minh, phải thi đua đánh mạnh và lập công vv… Rồi Cụ quay sang nhủ chúng tôi - “các nhà báo phải hiểu quân sự. Cái gì bí mật thì đừng đăng. Các chú hay phạm phải điều ấy lắm”

Gần khuya, trăng lạnh sương nhiều. Các vị trí địch bị màn sương bao phủ. Đoàn thuyền lại thong thả trở về. Nhìn trăng, Hồ Chủ tịch đọc:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền

Nghĩa của bài thơ: Đêm nay rằm tháng giêng trăng vừa tròn/ Cảnh sông xuân nước xuân tiếp liền với trời xuân/ Giữa nơi khói sóng mù mịt/ Nửa đêm về thuyền đầy ánh trăng.

            Cụ đọc xong, ông Xuân Thủy nói: - “Thưa Cụ, xin Cụ cho phép dịch nôm để đăng báo”

Cụ bảo: - “trong câu thứ hai có chữ xuân thủy… Vậy Xuân Thủy dịch đi”

Ông Xuân Thủy trầm ngâm trong giây lát rồi cất giọng dịch như sau.

Rằm xuân trăng đẹp trăng tươi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

Mọi người đều vỗ tay khen dịch mau.

(Cũng cần nói thêm, qua ông bạn Nguyễn Ngọc Báu, nguyên phóng viên thông xã Ba Lan PAP và sau  này PV Báo Tiền Phong, cháu gọi nhà thơ Xuân Thủy bằng bác ruột, người hiện còn giữ nhiều tài liệu bút tích về nhà ngoại giao kiêm thi sĩ Xuân Thủy, Ngọc Báu đã đưa tôi thêm hai bản dịch sau này của Xuân Thủy về bài Nguyên tiêu. Xin được dẫn ra đây.

Rằm xuân vằng vặc trăng soi/ Xuân sông, xuân nước, xuân trời đẹp thay/ Việc quân bàn giữa sương dày/ Khuya về bát ngát thuyền đầy ánh trăng.

Bản dịch nữa.

Rằm tháng giêng trăng tròn vành vạnh/ Liền sông xuân, nước xuân trời xuân/ Nơi khói sóng luận bàn quân sự/ Khuya thuyền về ăm ắp trăng ngân. Ít lâu sau, bản dịch đầu cùng hai bản dịch nói trên đã được đưa vào Tuyển tập Xuân Thủy, NXB Văn Học 2000)

            Như mọi người biết, Xuân Thủy còn dịch nói đúng hơn là chuyển ngữ nhiều bài thơ của Bác như Tin thắng trận (báo tiệp)  Đêm thu (Thu dạ) Tặng Bùi Công, Vô đềThất cửu… khá đạt và lọn nghĩa. Mọi người hẳn nhớ bài Thất cửu (Sáu mươi ba tuổi) của Bác. Sau này có nhiều người dịch. Có vị mới ngó đầu đề bài thơ đã vội vàng suy diễn ngớ ngẩn thất cửu là chín lần chín- nghĩa đen là rất chín chắn (!?) Mà không biết được Bác đã  dùng lại cái cách gọi, kiểu biểu đạt tuổi của người xưa. Đó là cách dùng số nhân để chỉ tuổi.

            Như cụm từ chỉ tuổi người con gái độ mười sáu  trăng tròn, người ta dùng hồng trang nhị bát (2x8). Trong bài Long thành cầm giả ca Nguyễn Du cũng dùng cách nói này đối với người đẹp kiêm ca sĩ,  nhạc công thành Thăng Long Dư ức thiếu niên tằng nhất kiến /Giám hồ hồ biên dạ khai yến/ Kỳ thời tam thất (3x7) chính phương niên (Hồi trẻ ta từng gặp em một lần bên hồ Giám trong một cuộc dạ yến, em thuở ấy trẻ trung tuổi chừng 21).

Cách dùng số nhân để chỉ tuổi đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng làm tiêu đề cho bài thơ Thất cửu (7x9 = 63) của mình (Sáu mươi ba tuổi) Và cũng chỉ Xuân Thủy mới nắm bắt được thông điệp của Bác qua ngữ nghĩa cô đọng hàm súc bằng cách chuyển ngữ tài tình. Có thể nói đến thời điểm này chưa có bản dịch nào vượt qua được bản dịch của ông quan cỡ trên cả thượng thư kiêm thi sĩ Xuân Thủy?

Chưa năm mươi đã kêu già/ Sáu ba mình nghĩ vẫn là đương trai/ Sống quen thanh đạm nhẹ người/ Việc làm tháng rộng ngày dài thung dung

Và với Nguyên tiêu – Rằm tháng Giêng xuất thần trên con thuyền năm ấy trên sông Đáy vẫn là một bản dịch được coi là trọn vẹn và thần thái!

Bản dịch Nguyên tiêu của Xuân Thủy đăng trên Báo Cứu Quốc thời điểm đó đã lần lượt được công bố hơn nửa thế kỷ nay. Đáng chú ý, Nguyên tiêu trong các bản dịch sau,  trong câu đầu Xuân Thủy đã thay cụm từ trăng đẹp bằng lồng lộng. Và từ cuối chữ tươi bằng chữ soi. Rằm xuân trăng đẹp trăng tươi thành rằm xuân lồng lộng trăng soi.

 

Bây giờ, vẫn chưa rõ việc thay từ như thế được thực hiện trong thời gian nào? Hậu thế bây giờ vẫn dùng, vẫn dẫn một cách bền bỉ hào sảng lẫn tự tin, rằm xuân lồng lộng trăng soi.

Đã hơn 70 năm qua đi, mỗi lần thưởng lãm ánh trăng Nguyên tiêu hình như thêm những sắc thái mới?

------------------

Ảnh: thủ bút bài thơ Nguyên tiêu bằng chữ Hán của Bác Hồ

 

 

 


Có thể bạn quan tâm