April 20, 2024, 1:05 am

Nguyễn Phan Quế Mai tiếp tục mở đường văn ra thế giới

 

Cuộc trò chuyện với nhà văn, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai xung quanh tiểu thuyết The Mountains Sing (tạm dịch: Những ngọn núi ngân vang) vừa được Café Sách Robooksta, một tổ chức thành lập năm 2016 tại Paris, thực hiện trực tuyến trên phần mềm Zoom diễn ra tối 14/8. Đây là tiểu thuyết đầu tiên của Nguyễn Phan Quế Mai viết bằng tiếng Anh và hiện đã được bán bản quyền, dịch ra nhiều ngôn ngữ.

Tác giả hiện đang ở Đức, nhà tổ chức ở Pháp, khách tham gia ở Mĩ, Pháp, Úc… và cả Việt Nam, bởi thế, việc tổ chức giao lưu trực tuyến là một kết nối tiện ích cho những khoảng cách địa lí hơn là vì dịch bệnh phải làm theo hình thức online như một số sự kiện văn học trong nước khác.

Tham gia buổi trò chuyện cùng tác giả là một số người đọc đã đọc bản tiếng Anh The Mountains Sing tại đất nước họ học tập, sinh sống. Những câu chuyện về việc viết cuốn sách, viết như thế nào, sáng tác bằng tiếng Anh khó hay dễ so với tiếng Việt và cả những kinh nghiệm xuất bản đã được nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ tới bạn đọc.

The Mountains Sing, phẩm của Nguyễn Phan Quế Mai do Nhà xuất bản Oneworld Publications của Anh ấn hành năm 2020. 

Thay vì viết về chiến tranh như người nước ngoài vẫn mặc định về Việt Nam, The Mountains Sing viết về những kí ức chiến tranh qua câu chuyện của người bà Diệu Lan và người cháu Diệu Hương. Điều băn khoăn với Nguyễn Phan Quế Mai là sẽ kể câu chuyện này thế nào. Sáng tạo ra nhân vật bà Diệu Lan tác giả muốn kể câu chuyện một cách bình dị nhất. “Niềm thương nhớ hai người bà đã khiến tôi viết nên cuốn sách này”, và còn một lí do nữa cao hơn, Nguyễn Phan Quế Mai cho biết, chị muốn phản kháng lại việc vai trò nhân vật phụ nữ Việt Nam trong các tác phẩm tiếng Anh xưa nay thường rất phụ, rất lệ thuộc vào các nhân vật nam giới, trong tác phẩm của chị, họ sẽ là những nhân vật chính. Phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh là trụ cột gia đình, có vai trò lớn, khi hòa bình họ lại chính là những người xoa dịu nỗi đau chiến tranh từ những người đàn ông trở về. Bởi thế, chị thấy cần phải viết về họ như một sự chống lại sự đô hộ về văn học.

Nhưng dù thế thì việc viết cũng không dễ, bên cạnh đó chị cũng không có nhiều kí ức về những người bà của mình. “Bà nội tôi mất trong trận đói năm 1945, còn bà ngoại cũng mất từ rất sớm”. Chị muốn tạo dựng một thế giới của người bà và người cháu nhưng không tìm ra chìa khóa. Rồi mọi thứ đến một cách tình cờ. Khi đó chị đang sống và làm việc tại Philippines, trong một buổi đi học võ chị gặp một người bạn Việt Nam hơn mình 5 tuổi, tức là lứa tuổi đã có những trải nghiệm nhiều hơn về chiến tranh. Chị kể với người bạn ấy rằng mình đang viết một câu chuyện về Việt Nam. “Anh ấy nói với tôi những trải nghiệm về chiến tranh khi Mĩ ném bom Hà Nội, bà nội đã chở che anh ấy qua những trận bom”, tác giả kể lại. Người bạn ấy kể, kí ức về những trận bom đó còn trong anh mãi đến khi lớn lên, lần đầu tiên đi máy bay, nghe tiếng máy bay ám ảnh, anh ấy đã hét lên vì hoảng sợ, sau đó anh phải đi trị liệu tâm lí. Xúc động trước câu chuyện của người bạn, về tra google về sự kiện Mĩ ném bom Hà Nội năm 1972 chị đã tìm ra chìa khoá cho câu chuyện và bắt tay viết ngay 2000 từ. Thời điểm đó Nguyễn Phan Quế Mai đang theo học một khóa viết và đang viết dở một cuốn sách trong chương trình, chị đã bỏ lại tất cả những gì đã viết hơn một năm để tập trung vào The Mountains Sing. Chị nói với người hướng dẫn khóa học xin dừng để viết cuốn khác, “vì đây là một cuốn sách cần phải được viết ra”.

Ấn bản tiếng Đức của tác phẩm mới được Nhà xuất bản Suhrkamp/Insel giới thiệu đến bạn đọc.

Tác giả đã mất đến 7 năm để hoàn thành tiểu thuyết đầu tay bằng ngôn ngữ thứ hai, ngoài tiếng mẹ đẻ. Về trải nghiệm viết, Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ, “khi đủ cảm xúc nó sẽ dẫn bạn đến một nơi rất quan trọng”. Bắt đầu bằng những trải nghiệm thật nhưng nghệ thuật là thứ sẽ đưa người đọc đến gần nhân vật hơn. Chị cũng nói về cách viết của Ocean Vuong, một tác giả người Việt khác hiện đang sống tại Mĩ, mà mình có sự đồng cảm. Về việc sáng tác bằng tiếng Anh thay vì tiếng Việt, Nguyễn Phan Quế Mai chia sẻ, “sáng tác bằng ngôn ngữ thứ hai như là trèo lên ngọn núi bằng chân không”, tuy vậy nó cũng mang lại những thuận lợi nhất định, như là sẽ tự do hơn, bứt ra xa con người của mình để có sự quan sát, chiêm nghiệm. “Khi viết về nỗi đau, trận đói năm 1945 bà nội chết cùng hai người thân trong gia đình, nếu tôi viết bằng tiếng Việt thì quá đau trong thời kì thảm khốc đó, viết bằng tiếng Anh sẽ giãn xa hơn một chút”, chị lấy ví dụ. Nhưng cũng có những đoạn viết bằng tiếng Anh không thể, chị phải xóa hết viết bằng tiếng Việt, khi đã nhuyễn, đã chín rồi mới viết lại bằng tiếng Anh (chứ không phải là dịch sang tiếng Anh). Chị chủ trương sẽ viết tiếng Anh với sự khác biệt. Tôi muốn kể một câu chuyện bình thường của những con người bình thường. Thế giới quan tâm đến những nhóm người thiểu số nói lên tiếng nói của mình. Việc đọc những tác phẩm phê bình văn học cũng cho tác giả ý thức nâng tầm tác phẩm, nâng tầm văn học Việt trên diễn đàn Anh ngữ cũng như các ngôn ngữ khác.

Quá trình xuất bản sách, Nguyễn Phan Quế Mai làm việc với nhà xuất bản để bảo tồn tiếng Việt trong tác phẩm. Một số dẫn dắt, trích đoạn, ca dao tục ngữ đều để nguyên tiếng Việt. Những từ tiếng Việt hiện diện trong tác phẩm chị cũng đề nghị để dấu, vì nếu bỏ dấu là không còn là tiếng Việt nữa, theo chị.

Baner giới thiệu về buổi trò chuyện. 

Một số độc giả cũng đã nêu lên những cảm nhận của mình về Mountains Sing. Trang Nguyễn chia sẻ, “em có bà nội cũng là nhân chứng của chiến tranh và bố em cũng từng kể về thời gian đi tản cư ở Hòa Bình nên em rất đồng cảm với nhân vật bà Diệu Lan và Hương trong truyện, có cảm giác như chính là câu chuyện mà bà nội và bố em hay kể”. Độc giả Lam Trang, một thạc sĩ đang học tập tại Úc thì ấn tượng với hình tượng người phụ nữ bất khuất kiên cường trong chiến tranh. Lời kể chuyện của người phụ nữ là những người đứng sau tiền tuyến chứ không chỉ là người lính như thường thấy khi viết về chiến tranh cũng gây ấn tượng cho độc giả này. Nhật Cương, một thạc sĩ phần mềm tại Pháp, cũng là Chủ tịch của Café Sách Robooksta thì cho rằng, những biến động lịch sử không có những tiểu thuyết như thế này sẽ không có ai ghi lại. “Nói về lịch sử chỉ có một cách thôi, đó là nói về nó một cách chân thành, như người bà đã nói”, anh Cương cảm nhận.Việc giữ lại những câu tiếng Việt gốc cũng khiến anh cảm thấy “rất Việt Nam, đúng là chất liệu từ Việt Nam”. Độc giả Lê Hoàng hiện đang học tập tại Mĩ cho biết, anh chọn cuốn sách trên kệ ở nhà sách vì thấy đây là ấn phẩm của người Việt và cảm nhận tác giả đã sử dụng một chất liệu mới khi viết.

Hà Linh, một giảng viên đại học tại Mĩ, người dẫn buổi trò chuyện, cho rằng, qua những câu chuyện về cuộc đời mình của bà Diệu Lan kể với Diệu Hương, cháu ngoại của mình, người đọc The Mountains Sing có thêm một cái nhìn từ bên trong về những biến cố chìm nổi xảy đến với mỗi gia đình, mỗi người dân đất Việt theo dòng lịch sử của nửa sau thế kỉ 20. Tác giả Nguyễn Phan Quế Mai cho biết, chị muốn chú trọng vào quan hệ con người với con người. Chiến tranh kết thúc nhưng những gì chia cắt con người, như những người trong gia đình họ Trần không thể kết thúc. “Cần đọc nhiều hơn, cần hòa giải với nhau nhiều hơn để chữa lành những vết thương từ quá khứ”, chị nói.

Nguyễn Phan Quế Mai cũng chia sẻ về đường đến văn chương với các bạn có đam mê viết. “Điều kiện tiên quyết để trở thành một người viết giỏi là phải là một người đọc giỏi, trong đó đọc được bằng tiếng Anh, tiếp cận các trào lưu văn học của thế giới là một lợi thế”, chị nói. Việc tham gia các khóa học viết văn theo chị cũng cần thiết để có kĩ năng tốt, những nhà văn thành danh hầu hết đều học qua các lớp viết văn, ngoài ra là học và đọc thường xuyên. “Việc học rất quan trọng, cảm xúc là một phần, kĩ năng rất quan trọng để định hình cảm xúc ấy”. Ngày nay việc học từ xa rất tiện lợi và phù hợp. Kinh nghiệm của chị là viết mỗi ngày để duy trì cảm xúc.

Một số độc giả tham gia buổi trò chuyện.  Nhiều cuộc giao lưu với bạn bè và độc giả các nước cũng đã được nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai thực hiện trong thời gian qua. 

Nguyễn Phan Quế Mai sinh năm 1973 tại Ninh Bình lớn lên tại Bạc Liêu,do đặc thù công việc chị phải làm việc di chuyển qua nhiều quốc gia khác nhau. Chị tốt nghiệp chương trình thạc sĩ và tiến sĩ về Creative Writing tại đại học Lancaster, Anh. 33 tuổi quay trở lại với niềm đam mê văn chương, những năm qua chị miệt mài với việc làm thơ, dịch văn học Việt Nam và đã đạt được một số thành quả. Và chị đã quyết định viết một tác phẩm tiếng Anh thay vì dịch, bởi văn học Việt Nam ít được giới thiệu tới bạn bè quốc tế. “Mọi thứ đều có thể, có thể viết văn nếu đủ yêu thích, bắt đầu không bao giờ là muộn”, chị nói với các bạn đọc trong buổi trò chuyện.

The Mountains Sing được in lần đầu tháng 3 năm 2020 tại Mĩ. Cuốn sách cũng tiếp tục nhận được những giải thưởng uy tín như giải thưởng Bookbrowse 2020 cho tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất, giải thưởng Blogger's Book Prize năm 2021, giải cao nhất ở hai hạng mục của International Book Awards. Việc có thêm một cuốn sách văn học Việt viết bằng tiếng Anh như The Mountains Sing sẽ gia tăng sự hiện diện của văn học Việt Nam. Nguyễn Phan Quế Mai cùng với một số tác giả người Việt khác như Linh Lê, Viet Thanh Nguyen, Ocean Vuong... đang hình thành một thế hệ những người Việt sáng tác bằng các ngôn ngữ chính trên thế giới, góp phần đưa văn học Việt Nam hội nhập bên cạnh cây cầu dịch thuật.

HOÀNH SƠN

Nguồn VNQĐ


Có thể bạn quan tâm