April 25, 2024, 10:32 pm

Nguyễn Công Hoài và những vụn vặt rất hiền

Lần đầu tiên Nguyễn Công Hoài làm một triển lãm chỉ với những bức tranh về vợ và con.

Tranh gom lại từ những lần nhẩn nha vẽ trong 7 năm qua, kể từ khi Hoài lập gia đình và ấp nở bầy con. Tưởng anh vẽ khơi khơi vậy thôi. Kiểu như, trong lúc trở lật những suy tư chiêm nghiệm về vũ trụ và tiểu vũ trụ, về hố đen và những năng lượng tối trong nội giới, thì nhìn sang thấy vợ con, và tâm trí cùng linh hồn tìm được một điểm nghỉ.

Với một người đàn ông, vợ con là nội giới hay ngoại giới? Có lẽ mỗi người mỗi cách nghĩ. Nhưng ở khía cạnh linh hồn, dù muốn hay không, ai cũng ký gửi trong vô thức một phần bản thể của mình ở người bạn đời và đứa trẻ mà ta góp phần sinh ra. Hoặc là, nhìn ở chiều ngược lại, cái thế giới bên ngoài xâm nhập vào bên trong ta qua thông qua vợ/chồng - con cái ta. Họ là không phải là một phần của cuộc sống, một phần của hiện thực mà là một cuộc sống khác, một vùng hiện thực khác tồn tại song lập và nằm ở biên cương nội giới và ngoại giới. Nơi biên cương ấy có đủ vui - buồn, sướng - khổ, hạnh phúc - đau đớn, yếu đuối - cuồng nộ, dịu êm - vỡ nát. Và thường thì tất cả những thứ ấy đều “lậu” cả. Vui lậu buồn lậu hạnh phúc lậu khổ đau lậu. Ta chẳng biết chúng từ đâu tới. Không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ. Cái biên ải giữa trong và ngoài, giữa máu thịt và xa lạ, giữa cao xanh và trần tục thật chẳng dễ gì mà diễn đạt.

 

Nguyễn Công Hoài hẳn là không chủ đích (và chẳng dại gì) để diễn đạt. Anh ghi chép thôi. Như ghi nhật ký trong mỗi quãng nghỉ. Là nhật ký nên nó lụn vụn, ki cóp nhặt nhạnh những khoảnh khắc. Có cảm giác rằng, trong lúc ngả lưng mượn cọ thuật lại hình hài của miền biên ải cuộc đời, anh vẫn cố gắng trong vô thức lần tìm một con đường mòn để vượt biên vào bên trong mình. Vẫn cái bản thể ấy, nhưng có những vùng hoang tối mịt mờ mà chỉ khi dùng đường tiểu ngạch để đi mới thấu tỏ từng ngóc ngách.

Miên biên ải của Hoài vừa xao xác vừa yên ả. Người phụ nữ là nhân vật trung tâm. Nàng lúc nào cũng hiện lên với gương mặt câm lặng và ánh nhìn trễ nải. Nhưng có một trọng trường vô hình bao quanh nàng. Dáng ngồi buông thõng vai. Dáng nằm mê mệt bên đứa trẻ ngủ lăn lóc sau cữ quấy đêm. Và cái dáng bế con ngả gập nửa chở che nửa tìm một điểm tì. 

Người phụ nữ ấy nhẩn nha với những việc tủn mủn bên con thơ. Không tất bật nhưng chẳng thong dong. Cứ bấn bíu, vướng víu, níu chân níu tay. Ngay cả khi nàng một mình với đủ tư thế duỗi doãi, cúi gập thì vẫn là chiếc bụng bầu neo nàng lại nơi không gian ấy, chẳng thể rời đi. Mà cũng chẳng muốn rời đi.

Người đàn bà của Hoài cứ hồn nhiên bình thản, như chẳng có mưu cầu kiếm tìm điều gì. “Bờ” của nàng là ở đây, ngay nơi này, ngay tại lúc này, bên những bề bộn này, trong không gian quẩn quanh này. Nàng không đi lạc ra khỏi hiện tại của mình, và nàng ở đó như cái cột mốc chỉ đường để người khác cũng không đi lạc ra khỏi hiện-tại-có-nàng của họ. Cái hiện tại không nên thơ nhưng dịu dàng.

Hoài dùng màu vàng làm màu chủ đạo cho những bức tranh đặc tả người phụ nữ của mình, thứ màu sắc êm dịu nhất mà Hoài từng dùng. Những đường miết cọ kĩ và mịn, đi viền nắn nót. Trước giờ, màu vàng được Hoài dùng như thứ ánh sáng từ ngoài rọi vào để soi những co quắp nội tâm bên trong. Còn ở chùm tranh này, màu vàng từ trong tỏa ra, lặng lẽ ấm áp như ánh nến. 

Bao giờ cũng thế, cứ vẽ vợ con là Hoài hiền. Những gai góc cuồng nộ như bị bẻ trụi lủi trước vẻ mặt tư lự, thờ ơ của người đàn bà mang nhan sắc thơ trẻ. Có bức Hoài vẽ vợ như một “Bà Trời”: thánh thiện và hỷ xả. Có bức Hoài vẽ vợ như Đức Mẹ sầu bi ôm con trong lòng an ủi với nỗi buồn vương không biết nguồn cơn. Có bức Hoài vẽ vợ rồi nhốt nàng vào cái hình hộp chữ nhật trong suốt như người đàn bà trong truyện ngắn của Nhật Chiêu: “Vượt thoát trong hoan ca và rồi nàng bật khóc khi nhận ra mình đã tự nhốt mình bấy lâu sau cánh cửa không hề có khóa.”

Không phải lúc nào Hoài cũng tìm được điểm rơi hoàn hảo cho những bức tranh của mình. Có khi gặp một sự hẫng nhẹ. Nhưng bù đắp lại là xiết bao trìu mến. Người đàn bà nồng ấm, bầy trẻ hồn nhiên. Những sinh hoạt con mọn đời thường gần gụi, thân thuộc. Và người chứng kiến - cũng là kẻ trực họa - cứ thế thưởng thức những khoảnh khắc lạc thú bé mọn: cảnh vợ say ngủ bên con với chiếc bình sữa ơ hờ trong miệng con thơ, cảnh vợ cho con ngồi bô với vẻ thảnh thơi nhẫn nại, cảnh đứa trẻ túm lấy bầu vú mẹ khúc khích nghịch ngợm, và những giấc ngủ đủ mọi hình hài trong sự bình yên. Lẩn khuất đằng sau những gam màu âu yếm ấy là lời thì thầm thú nhận cùng Thiên Chúa: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi”.

Với Hoài, vẽ là phơi bày. Triển lãm lần này là sự phơi bày một gương mặt khác của anh: Một Nguyễn Công Hoài và những vụn vặt rất hiền. Không còn những trăn trở hiện sinh, không giấc mộng cứu thế. Người đàn ông trong anh quay về nương náu bên những gì đời thường đến vặt vãnh, quẩn quanh. Một chốn nghỉ nơi vùng đệm giữa nội giới và ngoại giới mỗi lúc chồn chân trên dặm dài tìm kiếm một đỉnh núi của mình.

 

“Đi biển có đôi” - Nguyễn Công Hoài chọn cái tên đó cho triển lãm lần này của mình. Đi biển có thể chỉ là đi biển thôi, chẳng mang gánh nặng triết lý gì. Nhưng cũng có thể là chuyến vượt bể đời không biết ngày cập bến của hai con người tự nguyện gắn bó với nhau, cùng tạo tác cuộc đời, cùng gừng cay muối mặn. Sao cũng được, nghĩa đen hay nghĩa bóng, sâu xa hay giản đơn, có đôi là được. Có đôi là có một người chứng kiến ta, nhìn thấy ta, để ta chứng minh được sự hiện hữu của mình. Không phải tất cả những gì ta gắng làm trong cõi đời này, chỉ là để chứng minh điều đó sao?

Đi biển có đôi là triển lãm cá nhân thứ 6 của Nguyễn Công Hoài, diễn ra từ ngày 2-22/3/2023 tại Alpha Art Station (271/5 Nguyễn Trọng Tuyển, P10, Q Phú nhuận, TP.HCM). Một nửa số tranh của triển lãm sẽ được đưa sang Bệnh viện Quốc tế Mỹ vào ngày 4/3 như một món quà tinh thần dành cho những người phụ nữ đã, đang và sắp làm mẹ.

Nguyễn Công Hoài sinh năm 1984 tại Quảng Trị, là một trong những gương mặt họa sĩ đương đại nổi bật. Những triển lãm thành công của anh có thể kể đến “Nghe những tàn phai”, “Những ngày không mơ mộng”…




 


Có thể bạn quan tâm