April 25, 2024, 6:57 am

NGUỒN SÁNG HÒA BÌNH TỪ VIỆT NAM

 

Chưa bao giờ có một cuộc đối thoại của lãnh đạo hai nước bạn được tổ chức tại Việt Nam lại thu hút sự quan tâm sâu sắc của toàn thế giới như cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra tại Hà Nội ngày 27-28/2/2019. Với hơn 3.000 nhà báo quốc tế hiện diện tại Hà Nội rất sớm, hầu hết các hãng truyền thông lớn trên toàn cầu đều tập trung phản ánh sự kiện quan trọng này từ những cuộc đàm phán cấp chuyên viên đến sự chuẩn bị rất chu đáo, sáng tạo của nước chủ nhà; đặc biệt nhấn mạnh đến mô hình Việt Nam đổi mới, hội nhập, phát triển kinh tế nhanh, chính trị ổn định, xã hội yên bình; nơi đã tổ chức rất thành công nhiều hội nghị quốc tế như APEC cuối năm 2017. Hãng BBC đã đưa ra những nhận định lạc quan về kết quả có thể đạt được trong bài viết khá dài: “Hà Nội giúp Mỹ - Triều đón ánh sáng hòa Bình”.

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un 

ĐÔI ĐIỀU VỀ QUÁ KHỨ VÀ KỲ VỌNG TƯƠNG LAI

Triều Tiên là một trong ba nước đầu tiên công nhận Việt Nam từ tháng giêng năm 1950, cùng chịu cảnh chia cắt đất nước làm hai miền. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sang thăm Triều Tiên năm 1957, Thủ tướng Kim Nhật Thành (Kim IL-sung là ông nội của đương kim Chủ tịch Kim Jong-un) đã sang thăm Việt Nam năm 1958 và năm 1964. Chính ông đã đề nghị được cử ba phi đội không quân Triều Tiên sang tham gia chiến đấu tại Việt Nam năm từ tháng 9/1966 (Hàn Quốc đã cử 300.000 quân tham chiến tại miền Nam đến 1973). Hiện vẫn còn khu lưu niệm nghĩa trang các liệt sỹ Triều Tiện tại Bắc Giang.

Năm 1974 Thủ tướng Kim Nhật Thành đã gửi thư cho Quốc Hội Hoa Kỳ đề nghị đàm phán một hiệp ước hòa bình thay thế cho Hiệp định đình chiến năm 1953, tiếp đó ông còn nhắc lại với Tổng thống Jimmy Carter, nhưng không được Mỹ quan tâm. Năm 2000, với thiện chí của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Chủ tịch Kim Jong-il (cha của Kim Jong-un) đã có nhiều cố gắng cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ. Ông khẳng định: -Chúng tôi không coi Hoa Kỳ là kẻ thù vĩnh viễn. Chúng tôi hy vọng bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ. Bang giao Mỹ-Triều sẽ phát triển phục vụ quyền lợi nhân dân hai nước nếu Mỹ từ bỏ quan niệm lỗi thời của chiến tranh lạnh, giải quyết vấn đề Triều tiên bằng sức mạnh... tạo điều kiện cho hòa bình, thống nhất trên bán đảo Triều Tiên... Nhưng các tổng thống Mỹ sau đó đã lại gây thêm mâu thuẫn. Sau khi ông Kim Jong-un lên làm chủ tịch Triều Tiên, Mỹ càng cấm vận căng thẳng hơn khiến cho đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng dù đói nghèo, Triều Tiên vẫn vững vàng vươn lên xây dựng quân đội hùng mạnh, có vũ khí hạt nhân với tên lửa vượt đại châu tầm bắn xa, tới tận Hoa Kỳ. Chính Donald Trump khi mới lên làm tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ đã dọa sẽ hủy diệt Triều Tiên bằng bão lửa nếu họ dám động đến lãnh thổ Hoa Kỳ. Nhân dân Mỹ khá lo lắng, ở Hawaii đã phải đào hầm trú ẩn, Nhật Bản, Hàn Quốc đều rất lúng túng.

Tình hình chỉ dịu xuống từ sau đại hội Olympic mùa đông tháng 2/1018 tại Hàn Quốc với sự tham dự của đoàn thể thao Triều Tiên và đoàn đại biểu cấp cao có cô Kim Yo-jong em gái Chủ tịch Kim. Người phụ nữ dịu dàng, thông minh này đã thiết kế cho cuộc gặp Liên Triều ngay sau đó ở khu phi quân sự, và nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của Tổng thống Hàn Quốc mà cuộc gặp thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ nhất đã diễn ra thuận lợi tại Singapore tháng 6/2018. Cô Kim Yo-jong sinh năm Đinh Mão - 1987, kém anh trai 4 tuổi, nhưng cùng anh theo học tại Thụy Sỹ, luôn là “cánh tay phải”, là “người gác cổng” cho anh. Khi ký văn kiện tại Singapore, cô đã đưa bút của mình cho ông anh ký, không cho dùng bút đã để sẵn trên bàn - một sự cảnh giác lo xa rất chu đáo. Cô Kim từng là phó Ban Tuyên giáo TW, và hiện là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính Trị của Triều Tiên, nhưng vai trò thực tế của cô còn vượt ra khỏi nhiệm vụ chính thưc, hơn cả Chánh văn phòng Phủ Chủ tịch. Cô tham gia vào mọi thứ, kể cả những vấn đề quan trọng như tình báo, an ninh, thử vũ khí hạt nhân, chính sách đối ngoại… và tất nhiên có những tác động tích cực vào cuộc họp thượng đỉnh 2 tại Hà Nội lần này. Tối ngày 23/2 Kim Yo-Jong đã cùng anh trai đáp tàu bọc thép vượt hơn 4.500 km sang Việt Nam như ông nội Kim Nhật Thành từng đi năm 1958 (Kim Nhật Thành đã dùng máy bay từ Quảng Châu đến Hà Nội; vì đường sắt Việt Nam hẹp, tàu hỏa phải dừng lại ở ga Đồng Đăng). Hai tuần qua, truyền thông Triều Tiên liên tục tỏ ra lạc quan gần như khẳng định: - Sẽ có đột phá trong quan hệ Mỹ - Triều, mở ra thời kỳ lịch sử mới - hòa bình, ổn định, phát triển lâu dài; hãy“buộc chặt dây giày” tiến lên xây dựng đất nước...

Nhân dân Triều Tiên đang đặt nhiều kỳ vọng vào tương lai - “Triều Tiên sẽ trở thành một cường quốc kinh tế nếu từ bỏ vũ khí hạt nhân, thay tên lửa đạn đạo bằng tên lửa kinh tế tầm cao…” như lời tổng thống Donald Trump trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều 2 tại Hà Nội.

 

NHỮNG DỰ BÁO TỐT LÀNH TỪ VIỆT NAM

Theo các hãng truyền thông Mỹ - Anh, thì khi chọn Việt Nam họp thượng đỉnh 2, tổng thống Donald Trump coi Việt Nam là một biểu tượng, một hình mẫu về hòa bình và phát triển kinh tế nhanh. Ông muốn họp tại Đà Nẵng vì ông đã dự APEC cuối năm 2017, tại đây rất an toàn, thoải mái, và quân cảng Đà Nẵng rất quen thuộc với người Mỹ. Còn chủ tịch Kim Jong-un thì muốn họp tại Hà Nội vì Triều Tiên có sứ quán và ông nội từng hai lần đến đây. Hà Nội được gọi là Thành Phố Vì Hòa Bình, có đầy đủ mọi điều kiện tốt nhất giúp hội nghị thành công. Sự thống nhất chọn Hà Nội cho thấy phía Mỹ đã không còn cứng nhắc, đã thực sự quan tâm đến kết quả là chính yếu. Ngay cả những bất đồng về những điều khoản đàm phán cũng được cả hai bên cố gắng dàn xếp cho câu chữ hợp lý, như khái niệm về “phi hạt nhân” cần hiểu thế nào cho đúng, và lộ trình ra sao... Chính ông Donald Trump cũng thừa nhận những việc làm tích cực của Triều Tiên gần đây, như ngừng thử tên lửa, phá hủy bãi thử vũ khí hạt nhân, trao trả hài cốt binh sĩ Mỹ, nâng cấp các chuyên viên đàm phán đủ thẩm quyền gặp lãnh đạo cao nhất, loại trừ bớt những vấn đề chưa cần bàn, như việc rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc và quá trình hủy bỏ hạt nhân cần có lộ trình... Mỹ sẵn sàng cam kết giúp Triều Tiên phát triển kinh tế hiện đại và sớm có một hiệp ước hòa bình thay cho Hiệp định đình chiến 1953.

Từ ngày 20/2 đặc phái viên của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã có mặt tại Hà Nội, tiếp tục đàm phán, chuẩn bị văn kiện cho hội nghị. Đặc phái viên Mỹ, Stephen Biegun, là chuyên gia ngoại giao và an ninh giàu kinh nghiệm của Quốc Hội và Chính Phủ Hoa Kỳ, nổi tiếng ứng xử khéo léo, thông minh kể cả với những quan chức có quan điểm cứng rắn với Triều Tiên. Đặc phái viên Triều Tiên, Kim Hyok-chol, từng làm đại sứ tại Tây Ban Nha, là một nhà ngoại giao tài hoa được chủ tịch Kim rất tin cậy, cử thay thế Thứ trưởng ngoại giao làm trưởng đoàn đàm phán với Mỹ từ sau hội nghị thượng đỉnh 1. Theo hãng Reuters, với sự thay đổi đặc phái viên này, chủ tịch Kim muốn tổng thống Mỹ có thể tin cậy trực tiếp trao đổi mọi điều với Kim Hyok-chol như trao đổi với chính mình. Đây là sự thay đổi chưa tùng có ở Triều Tiên. Thái độ vui vẻ, thân thiện, cởi mở của hai đặc phái viên tại Hà Nội là yếu tố quan trọng tạo nên sự đồng thuận quý báu giúp Chủ tịch Kim có thể tuyên bố: Tôi không muốn để vấn đề hạt nhân đè nặng tương lai con cháu! Và tổng thống Trump phát biểu mạnh mẽ với báo chí, đại ý rằng hòa bình đang ở trong tầm tay của chúng tôi.

Donald Trump và Kim Jong-un có cá tính gần như trái ngược nhau, nhưng họ đã tìm thấy sự tương đồng trong thái độ sôi nổi, chân thành, biết mình biết người, tôn trọng nhau, và đặc biệt là quyết liệt trong những mục tiêu theo đuổi với sự thức thời vì lợi ích chung. Chính điều này đã khiến Donald Trump nhiều lần thừa nhận chủ tịch Kim là một người thông minh, dễ mến, chuyện trò và viết thư rất thú vị. Theo lịch trình được Nhà Trắng thông tin cho báo chí, sau hội đàm ngày 27/2, hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc gặp riêng, cùng ăn tối, cùng dạo bộ đường phố Hà Nội như đã từng diễn ra tại Singapore. Theo đài VOA dự đoán, có thể họ sẽ đến quán của Madam Hiền ở phố Chân Cầm (Hoàn Kiếm) vì quan chức hai đoàn đã đến thưởng thức các món đặc sản Hà Nội ở đây, và đến thăm Nhà hát Lớn. Các nhà phân tích cho rằng, nhiều vấn đề khó giải quyết trên bàn đàm phán có khi lại được giải quyết nhẹ nhàng từ những cuộc gặp riêng thân mật. Đường phố Hà Nội với cờ hoa rực rỡ và thái độ nồng nhiệt, hiếu khách của đông đảo nhân dân Thủ đô ngàn năm văn hiến chắc chắn tạo nên nguồn cảm hứng tốt lành cho cả hai nhà lãnh đạo và mọi thành viên.

Thực ra đây là thời điểm vô cùng thích hợp để Mỹ - Triều giải quyết những bất đồng cơ bản vì cả hai phía đều đang rất cần, rất mong muốn điều đó. Trước thềm cuộc họp này, Chủ tịch Kim đã bật đèn xanh cho đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp Quốc công bố tình hình thiếu lương thực nghiêm trọng do thiên tai và cấm vận, Triều Tiên đang cần được cứu trợ 1,4 triệu tấn lương thực. Đã từng du học ở Thụy Sỹ, giỏi ngoại ngữ, anh em Kim khao khát mong muốn nhanh chóng đưa đất nước phát triển hiện đại, hoàn thành sứ mạng của cha ông thống nhất đất nước. Mối quan hệ Liên Triều đang tiến triển tốt đẹp, không còn lý do gì để chấn chừ thiết lập quan hệ mới với Hoa Kỳ. Sở dĩ người Triều Tiên suốt bảy mươi năm qua phải thắt lương buộc bụng để xây dựng quân đội, sản xuất vũ khí hạt nhân để buộc Mỹ phải thừa nhận, đàm phán bình đẳng chứ không hề có ý định xâm lược ai. Nhưng thực tế nó đang gây nên sự lo ngại của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả thế giới. Đối với tổng thống Trump hiện nay cũng đang gặp nhiều bất đồng trong nước về những quyết định đối nội, đối ngoại khá căng thẳng cả với Trung Quốc, Nga và Trung Đông. Ông rất cần những kết quả tốt nhất với Triều Tiên mà chưa bàn đến viếc phải rút quân Mỹ khỏi Hàn Quốc. Điều này còn nâng cao vị thế của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng ở Đông và Nam Á.

Hãng tin KCNA của Triều Tiên kêu gọi Tổng thống Trump hãy cảnh giác với những người đang tìm cách phá hoại nỗ lực cải thiện quan hệ song phương Mỹ - Triều. Ông Trump viết trên trang cá nhân: -Mọi người nay có thể cảm thấy an toàn hơn nhiểu so với ngày tôi nhậm chức. Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân. Tôi và chủ tịch Kim có mối quan hệ rất tốt đẹp.Triều Tiên có đầy đủ mọi điều kiện để phát triển kinh tế nhanh hơn bất cứ quốc gia nào khác... hãy chờ xem!

Cả phía Mỹ và Triều Tiên đều rất hài lòng khen ngợi sự nỗ lực chuẩn bị hoàn hảo, sáng tạo của Chính Phủ và nhân dân Việt Nam, bảo đảm mọi điều kiện thuận lợi nhất cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều 2 thành công.

Có một chi tiết khá thú vị là năm 1954 hội nghị quốc tế tại Geneva để bàn về chiến tranh Triều Tiên nhưng lại xoay sang bàn về đình chiến lập lại hòa bình ở Việt Nam vì chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Sau 65 năm khát vọng hòa bình của Triều Tiên đang được sáng lên từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều 2 ở Việt Nam. Hy vọng rằng từ chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của chủ tịch Kim Jong-un, những bài học từ phát triển kinh tế thị trường có định hướng XHCN, hội nhập toàn cầu sẽ thực sự bổ ích đế Triều Tiên tăng tốc đổi mới toàn diện và thống nhất đất nước trong hòa bình phồn vinh. Chắc chắn từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều 2, hình ảnh và vị thế Việt Nam càng được nâng cao, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư và khách du lịch toàn cầu.


Nguồn Văn nghệ số 9/2019


Có thể bạn quan tâm