April 24, 2024, 8:22 am

Nguồn lợi trước mắt, không thể là gánh nặng của tương lai

 

Khi "sự kiện" Fomosa còn chưa kịp lắng xuống thì xã hội và giới truyền thông lại rộ lên câu chuyện về nhà máy giấy Lee&Man của Công ty TNHH  Lee&Man tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang phải tạm  dừng hoạt động để kiểm tra, đánh giá tác động môi trường xung quanh những nghi vấn về khả năng gây ô nhiễm của dự án này có thể sẽ dẫn đến tình trạng "bức tử" sông Hậu, giống như trường hợp công ty vedan đã từng bước tử sông Thị Vải vài năm trước, và gần đây nhất là chuyện công ty miwon xả thải đe dọa môi trường sông Hồng... Vấn đề không hẳn chỉ nằm ở việc một dự án hàng ngàn tỷ đồng sẽ bị "đắp chiếu", mà còn ở chỗ hàng loạt những vụ việc xâm hại đến môi trường và sức khỏe của người dân đã và đang được đưa ra ánh sáng trong một thời gian ngắn đã không khỏi khiến người ta giật mình, thậm chí đặt câu hỏi về độ an toàn của những khu công nghiệp hiện có trên khắp dải đất hình chứ S này.  Và  Fomosa, Vedan, Miwon, giấy Lee&Man giống như những tiếng chuông cảnh báo buộc chúng ta không thể không ngộ ra một điều: Nguồn lợi trước mắt không thể là gánh nặng của tương lai.

Tại Văn bản số 5510/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng UBND tỉnh Hậu Giang khẩn trương kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường một cách nghiêm túc đúng quy định của pháp luật đối với Dự án nhà máy giấy Lee&Man của Công ty TNHH Lee&Man tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, bảo đảm ngăn chặn, chủ động phòng tránh có hiệu quả việc ô nhiễm môi trường có thể xảy ra do hoạt động của nhà máy giấy, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, xử lý kiến nghị của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam về Dự án nhà máy giấy Lee&Man nêu trên, có văn bản trả lời cho Hiệp hội.

Đây là những động thái cần thiết của Chính phủ, để thấy đang có những chuyển biến tích cực trong cách điều hành nền kinh tế, dù muộn nhưng vẫn  được xem là kịp thời để có thể ngăn chặn và xử lý những bất cập trong quản lý kinh tế hướng đến tăng trưởng xanh cũng như bảo vệ môi trường  trước sức ép của hội nhập và phát triển. Trước đó, như Văn nghệ đã đưa tin, Công ty TNHH Nhà máy bột giấy Lee&Man VN (thuộc Tập đoàn Lee&Man Paper Hong Kong, Trung Quốc)  đầu tư lên tới 1,2  tỉ USD, trở thành một trong năm nhà máy giấy lớn nhất thế giới.  Chính vì vậy sự ra đời của Nhà máy bột giấy Lee&Man VN tại thời điểm được cấp phép đã từng được kỳ vọng là một trong những dự án đầu tư lớn nhất vào ngành công nghiệp giấy, một ngành mà có rất ít doanh nghiệp “chịu” đầu tư một cách nghiêm túc bài bản, thay cho thực trạng manh mún nhỏ lẻ lâu nay và có thể đáp ứng gần như tuyệt đối nhu cầu sự dụng giấy trong nước. Tuy nhiên, dù đã  được UBND tỉnh Hậu Giang gia hạn lần thứ tư về tiến độ thực hiện dự án (cấp phép từ năm 2007), những đến nay vẫn chưa thể đi vào hoạt động do những cam kết về môi trường đang khiến dư luận lo ngại sẽ là thủ phạm  bức tử sông Hậu.

Đây là những lo ngại hoàn toàn có căn cứ, bởi trên thực tế, theo một số liệu được công bố gần đây, trong tổng số 183 khu công nghiệp trong cả nước, có trên 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các đô thị chỉ có khoảng 60% - 70% chất thải rắn được thu gom, cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải nên chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường...Hầu hết lượng nước thải chưa được xử lý đều đổ thẳng ra sông, hồ... Gần đây nhất là trường hợp sông Thị Vải bị ô nhiễm bởi hoá chất thải ra từ nhà máy của công ti bột ngọt Vê Đan,  của sông Hồng do miwon xả thải... Những cái kết dù được báo trước những vẫn không có cách nào ngăn chặn, do năng lực, quan niệm và có hàng ngàn lý do để bao biện cho những mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá.

Trong trường hợp Lee&Man Việt Nam, cứ hình dung thế này trong khi toàn ngành giấy Việt Nam trong năm 2012 mới chỉ sản xuấ bột giấy ở mức xấp xỉ 485.000 tấn, chỉ mới đáp ứng được một nửa nhu cầu, thì công suất sản xuất bột giấy của Lee&Man Việt Nam (theo dự án đăng ký đầu tư) đã là 330.000 tấn/năm  có thể đáp ứng hầu như hoàn toàn nhu cầu sử dụng trong nước. Vấn đề còn lại là quy hoạch ngành giấy để không rơi vào tình trạng dư thừa như đã từng xảy ra với thép, xi măng. Nhưng tiến độ cao su, những cam kết về môi trường... đã đặt dấu hỏi về tính khả thi của dự án. Trước mắt là ngành giấy đang rơi vào thế bị động khi không thể quy hoạch lại toàn bộ hệ thống cơ sở kỹ thuật hiện có. Môi trường sông Hậu cũng cần phải có báo cáo môi trường độc lập từ các nhà khoa học có Tầm và có Tâm để nguồn lợi trước mắt không phải là gành nặng của tương lai.

PV


Có thể bạn quan tâm