April 19, 2024, 8:58 am

Người viết văn như đánh trận

Có một nhà văn viết nhọc nhằn, gian khó, ác liệt như chiến trận, đúng với nghĩa đen của từ này, đó là nhà văn Trúc Phương. Cuộc đời của ông gắn liền với chiến tranh trận mạc. Nhập ngũ năm 1965 lúc mới 15 tuổi, vào bộ đội địa phương thuộc thị đội Vĩnh Long, sau chuyển sang “Đội trinh sát vũ trang an ninh” của tỉnh Vĩnh Long,

Trúc Phương đã tham gia hàng trăm trận đánh ác liệt. Đơn vị của ông phải thay quân mấy lượt, từ quân số hơn 150 người, hy sinh gần hết, lúc hòa bình chỉ còn vài ba người sống sót, thương tật. Nhất là sau Tết Mậu thân 1968, “Giặc phản kích điên cuồng. Phố loang lổ, hoang tàn sau những lần hủy diệt. Làng quê thành vùng bắn giết tự do. B52 bừa đất thành bột. Chất độc hóa học rưới ướt bữa ăn. Sự sống và màu xanh biến dần từng ngày trong trí nhớ con người…” (Heo may muộn). Ác liệt đến nỗi nó cứ ám ảnh Trúc Phương mãi sau những năm đã hòa bình. Và giờ đây ở vào tuổi thất thập, nhà văn lại bước vào những trận đánh mới không kém phần ác liệt trong văn chương.

Vợ chồng nhà văn Trúc Phương

Đó là ngày 25 tháng 5 năm 2012, cả gia đình Trúc Phương bàng hoàng khi nghe bác sỹ thông báo, ông bị bệnh ung thư, căn bệnh hiểm nghèo mà ai dính vào coi như “tử thần chuẩn bị gọi tên”. Miệng ông sưng tấy lên, khối u bít họng không ăn gì được, cứ há ra là rỉ máu. Người ta đưa ông vào bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh để phẫu thuật. Họ lược miếng thịt dưới cằm của ông để vá vào chiếc lưỡi đã bị cắt đi một nửa. Người ông trông đen thui, gầy sọp, từ hơn 63 kg chỉ còn 42 kg, ăn bằng sợi dây truyền nước. Rồi ông phải qua 6 tháng với 25 lần xạ trị. Tia xạ nóng làm hai hàm răng lung lay, lợi tưởng như bị chín hết. Nhưng bệnh tật không làm giảm đi khát vọng văn chương trong Trúc Phương, trái lại nó còn trỗi dậy mãnh liệt hơn. Ông nói ông còn bao nhiêu dự định, bao vốn sống, nếu không được viết ra, sẽ đem theo nó xuống mồ, thật uổng phí. Vậy là nhà văn bắt đầu viết văn lại sau hơn một năm chống chọi với cơn bạo bệnh. Ông cho chúng tôi biết, cũng tại không ngủ được vì đau nhức, phải viết để quên cái đau. Nhưng viết thì mệt lắm, dù vậy ông vẫn quyết dùng ý chí của mình để chiến thắng bệnh tật…

Cuộc đời Trúc Phương có quá nhiều nghịch cảnh. Tham gia Cách mạng mới 15 tuổi. Sau hòa bình, với quá trình tham gia kháng chiến như vậy ông không khó để có được một địa vị này nọ ở địa phương. Nhưng Trúc Phương không làm thế mà lại xin ra Bắc học. Vừa học trường Tuyên huấn Trung ương vừa đi học bổ túc văn hóa lớp 12. Tốt nghiệp, ông lại thi đậu vào trường Viết văn Nguyễn Du (Khóa 1). Cũng vì đi học quá nhiều mà ông đã bỏ lỡ dịp phong anh hùng, vì ở địa phương, trong chiến tranh, Trúc Phương là một đội trưởng đội diệt ác rất dũng cảm, hết lòng trung thành với cách mạng. Tuy nhiên vốn thẳng tính nên ông cũng bị không ít người ganh ghét. Ở Trường Viết văn Nguyễn Du, Trúc Phương bị người ta xếp là “em út” vì chưa có tác phẩm gây được sự chú ý. Ấy là bởi định kiến trong đầu một số người có “quyền sinh quyền sát” trong giới văn chương, bởi thế dự thi bao nhiêu lần vẫn không đoạt giải. Trúc Phương bèn lấy bút danh khác gửi truyện ngắn dự thi, liền đoạt ngay giải thưởng, ví như cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 1995, ông đoạt giải Ba với truyện ngắn Dốc chiều hôm với bút danh là Trần Phương Anh. Tiếp đến là cuộc thi Cây Bút Vàng do Nhà xuất bản Công An Nhân dân kết hợp chi Hội Nhà văn Công an tổ chức năm 1998, Trúc Phương lại đoạt giải Nhì với truyện ngắn Heo may muộn với bút danh là Phương Anh. Ông trời cứ mãi bất công với Trúc Phương, trong khi biết bao nhiêu dự định sáng tác đang tuôn chảy thì ông lại dính vào căn bệnh quái ác. Không chịu thua số phận, Trúc Phương nghiến răng mà viết, viết trong lúc mệt không gượng nổi, viết trong lúc máu rỉ ra miệng, cơn đau nhức đến lộng óc, dai dẳng hành hạ không cho ông một giấc ngủ yên lành. Không ngủ được thì viết. Viết như nhập thần. Hình như tia xạ trị đã kích thích một vùng ngôn ngữ nằm sâu trong tiềm thức bừng dậy, tuôn ra ào ạt, nhất là ngôn ngữ thơ, đến nỗi ông viết văn xuôi cũng cứ như thơ. Bắt đầu là trường ca Mẹ, đất nước và lưu dân. Phần đầu là chiến tranh chống Mỹ. Trúc Phương nói phải hớt cái phần của “vỉa quặng” chống Mỹ trước vì mình có nhiều vốn sống và cảm xúc, nếu lỡ có chết cũng đỡ tiếc. Xong phần chống Mỹ, vẫn chưa chết (Phần này dày dến mấy trăm trang) ông viết tiếp phần chiến tranh biên giới Tây Nam, vì phần này ông cũng có nhiều vốn sống. Viết xong vẫn chưa chết, Trúc Phương quay lại viết phần chống Pháp… Cứ mỗi lần viết xong vài trang bản thảo, ông lại gọi cháu Huy đến để đem đi đánh máy. Trước khi vào viện, ông lại dặn thằng con trai, cứ như trăng trối lại, bản thảo ba đã viết đến đoạn nào, sửa ra sao, ngoặc lên kéo xuống thế nào, để nếu có ra đi thì nó còn biết mà đem sửa chữa, in ấn, được phần nào hay phần ấy… Trường ca này Trúc Phương viết từ 2013 đến 2016, dày 880 trang khổ 16x24cm, và đã đoạt giải thưởng trong cuộc thi sáng tác văn học do Hội Nhà văn Việt Nam kết hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức. Xong cuốn trường ca “vĩ đại” này, Trúc Phương lại viết tiếp Ngàn năm biển gọi cũng dày gần ngàn trang. Ông lại tập hợp 57 truyện ngắn in thành tập Chim không hót lúc bình minh, dày cũng cả ngàn trang. Rồi cuốn tiểu thuyết Nắng không của mặt trời cũng dày dặn không kém. Cuốn tiểu thuyết này đã vào chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam vừa rồi. Rồi cuốn Người anh hùng chân đất cũng dày cả ngàn trang xuất bản, vừa đoạt giải Ba Bộ Quốc phòng... Nối tiếp nhau, Địa đàng đỏ lại được Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành...

Nhìn vào những tác phẩm liên tục ra đời của Trúc Phương, nhiều người nghĩ việc phẫu thuật và xạ trị của ông đã có kết quả, bệnh ung thư đã nằm yên, nhưng ngờ đâu đến năm 2014 căn bệnh quay trở lại khiến ông lại mất nhiều thời gian để chiến đấu với bệnh tật. Lại phải lên bàn mổ lần thứ hai. Nhưng phúc nhà còn lớn, bác sỹ xác định không bị di căn... Thế nhưng “cuộc chiến” của ông như vậy chưa phải là đã hết. Không lâu sau, đứa con trai duy nhất của vợ chồng ông cũng phát hiện bị bệnh ung thư, lại phải vào viện phẫu thuật… Hoàn cảnh như vậy nhưng khi có bạn văn đến thăm, ông bà vẫn rất lạc quan. Phải công nhận rằng, Trúc Phương hoàn thành được những tác phẩm đồ sộ trong hoàn cảnh như vậy một phần cũng nhờ có được người vợ biết động viên, chăm chút cho ông từng viên thuốc, chén cơm, luôn sát cánh cùng chồng, góp ý, cung cấp những số liệu, những chi tiết để ông hoàn thành tác phẩm. Đúng là “của chồng công vợ”... Cảm động trước tình cảm và sự hy sinh của người vợ gốc Hải Phòng dễ thương của mình, nhà văn gọi bà là “Tổ quốc” của ông…

Đặc điểm chung trong hơn hai chục tác phẩm của Trúc Phương, dù trường ca, bút ký hay tiểu thuyết đều đồ sộ, trên dưới 1000 trang khổ 16x24cm, Trúc Phương nói ông thích sách khổ lớn. Ấy là nói riêng về độ dày của nhọc nhằn chữ nghĩa. Ghi nhận điều này, nhà văn Trúc Phương đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác nhận tác phẩm Mẹ, đất nước và lưu dân là: “Tác phẩm viết về cuộc chiến tranh lịch sử mở cõi về phương Nam của người Việt có số lượng trang và câu thơ nhiều nhất”.

Hiện nay nhà văn Trúc Phương vẫn đang từng ngày từng giờ chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác và gấp rút hoàn thành trường ca Từ hai phía mặt trời. Dự định của ông là sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021, với độ dày 1.500 trang in. Ông cho biết, mỗi tác phẩm phải vượt qua lúc này đều như một trận đánh trên chiến trường miền Nam sau Tết Mậu Thân 1968.

Viết nhiều nhưng Trúc Phương không chạy theo số lượng. Văn ông vẫn trau chuốt, ngồn ngộn vốn sống, nhiều chi tiết đắt giá, có tính khái quát cao, mang đậm nét tính cách người dân Nam bộ. Bởi vậy nên không ngạc nhiên khi nhà văn Trúc Phương đã từng giành được nhiều giải thưởng văn chương danh giá.

Viết văn như đánh trận. Hiếm thấy ai có sức sáng tạo, lòng đam mê văn chương và nghị lực phi thường như nhà văn Trúc Phương!

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2020


Có thể bạn quan tâm