April 25, 2024, 1:50 am

Người viết huyền thoại sông nước*

Hơn 30 năm trước, bước vào nghề cầm bút, tôi được về tỉnh Vĩnh Long, tham gia trại viết đồng bằng sông Cửu Long. Điều gây ấn tượng mạnh mẽ trong tôi khi phát hiện ra một căn phòng nhỏ đầy sách, trong một góc tĩnh lặng của Hội. Đó là chỗ ở của anh Phong Ba - Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long. Anh là họa sĩ, tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Gia Định nên phụ trách mảng hội họa của Hội. Nhưng tôi thường nhìn thấy anh ngồi đọc sách say mê, qua khung cửa sổ… Một hôm tình cờ thấy anh loay hoay cắt dán, tạo hình những chiếc hộp giấy. Chung quanh là những quyển sách mới tinh, tôi hỏi: “Anh đang làm gì đó?”. Anh cười hiền nói: “Anh đang mặc áo cho sách. Người mặc áo, không lẽ không mặc áo cho sách sao?”. Tôi lặng nhìn những quyển sách được “mặc áo”, xếp ngay ngắn trên kệ, trong lòng dâng lên niềm kính phục

Nhiều năm không gặp, một ngày mùa xuân năm Mậu Tuất, tôi thật sự bất ngờ khi anh Phong Ba trao cho tôi bộ tiểu thuyết dày Tiếng hú. Cả một mùa xuân, tôi dường như đóng cửa thư phòng, đọc chậm và kỹ văn anh, từng dòng, từng trang. Tôi được truyền cảm hứng từ tình yêu sông nước của anh. Anh yêu mảnh đất đồng bằng sông Cửu long thật mãnh liệt, với những con người đã làm nên huyền thoại sông nước. Những con người là tinh hoa của đất, của sông đã làm nên những chiến công hơn cả huyền thoại. Anh thấm tiếng hú gọi truyền nhau yêu thương. Anh thấu hiểu những con người biết thở như cá, biết từng xoáy nước, từng mạch ngầm, từng gốc cây dưới lòng sông. Những con người biết nín thở đi qua dòng sông, biết thế phát cỏ ngã rạp theo một chiều nhất định, biết thích nghi với đồng bằng đầy rắn rít, muỗi mòng; những con người ngủ ngồi mà vẫn tỉnh táo trong cuộc mưu sinh trên sông nước... Anh đã khắc họa chân dung những con người đồng bằng sông Cửu Long tuyệt đẹp. Những bông hoa sông nước đẹp đến nao lòng không chỉ vì sắc mà bát ngát hương thơm, được tỏa sáng bởi trí tuệ. Những cô gái như Hà là tinh hoa của đất, của sông. Hà được sinh ra từ trí tuệ của người mẹ kiêu hãnh, từ người cha thượng võ. Mười hai tuổi, cô bé đã săn được cá hô hàng trăm ký. Cô bé ấy biết nấu nướng giỏi, biết chế biến món ăn thần kỳ cho người, cho cá. Một cô bé dũng cảm một mình chiến đấu với con cá hô quẫy đạp, tự cắt da chân thoát khỏi móc câu để cứu mình. Cô bé Hà với nhan sắc, trí tuệ tỏa sáng của mình đã cứu danh dự những nhà khoa học nuôi thú ở Sài Gòn từ lời thách đố của tướng Khuê, bởi nếu không ai thuần được con chó berger của Mỹ, tất cả sẽ “chết” vì mất danh dự. Hà đã nhận lấy sứ mệnh ấy trong nỗi xót xa, lo lắng tột cùng của ban giám đốc Sở Thú, bởi một tích tắc sơ hở, cô gái xinh đẹp, trong sáng như đóa hoa sen hé mở sẽ bị con chó hung bạo xé xác, sẽ chết thảm trong máu me bởi hàm răng sắc nhọn của con chó man dại. Hà đã dũng cảm thách đấu và đã chiến thắng rực rỡ. Đoạn văn miêu tả cảnh đấu giữa người và chó của anh thật lạnh người:

“… Khoảng cách còn hai mươi mét, đôi mắt ngài thiếu tướng bỗng khép lại… Trong đầu lởn vởn nghe như mùi máu, đôi tai ông ta như đang chực nghe tiếng gào thét tuyệt vọng của cô gái trong tích tắc…

Chợt một tiếng hú vút lên. Tiếng hú như nén tất cả thần khí man dại, cuồn cuộn, xoáy vào không gian vắng phắt, như tiếng thanh đồng lanh lảnh vang vang. Tiếng thanh đồng dội xuống từ trời, đội lên từ đất, âm sắc như nén lại bắn thẳng vào xi măng sắt thép, dội lại rót vào tai mọi người rờn rợn như xuyên óc buốt tim. Ngài thiếu tướng Khuê chợt rùng mình, mở choàng mắt ra, trợn trạo xoáy nhìn con chó…”.

Hà có bí quyết gì để thắng con chó hung hãn?! Nhà văn Phong Ba đã tiết lộ trong tiểu thuyết một bí quyết thật bất ngờ, vi diệu. Cô bé mồ côi Hà được ông ngoại nuôi dạy bằng tình yêu sông nước, nên cô nói “Không yêu cá thì yêu ai”. Tình yêu thiên nhiên đã giúp Hà săn được cá hô và chiến thắng chó dữ. Nhưng nếu chỉ có tình yêu thì chưa đủ để cô chiến thắng…

Nhờ có trí tuệ mà Hà “cá hô” và anh Thạc - Tiểu đoàn trưởng đặc công, hậu duệ của tổ tiên từng đi ngầm qua dòng sông, có tài bơi lội như Yết Kiêu, dũng mãnh như cá kình biển Đông đã nhận ra những giá trị cốt lõi của nhau, rồi như hai giọt nước, hòa lẫn vào nhau, trong suốt và đồng nhất như một. Mối tình đôi trai tài gái sắc đẹp lộng lẫy mà cũng đau đến tận cùng, khi chiến tranh tàn nhẫn cướp đi hạnh phúc của họ, để Thạc phải chết trên tay Hà vì chấn thương nước sau một trận đánh tàu long trời lở đất, lúc đứa con Hà còn trong bụng mẹ, vĩnh viễn không biết mặt người cha kiêu hùng.

Tiếng hú của Phong Ba giúp tôi tìm ra ẩn số một thời chiến tranh ác liệt, Thành ủy Sài Gòn Gia Định Chợ Lớn có rất nhiều người trẻ tuổi, là phụ nữ, xuất thân từ miền Tây sông nước. Gởi lại đứa con trai cho người dì và đồng đội ở quê hương; Hà nhậm chức Thành ủy viên, phụ trách phong trào nội đô, binh vận khi mới ngoài hai mươi tuổi, với lời ký thác của má Ba Reng, một nữ Thành ủy viên phụ trách nội đô vừa bị địch sát hại. Cô lấy bí danh “Sành”, ngụ ý là con vạc sành hòa lẫn với cỏ cây, hòa lẫn với nhân dân để sống và hoạt động cách mạng. Hà (Sành) là tinh hoa của nhân dân, của vùng đất sông nước, nơi phát tích của những con người huyền thoại, trung kiên, thật trí tuệ, thật đẹp đẽ. Cô gái trẻ măng ấy từng mở lớp dạy những tuyệt chiêu võ thuật bí truyền cho lực lượng biệt động Sài Gòn. Hà đã luồn lách vào những khu chợ trời, mua những bộ đồ nhái cho bộ đội đặc công, diệt những tên phản bội cộm cán được bộ máy quyền lực Mỹ cà quân đội Sài Gòn bao bọc, che chở. Sự hòa lẫn mình của con vạc sành giải mã ẩn số những trận đánh xuất quỷ nhập thần vào các cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Thật không thể tin nổi, một Thành ủy viên trẻ măng đã thuyết phục được hai sĩ quan tình báo Mỹ đi cùng với cách mạng, phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa từ bản lĩnh, trí tuệ của Sành.

Tôi rung cảm mãnh liệt tính chân thật trong các nhân vật của anh. Sành đã rất chân thật sau khi cô diệt tên thiếu tá Bốn ác ôn bằng cú võ bí truyền từ người cha - kẻ đã thách tên lính đi cùng bắn mẹ cô trên chiếc xuồng chỉ bằng một điếu thuốc; sau khi đã tham gia trận đánh với mấy trăm lính thủy quân lục chiến; cô đã khóc nức nở trong vòng tay người thân: “Con đã giết người, con đã giết người!”. Với một cô gái đẹp như Sen, yêu từng bông hoa, khóc thương con mèo bị thương tích, con chuột non bị dẫm đạp; sự tàn nhẫn cuộc chiến tranh thật quá sức với cô. Nhưng những cô gái đẹp như Tô Thị Huỳnh, Mười Lý, Hồ Thị Kỷ... buộc phải cầm súng, đánh giặc gan lì, đơn giản vì những người dân sông nước hơn ai hết phải là người bảo vệ quê hương mình.

Một họa sĩ người Việt gốc Hoa, từng kiếm được nhiều tiền, bỏ lại sau lưng cuộc sống sung túc, đầy đủ; bao cơ hội làm giàu tham gia kháng chiến đã lý giải tính chiến đấu khi chọn lấy ngòi bút để viết quyển tiểu thuyết đậm chất anh hùng ca đồng bằng sông Cửu Long. Trong lá thư gởi cho tôi, anh Phong Ba tâm sự: “Anh có khiếu vẽ từ lúc 7 tuổi, là thiếu sinh quân thời chống Pháp. Năm 1956-1959, anh theo thầy học vẽ, phiêu bạt sang Phnom Penh kiếm sống, rồi về nước, vẽ quảng cáo, bị nạn, té từ trên cao 4 mét xuống đất. Bịnh vừa bớt thì đồng khởi, chị Bảy của anh hối thúc: “Mày có nghề, đi đâu trốn lính được thì đi. Ở nhà thế nào cũng bị bắt lính. Anh em mày bắn nhau sao? Anh cãi - Em có giấy thế vì khai sanh 17 tuổi. Chị Bảy hét lên - Tụi nó bắt mày cởi quần ra, rồi mày cãi mày 17 tuổi sao? Đêm đó, anh rời Bến Tre lên Sài Gòn. Từ sau Tết đến tháng 2 năm 1960, anh tham gia tiệm vẽ quãng cáo ở Ngã tư Nguyễn Trãi - Lý Thành Nguyên Chợ Lớn, trung bình mỗi tháng được 10.000 đồng. Tháng cuối cùng (11.1960), trước khi ra kháng chiến được 30 ngàn (Trong khi chiếc Honda đam mới nhập về Sài Gòn thời ấy là 22 ngàn). Nếu không ra kháng chiến, chắc anh có vợ người hoa và giàu lắm quá!”.

Vốn sống viết quyển tiểu thuyết của anh được đổi bằng giá máu. Nhiều đồng đội anh đã ngã xuống, cho anh được sống và bị thôi thúc món nợ quá khứ. Tôi thật sự kinh ngạc, tự hỏi anh lấy đâu ra vốn sống để viết về Sài Gòn thật sinh động, với những ngóc ngách thật vi tế, những lỗ đục tường trong những con hẻm giải vây cho thanh niên trốn lính, cảnh sinh hoạt của người dân thượng lưu lẫn dưới đáy, hồn cốt người Sài Gòn hào phóng, trượng nghĩa... Anh bộc bạch:

Là người tỉnh lẻ, anh viết được cuốn tiểu thuyết về Sài Gòn là nhờ mấy năm lang thang đi học vẽ, hai năm công tác đô thị và 6 năm sau giải phóng học Đại học Mỹ thuật ở Sài Gòn.

Anh cũng thấy nhờ yêu nghệ thuật, siêng đọc. Có lẽ với kháng chiến là nghĩa vụ làm trai thời nước nhà ly loạn, mình không thể bàng quang, thì tham gia hết mình. Bất cứ việc gì làm được thì làm. Nhưng anh có thói quen, vừa là người trong cuộc nhưng vừa có cái nhìn nhận biết, nhận xét của người ngoài cuộc.

Có lẽ cái nhìn ngoài cuộc cho anh đánh giá đúng về cuộc chiến đấu phi thường, một mất một còn, không kể tính mạng mình, cho lý tưởng độc lập tự do. Anh nhìn được tình người là ngọn nguồn của tình yêu nước...

Đẹp lắm. Anh thấy quãng đời 15 năm đó sống thật ý nghĩa biết bao! Cũng chính nhờ vậy mà bao năm lâm nạn về “gốc Hoa”, từ từ anh vượt qua được...”.

Tác giả ý thức sâu sắc cấu trúc tiểu thuyết của mình:

Cuối sách, anh cho thiếu tướng Phùng và Hà (Sành) gặp nhau. Chú là kỳ phùng địch thủ, khuấy nước chọc trời... Rồi Sành mơ thấy chồng, thấy con, thấy hai bà mẹ thiên nhiên, phiêu diêu miền siêu nhiên, rồi ước về tương lai, mặc tình đắm say. Vạc sành bay bay, híp mắt tíu tít nói cười, chất ngất thôi, cất tiếng hú gởi về quê hương, Tiếng súng xa dội lại. Tiếng gà gáy sáng. Một ngày mới lại bắt đầu....

Cuối cùng, anh như buông cọ vẽ, nét vẽ cuối bức tranh lớn của cuộc đời:

Anh không phải viết truyện mà là vẽ bức tranh hoành tráng thì đúng hơn!.

Khép lại quyển sách, tôi nghe như có tiếng hú vang lên từ dòng sông, truyền dẫn, đồng vọng qua xóm làng khúc nhạc triền miên, dệt tình yêu quê hương sông nước cứ đồng vọng bên tai. Âm hưởng những bài đồng dao chạm vào nơi sâu thẳm trái tim người xuất thân từ sông nước như tôi. Tôi nhìn thấy bức tranh hoành tráng của những con người làm nên những huyền thoại sông nước Mê Kông, nơi có những dân tộc Việt, Hoa, Campuchia, Lào, Chăm… từng quay quần chung sống, trộn lẫn máu để có được những bông hoa thơm ngát, lung linh; cùng chung lưng đấu cật để giữ đất. Những cô gái ấy là sen giữa đầm lầy nhưng là hoa hồng có gai với những bàn tay tham lam, đang tâm hủy hoại cái đẹp. Lòng tôi chợt trào lên nỗi xót xa. Tôi tự hỏi những cô gái đẹp như Sen, trí tuệ, bản lĩnh như Hà giờ ở đâu? Họa sĩ Phong Ba đã sống hết mình trai thời loạn để viết quyển sách về một thời chiến tranh ác liệt mà đẹp lộng lẫy tình yêu quê hương, đất nước. Thế hệ anh đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Viết tiếp huyền thoại sông nước thời bình là trách nhiệm của những người lớn lên sau cuộc chiến...

_______

* Tiểu thuyết “Tiếng hú’, tác giả Phong Ba, Nxb Hội Nhà văn, 2020.

Nguồn Văn nghệ số 31/2020


Có thể bạn quan tâm