April 23, 2024, 8:03 pm

Người văn bạn của dòng sông

Giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng năm 2022

Nhằm ghi nhận, tôn vinh những nỗ lực, sáng tạo của các nhà văn nữ Việt Nam trong cuộc sống và sự nghiệp, đặc biệt là những đóng góp trong cộng đồng, đồng thời khuyến khích, cổ vũ, động viên các nhà văn nữ nâng cao chất lượng sống, góp phần nhân lên các giá trị sống tốt đẹp, nhân ái, phù hợp với truyền thống, nhân cách của người phụ nữ Việt Nam, giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng đã được Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam Khóa X phê duyệt và triển khai từ năm 2021. Năm 2022, sau những nỗ lực tìm kiếm những ứng cử viên tiêu biểu tại các vùng miền, theo đề nghị của Ban Nhà văn nữ, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã thống nhất trao giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng năm 2022 cho 2 nhà văn, là nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan (Hà Nội) và nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa (Ninh Thuận). Đây là 2 nhà văn nữ cùng có chung hoàn cảnh bị bệnh tật từ nhỏ và đều tự học và vươn lên trong nghịch cảnh, có nhiều đóng góp cho cộng đồng.

Nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan sinh năm 1976, đã có 52 đầu sách dịch, có 4 tác phẩm viết cho thiếu nhi. Chị đã nhận được giải thưởng dịch thuật của Hội nhà văn Việt Nam (2010) và giải sách quốc gia 2020. Đặc biệt hai năm qua, ngoài dịch và viết sách chị còn xây dựng được 5 tủ sách cho các vùng khó khăn tại Đắk Nông, tổ chức chương trình “đọc sách cho con” cho 30 gia đình, giới thiệu 45 đầu sách dành cho thanh niên…

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa sinh năm 1984, đã in 14 đầu sách trong đó có 7 cuốn cho thiếu nhi và nhận được nhiều giải thưởng văn học: Giải nhất cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 2013-2014; giải nhất cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch 2013-2015; giải nhất cuộc thi tản văn Thương nhớ miền Trung 2020… và nhiều giải thưởng khác. Chị đã nhận được bằng khen của Thủ tướng chính phủ năm 2015; được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn 1 trong 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng năm 2021.

Cả hai nhà văn Nguyễn Bích Lan và Nguyễn Thị Kim Hòa hiện vẫn miệt mài làm việc, sáng tác và tiếp tục có sách ra trong năm 2023. Các chị là minh chứng cho ý chí không bao giờ gục ngã trước những thách thức của số phận và chính các chị mang đến cho chúng ta niềm tin yêu và những giá trị đích thực của cuộc sống – dù còn đầy bộn bề và cay đắng này.

VN

 

Khi bình truyện ngắn Khói tàn trên tháp cho chương trình Đọc truyện đêm khuya của Đài Phát thanh & Truyền hình Bình Định, tôi đã viết: Hai ngày đêm cho một hồi ức sống dậy. Hai ngày đêm cho cuộc gặp vốn đã tìm kiếm suốt đời. Hai ngày đêm cho những đoạn luận về anh hùng, nạn nhân và lịch sử. Và thời gian hai ngày đêm mang tính ước lệ trong truyện ngắn này kỳ thực đã bao trọn trong đó thời gian nhận chân sự thật lịch sử. Giọng điệu ma mị và cách viết cực thực đã đẩy câu chuyện chạm đến ngưỡng của nỗi đau, ngưỡng của những nát tan, vụn rã trong tâm hồn con người và đó cũng chính là ngưỡng của sự tái sinh. Có nhiều dẫn chứng cho cách viết cực thực: “Đầu giơ ra muốn nứt toác, mặt giơ ra muốn cháy xém”, “nắng róc đến những giọt mồ hôi cuối cùng”, “Gió còn hơn cả một cái tát rát rạt”, “Mùi da thịt mình bốc khói khét lẹt”, “mỏng lét cả ánh trăng”… Văn đẹp, khắc họa khá sâu tính cách, tâm hồn nhân vật. Thủ pháp đồng hiện khiến câu chuyện đầy tính nhân văn này trở nên sống động

Bình vậy nhưng mãi sau này, tôi mới biết nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa, người văn bạn của dòng sông Dinh (Tô Hạp), dòng sông hiếm hoi trên vùng đất bán sa mạc Phan Rang đổ nước về Biển Đông. Hòa nói: “Bờ bên kia là bãi bồi, xanh mướt. Bờ bên này cát nắng. Em nhìn sông và màu xanh ấy để cân bằng…”. Tôi hình dung đến hình dáng nhỏ nhắn của Hòa ngồi đó trong những trưa khét tóc, những chiều hừng hực của xứ Phan mà thấm hiểu về dưỡng chất tâm hồn của nhà văn do dòng sông hiền hòa và trữ tình này vun đắp.

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa còn có bút danh khác là Văn Hiến, sinh năm 1984, hiện đang dạy học và viết văn tại xóm Gò, Đạo Long, Phan Rang. Năm 2 tuổi, Hòa bị sốt bại liệt, liệt luôn tay phải và nửa tay trái, chỉ còn ba ngón bình thường. 25 năm sau, các di chứng tiến triển thành bệnh cột sống, ảnh hưởng đến vận động. Khi còn học phổ thông, Hòa đã đạt giải khuyến khích kỳ thi giỏi Văn cấp quốc gia, năm học 2001-2002, được chuyển thẳng trường Cao đẳng kinh tế đối ngoại Thành phố Hồ Chí Minh. Thầy Nguyễn Đức Thạch, người dạy luyện thi cho Hòa trong kỳ thi Học sinh giỏi ấy cho biết: Hòa rất ham chuyện, cứ ngồi im nghe và sau đó lại lập tức trở thành truyện ngắn với những tầng nghĩa, những thông điệp khác. Từ nhỏ, cô bé đã có khả năng phối trọn câu chuyện của người khác vào vốn sống của mình để sáng tạo nên cái mới”. Hòa tốt nghiệp Cao đẳng năm 2005, xin được việc làm ở thành phố Hồ Chí Minh hơn năm thì ông ngoại, người mà Hòa rất yêu thương, kính trọng, xem như “tiên ông tinh thần” của mình gọi về quê. Ông ngoại là một thầy giáo qua hai thời kỳ, trước và sau bảy lăm, ông đang bệnh nặng nhưng cố thều thào với đứa cháu cưng: “Cháu à, về quê đi, về nối nghiệp ông ngoại! Ngoại muốn cháu có một cuộc đời yên ả, hạnh phúc! Bươn chải với sóng gió cuộc đời nhiều cũng chẳng để làm gì đâu cháu”… Năm 2006, Hòa về quê bắt đầu mở lớp dạy kèm cho trẻ em trong vùng. Khởi đầu lớp chỉ với 1 cô bé học sinh lớp 5. Lớp học duy trì đến nay đã được 17 năm. Hiện tại, có khoảng 100 học sinh, độ tuổi từ lớp 2 đến 9, chia thành nhiều nhóm nhỏ, học rải hết các ngày trong tuần. Dạy chủ yếu tiểu học và tiếng Anh cấp 2. Đa phần những tác phẩm viết cho thiếu nhi của Hòa lấy cảm hứng từ lớp học này (Cảm hứng về tuổi thơ mình thì chỉ có tập đầu tay là Tay chị tay em). “Chỉ cần ngồi lắng nghe một chút, đã có thể có vô số câu chuyện thú vị. Lớp học không chỉ nuôi sống em mà còn nuôi sống mạch văn thiếu nhi trong em”, Hòa tâm sự vậy. Gia đình và lớp học nhỏ này là chỗ dựa và cũng là động lực để nhà văn làm việc. Nhờ lớp học hiện tại Hòa có thể hỗ trợ kinh tế cho ba mẹ, lo bệnh cho em trai và nuôi sống chính mình (Em trai Hòa phát hiện suy thận giai đoạn cuối 3 năm trước, Hòa làm thủ tục hiến thận cho em trai nhưng bị từ chối vì sức khỏe không phù hợp). Thật ra Lớp học Cây me là tên một tác phẩm của Hòa (Chuyện kể ở lớp Cây me), một hôm có người bạn nhà thơ ghé chơi và gọi tên lớp học như thế, nhiều người thấy hay gọi theo luôn.

Hòa cho biết: Trang viết đầu tiên đăng báo là một tản văn viết về biển trên tạp chí Áo Trắng năm 2009. Trưởng thành từ tạp chí Áo Trắng, sau đó là tủ sách 8X của Nhà Xuất bản Văn hoá Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh. Nhà văn Đoàn Thạch Biền, Chủ bút Áo Trắng và nhà văn Bích Ngân, người phát triển tủ sách 8X, đã giúp Hòa nhiều trong “những bước chập chững” vào nghề văn. Riêng nhà văn Bích Ngân giúp đỡ Hòa trong văn chương và cả cuộc sống từ trước đây cho đến hiện tại. “Em luôn xem chị Ngân là người mẹ trong văn chương của mình”, Hòa rưng rưng nói vậy.

Nói về Hòa, nhà văn Bích Ngân dồn nén cảm xúc trong ánh mắt yêu thương, tự hào: “Nguyễn Thị Kim Hòa nổi bật, tỏa sáng về nghị lực, tài năng và phẩm hạnh.

Với Nho đắng, tập truyện ngắn đầu tay xuất hiện ở lần ra mắt thứ hai của Tủ sách văn học 8X đến truyện dài Nơi cơn lũ chưa qua ở lần ra mắt kế tiếp, Nguyễn Thị Kim Hòa đã thể hiện được khả năng văn chương của mình. Sau, có lần tôi dự trại chung với Kim Hòa, lúc ấy, em không khỏe. Những cơn đau về thể chất theo chu kỳ lại hành hạ Hòa. Hôm sau, Hòa không thể cùng các thành viên trại viết đi thực tế. Tôi không đi theo đoàn mà ở lại với Hòa. Hòa đau đến độ không nằm được trên giường, phải trải chiếu nằm dưới nền gạch. Hòa lăn lộn, Hòa cắn răng, Hòa ràng rụa nước mắt, chịu đựng. Vậy mà, khi cơn đau vừa đi qua, Hòa cố cười, động viên tôi: “Em không sao đâu, chị đừng lo…”. Trong cơn đau giày vò, Nguyễn Thị Kim Hòa hoàn tất bản thảo hơn sáu ngàn chữ. Tôi nhớ, khi đọc xong truyện ngắn Nắng quái Tây Nam Thành, tôi đã ôm thật chặt Hòa vào lòng mình”…

Chỉ viết bằng ba ngón tay còn lại, có lúc phải nằm nghiêng cho bớt đau, nhưng cho đến nay nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa đã in 14 cuốn sách, trong đó có 7 cuốn cho thiếu nhi, 7 cuốn truyện ngắn, truyện dài và tản văn, trong đó có những tác phẩm được bạn đọc hết sức yêu mến, như Tay chị tay em (truyện dài viết cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng, 2011); Đỉnh Khói (tập truyện ngắn, NXB Văn hóa Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2015); Sa mạc & những vệt nhớ (tản văn, NXB Văn hóa Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 2016); Công chúa nhỏ chăn cừu (tập truyện ngắn thiếu nhi,NXB Kim Đồng, 2016); Con phim phụng cuối cùng (tập truyện ngắn lịch sử, Công ty sách Nhã Nam, 2017); Cửa sổ phía Đông (truyện dài, NXB Trẻ, 2018); Chuyện kể ở lớp Cây Me (truyện đồng thoại thiếu nhi,NXB Kim Đồng, 2019)...

Được biết nhiều từ Giải nhất cuộc thi Truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ quân đội (2013-2014), sau đó Hòa trở thành nhà văn có nhiều giải thưởng văn chương nhất tỉnh Ninh Thuận: Giải nhất cuộc Vận động sáng tác Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch (2013-2015), Giải C Liên hiệp hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (2015), giải tư cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần 6 (2015-2018), Giải Nhất cuộc thi Tản văn Thương nhớ Miền Trung (2020)... , đó là những giải thưởng danh giá nhiều người cầm bút mơ ước.

Năm 2015, nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam và vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2021, tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn: Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa là một trong “20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng của năm”.

Và mới đây, ngày 28/2/2023, nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa được Hội Nhà văn Việt Nam tôn vinh bằng Giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng năm 2022. Trong nỗi niềm xúc động của người cùng nghiệp cầm bút, tôi hỏi Hòa: “Nhà văn muốn nhắn gì đến hai đấng sinh thành?”, em rưng rưng: “Con cảm ơn ba mẹ vì đã luôn bên con! Và con xin lỗi nếu có lúc nào đó con trở thành gánh nặng…”. Vì quá xúc động, Hòa không nói được nhiều nhưng tôi hiểu lời run run ấy còn chất chứa nhiều thương yêu thiêng liêng mà ngôn ngữ không thể diễn đạt được.

Nguyễn Thị Kim Hòa chia sẻ: Thời gian tới, tôi tiếp tục theo đuổi đề tài Văn học thiếu nhi, quyển sách thiếu nhi mới Vương quốc Ngộ Nghĩnh (truyện dài) do NXB Kim Đồng thực hiện, đang vào nhà in. Tiếp tục với thể loại truyện ngắn. Dự kiến sẽ hoàn thành tập truyện về vùng đất Ninh Thuận trong năm 2023. Gần đây, lớp học chiếm nhiều thời gian hơn, nên em viết có phần chậm lại. Vì còn để dành sức để dạy… (Cười)…

Tôi hỏi, nếu chỉ phải nói một câu về mình, em nói gì? - “Tôi cứ tự nhủ mình như một ngọn nến sắp tàn, để bùng cháy hết mức có thể với thời gian, tôi phải gắng từng chút để khỏe hơn, khỏe để có thể viết”. Và nữa, - Điều gì soi sáng những trang văn của em? Em ngẫm ngợi một lúc rồi buông chậm từng tiếng: “Tôi – luôn – tin – vào – ánh - sáng – của – thiện – lương!...”

Vâng em, cô gái - người văn bạn của dòng sông Dinh hiền hòa! Chúc em luôn “chân cứng đá mềm”!

Nguyễn Hiệp

Nguồn Văn nghệ số 10/2023


Có thể bạn quan tâm