April 24, 2024, 4:36 am

Người trên ghe cát

Cứ mỗi chuyến chạy ghe cát về miệt U Minh, Huân đều cho ghe neo lại bên bờ sông Cái Tàu ít hôm, khi thì cõng cát lên bờ cho người ta làm nhà sẵn tiện cho máy móc nghỉ ngơi ít hôm tránh tình trạng hỏng hóc sau quãng sông dài mà ghe đã đi qua. Chỗ bãi sông quen, bờ đất nhô ra bị sóng đánh lở tạo thành hình trăng khuyết, Huân lấy thế nhảy lên bờ kéo sợi dây thừng trước mũi ghe cột chặt vào thân cây bạch đàn nghiêng gió. Anh lấy tấm ván dài làm chiếc cầu nối mũi ghe với bờ đất để tiện việc đi lại, gánh cát. Cái khoảng trống trước ghe chứa đầy cát, cát nặng kéo chiếc ghe trì xuống dòng sông, nặng trịch. Mỗi lần sóng đánh, nước sông chạc vào mũi ghe nhưng không đủ sức nhấn chìm vì đáy ghe khá rộng và sâu. Cuộc đời riêng tư của Huân xếp gọn trong cái ô vuông được dựng kín mít bằng ván, có cửa ra vào, cửa sổ thông gió, cái sàn nước sau lái, cây ớt hiểm nhỏ xíu trồng trong cái thùng muốt xốp vừa kịp ra mấy quả chín đỏ choen choét, bữa cơm nào Huân cũng thò tay ra hái trái ớt dầm nước mắm rồi gắp rau luộc chấm vào ăn ngon lành. Trời nóng thì Huân giăng mùng ngủ trên mui ghe, trời mưa trời lạnh thì Huân ngủ trong ghe, kéo sập cái cửa sổ để gió khỏi lùa vào. Huân sợ gió, nói đúng hơn gió đêm là kẻ thù của anh. Nhiều đêm gió khiến anh không ngủ được, chân Huân đau nhức, anh phải lấy dây chuối khô cột vào cổ chân rồi treo ngược lên vách ghe. Nhức không chịu được, nước mắt mặn đắng bò ra khỏi hốc mắt của anh, tràn xuống ướt đầm cả gối.

Ngày xưa, Huân cũng từng ước mơ. Mười lăm tuổi, vì hoàn cảnh nên Huân nghỉ học ở trường. Huân sớm lao vào đời, dấn thân vào cuộc mưu sinh đầy gian khó. Hồi vác cuốc đi làm đất, nhổ cỏ mướn cho người trong xóm, Huân ước mơ xin được một chân phụ việc trong nhà máy xay xát lúa gạo ở Vàm Cái Tàu. Rồi Huân theo tàu ra Vàm Cái Tàu xin việc, nhìn cơ thể vạm vỡ, khỏe khoắn của tuổi dậy thì đang cuồn cuộn trong anh, bà chủ thương tình nhận anh vào làm. Việc hơi nặng nhọc nhưng đồng lương hậu hĩnh, mỗi ngày Huân được bà chủ cho ăn hai bữa cơm, rau cá đầy đủ, anh cũng thường theo bà đi ghe qua Vĩnh Thuận, Giồng Riềng,... mua lúa, khi mươi bữa, khi nửa tháng. Anh mơ ước một ngày nào đó sẽ dành dụm đủ tiền xây mộ cho ba má, dựng lại cái nhà, canh tác trên mảnh đất hương hỏa mà người đời trước để lại. Đùng một cái nhà máy xay xát lúa phá sản, bà chủ hóa điên, người ta phá bỏ nhà máy để xây dựng xí nghiệp thủy sản quy mô tầm cỡ, người trong quê đổ xô ra Vàm Cái Tàu làm tôm cá, sớm đón tàu đi, chiều đón tàu về, đến nhà thì trời đã tối mờ tối mịt. Bất tiện quá nên họ thuê hẳn phòng trọ gần xí nghiệp để ở lại qua đêm. Vợ chồng lạc nhau cũng vì cớ ấy.

   Mảnh đất cằn cỗi, bạc màu, lúa má chết hết sau vụ cấy. Xóm nhỏ bên bờ sông Cái Tàu hồi ấy tiêu điều, xơ xác, đàn ông bỏ nhà đi làm xa, đàn bà theo “bà mối” đi làm “gái trầu cau” biệt xứ. Quẩn trí, mơ ước vỡ tan, Huân đốt nhang vái lạy hương hồn ba má rồi đi trong chiều đỏ bầm như trái sắn. Hồi ấy người U Minh có phong trào “lên Bình Dương đổi đời”, vậy là Huân đi. Anh theo chân một anh thanh niên lên Bình Dương làm trong xưởng hóa chất. Mấy tháng sau, ngửi đến mùi hóa chất là Huân nôn thốc nôn tháo, cổ họng rát buốt, sợ quá anh cuốn gói về lại U Minh, thà cơ cực còn hơn, hít phải hóa chất có ngày nát phổi.

*

   Nhà Bông nằm ở xóm Ngã Bát, cách nhà Huân một con rạch nối liền dòng Cái Tàu với dòng Kinh Tư, tràm bông vàng trổ bông thơm phức. Bông thường chèo ghe đi bán ba khía, mắm lóc, mắm sặc... toàn những thứ Bông tự tay làm rồi bán lại kiếm đồng ra đồng vô. Nhà Bông cũng nghèo như nhà Huân, chị ở với mẹ già, đứa em gái nhỏ. Bông có vóc dáng mảnh khảnh, nhỏ nhắn, mái tóc dài và đôi mắt biết nói. Hình như những gì tinh túy mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho mảnh đất U Minh quyện chặt vào trong Bông. Tóc chị thơm mùi bông tràm. Da chị mặn mòi như phù sa, như từng mùa nước. Chị ăn nói có duyên, lại chăm chỉ, cần cù, xóm Ngã Bát ai cũng thương. Nhiều người mang cau trầu sang nhà Bông hỏi cưới, chị lắc đầu, bảo còn mẹ già với em thơ, đâu thể lấy chồng bỏ họ bơ vơ cho được? Thì Bông hiếu thảo, nhưng chị còn có cuộc sống riêng cho mình, mẹ già đâu thể sống đời với Bông được, cũng có lúc Bông cần có tấm lưng vững chải để dựa vào mà sống tiếp quãng đời tươi đẹp còn lại. Bông cười, lấy cớ phải duyên phải nợ tự khắc sẽ đến được với nhau, o ép cũng không được.

   Và rồi Bông phải lòng Huân.

   Một buổi trưa trời nắng chang chang, Huân đi lững thững trên bờ, đầu trần chân đất. Bông chèo xuồng dưới sông thấy vậy ngỏ ý cho Huân có quá giang về nhà. Huân không từ chối. Bông cập xuồng lại, Huân bước xuống. Bông chèo xuồng chở Huân ngang qua dòng sông có hai hàng dừa nước mát rượi, cá rô non móng nước bì bõm mặt sông. Huân hỏi: “Bông đi bán về hả?”, Bông cười: “Ừa, chèo xuồng hồi sáng tới giờ mà bán hông được bao nhiêu hết, anh Huân à!”. Huân im lặng một chút rồi tấm tắc khen: “Hôm bữa tui ghé nhà bác Hai, bác bưng ra tô ba khía cô Bông làm để lai rai vài xị, công nhận ba khía cô làm ngon dễ sợ, tui vẫn còn nhớ mùi vị của nó đây nè”. Bông bụm miệng cười. Tới chỗ, Bông bảo Huân đứng lại chờ chị múc tô ba khía đầy đưa cho Huân “ăn lấy thảo”. Huân khoát tay, từ chối, bảo Bông: “Để bán đi, cho tui về hụt tiền lỗ vốn rồi sao?”. Bông giả bộ dỗi hờn, bảo Huân khéo lo, vậy là Huân nhận. Buổi trưa, mồ hôi ròng ròng trên gò má của Bông. Anh kêu Bông lên nhà ngồi nghỉ, chờ trời hạ nắng rồi hẳn về cũng đâu có muộn. Chị cười nói về lo cơm nước cho mẹ, cho em. Huân nhớ lại lần đầu tiên anh gặp Bông trong lúc anh xuống xóm Ngã Bát gặt lúa mướn cạnh cánh đồng của Bông. Thấy Bông đội nón lá gặt lúa, Huân ngóng cổ sang hò: “Hò ơ.../ Thò tay anh ngắt cọng ngò/ Thương Bông đứt ruột, anh giả đò ngó lơ...”. Đám con gái cười rộ lên một cái, kêu Bông hò đáp lại. Thoạt đầu, Bông thờ ơ, trách Huân ghẹo vậy lỡ Bông mất duyên thì anh lấy gì mà đền cho Bông. Nhưng rồi ngẫm ngợi, Bông buông một câu: “Anh Huân chọc tui hoài à nghen”. Những mùa gặt đi qua, tự nhiên Bông với Huân thân nhau lúc nào không hay. Trên cánh đồng, họ nói cười, chia nhau củ khoai lang nướng. Bông dịu dàng, ngượng nghịu. Huân e dè, chất phác. Xóm mong chờ một cái kết đầy viên mãn cho mối tình thánh thiện chốn đồng quê.

... Trong đêm tối, Huân nằm suy tư. Anh nghĩ nếu như thời gian có quay trở lại, anh sẽ không hò ghẹo Bông trên cánh đồng vàng màu lúa chín. Anh sẽ không đến với Bông, để Bông bình an mà tìm một bến đỗ mới cho mình, không phải bận lòng vì Huân xuất hiện trong đời Bông rồi bỏ Bông đi mãi. Ừ, Huân có tội. Anh nghĩ vậy. Anh trách mình khiến Bông lỡ làng. Nhưng biết làm sao được, thà để Bông đau một lần còn hơn khổ nhọc cả cuộc đời khi Huân là gánh nặng. Đến cuối đời Huân vẫn mang theo bên mình một món nợ với Bông, một lời hứa. Mà, nợ bạc tiền thì có ngày trả dứt, chứ nợ tình thì Huân biết làm sao?...

*

   Huân gặp Bông lần cuối. Trên đồng cỏ. Nắng đi qua, những cơn mưa đầu mùa bắt đầu rớt xuống vùng quê yên bình. Cỏ vàng úa đã kịp xanh lại, khói lãng đãng, mùi đất nồng lên ấm áp không gian. Sông Cái Tàu chảy xuôi, rẽ nhánh đổ ra cửa biển Khánh Hội. Dưới sông, ghe xuồng tấp nập. Ghe gạo, ghe cát, ghe biển, xuồng chèo... Huân nắm tay Bông, đôi bàn tay lành lạnh. Gió hất tóc Bông xòa ra trước mặt, Bông rụt tay vén tóc, mắt buồn. Huân buồn buồn bảo: “Bông đừng có thương tui nữa, Bông đi lấy chồng đi. Tui với Bông không đến với nhau được đâu?”. “Tại sao?”, Bông hỏi. Huân nín lặng như đang tìm một lí do để Bông an lòng, ngoài mặt Huân sắc lạnh, trong lòng Huân giông bão bời bời. Một thoáng, Huân nói: “Tui nghèo lắm, lấy tui, Bông cực”. Bông cười nhạt nhòa: “Bông cũng nghèo, mình còn đôi tay mà Huân, tui lỡ thương Huân rồi biết sao bây giờ?”. Không giống như Huân của mọi khi, ít nói, giọng ấm, lại hay trêu Bông bằng ngọn cỏ dại đong đưa sau gáy tóc của chị. Huân lạnh lùng, vô cảm. Huân không thấu được nỗi buồn đọng lại trên mi mắt của Bông. Anh im lặng quay lưng bỏ lại Bông trên bến sông, trong chiều buồn tê tái.

   Từ đó, Bông không còn trông thấy Huân một lần nào nữa.

   Nhà Huân đổ chái, hai nấm mồ côi cút giữa đồng hoàng hôn buông lại mọc hai nén nhang đỏ tươi, khói bay nghi ngút. Là Huân đốt nhang. Mà người xóm tìm mãi vẫn không thấy Huân đâu. Anh mất tích khỏi xóm nhỏ bên bờ sông Cái Tàu.

   Cuối năm, Bông đi lấy chồng. Cái tin Bông lấy chồng bỗng chốc lan ra khắp xóm. Ngày cưới, Bông mặc áo dài đỏ, đầu đội mấn, tô son chét phấn lộng lẫy về nhà chồng. Người ta kéo đến chúc mừng Bông, vài người còn nhớ đến Huân, trách khẽ: “Cái thằng tuyệt tình, bỏ con nhỏ giữa chừng. Cũng mong trời thương cho con Bông hạnh phúc, để nó không còn nhớ đến thằng Huân bạc bẽo kia nữa”. Huân lẫn tránh Bông ngót một năm trời. Bông cưới, không ai để ý thấy chiếc ghe cát quen quen chạy qua chạy lại con rạch Ngã Bát mấy lượt rồi neo lại dưới chân cầu. Người đi ghe nhìn lên, thấy chị hạnh phúc mà lòng đau đớn xót xa. Chiếc ghe đầy cát trắng, màu trắng của bạc bẽo, chia li. Nắng rọi vào đốn cát lấp loáng trong buổi sớm tinh mơ. Tiếng chim hòa với tiếng pháo nổ giòn rụm từ nhà Bông vọng lại, xác pháo rụng xuống trôi là đà trên mặt sông. Anh đưa tay vớt một mảnh pháo vỡ, tim anh cũng vỡ. Anh nắm chặt xác pháo trong tay. Hơi lạnh. Mắt cay.

... Mà chân Huân đau không chịu nổi. Đôi lần anh đong cát vào cần xé mang vác lên bờ cho người ta xây nhà, chân đau, anh khuỵu xuống, cần xé cát rơi xuống vung vãi khắp mặt đất. Cát đổ làm sao hốt lại được? Huân cười nhạt nhẽo. Người xóm khuyên anh đừng đi ghe cát nữa, ở nhà dưỡng bệnh, đi ghe cát nặng nhọc lỡ có gì thì khổ cả đời. Huân cứ đi.

   Ngày Huân chia tay Bông là ngày Huân phát hiện chân mình có một khối u sưng mọng, làm mủ. Bác sĩ bảo đó là khối u độc, mọc ngay mạch máu của Huân. Nếu không trị khỏi có nguy cơ Huân sẽ phải cưa chân để giữ lấy tính mạng. Huân kêu trời. Đời trớ trêu. Ai có ngờ một chàng trai khỏe khoắn, mạnh mẽ như Huân lại mắc phải căn bệnh quái ác đó. Người thì chỉ Huân dùng thuốc nam, đắp cây này, lá nọ, nhiều người bảo Huân xuống ông thầy dưới rạch Nàng Chăng cúng kiến, phù phép, biết đâu khỏi. Huân đi cùng khắp, nhưng khối u ngày một sưng tấy, đông cứng. Hai lần lên Sài Gòn hóa trị, tóc Huân rụng, đầu anh trọc lốc. Anh lênh đênh trên chiếc ghe cát rày đây mai đó, khi ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, khi lên Châu Đốc, khi về Cà Mau. Lần nào cũng vậy, anh tranh thủ ghé lại sông Cái Tàu ít hôm thăm mộ ba má, hoặc đứng trước mũi ghe ngóng vọng về ngôi nhà nhỏ bên kia sông, nơi chiều nào cũng có tiếng ơ hò ru con vọng về âm ấm mà buồn đến nao lòng. Anh nhớ ngày xưa, anh đau cho thực tại. Chiếc ghe cát bồng bềnh. Không biết bao nhiêu lần Huân nghĩ đi hết chuyến cát này anh sẽ giã từ nghề, sẽ không lông bông nữa. Nhưng không đi ghe cát thì Huân biết đi đâu? Mảnh đất cũ đã bán, chỉ còn lại trơ trọi hai ngôi mộ trên liếp vườn dưới bóng cây tràm biển mùa nào cũng tận tụy trổ bông, có đàn ong mật bay về nghỉ cánh trên cành. Thi thoảng Huân về thăm mộ, ngồi uống rượu một mình, tự nói vài câu đến khi say mèm rồi lẽo đẽo xuống ghe, nổ máy ra đi. Ghe cát khẳm, rồi vơi. Mà sao nỗi buồn trong Huân cứ khẳm đầy theo năm tháng?!

*

   Khuya nay, chiếc ghe trở lại sông Cái Tàu. Vầng trăng chếch lên, nằm lửng lơ trên ngọn sào chống sau lái để chiếc ghe khỏi bạt nước. Dòng sông Cái Tàu mênh mông, nước chảy xuôi về miệt vườn, nước băng băng qua bao vườn tược, ngập ngừng rồi đổ ra cửa biển Khánh Hội.

   Trời vắng sao, không khí ngột ngạt khiến anh thèm khát một ngọn gió mát lành thổi vào để ráo mấy hạt mồ hôi chảy dài trên lưng, trên bụng của Huân. Anh bước ra lái ghe múc nước rửa mặt. Xa xa, xuồng ai đánh cá ngọn đèn hột vịt treo trên nhánh cây cắm thẳng đứng trước mũi xuồng, tiếng đập nước đuổi cá ồn ã sông đêm. Gần nửa đêm rồi mà Huân vẫn chưa ngủ được, lạ thật, anh thấy chân mình ê ê. Trên đầu, tóc đã mọc lưa thưa, lởm chởm, trông thấy cả da đầu. Anh gầy đi nhiều quá. Cái chân hành anh không sao ngủ được. Anh nhắm mắt nghĩ đến ngày khối u ăn ruồng sâu vào trong, phải cắt chân, không biết anh làm sao bươn chải nỗi với đời. Rồi anh gục ngã. Rồi dâu bể nhấn chìm anh giữa thương đau xác thịt lẫn tinh thần. Bất lực. Anh chưa già mà ngỡ như ngọn đèn trước gió, vụt tắt lúc nào không hay.

   Đang vẩn vơ suy nghĩ, Huân bỗng thấy ngọn lửa sáng rực phừng phừng bên kia bờ sông. Đêm đen kìn kịt, ngọn lửa đỏ như cái lưỡi dài liếm láp một vùng không gian yên tĩnh thanh bình. Từ trong đám lửa tiếng ai kêu la thất thanh, quen lắm. Một đám cháy. Hừng hực. Bên kia cách bên này một dòng sông, đêm lại khuya, tiếng kêu la bạt gió bay về hướng khác. Xóm không nghe, xóm chìm sâu vào giấc ngủ tịch mịch. Ngọn lửa dữ dằn đang mãnh liệt chứng tỏ uy lực của mình, sẵn sàng đốt cháy tất cả trong khoảnh khắc. Huân trợn trừng, mắt anh đỏ ngầu màu lửa. Không kịp nghĩ ngợi, Huân ném cái gàu xuống sàn phóng xuống nước ngụp lặn qua dòng sông Cái Tàu. Dòng sông vừa rộng, vừa sâu. Đã có bao người bỏ mạng dưới dòng sông này, như một sáng năm xưa có cái xác chết trôi nổi lình bình bên kia đám lá, như một trưa yên tĩnh có người đàn ông cõng cái chài lưới lội qua sông, cái chài nặng quá kéo người đàn ông chìm sâu xuống lòng nước căm lạnh. Nghĩ đến đó, Huân thoáng rùng mình. Chân lại đau, bây giờ anh chỉ còn biết gượng hết sức bình sinh bơi qua bên kia bờ, mặc cho chân đau, mặc cho nước lạnh. Không phải vì anh mà vì một người khác, người mà đến tận bây giờ anh vẫn đem lòng yêu thương, vẫn âm thầm dõi theo cuộc sống của họ dẫu họ đã bình an bên chồng, bên con, dưới mái nhà ấm áp. Huân bơi. Có lúc sóng quật anh chìm xuống. Anh lại ngoi lên. Bơi. Cố sức. Thở. Và bơi. Hai tay anh quạt nước. Hai chân anh đạp lia lịa. Nước sông mặn chát tràn vào cầu mắt của anh, vào mũi và miệng. Hình như anh đnag đánh vật với tử thần...

   Cuối cùng thì Huân cũng bơi được qua bên kia bờ. Anh bò lên bãi cỏ gắng gượng chút sức lực cuối cùng lao thẳng vào đám cháy. Cột kèo ngã đổ. Đám lửa đang thiêu trụi mọi thứ. Nhưng Huân biết bên trong căn nhà kia vẫn còn ba con người đang ngụp lặn trong đống lửa hung tàn. Huân thét lên. Huân lùng sục khắp mọi ngõ ngách của lửa. Một tay anh xốc người đàn bà đầu tóc rũ rượi, khuôn mặt lấm lem, một tay anh bế đứa nhỏ thập thững lao ra bãi cỏ. Người đàn bà đã ngất, đứa nhỏ sợ quá xanh xám mặt mày, khóc không ra tiếng. Bông. Chị già đi quá nhiều! Anh thấy vậy. Thời gian có chừa lại một ai? Thằng nhỏ giống Bông quá, nhất là đôi mắt. Anh đưa bàn tay định sờ lên bầu má lấm lọ của Bông thì sực nhớ bên trong căn nhà kia vẫn còn một con người. Chồng Bông. Trong đêm tối, anh đứng lặng. Nghĩ bụng: Tội người ta. Vậy là anh xông vào lửa lần nữa để cứu lấy chồng Bông, cha đứa nhỏ.

   Vì người đàn ông kia đã thay anh che chắn đời Bông.

   Vì Bông, vì đứa nhỏ... và vì anh nữa, dẫu bệnh tật nhưng trái tim anh vẫn ấm áp tươi nguyên. Trái tim của một con người.

   Cũng trong đêm đó, anh biến mất, chiếc ghe cát biến mất. Tỉnh dậy, Bông thấy mình nằm trên cánh tay của chồng, bên cạnh Bông là đứa nhỏ đang say ngủ. Dưới lớp tro bùn trên mặt là nụ cười của một thiên thần...

   Không ai biết mặt của người đã cứu cả gia đình Bông ra khỏi đám cháy kinh hoàng. Trong mường tượng của Bông, đôi tay của ân nhân thật ấm áp, nụ cười và hơi thở quen quen, đôi chân khập khiễng... và câu nói thì thầm bên tai Bông trong vô thức: “Bông, tha lỗi cho tui, nghen Bông”...

   Tha lỗi? Thì Bông có giận anh đâu? Chừng ấy năm Bông vẫn khôn nguôi nhớ về anh, vẫn từng chiều ra bờ sông Cái Tàu đợi một con đò đưa anh về mảnh đất cũ. Chính Bông cũng không biết người đàn ông thương tật dưới ghe cát là người Bông thương năm nào. Người đàn ông chọn cách ra đi để Bông không khổ sở vì anh lần nào trong cuộc đời.

   Trong thanh âm của gió sông, ngọn dừa đong đưa khe khẽ, Bông nhìn lên vạt nắng lửng lơ trước mắt mình, làu bàu: “Huân, chính em mới là người có lỗi”...

   Làm sao biết được ai đúng ai sai khi câu chuyện đã trôi vào quá khứ. Dòng sông vĩnh hằng. Quá khứ vĩnh hằng. Đâu thể đi ngược chuyến đò trở về để thay đổi quá khứ, để nhìn rõ mặt nhau, đồng cảm và sẻ chia nhau trong phút giây khốn đốn nhất của cuộc đời?! Vì mỗi người đều có một cuộc sống riêng, suy nghĩ riêng. Điều còn lại trên đời chính là những gì người ta làm được cho nhau để lòng dạ bình yên...

*

   Chiếc ghe cát từ đó không trở lại Cái Tàu thêm một lần nào nữa...

   Người ta đồn anh thanh niên đi ghe đã mất trong một chiều trời trở gió. Khối u vỡ ra, chảy máu, anh không kịp gọi người đến cứu đành nhắm mắt trên chiếc ghe anh gắn bó trọn phần còn lại của cuộc đời...

   Máu anh chảy ra, tan vào trong cát.

   Nghe đến đó, tim bông thắt lại. Nước mắt Bông ứa ra. Bông đưa con cho chồng giữ, một mình đội nón lá theo dòng tìm chiếc ghe cát quen quen mà chừng ấy năm Bông thờ ơ, hờ hững. Để được cầm tay người cũ, để được nói lời thứ tha...

Nguồn Văn nghệ số 47/2018


Có thể bạn quan tâm