March 29, 2024, 2:17 pm

Người trai Mường tài hoa


Vĩnh biệt nhà văn Hà Trung Nghĩa

Nhà văn Hà Trung Nghĩa, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ông sinh ngày 4 tháng 5 năm 1949, tại xã Đồng Lạc, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Ông từng là bạc sỹ quân y, Đại đội trưởng phụ trách một Bệnh xá quân đội tại Hà Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Trong sự nghiệp công tác của mình, mặc dù bận rộn với công việc nhưng ông luôn dành thời gian cho sáng tác văn học và gặt hái được nhiều thành công.

​Nhà văn Hà Trung Nghĩa bắt đầu sự nghiệp sáng tác vào giữa thập niên 70 của thế kỉ XX với truyện ngắn đầu tay “Chuyện về một ca mổ” được in trên tập san của Phòng Sáng tác - Xuất bản Ty Văn hóa tỉnh Hòa Bình. Truyện ngắn “Miền quê yêu dấu” đoạt giải 3 cuộc thi của tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1982. Ngoài ra, ông là tác giả của tập truyện ngắn “Hoàng hôn” (1995) được Hội nhà văn Việt Nam trao giải B văn học viết về dân tộc và miền núi… “Lửa trong rừng sa mu” (NXB Lao động, 1996), Gió bụi nhân gian (NXB Lao động, 2001) và gần đây là Bão từ hai phía (NXB Hội nhà văn 2006). Nhà văn Hà Trung Nghĩa đoạt Giải A Hội VHNT tỉnh Hòa Bình 1994-2006. Ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002. Ông từng đảm nhận cương vị Phó Chủ tịch (kiêm nhiệm) trong nhưng năm đầu thành lập Hội VHNT tỉnh Hòa Bình.

​Do mắc bệnh hiểm nghèo, sau một thời gian điều trị, mặc dù được sự quan tâm, chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sĩ và gia đình nhà văn Hà Trung Nghĩa đã từ trần vào hồi 7 giờ 15 phút, ngày 18 tháng 1 năm 2019, hưởng thọ 70 tuổi. Sự ra đi của nhà văn để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với gia đình, người thân và anh chị em văn nghệ sĩ.

Văn nghệ xin giới thiệu bài viết sau đây của nhà văn Phạm Ngọc Chiểu như một nén nhang tiễn biệt ông

Văn nghệ

 

Cách đây hơn 24 năm, vào ngày 2/7/1995, sau khi đọc xong hơn 200 trang in tập truyện ngắn Hoàng hôn của Hà Trung Nghĩa, tôi hào hứng lấy giấy bút viết ngay bài giới thiệu cuốn sách văn học đầu tay đó của anh. Tôi làm việc này không phải chỉ với tư cách người chịu trách nhiệm biên tập tập truyện, càng không phải tư cách Phó ban Văn học Nhà xuất bản Lao Động - Cơ quan ấn hành tác phẩm, mà lý do chính thôi thúc tôi viết là để mừng người bạn văn chương đã gắn bó cùng tôi suốt 20 năm, trước khi anh có một Hoàng hôn nhiều ấn tượng gửi bạn đọc.

Tôi gặp Hà Trung Nghĩa lần đầu vào một sáng mùa đông nắng đẹp năm 1975. Bấy giờ tôi vừa về nhận công việc Biên tập viên chính của phòng Sáng tác-Xuất bản Ty Văn hóa tỉnh Hòa Bình. Buổi sớm đó trời khá lạnh, tôi phải rời bàn làm việc ra trước cửa phòng vừa ngắm cây cam trĩu quả vừa sưởi nắng, thì Nghĩa đến. Cái vẻ trí thức toát ra từ tấm áo sơ mi vải pôpơlin pha nilon Trung Quốc trắng bong khuôn gọn thân hình tầm thước cùng cái quần kaki màu sữa, đôi dép nhựa trắng Tiền Phong, những thứ thời trang đắt giá và sang trọng thời ấy, và một gương mặt hiền hiền có đôi mắt ẩn chứa nhiều nghĩ ngợi. Hơi lạ là, chàng trí thức rất ăn diện lại đội đầu một cái mũ lá cọ, cho dù cái mũ rất mới.

Sau câu chào hỏi làm quen, tôi mới biết Hà Trung Nghĩa là bác sĩ công tác ở bệnh viện tỉnh, và anh đã có hai bài thơ in trong hai tập sáng tác văn nghệ của Ty Văn hóa. Nhìn lại gương mặt chàng bác sĩ và cung cách chậm rãi, ít nói của anh, tôi thoáng một nhận xét: người này mà làm thơ? - không, tạng anh là của văn xuôi! Chẳng ngờ, ý nghĩ đó của tôi lại là “tiền định văn chương” của chàng bác sĩ người Mường sinh trưởng ở vùng núi rừng Đồng Lạc, Yên Lập, Phú Thọ, nhưng đã gắn bó cuộc đời với đất Mường Thịnh Lang và bệnh viện tỉnh Hòa Bình.

Bằng chứng đầu tiên là sự say mê viết truyện đến kỳ lạ của Nghĩa. Nghe theo lời khuyên của tôi, lập tức Nghĩa từ bỏ thơ, bắt tay vào viết truyện ngắn, dù biết thời gian và công sức viết một truyện ngắn nhiều gấp mấy lần viết một bài thơ. Có cảm giác như không lúc nào Nghĩa dừng nghĩ, dừng viết. Bởi, những trang bản thảo truyện ngắn của Nghĩa cứ như một dòng chảy đều đặn dến với tôi. Hồi đó, vừa rời tay choòng, tay búa của người công nhân mở đường lâm nghiệp giữa rừng sâu Đà Bắc về ngồi vào ghế biên tập, với tôi, đó thực sự là bước ngoặt, cái bước ngoặt giúp tôi chính thức bước vào con đường văn chương mà tôi đã tự hoạch định cho đường đời của mình từ 22 năm trước đó, tức là từ mùa hè năm 1963, khi có tấm bằng tốt nghiệp lớp 10 phổ thông trong tay nhưng bị chặn đứng đường học lên Đại học hay bất cứ một trường chuyên nghiệp nào, chỉ vì lý do Lý lịch. Phải quay về quê làm ruộng không phải do dốt nát, tôi tự vạch đường đi nước bước của đời mình là theo con - đường - văn - chương! Và tôi đã lao vào viết lách y như Hà Trung Nghĩa sau buổi sớm anh gặp tôi ở phòng Sáng tác-Xuất bản Ty Văn hóa Hòa Bình tôi vừa kể.

Do sự đồng điệu văn chương hay do bắt gặp lại cái phiên bản mê say suốt 22 năm của chính mình, tôi nhiệt thành đón nhận những bản thảo truyện ngắn của Nghĩa. Hàng tuần, cứ xâm xẩm tối thứ bảy hay sáng sớm chủ nhật, Nghĩa lại guồng xe đạp Thống Nhất nữ tìm vào ngôi nhà bương tre vách đất của tôi trong xóm Mường xã Hòa Bình, trao tôi một bản thảo truyện ngắn anh vừa viết xong trong tuần. Tuần lễ tiếp theo, dù bận việc đến mấy tôi cũng phải đọc thẩm định xong truyện ngắn của Nghĩa để sáng chủ nhật tuần đó đón Nghĩa, nói với anh chất lượng truyện anh viết tuần trước và nhận của anh truyện viết mới. Cứ như thế, Nghĩa viết, tôi đọc, người viết không nản, người đọc không chán, cho đến khi truyện ngắn đầu tiên của anh được in, Chuyện về một ca mổ, quả thật tôi không nhớ Nghĩa đã phải viết bao nhiêu bản thảo truyện ngắn. Cũng vậy, từ Chuyện về một ca mổ đến truyện ngắn thứ hai, Hoa hồng quế, được chuyển từ trang viết thành trang in, Hà Trung Nghĩa phải đánh vật với câu chữ nhiều lắm. Ấy mà rồi truyện Đêm vắng cửa rừng, truyện Phát súng lúc hoàng hôn, truyện Lối đi cuối đường, truyện Mảnh gạc... kế theo nhau đến với bạn đọc qua tạp chí Núi Tản Sông ĐàSáng tác Hà Sơn Bình. Nhà văn Phượng Vũ, sau ngày hợp nhất hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình thành tỉnh lớn Hà Sơn Bình, được giao trực tiếp phụ trách mảng sáng tác văn học với tư cách Trưởng phòng, sau lên Phó giám đốc rồi Giám đốc Ty Văn hóa của tỉnh mới, người có tiếng nghiêm cẩn trong đánh giá tác giả, tác phẩm, cũng nhiều lần gật gù hài lòng về những truyện ngắn của Hà Trung Nghĩa. Cũng vì vậy khi Nghĩa nhập ngũ thành bác sĩ quân y, Đại đội trưởng phụ trách một Bệnh xá quân đội đóng quân tận miền biên giới tỉnh Hà Giang, anh vẫn đồng ý để tôi mời Nghĩa về trại sáng tác văn học Hà Sơn Bình. Dự một trong những trại sáng tác đó, Nghĩa viết được truyện ngắn Miền quê yêu dấu tham gia cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội, và anh được trao tặng giải Ba. Một dấu mốc quan trọng, một đền đáp cho sự cần mẫn không mệt mỏi của cây bút vốn là tay dao mổ có tiếng không chỉ của khoa Ngoại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Mừng cho Nghĩa, càng mừng hơn khi thấy từ sau ngày nhận giải, Nghĩa vẫn giữ nguyên niềm say mê, vẫn viết đều, và đó là lý do khi chuyển về làm biên tập sách Văn học Nhà xuất bản Lao Động, anh là người đầu tiên tôi nghĩ đến việc tập hợp những truyện ngắn anh đã viết, đã in để xuất bản tập truyện ngắn đầu tay cho anh. Việc làm sách diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng. Cuối tháng 6 năm 1995, tập truyện ngắn Hoàng hôn của Hà Trung Nghĩa ra mắt bạn đọc. Cầm cuốn sách thơm mùi giấy mực vừa ra khỏi nhà in, đứa con tinh thần đầu lòng sau 20 năm nhọc nhằn luyện bút của người trai Mường đam mê văn chương, tôi trân trọng đọc lại từng trang truyện, dù đấy là những trang truyện đã quá quen thuộc đối với tôi. Vì, với tư cách một người bạn và người làm biên tập, tôi đều đã đọc ít nhất ba lần các truyện in trong Hoàng hôn của Nghĩa - đọc khi tác giả vừa viết ráo mực, đọc và sửa để đưa in Tạp chí sáng tác của tỉnh, và đọc chọn in vào tập Hoàng hôn để Nghĩa chính thức đến với bạn viết, bạn đọc cả nước. Đọc xong, trong niềm vui bè bạn chân tình cùng sự vững tin vào chất lượng tập truyện, tôi hào hứng viết liền mạch bài Một Hoàng hôn dự báo. Tôi nhớ, cuối bài viết, tôi mạnh dạn lia bút:

“Dù còn đôi điều lưu ý Hà Trung Nghĩa: ví như, sự mải mê có dấu hiệu thái quá chỉ cày xới mảnh đất ngành Y (Kiểu như Aimatốp cày xới chuyện núi đồi và thảo nguyên Kiếcghidia) dễ dẫn đến sự trùng lắp; ví như đời sống tập tục, tâm lý, tính cách, ngôn ngữ rất đặc trưng của bà con các dân tộc vùng cao là thế mạnh của Hà Trung Nghĩa, song anh chưa tận dụng khai thác…; nhưng với 200 trang truyện anh vừa cho ra mắt bạn đọc, thì “Hoàng hôn” quả đã hàm chứa nhiều Dự Báo tốt đẹp trên con đường Văn Nghiệp của tác giả người dân tộc Mường vốn là một bác sĩ có tay dao mổ giỏi trước khi cầm bút viết văn này. ”

Thật mừng là dự báo của tôi không sai. Chỉ mấy tháng sau, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải B - Giải văn học đề tài Dân tộc và miền núi - cho tập truyện Hoàng hôn của Hà Trung Nghĩa.

Hai mươi bốn năm đã trôi qua kể từ sau cái Hoàng hôn mang lại giải thưởng văn chương sáng giá cho Hà Trung Nghĩa. Trước đó, năm 1982, anh đã được tặng giải Ba truyện ngắn Miền quê yêu dấu của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ giải Ba tặng cho một truyện, tiến lên được tặng giải B (như giải Nhì) cho một tập truyện nói rõ bước tiến của ngòi bút viết văn của chàng trai Mường. Vấn đề là sau giải ấy, Hà Trung Nghĩa đi tiếp con đường văn chương như thế nào?

Thì đây là những gì Hà Trung Nghĩa chứng tỏ mình:

Năm 1996, sau khi nhận giải thưởng cho tập truyện ngắn, Hà Trung Nghĩa trình làng cuốn tiểu thuyết đầu tay khá dầy dặn: Lửa trong rừng Sa Mu. Năm năm sau, mùa thu năm 2001 anh in tiếp tiểu thuyết Gió bụi nhân gian. Thêm một khoảng cách năm năm nữa, năm 2006, ngòi bút tiểu thuyết của Hà Trung Nghĩa lại gửi tới bạn viết, bạn đọc cuốn tiểu thuyết thứ ba: Bão từ hai phía. Viết và in liên tiếp ba cuốn tiểu thuyết trong vòng mười năm đã đem lại cho chàng bác sĩ viết văn hai giải thưởng đầu bảng về Văn học-Nghệ thuật: Giải A tiểu thuyết của UBND tỉnh Hòa Bình, và một ghi danh mơ ước của bất cứ người cầm bút viết văn nào: Hà Trung Nghĩa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002. Đang đà, Nghĩa hăm hở viết luôn tiểu thuyết thứ tư mang tên: Giữa dòng thác lũ. Viết xong anh lại tin cậy giao bản thảo cho tôi. Cầm tập giấy A4 nặng tay viết kín đặc những dòng chữ nhỏ, tôi có hơi phân vân. Trong ba tiểu thuyết Nghĩa đã in, thật bình tĩnh suy xét, thấy hay nhất là Gió bụi nhân gian, hai cuốn kia chỉ ở tầm in được. Mà đã thấy có sự na ná điều định nói, sự giông giống về nhân vật, sự trùng lặp trong giọng kể, trong ngôn từ. Liệu cái Giữa dòng thác lũ có bứt thoát được các tì vết của ba cuốn trước? Lại nữa, có vẻ như Nghĩa mê mải viết dài, quên đi truyện ngắn - một thể loại anh từng tâm huyết, mất nhiều công phu khổ luyện và đã ở một tầm mức được Hội Nhà văn Việt Nam ghi nhận.

Lần thứ hai linh cảm của tôi về sáng tạo nghệ thuật cùa Hà Trung Nghĩa không sai. Bản thảo tiểu thuyết thứ tư của Nghĩa còn nhiều sạn, chưa in được. Anh bình tĩnh đặt Giữa dòng thác lũ vào ngăn kéo bàn viết và quay về với truyện ngắn.Và anh liên tiếp có được Sóng xô bờ cát, Góc khuất, Tàn khói vẩn vơ bay... Người đọc và bạn viết lại thấy một Hà Trung Nghĩa giỏi cầy xới, tung tẩy gieo hạt, kỹ càng tỉa lá bắt sâu ở hai địa hạt: Ngành Y và Miền Núi trong thể loại truyện ngắn, như nhiều năm trước anh đã say mê luyện bút.

Có phải vì vậy mà khi hỏi: Nếu để anh tự chọn tác phẩm tiêu biểu của Nhà văn Hà Trung Nghĩa, anh tự chọn tác phẩm nào, Không mất nhiều đo đắn, Hà Trung Nghĩa trả lời: Tôi sẽ làm một tập Truyện ngắn chọn lọc! Anh nói và anh làm. Để rồi năm 2011, bạn đọc có tập Truyện ngắn chọn lọc Chân mây màu tím chững chạc, bề thế trên tay!

Sau ngày nghỉ hưu, phần vì nhớ nghề Y, phần thương con cháu, Hà Trung Nghĩa dành thời gian cho nghề Y nhiều hơn cho Văn chương. Anh nhận lời làm chuyên gia cho một Trung tâm khám chữa bệnh tư nhân, ít ngó đến tiểu thuyết Giữa dòng thác lũ đang cần sửa chữa và tập truyện ngắn cũng đang làm dang dở. Điều đó quả có làm cho tôi nghĩ ngợi và tiêng tiếc. Đang như thế, thì thật vui khi tôi nhận được điện thoại của Hà Trung Nghĩa nhờ tôi làm sao đó để đưa tập truyện ngắn Sóng lưng chừng núi của anh đến với bạn đọc gần xa.

Là người biên tập, trên hết là một người bạn luôn bên anh suốt hành trình văn chương dài bốn mươi tư năm trời qua, tôi lại có dịp viết những dòng này mừng anh - người trai Mường một thời vang bóng trong vai bác sỹ khám chữa bệnh và cầm dao mổ ngành Y, một đời mê say theo nghiệp văn chương không nản.

 


Có thể bạn quan tâm