April 20, 2024, 1:49 pm

Người thơ của một thời

 

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 60 NĂM HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

 

Hà Nội là trung tâm Kinh tế - Chính trị - Văn hóa của cả nước, Hà Nội có lịch sử nghìn năm văn hiến. Có biết bao nhiêu sáng tác về Hà Nội, trong dòng văn học cách mạng rất nhiều sáng tác trong nhiều loại hình để lại dấu ấn đậm nét về thành phố này. Thơ ca cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Có rất nhiều thơ hay về Hà Nội, trong số ấy không thể không nhắc đến nhà thơ Tạ Vũ. Ông là thế hệ xuất hiện ngay từ khi “Giải phóng thủ đô” Rồi Hà Nội cũng cả nước bước vào thời kỳ xây dựng CNXH… Tạ Vũ đã mang được nhịp sống ấy vào thi ca và trong cách sống của nhà thơ cũng thể hiện một con người rất đặc biệt…

Năm 2002 tôi được về làm tại Nhà xuất bản Thanh Niên sau 4 năm ở Hội VHNT Hà Tây. Tôi ở đây đúng một tháng thì chuyển sang báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Lý do là không hợp với công việc của một biên tập viên nhà xuất bản. Công việc ở đây quá tĩnh, hầu như cả ngày ngồi úp mặt vào tường đọc bản thảo… Lại nữa, Nhà xuất bản Thanh Niên phần đông là nữ, ai cũng đẹp, cũng lịch sự. Tôi gốc ghếch quê mùa, lại lăn lộn với báo chí nên đôi khi lại thèm một câu nói… tục mà không thể. Lại nữa, ở cơ quan văn nghệ, làm việc với văn nghệ sỹ ai cũng cá tính nên rất thú vị… Tuy chỉ một tháng trời nhưng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Nhớ nhất là hôm nhà thơ Tạ Vũ đến Nhà xuất bản Thanh Niên.

Đó là một buổi sáng, tôi đang đọc bản thảo thì nhà thơ Phạm Đức đến bảo: Huyến xuống đón anh Tạ Vũ lên giúp mình với… Tôi xuống dưới thì thấy một người ăn mặc tuềnh toàng, mới cuối thu mà đã quấn xù xù một cái khăn quàng sỉn màu ở cổ. Tôi nhìn gương mặt râu ria mà đoán ngay đây là nhà thơ Tạ Vũ. Tạ Vũ là nhà thơ đàn anh, tôi chưa bao giờ gặp nhưng đọc sáng tác và đã nghe kể chuyện về ông nhiều.

Hôm ấy, tôi không ngờ là nhà thơ đang “cãi nhau” với tổ bảo vệ tòa nhà (trong tòa nhà của số 62, phố Bà Triệu có nhiều cơ quan của Trung ương đoàn Thanh niên Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh Niên chỉ là một). Số là thế này, bảo vệ tòa nhà nhìn thấy dáng vẻ bề ngoài của Tạ Vũ, rồi lại thấy nhà thơ không chào hỏi ai mà cứ lừ lừ tiến vào. Bảo vệ chặn lại căn vặn, Tạ Vũ bảo: Đến cái thằng Phạm Đức nhà chúng mày cũng chỉ là đàn em tao, hỏi gì…!

Tôi đến bên xin phép bảo vệ rồi khẽ nói: Anh Đức bảo em xuống đón anh ạ! Đang cau có, giận dữ nhà thơ bỗng nở nụ cười rất tươi, rồi khề khà bảo: Có thế chứ! Tôi dẫn nhà thơ vào rồi gọi thang lên tầng 4. Tôi đứng nép bên Tạ Vũ vì sợ cái “oai” của nhà thơ dám gọi Phạm Đức – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Phó giám đốc Nhà xuất bản Thanh Niên – sếp của tôi là… “thằng”!

*

Tạ Vũ người Hà Nội gốc, gia đình ông sinh sống ở phố Hàng Chiếu, gần ô Quan Chưởng. Sinh năm 1935, tên khai sinh là Vũ Hùng. Năm 1954 sau khi tiếp quản thủ đô ông đã có thơ in báo. Năm 1974 – 1975 ông là học viên của lớp viết văn Quảng Bá (có thể nói đây là tiền thân của Trường viết văn Nguyễn Du sau này). Năm 1983 ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Tạ Vũ đã từng làm nhiều nghề: dạy học, thợ đặt đường ray tàu hỏa, kích kéo cầu phà… Phải chăng chính đời sống và hoàn cảnh xã hội đã tạo nên một phong cách thơ Tạ Vũ. Đó là không khí hồ hởi, phấn khởi của một thế hệ trẻ hăng hái bước vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc. Tạ Vũ sớm định hình phong cách thơ mình. Thơ ông ồn ào, ngang tàng, câu chữ thoải mái ngắn dài, không vần điệu… Thời ấy in ấn rất khó và cẩn trọng, vậy mà Tạ Vũ đã có nhiều tập thơ được xuất bản: Những cánh chim trời (1974) – Nhà xuất bản Thanh Niên,  Vầng sen Hàm Rồng (1975) – Nhà xuất bản Lao Động…

Sinh thời Tạ Vũ là người hay rượu và hay xin tiền của bạn bè để uống rượu. Vậy mà khi có tiền ông lại hào phóng cho người khác. Giai thoại kể rằng: Có một cái tết (lúc này gia đình Tạ Vũ đã chuyển về Hoàng Mai) vợ con ông đều về quê cả. Đêm ba mươi chẳng biết nghĩ ngợi thế nào, nhà thơ ra chợ Mơ “đón” ba ông hành khất đang tá túc trong cầu chợ về nhà mình, chuốc rượu cho họ thật say, rồi đọc thơ cho họ nghe. Mãi đến sáng mồng một Tết mới cho họ về. Trước khi chia tay, Tạ Vũ còn gửi mỗi người một cặp bánh chưng và sẻ cả nồi thịt đông cho họ. Ba người trố mắt ngạc nhiên không biết nói thế nào chỉ líu ríu: Cảm ơn ông nhà thơ ạ!

Sau “đổi mới” cuộc sống của văn nghệ sỹ dần khá lên riêng Tạ Vũ thì ngược lại. Song, hình như ông không bao giờ quan tâm đến điều đó. Bạn bè bảo: Thơ đã kéo ông đi, nâng ông lên và xô đẩy ông… Thật đặc biệt trong hoàn cảnh ấy Tạ Vũ lại xuất thần có nhưng bài thơ, vần thơ thật nhất và hay nhất…

Hôm đến Nhà xuất bản Thanh Niên thăm nhà thơ Phạm Đức, tôi không biết Tạ Vũ đã đọc cho Phạm Đức nghe bao nhiêu sáng tác mới. Chỉ biết, khi  sang tiễn nhà thơ ra về thấy Phạm Đức trịnh trọng cầm những đồng tiền to nhất, mới nhất tiễn bạn thơ! Ra đến cổng, tôi gọi xe ôm và nói đưa ông về Hoàng Mai. Tạ Vũ nhìn tôi bảo: Tao đ… về, đưa tao sang Hội Nhà văn! Tôi nhìn vào đôi mắt Tạ Vũ thấy mênh mang một nỗi buồn. Thoáng chốc một nỗi cô đơn khủng khiếp hình như đang bao chùm lấy chúng tôi giữa phố phường đông đúc. Một ý nghĩ chợt lóe lên: Không còn bạn bè để chia sẻ làm sao chúng ta có thể tồn tại trên cõi đời này, nhất là các nhà thơ!

*

Tạ Vũ mất năm 2014, khoảng thời gian ấy cũng là độ lùi cần thiết để chúng ta ngẫm ngợi về một đời người, đời thơ. Hà Nội là kinh đô văn hiến của Việt Nam, tài liệu nghiên cứu về Hà Nội dưới nhiều góc độ, trong nhiều giai đoạn lịch sử để lại nhiều cái nhìn sâu sắc và toàn diện. Với khuôn khổ bài viết nhỏ này, xin được tiếp cận dưới góc độ sáng tác thi ca trong giai đoạn miền Bắc xây dựng CNXH, đặc biệt là con người Hà Nội trong những năm tháng ấy...

Trong lĩnh vực này nhiều tác giả đã có những đóng góp giá trị, song chúng ta không thể quên Tạ Vũ. Có thế nói Tạ Vũ đại diện cho lớp thanh niên thủ đô, ông viết: Ba cốc bia bọt đổ xuống tay / Ba chiếc vé tàu cựa mình trong túi ngực / Đêm nay ba con tàu phụt khói / Sải cánh trên đường ray… Tạ Vũ viết như vậy vì nhớ thời trai trẻ của mình đi theo những chuyến tàu đầu máy hơi nước ngược Lào Cai – Những chàng trai thấm đẫm chất Pa-ven (Thép đã tôi thế đấy)! Đọc thơ ông thấy ồn ào một nhịp sống sôi động, song bình tâm đọc kỹ thấy đâu đó thấp thoáng nét cô đơn của một con người – Nỗi cô đơn nghệ sỹ phải chăng là thuộc tính của thi ca!

Hà Nội trong những năm tháng ấy làm ta nhớ đến những câu thơ của Lý Phương Liên: Em đi làm ca ba / Đêm buông đầy đường phó / Hà Nội vào giấc say trẻ nhỏ / Em đi giữa lòng đường / Hát khẽ… Những câu thơ đến giờ đọc lại chắc làm không ít người sửng sốt. Chúng ta đã có Hà Nội như thế. Xin cảm ơn Tạ Vũ, cảm ơn Lý Phương Liên và rất nhiều văn nghệ sỹ, họ đã khắc họa một Hà Nội mà cho đến hôm nhiều người không thể tưởng tượng được. Các tác giả ấy đều là những công dân thủ đô, phải chăng đó chính là nhưng đóng góp của họ cho thủ đô nghìn năm văn hiến!

*

Tôi đi khỏi Nhà xuất bản Thanh Niên sau một tháng trời thử việc. Tôi biết việc làm của tôi đã phụ lòng của Trưởng ban văn nhà xuất bản hồi đó là Khánh Vân. Được biết Ban văn thiếu người nhưng Khánh Vân kiên quyết không nhận ai nếu người đó không phải là một người sáng tác (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam). Thâm ý của Khánh Vân là lấy người về làm việc để cảm thông, chia sẻ với văn nghệ sỹ. Chỉ có văn nghệ sỹ mới thực sự hiểu nhau (chiều được nhau)… Có như thế mới giữ được sách văn học – Một mảng rất quan trong để nâng uy tín của nhà xuất bản… Tình cảm nhà thơ Phạm Đức dành cho Tạ Vũ là bài học tôi quán triệt suốt cuộc đời làm biên tập ở báo Văn nghệ. Các văn nghệ sỹ với lao động rất đặc biệt của họ đã tạo ra nhiều tính cách. Song tựu chung lại họ chỉ muốn có những sáng tác tốt hơn sau khi đốt cháy hết mình cho cuộc “dấn thân” mà không phải ai cũng đến đích vẻ vang. Người xưa nói: Không thành công thì thành nhân chính là ở góc độ ấy!

Nguồn Văn nghệ số 18+19/2022


Có thể bạn quan tâm