April 25, 2024, 6:19 am

Người thầy nơi phố núi

Thầy giáo Trịnh Đình Thành được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó tại một vùng quê thuộc Hà Tây (cũ), nhưng trong một môi trường giáo dục hết sức bài bản. Cũng như nhiều trẻ em khác thời bấy giờ, thầy đã trải qua tuổi thơ khá nhọc nhằn và vất vả. Do hoàn cảnh gia đình, thầy học cấp 3 ở Tân Lạc, Hòa Bình, rồi lựa chọn ngành Sư phạm, thầy học rất giỏi và có nền tảng cơ bản vững chắc. Sau khi tốt nghiệp khoa Toán trường CĐSP Hòa Bình, thì mảnh đất  và tình người nơi phố núi đã khiến thầy quyết định chọn lựa để cống hiến. Kể từ đó thầy đã có gần 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Nhiều cơ duyên lắm thử thách

Đồng chí Đinh Anh Tuấn - Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình trao quà cho Trường THCS Kim Đồng nhân dịp khai giảng năm học mới 2021-2022

Có ai đó đã nói: Cuộc đời chọn người, chứ con người không có quyền gì trong việc này. Điều này có lẽ đúng với thầy giáo Trịnh Đình Thành. Trải qua nhiều cương vị công tác ở các trường khác nhau trong huyện. Từ khi là giáo viên trường THCS Phong Phú – Tân Lạc, năm 2000, rồi Phó hiệu trưởng trường THCS Do Nhân, Hiệu trưởng trường THCS Do Nhân, Hiệu trưởng trường THCS Nam Sơn, Phó hiệu trưởng trường THCS Kim Đồng, Phó hiệu trưởng trường THCS Phong Phú, cho đến nay là Phó hiệu trưởng, Phó Bí thư chi bộ trường THCS Kim Đồng  – Tân Lạc. Dù ở đâu, hay bất kỳ cương vị nào, với khả năng chuyên môn vững vàng, thầy Thành luôn nỗ lực, tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, cùng tập thể cán bộ, giáo viên ở đó tìm nhiều giải pháp để truyền ngọn lửa kiến thức và đam mê học hỏi cho những học sinh của mình.

Ngôi trường THCS Kim Đồng mà thầy giáo Trịnh Đình Thanh đang công tác, nằm khiêm nhường nép dưới chân một quả núi, xinh xắn và khang trang với nhiều cây xanh. Thời gian này, học sinh vẫn đang trong kỳ nghỉ hè nên sân trường khá vắng vẻ. Tiếp tôi là cô giáo Dương Thị Hải Long – Hiệu trưởng và thầy giáo Trịnh Đình Thành. Thầy Thành, dáng người nhỏ nhắn với vầng trán cao và đôi mắt thông minh đã khiến tôi cảm thầy ngay từ cái nhìn đầu tiên. Điều đặc biệt đầu tiên khiến tôi ngạc nhiên và thêm thiện cảm, đó là: Trên bàn làm việc của Ban Giám hiệu nhà trường, tất cả đều không có biển tên và chức danh như lẽ tất nhiên tôi thường thấy ở nhiều ngôi trường đã đến. Mang thắc mắc này, tôi hỏi cô giáo Dương Thị Hải Long – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng của trường. Với nụ cười hiền và dễ gần, cô chia sẻ: “Chúng tôi làm như vậy để học sinh không e ngại khi vào phòng làm việc, đồng thời nó đem lại sự gần gũi, thân thiện hơn giữa thầy và trò. Ở đây, tôi còn được biết thêm: tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đều đang hết sức nỗ lực để hướng tới xây dựng một “ngôi trường hạnh phúc”. Còn thầy Thành trầm ngâm chia sẻ: “Thời gian đầu, khi mới nhận công tác ở các trường vùng cao, điều kiện đi lại vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, trường học thì tranh tre tạm bợ gió lùa tứ phía. Nhìn những học sinh của mình quần áo không đủ ấm, nhưng vẫn ngày ngày chăm chỉ đến lớp học, cùng những ánh mắt trong sáng, thơ ngây đang chăm chú nghe thầy giảng bài, tôi chỉ nghĩ: “Mình phải phấn đấu, quyết tâm hơn nữa để giúp các em có thêm kiến thức, sau này vào đời với tâm thế tự tin và vững vàng và dùng những kiến thức được thầy truyền dạy để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống”.

Cô giáo Dương Thị Hải Long – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng cùng thầy Trịnh Đình Thành (giữa) và các em học sinh của trường

Từ đó, tôi được biết, từ những khó khăn buổi ban đầu đó, khiến thầy Thành thêm quyết tâm lựa chọn huyện Tân Lạc để cống hiến những khát vọng tuổi thanh xuân của mình. Quyết tâm đó của thầy đã góp phần mang lại một “luồng gió mới” cho ngành Giáo dục huyện Tân Lạc, nhất là với bộ môn mũi nhọn của huyện là môn Toán. Chia sẻ với tôi, cô Hiệu trưởng Hải Long nói: “Là một thầy giáo trẻ, nhiệt huyết, suốt khoảng 30 năm đồng hành với thầy, tôi đánh giá cao thầy Thành ở cái tâm, cái tầm và cái tài. Mặc dù chỉ làm công tác giảng dạy khoảng 4-5 năm, còn lại là song hành làm quản lý, nhưng thầy vẫn đồng hành, trăn trở cùng với những lớp học, những chuyên đề, để làm thế nào nâng cao được chất lượng giáo dục”. Bên cạnh đó, thầy luôn là tấm gương sáng, tích cực cùng với đồng nghiệp thực hiện các cuộc vận động lớn, các phong trào thi đua của ngành. Từ một thầy giáo trẻ còn nhiều bỡ ngỡ, đến khi trở thành cán bộ quản lý giỏi là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng của thầy. Đáp lại, thầy đã nhận sự tin yêu của đồng nghiệp, bạn bè, các bậc phụ huynh và nhất là học trò nhiều thế hệ được thầy tận tình dạy dỗ, nay đã trưởng thành, đang đóng góp trí tuệ và công sức cho xã hội. Cô giáo Bùi Thị Minh Hải, là giáo viên dạy môn Tiếng Anh của trường tự hào kể về người đồng nghiệp Trịnh Đình Thành của mình: “Đây là năm thứ 3 được công tác với thầy Thành. Năng lực quản lý và chuyên môn rất sáng tạo dường như không bao giờ vơi cạn, thầy luôn quan tâm đến tâm tư, tình cảm của giáo viên và cán bộ, công nhân viên nhà trường. Đặc biệt, thầy luôn quan tâm đến tâm tư, tình cảm của các em học sinh khi học tập cũng như vui chơi, rồi từ đó chọn những phương pháp thật phù hợp để giáo dục”.

Từ những quyết tâm mang tính đột phá

Với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền huyện Tân Lạc bằng mọi cách phải đưa giáo dục huyện Tân Lạc trở thành một trong những lá cờ đầu của tỉnh Hòa Bình, cùng nỗ lực miệt mài với sự nghiệp trồng người, thầy Thành luôn trăn trở, cố gắng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đồng thời cũng thường xuyên làm tốt công tác tham mưu với các cấp lãnh đạo về các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học.

Cô giáo Phạm Thị Xuân, Tổ trưởng tổ KHXH của trường tự hào kể về người đồng nghiệp của mình

Cô giáo Phạm Thị Xuân, Tổ trưởng tổ Khoa học xã hội đã nhận xét về thầy Thành như thế này: “Là một cán bộ quản lý, thầy Thành luôn quan sát, lắng nghe, cộng với kinh nghiệm công tác và sự say mê, sáng tạo, thầy có cách tổ chức sắp xếp công việc một cách khoa học, đạt hiệu quả cao. Mỗi công việc trong trường đều được thầy giải quyết hợp tình, hợp lý, công việc có khó khăn đến đâu cũng được thầy dần dần tháo gỡ bằng nhiều cách. Là người luôn nghĩ cho đồng nghiệp và học sinh trước khi nghĩ đến mình, lại thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của cán bộ công nhân viên nhà trường và học sinh, nên thầy luôn dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đề xuất ý kiến với hiệu trưởng trong việc tổ chức các chuyên đề, các hội thi,… để nâng cao tay nghề cho giáo viên và chất lượng học tập của học sinh cũng như những quyền lợi thiết thực của cán bộ, công nhân viên”.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến cho học sinh không thể đến trường, thầy là người tiên phong trong việc sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến. Thầy lẳng lặng bỏ tiền túi ra để mua những thiết bị cần thiết, rồi tổ chức dạy học và ôn tập ngay, nhằm giúp các em không bị gián đoạn kiến thức, đồng thời, thầy cũng tập huấn cho cán bộ giáo viên ứng dụng thành thạo phần mềm dạy học trực tuyến hoàn toàn miễn phí.

Cô giáo Dương Thị Hải Long – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường rất đỗi tự hào chia sẻ với chúng tôi: “Nền móng vững chắc của Tân Lạc hiện nay là nhờ nòng cốt là bộ môn Toán của thầy. Bằng sáng tạo của thầy, thầy đã làm rất nhiều chuyên đề cho giáo viên, học sinh bằng hình thức trực tuyến và bằng nhiều cách khác. Nhờ đó, chất lượng dạy và học trong 2 năm đại dịch covid-19 của huyện được nâng lên rõ rệt. Không những vậy, thầy còn giúp đỡ các trường khó khăn trong huyện và tỉnh, nhờ sự giúp đỡ của thầy Thành mà chất lượng môn toán của các trường này cũng được nâng lên”. Tấm gương tận tụy với sự nghiệp giáo dục của thầy đã có sức lan tỏa không chỉ với huyện Tân Lạc nói riêng mà với cả toàn tỉnh Hòa Bình nói chung.

Được biết, không những giỏi về chuyên môn, bên cạnh đó, thầy Thành vẫn luôn trau dồi, học tập theo tư tưởng, phong cách đạo đức của Bác Hồ. Nhắc tới việc này, nhấp ngụm nước nhỏ, thầy chia sẻ với tôi: “Việc học tập và làm theo tư tưởng, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh, tôi thiết nghĩ là phải bắt đầu từ công việc mình đang làm, từ những việc nhỏ nhất, đó là có tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, luôn gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, nội quy, quy chế nhà trường và của ngành, luôn quan tâm, thương yêu học sinh, đồng nghiệp, nỗ lực phấn đấu trong công tác chuyên môn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Lời nói luôn đi đôi với việc làm, cùng với công tác chuyên môn, thầy cũng luôn thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến gia đình, bạn bè, người thân và học sinh của trường thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, các chuyên đề,… Đạo đức và tấm gương của thầy Trịnh Đình Thành có sức lan tỏa rộng rãi như những ngọn lửa truyền tay nhau trong suốt nhiều năm học qua ở phố núi này. Để từ đó, nhiều thầy, cô giáo trong huyện cũng như trong tỉnh Hòa Bình đều phấn đấu để trở thành những tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Quả ngọt “trồng người” hôm nay

Học sinh Nguyễn Khánh Huyền, lớp 9A4 năm học 2020-2021, Trường THCS Kim Đồng

Là một người thầy đứng trên bục giảng, ai cũng sẽ có những kỷ niệm đẹp trong nghề, và thầy Trịnh Đình Thành cũng đã chia sẻ với chúng tôi rất nhiều những kỷ niệm đẹp như thế. Nhưng có lẽ ấn tượng và sâu đậm với thầy hơn cả đó là kỷ niệm với 15 em học sinh trong lớp 9A0 của thầy trong năm học 2021-2022. Năm học vừa qua, nhà trường có một lớp học “đặc biệt” gồm 15 học sinh có nhiều hoàn cảnh khác nhau, các em học sinh đều có kết quả học tập ở bộ môn Toán yếu kém nhất trong khối 9, khiến cho các thầy cô trực tiếp giảng dạy dường như đã phải “bó tay”. Trước tình hình đó, không ngần ngại thầy Thành đã đứng ra nhận lớp để củng cố môn Toán trước thềm của cuộc thi vào lớp 10 THPT. “Tôi vẫn nhớ mãi cái buổi học đầu tiên với 15 học sinh “nhất quỷ nhì ma” ấy” thầy chia sẻ. Bước vào lớp là 15 gương mặt nhìn tôi với vẻ thách thức pha chút bất cần. Tôi biết, ở tuổi các em cần phải được định hướng đúng để có  tương lai tốt đẹp hơn, không thể để các em “tụt dốc” như thế. Và buổi học đầu tiên của tôi với 15 em học sinh ấy đã thành công hơn mong đợi. Trong buổi học ấy tôi đã cố gắng không mang đến cho các em cảm giác đang bị nghe những bài “giáo huấn” quen thuộc mà đó phải là một tình yêu thương thực sự xuất phát từ trái tim, tôi cho các em biết mình cần phải tự giác để sống một cuộc đời có ý nghĩa. Từ đó, chỉ sau 1 tháng đồng hành, 15 học sinh của tôi đã tự tin bước vào kỳ thi lớp 10 THPT với một tâm thế hoàn toàn thoải mái, tự tin. Bất ngờ hơn nữa là các em đã mang đến cho tôi kết quả hơn mong đợi, khi mà 15/15 em học sinh đều đạt kết quả đối với môn Toán từ 5,0 điểm trở lên”. Kể đến đây, cảm xúc của thầy lúc đó như vỡ òa, thầy nghẹn ngào, xúc động. Học sinh Nguyễn Khánh Huyền, lớp 9A4 năm học (2020-2021), Trường THCS Kim Đồng tự hào nói về người thầy của mình: “Mặc dù thầy Thành luôn nghiêm khắc, nhưng với học sinh chúng em thầy thường động viên, chăm sóc, hỏi han. Bên cạnh đó, thầy hay áp dụng những phương pháp dạy học mới, phong phú, cuốn hút khiên chúng em dễ hiểu bài và say mê học tập hơn”.

Cùng với việc giáo dục đại trà, thầy Thành đặc biệt thành công ở mảng giáo dục mũi nhọn. Liên tục nhiều năm liền được Phòng GD&ĐT huyện Tân Lạc giao trọng trách ôn thi học sinh giỏi môn Toán cấp huyện và cấp tỉnh, đội tuyển do thầy phụ trách luôn đạt giải nhất, nhì trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Trong tổng số 6/10 em tham gia, thì Giải nhất 02 em; Giải nhì 03 em; Giải ba: 01 em; Huy chương Vàng toàn quốc trong cuộc thi VIOlLIPIC cấp quốc gia. Bên cạnh đó, nhiều em đỗ vào chuyên Toán trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, chuyên Đại học Sư Phạm, Khoa học Tự nhiên Hà Nội.

Nhờ nỗ lực chung của Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo cộng với những nỗ lực phấn đấu của cá nhân thầy, mà năm học 2020-2021 Trường THCS Kim Đồng, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã được Cờ thi đua của Chính phủ. Năm học đó, kết quả thi vào 10 THPT của huyện cũng xếp thứ nhất toàn tỉnh. Cũng nhờ những nỗ lực đó, đội tuyển của trường với 10 em đi thi học sinh giỏi toàn tỉnh đã có: 02 Giải nhì; 03 Giải ba; 04 Giải Khuyến khích. Với những thành tích xuất sắc như vậy, mà nhiều năm, thầy Trịnh Đình Thành đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Tỉnh, cấp Huyện, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen các cấp.

Trường THCS Kim Đồng, nơi thầy Trịnh Đình Thành đang công tác

Để có thêm cái nhìn khách quan về thầy Trịnh Đình Thành, tôi tới gặp cô giáo Mạc Thị Phượng Bích – Phó Trưởng Phòng Giáo dục huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Không giấu sự tự hào, cô giáo Bích khẳng định: “Thầy Thành là cán bộ cốt cán bộ môn Toán của tỉnh, là cán bộ quản lý trường trọng điểm, chất lượng cao của huyện Tân Lạc, trực tiếp ôn đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền. Với huyện Tân Lạc, bộ môn Toán là bộ môn mũi nhọn. Để có được những kiến thức tốt nhất cho học sinh, thầy luôn cập nhật, và đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiện nay. Ở phương diện nào thầy cũng trách nhiệm và say mê cống hiến hết mình. Thành quả từ những đóng góp của thầy đã đưa Trường THCS Kim Đồng thành trường có chất lượng đứng đầu trong 217 trường toàn tỉnh”.

Chia tay các thầy, cô giáo Trường THCS Kim Đồng, chia tay “người thầy nơi phố núi”, những cái bắt tay thật chặt và nồng ấm, nắng cuối hạ dường như chói chang hơn. Trên sân trường, những tiếng chổi tre xào xạc, gấp gáp phá tan không gian yên tĩnh, các học sinh của trường đang tổng vệ sinh để chuẩn bị bước vào một năm học mới. Tiếng “Chúng con chào thầy!” âm ran. Hình ảnh một Phó Bí thư Chi bộ, Phó hiệu trưởng trẻ trung, năng động và đầy nhiệt huyết, luôn cống hiến hết mình để đưa giáo dục của tỉnh miền núi Hòa Bình phát triển hơn nữa, không những đã dành trọn những tình cảm tốt đẹp của các đồng nghiệp và nhiều thế hệ học sinh, mà còn dành được trọn tình cảm của riêng tôi nữa./. 

Hà Nội, 24/8/2022


Có thể bạn quan tâm