April 20, 2024, 11:30 am

Người thầy đầu tiên

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 75 NĂM BÁO VĂN NGHỆ RA SỐ ĐẦU TIÊN

(Kỉ niệm với nhà văn Nguyễn Văn Bổng và báo Văn nghệ)

Sau khi học xong khóa sau Đại học 2 năm, năm 1981 tôi về công tác tại Tuần báo Văn nghệ. Lúc này nhà văn Nguyễn Văn Bổng là Tổng biên tập báo. Có thể nói anh chính là người thầy đầu tiên đã dìu dắt tôi trên con đường làm báo của một phóng viên, biên tập viên.

Về báo, tôi được điều ngay về Ban thư ký làm việc. Anh em trong tòa soạn đều bảo về Ban thư ký như là một lò bát quái để được rèn luyện và thử thách nghề nghiệp. Biết là tôi còn xa lạ với môi trường văn chương, với nghề làm báo và đặc biệt là sáng tác văn học, nhưng anh Nguyễn Văn Bổng rất tin tưởng. Anh ôn tồn nhẹ nhàng giải thích, phân tích các công việc mà tôi tiếp cận. Anh nói: Trước đây em sửa lỗi các bài văn của học trò em, còn bây giờ em đọc rà soát lỗi các bài đọc của cộng tác viên, những người đã từng là nhà văn và những người đang đứng ở trước ngưỡng cửa văn học… Vì thế, em phải đọc và rà soát một cách thận trọng, đó là công việc của một người biên tập.

Từ trái sang phải: Nhà thơ Bế Kiến Quốc, nhà văn Nguyễn Văn Bổng, nhà thơ Võ Thanh An, nhà báo Hữu Nhuận

Tôi nhận bài từ các Ban chuyên môn đưa lên. Đó là bản thảo các bài thơ, các truyện ngắn, các bài nghiên cứu ngôn ngữ, các bài nghiên cứu lý luận phê bình… Nhiệm vụ của tôi là phải rà soát lại các lỗi trên bản thảo, phát hiện các vấn đề rồi nộp lên cho Tổng biên tập đọc. Có những vấn đề phát hiện ra sẽ đánh dấu hoa thị bên lề bản thảo để anh chú ý khi đọc. Những bài nào dài anh yêu cầu phải cắt bớt thì phải cắt. Sợ nhất là phải cắt bài! Tôi nhớ bài đầu tiên phải cắt từ 10 đến 15 dòng. Tôi run rẩy và lo lắng. Cắt xong tôi đưa nộp lên, thấy anh không nói gì, không nhắc nhở gì tôi mới yên tâm. Cứ như thế, ngày từng ngày tôi mạnh dạn hơn và từng trải hơn lên.

Anh yêu cầu lập một market dự kiến của tờ báo sau khi đọc xong các bài và đưa cho anh duyệt, rồi sau đó đưa market mẫu cho các họa sỹ trình bày, sau đó là đi nhà in theo dõi bài cho đến khi báo ra.

Tôi trân trọng lắng nghe và học hỏi anh trong công việc biên tập. Nhìn bản thảo anh đưa lại tôi thấy rõ sự cẩn thận của anh trong từng nét chữ khi anh kéo phần cần phải chú ý ra bên lề…

Tôi còn nhớ hồi ấy, mỗi khi anh Nguyễn Văn Bổng trực báo thì anh Đào Vũ - Phó Tổng biên tập không trực. Tổng biên tập và Phó Tổng biên tập dường như ít khi làm việc cùng nhau. Mọi người trong cơ quan xì xầm với tôi hai “sếp” không ăn ý nhau nên ít khi cùng làm việc. Tôi cũng không biết thực hư như thế nào. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy Tổng biên tập có ý chê trách Phó Tổng biên tập Đào Vũ.

Có lần anh còn bảo tôi: “Anh Đào Vũ là người có chuyên môn cao, rất giỏi. Anh lại là người rất thận trọng, vì thế em sẽ học tập được ở anh Đào Vũ rất nhiều!”.

Điều anh nói với tôi làm tôi thấy sự thật không hoàn toàn đúng như lời đồn đại. Tôi thấy anh luôn luôn tôn trọng mọi người trong tòa soạn. Anh còn là người rất hiền lành và rất mực chỉn chu, rất yêu thương anh em.

Tôi lại nhớ, có một lần họp tòa soạn đầu tuần. Hôm ấy anh em trong tòa soạn có tập trung góp ý với phòng Hành chính trị sự mà lúc ấy do anh Trương Vĩnh Tuấn làm Trưởng phòng. Cũng có nhiều ý kiến gay gắt góp ý với anh Trương Vĩnh Tuấn trong công tác điều hành. Tổng biên tập Nguyễn Văn Bổng lắng nghe các ý kiến góp ý, sau đó anh đứng lên tổng kết cuộc họp. Hôm ấy anh phát biểu khá nhiều và đã rất xúc động. Tôi không thể quên được cử chỉ cuối cùng của anh, anh đập tay xuống bàn và nói: “Nói gì thì nói phải thương người ta chứ, phải cho người ta còn sống và làm việc chứ?”. Và anh khóc… Trong chúng tôi lúc đó cũng rất xúc động, có người còn lén lau nước mắt. Chúng tôi bỗng hiểu rằng: ẩn giấu đằng sau sự nghiêm nghị lãnh đạm của anh là một trái tim tràn đầy yêu thương. Tôi nhìn sang Trương Vĩnh Tuấn và thấy anh cũng như đang khóc!

Những năm ấy đất nước trải qua chiến tranh, cuộc sống rất khó khăn, bữa ăn vẫn còn phải ăn độn mì, bo bo… Chúng tôi, ngoài những giờ làm báo thường phải làm thêm kiếm sống. Anh rất thương và thông cảm với anh chị em trong cơ quan.

Sau này khi anh không còn làm Tổng biên tập nữa, mỗi lần gặp tôi, anh vẫn cứ hỏi han tôi: Dạo này em sống thể nào, có phải làm thêm gì không?

Có rất nhiều kỷ niệm, riêng tôi cứ nhớ mãi anh mỗi khi muốn có một yêu cầu gì đó bao giờ anh cũng nhẹ nhàng nói: “Làm ơn đi…”.

Khi về Ban thư ký, ngoài công việc của người biên tập trợ lý thư ký, tôi có tham gia viết bài. Tôi tập viết các bài bình thơ từ trong ca dao. Tôi rất dụt dè và nhút nhát xuất hiện trên báo, cho nên tôi đã không dám đề tên thật là Đỗ Bạch Mai mà bỏ bớt chữ Mai đi chỉ lấy tên bút danh là Đỗ Bạch. Có hôm bài của tôi xuất hiện, anh hỏi tôi: Đỗ Bạch là ai đấy, ông nào đấy em? Tôi vội vàng nói: là em đấy anh ạ! Anh nhìn tôi, mỉm cười và nhẹ nhàng nói: “Làm ơn đi, thêm chữ Mai vào!”. Thế là từ đó tôi không dám dùng bút danh Đỗ Bạch nữa.

Lại một lần nữa, khi đó anh đã về hưu. Anh ở số 10 Nguyễn Thượng Hiền. Nhân dịp kỷ niệm 30/4, tòa soạn phân công tôi đến gặp anh để viết một bài về những kỷ niệm trong chiến đấu và tác phẩm Áo trắng của anh. Lúc đó mắt anh đã bị rất mờ sau ca phẫu thuật mắt không thành công. Anh không thể tự đọc và tự viết được. Tôi đến gặp anh, nghe anh kể lại và viết lại lời anh. Bài viết xong, tôi mang đến đọc để anh nghe. Anh lắng nghe rất chăm chú. Đến hết bài tôi dừng lại. Anh hỏi tôi: “Có còn nữa không?”. Tôi trả lời: “Hết rồi ạ!”.

Anh im lặng, có vẻ như xúc động, và cũng vẫn nhẹ nhàng như xưa: “Làm ơn đi, thêm dòng chữ Nguyễn Văn Bổng kể Đỗ Bạch Mai ghi vào cuối bài”.

Tôi thực sự lúc ấy muốn òa khóc. Vì không biết nói sao khi sau bao nhiêu năm rồi anh vẫn như thế, thật giản dị khiêm nhường, thật lớn lao trước lớp đàn em như chúng tôi.

Báo Văn nghệ kỷ niệm 75 năm, biết bao đời Tổng biên tập đã có mặt. Các anh đến rồi đi, nhưng mãi mãi vẫn là những con chim đầu đàn đóng góp cho tờ báo đề tờ báo có một diện mạo như hôm nay.

Tôi có 27 năm sống và làm việc tại tòa soạn Báo Văn nghệ. Tôi không bao giờ quên những người Tổng biên tập kính yêu như Tổng biên tập Nguyễn Văn Bổng, Tổng biên tập Nguyên Ngọc, Tổng biên tập Hữu Thỉnh… Mãi mãi trong tôi vẫn là những tấm lòng yêu thương trìu mến, đùm bọc và bao dung của các anh đối với gia đình tôi.

Tôi yêu lắm, tờ báo Văn nghệ!

Nguồn Văn nghệ số 40/2022


Có thể bạn quan tâm