April 20, 2024, 9:52 am

Người tạo nghiệp

Nhà văn Chu Thị Minh Huệ có nhiều tác phẩm thành công viết về người Dao, một dân tộc coi trọng chữ nghĩa thánh hiền, lấy chữ Nôm Dao làm chữ viết riêng. Bởi vậy trong tâm linh cũng như đời sống hàng ngày, dân tộc Dao rất coi trọng tam cương ngũ thường, coi trọng lễ nghĩa, lý lối, lấy lễ nghĩa, lý lối và sự răn dạy hàng ngày làm bài học hướng thiện, rèn luyện đạo đức, nhân cách cho đồng tộc.

Truyện ngắn Người tạo nghiệp, thông qua  đám ma một kẻ lầm đường, sống trái với Nhân – Nghĩa - Lễ – Trí – Tín mà cha ông đã dày công nuôi dưỡng, tác giả khai thác khá sâu về lý lối và cách đối nhân xử thế của người Dao. Con người ai biết tu luyện tâm đức thì khi chết đi sẽ được đồng tộc quây quần, giúp đỡ, được về với vương quốc thiên đường, sống ngược lại thì sẽ bị đồng tộc hắt hủi, xa lánh, bị đầy xuống địa ngục. Ðây là nét văn hóa tiêu biểu gắn liền với chu kỳ của đời người mà người Dao nào cũng phải học từ khi bước vào đời.

(Ðoàn Hữu Nam)

Minh họa: Đào Hải Phong

Bản Dao sắp có đám. Một đám đầy sự lo ngại của bất kỳ ai. Từ khi người này sắp không còn hơi nữa thì cả bản đã lo lắm. Ai sẽ chịu đứng ra làm thầy cho người ấy? Ai sẽ chịu làm phép giúp hồn người bay được đến tổ tiên? Thầy nào dám nhận nhốt hồn người ấy ở bàn thờ ma nhà mình? Vợ con Siểm liệu có dám mang lễ nhờ thầy không? Biết bao nhiêu suy đoán của người bản, những việc này không ai giúp được người nhà Siểm. Thằng con trai mới mười lăm tuổi đã biết bố không được lòng người bản, nhưng khi bố nằm xuống, nó vẫn phải làm những việc bắt buộc cho người đã khuất. Nhưng chọn ai để làm thầy cho bố thì quả thực nó không dám nghĩ. Mấy tháng nay, cả nhà đã chuẩn bị lễ tang chu toàn, nhưng chỉ là phần dương mà thôi, còn phần âm, phải đến lúc này mới làm. Mà làm thì chưa biết người được nhờ có giúp không.

Cả làng giờ có ba thầy cúng có thể làm việc đám. Người thằng Sần không dám nhờ nhất là thầy Thiệp - đã dẫn đường cấp sắc cho bố nó ngày trước. Thầy Hào và thầy Đi không ưa nhà nó nên không biết có chịu giúp không. Lúc còn sống, bố nó đã từng nói: “Chẳng phải cái gì linh thiêng cả, chỉ là chết thôi mà, sao phải cầu kỳ, sao phải đưa hồn. Chết là hết!”. Nhưng giờ bố nằm kia, nó đã bắn ba phát súng báo hiệu mà chưa dám cầm gói thuốc lào đi nhờ thầy. Song vẫn phải đi, nên nó đến nhà thầy Hào trước, vì nhà ấy xa nhất. Vừa đi nó vừa nghĩ, nếu thầy Hào không nhận gói thuốc lào này thì nó sẽ mang luôn sang nhà thầy Đi.

Đêm cuối tháng, chẳng có trăng, chẳng có sao, bầu trời nặng trịch như muốn chụp cả màn đêm lên đầu thằng con trai Siểm. Nó thực sự chẳng cần nhìn đường nên cũng chẳng cần ánh sáng. Trong lòng nó đang lo sẽ mưa. Chưa bao giờ bản Dao bị mưa vào ngày có người mất. Đã có lời truyền “nếu người nào sống có tội, khi chết trời sẽ mưa”. Nó sợ cho bố.

                 ***

Mãi mấy đời nay nhà Siểm không thể là nhà to nhất, họ Đặng không là họ lớn nhất bản. Mỗi lần bản có việc, họ Bàn, họ Lý đều giơ vai ra gánh những phần lớn nhất. Họ Đặng có xung phong thì làng cũng không đồng ý cho làm. Tại sao chứ? Người họ Đặng biết làm thầy cũng ít hơn người của hai họ kia. Đặng Văn Siểm là một thằng có chí lớn nhất họ. Nó luôn thắc mắc tại sao người họ Bàn, họ Lý lại được trọng vọng hơn người họ Đặng nhà nó. Nhiều người họ Đặng cũng trọng vọng người của hai dòng họ kia. Trong truyện cổ người Dao truyền lại, họ Bàn là họ tổ của người Dao. Ông tổ là Bàn Vương. Từ đó người Dao mang họ Bàn đông hơn, giỏi hơn thì được trọng vọng. Nhưng họ Lý và họ Đặng thì chẳng có truyện cổ nào giải thích cả, vậy mà bao nhiêu đời nay người họ Lý vẫn đứng trước người họ Đặng là sao. Siểm bực nhất là đám cúng, cấp sắc hay cưới những thầy được mời đều là người họ Bàn và họ Lý. Đến cả người họ Đặng mở cúng cũng nhờ thầy của những họ ấy. Thầy cúng họ Đặng chỉ được mời làm cúng nhỏ và được trả công ít. Ngẫm đi, ngẫm lại, mấy đời nay đều thế, không biết lấy gì giải thích được. Không giải thích thì thôi, nhưng Siểm quyết thay đổi, phải làm cho uy danh dòng họ Đặng lớn hơn hai dòng họ kia, ít nhất là trên bản Khuổi Lùng này.


Có thể bạn quan tâm