March 29, 2024, 12:14 pm

Người quay chậm những thước phim buồn

Nguyễn Ngọc Quế là bạn thơ của tôi từ hơn bốn mươi năm nay. Anh sinh năm 1950 tại làng biển Bạch Câu, Nga Sơn, Thanh Hóa. Hồi học phổ thông, Quế giỏi toán nổi tiếng hàng huyện, nhưng đồng thời, anh cũng đã tập viết thơ.

Đến nay tôi vẫn nhớ, trong cuộc chiến tranh thơ Nguyễn Ngọc Quế không mấy bừng bừng khí thế như nhiều người khác. Đời sống thường nhật của sinh viên khoa Toán Đại học Sư phạm Vinh ở nơi sơ tán vào thơ anh thật hồn nhiên: “Tôi yêu Gò La qua tiếng chim khó khăn khắc phục gọi người/ Và cánh hoa mua tím mái đầu bạn gái” (Tôi yêu Gò La). Hồi đó, mới ngoài hai mươi tuổi, tôi làm việc tại Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Thanh Hóa; còn Quế, là thầy giáo dạy Toán tại Trường cấp 3 Lam Sơn. Do yêu thơ, chúng tôi nhanh chóng chơi thân với nhau, tôi thường được đọc thơ anh qua các bản thảo mới viết. Tôi thích nhất là đời sống làng quê bên cửa sông Sung được anh viết bằng ngôn ngữ mộc mạc và buồn trong trẻo:

Hoàng hôn bập bùng lửa đỏ

Câu hò trong như con nước sinh

Và những buổi bình minh xanh

Kéo mặt trời lên đỉnh cột

Cửa sông là chiếc nôi của tiếng hát…”

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế

Ngôn ngữ thơ này, Nguyễn Ngọc Quế giữ như một tài sản riêng của mình suốt mấy chục năm trường, với thời gian, tinh lọc, trầm lắng hơn: “Tường cổ phong rêu/ Khô gầy mái phố/ Lật trang sách nhỏ/ Một chút heo may/ Xào xạc lá bay/ Trong câu thơ cũ/ Bâng khuâng nỗi nhớ/ Tóc mờ sương bay”. Thêm nhiều từng trải, đến những năm cuối thế kỷ XX, ngôn ngữ thơ mà anh có được từ đời sống làng Bạch Câu, được thấm đẫm thêm màu sắc sôi động của văn hóa đô thị, đã làm nên diện mạo riêng của thơ Nguyễn Ngọc Quế.

Sau một số bài thơ trữ tình viết những năm hai mươi tuổi, năm 1978 Nguyễn Ngọc Quế đưa vào tập Đò ơi (in chung cùng Huy Trụ và Hải Minh). Thời gian này, tôi chuyển ra sống ở Hà Nội, nên ít được gặp Quế, cũng ít thấy có thơ của anh đăng báo. Chỉ biết Nguyễn Ngọc Quế quay sang viết cho thiếu nhi, cả truyện thơ, truyện cổ tích và thơ ngắn. Anh đã thành công trong lĩnh vực này, liên tiếp có sách được in ra như: Chàng Nẹ (truyện thơ, 1983); Thành đất đánh giặc (truyện thơ, 1985); Cổ tích vùng cửa sông (truyện, 1987); Những người bạn mặt trời (truyện thơ, 1990)… Nguyễn Ngọc Quế đã nhận được những giải thưởng của Ban Văn học thiếu nhi thuộc Hội Nhà văn và của Nhà xuất bản Kim Đồng. Sẵn có tâm hồn dễ xúc cảm, và cũng là nhà giáo nhiều năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, anh hiểu tâm tính cùng khát vọng của trẻ thơ nên có những thành công trên trang viết.

Bây giờ, viết về diện mạo văn chương của Nguyễn Ngọc Quế, chúng tôi muốn nhấn mạnh về những bài thơ anh viết cho thiếu niên lứa 15, 16, 17 tuổi. Đó là lứa tuổi “chanh cốm” như cách nói dân dã, còn giới âm nhạc thì gọi lứa các em đó một cách thú vị “tuổi đời mênh mông”. Riêng tôi, gọi như nhà thơ Tế Hanh là hay nhất, “tuổi hoa niên”, với câu thơ ông từng viết: “Không ngày hôm đó biết đời ra sao…”

Từ sau năm 1954, phong trào sáng tác cho thiếu nhi ở nước ta được chú trọng nhiều. Nhưng, tôi rất đồng cảm với nhận định của nhà thơ Định Hải rằng: Các nhà văn, nhà thơ thường viết nhiều cho lứa tuổi nhi đồng và cho tuổi mầm non. Bởi thế, các em tuổi đời mênh mông, các em tuổi hoa niên thường chỉ đọc thơ viết cho nhi đồng, hoặc là thơ viết cho người lớn. Những năm tám mươi, thế kỷ XX, Nguyễn Ngọc Quế cùng một số ít các nhà văn, nhà thơ nữa, bắt đầu dồn tâm sức viết cho các em tuổi đời mênh mông. Phải thực hiểu những mộng mơ, những giây xốn sang trong lòng tuổi hoa niên mới có thể viết được những câu: “Lời thương mỏng mảnh/ Môi xinh dỗi hờn” và những câu chỉ có tuổi đời mênh mông mới thấy đúng là thơ cho mình: “Răng khểnh ơi/ Cắn chắt hạt mưa nào?” (Tí tách mưa rơi).

Thành công của Nguyễn Ngọc Quế khi viết cho tuổi hoa niên là tập thơ Tí tách mưa rơi (Nxb Kim Đồng, 2008). Các em lứa tuổi này đang lớn lên rất nhanh, phải là một nhà giáo - thi sĩ, đồng hành cùng các em như Nguyễn Ngọc Quế mới thấy từ mùa này sang mùa khác, các em vừa đi vừa trưởng thành: “Một mùa hè lang thang”, sang mùa thu thì, “Lá vàng rơi rối hoàng hôn”. Những câu thơ xao động lạ lùng với người đang độ tuổi hoa niên: “Người đi áo trắng bay bay/ Người về áo tím chín đầy hương thu” (Gọi thu). Ngay trong thơ viết cho tuổi hoa niên, ta thấy Nguyễn Ngọc Quế trữ tình đấy chứ: “Cơn mưa thoáng đã tạnh rồi/ Ngẩn ngơ em đứng ngóng trời – ngẩn ngơ” (Mưa bóng mây). Còn ở Hè chờ, đầy ắp chất trữ tình, mơ mộng viết cho những người bước sang một mùa mới, qua cái tuổi hoa niên:

Cây bàng xòe tán ngẩn ngơ

Lá xanh khép mở trang thơ gửi trời

Đâu đây tiếng gió xa vời

Cánh hoa khe khẽ vừa rơi trên đầu…

Thơ Nguyễn Ngọc Quế viết cho tuổi hoa niên là đáng ghi nhận, nhưng với tôi, anh vẫn là một nhà thơ trữ tình của nỗi buồn nhân thế. Tập thơ Mùa thu quên lãng của anh được Nxb Văn học ấn hành năm 1996. Đâu có quên lãng, mà thương nhớ khắc ghi trong lòng ấy chứ: “Gương mặt vợ nhập hòa sương gió/ Ống gạo mớ rau bán hết nụ cười”. Thời bao cấp, lương nhà nước không đủ sống và nuôi hai con nhỏ, chị Minh Hải vợ anh là một kỹ sư hóa thực phẩm, đã phải vất vả làm thêm nên ám vào thơ anh: “Góc vườn xa có rối bời bời/ Có rắn đấy con đừng đi chân đất”. Cảm xúc trữ tình khi viết về góc vườn nhà mình, thật giản dị mà chan chứa yêu thương. Còn trữ trình về làng biển Bạch Câu quê nhà, là một nỗi buồn thật sâu xa:

Một lá buồm đơn côi

Một cánh chim bay lạc…

Và mình tôi trên cát

Một nỗi buồn hoang sơ

(Mùa thu ở biển)

Hai thập niên cuối thế kỷ trước, người dân biển của làng chài xứ Thanh đầy cực nhọc, lam lũ. Tập Mùa thu quên lãng chính là tình thương da diết, đau đáu của Nguyễn Ngọc Quế đối với quê hương. Đôi khi, chỉ một câu thơ mà thấy đau nhói ngực: “Lá vàng rụng đầy chõng tre”. Ai đó phải bươn trải kiếm sống, ở nơi xa càng thương làng quê mình, thương nhớ bạn xưa vô vàn. Những đêm thâu người ấy úp mặt vào gối mà không thể giấu buồn thương vào đâu, sau khi đọc đôi câu thơ này: “Trái đất cô đơn hai đứa/ Đường đi hai vạt cỏ may”… Sau Mùa thu quên lãng, năm 2005, Nguyễn Ngọc Quế lại cho xuất bản tập thơ Một ngày thật dài (Nxb Hội Nhà văn, 2008). Đến tập thơ này, có thể nói nguồn cội quê hương và bóng hình mẹ cha là nỗi nhớ tạo nên hồn vía thơ Nguyễn Ngọc Quế. Những bài thơ Làng cá, Biển đêm, Người về với biển, Những ngôi sao trên cát, Ông già biển… ta đã thấy đời sống làng biển vào thơ anh thật nhiều. Phải thật hiểu và yêu làng biển của mình như Anh mới có được ngôn ngữ vâm váp, mộc mạc mô tả người vùng biển như thế: “Giọng dô huầy ngang dọc níu vào nhau/ Vụ cá bắc, vụ tôm nam cực nhọc/ Bậm tay lại cho săn tay lái/ Xoạc chân dồn sức kéo mẻ cá đầy…” (Ông già biển). Biển có vụ bắc, vụ nam và trải vô vàn cực nhọc, nắng mưa, bão tố người dân chài mới kiếm được miếng ăn:

Con cá, mớ tôm, ống gạo, mớ rau

Thời thị trường nhọc nhằn con sóng vỗ

Như vầng trăng lên rồi lại xế

Để biển xanh côi cút cánh buồm…

(Người về với biển)

Với các thi sĩ, mẹ và quê nhà chính là suối nguồn nuôi dưỡng cả đời thơ của họ, Nguyễn Ngọc Quế cũng vậy. Nhiều câu thơ viết, ta đọc thấy thăm thẳm một tấm lòng ân nghĩa: “Đò Sung tiếng người gọi với/ Tảo tần dáng mẹ sang sông”, hay “Mẹ là cây già gốc vững/ Bao dung nhận hết khô cằn”, hoặc “Thân mẹ lép gầy ngược gió/ Lom khom dáng đổ chiều xô”… Hình bóng người mẹ cần lao, tần tảo hy sinh: “Cánh đồng trắng cơn mưa bể/ Mẹ áo tơi ôm gốc lúa non”, “Chim vịt bay vào hoàng hôn/ Ráng đỏ, mây chiều, tóc mẹ/ Bể rộng, sông dài, sương khói

Đời người khi cha mẹ khuất núi tuổi mình càng cao thì vọng ngóng về nguồn cội càng da diết máu thịt. Những câu thơ viết về quê hương, về hình cha bóng mẹ càng thăm thẳm nhớ mong: “Liềm mòn vẹt hao gầy dáng mẹ/… Trên cánh đồng trời mẹ gặt/ Hạt thóc vàng và những câu ca/ Trên cánh đồng người mẹ có/ Những đứa con không làm mẹ phiền lòng (Cánh đồng của mẹ). Hoặc: “Làng ơi còn đó ngàn năm/ Núi cội sông nguồn cổ tích/ Ai hát điệu chèo mềm buộc/ Hồn ta với nước non này”. Đó là cái được của thơ Nguyễn Ngọc Quế.

Sau này, khi vợ chồng anh ra sống cùng các con tại Hà Nội. Anh vẫn dạy học và dành nhiều thời gian chuyên chú vào thơ ca. Thơ anh có thêm triết lý về nhân tình thế sự: “Một ngày thật dài/ Một đời thật ngắn/ Nỗi đau cứ dày thêm/ Nỗi buồn không xóa được… Ngày mai/ Cửa nhà tôi lại mở. Trong bài “Một ngày thật dài”, chuyện thời sự, thế sự, suy ngẫm và xúc cảm trong một cấu trúc thơ vững chắc: “Một ngày/ Hành trang là lời vợ dặn/ Về sớm/ Đừng lang thang quán xá/ Để phòng ngộ độc thức ăn”. Khuất sau những khe chữ, ta thấy một nụ cười tinh quái của đời thực:

Một ngày

Tất tả lao vào cơ quan

Chạm cái bắt tay thủ trưởng

“Hãy tiến lên”

Gặp ông tổng biên tập báo Văn

Vỗ vai nói điều lý thú

“Mỗi thời đại đều có nền thơ của nó

Thơ phải chuyển động…”

Ở đời, vui thì dễ xóa dễ quên, còn buồn thì không sao xóa được. Khi ngẫm về sự buồn, anh phổ vào thơ lục bát:

Một mình một chén này thôi

Ngoài kia rét đậm đầy trời mưa giăng

Chén chờ đặt xuống lại nâng

Người đi núi khuất núi, mấy tầng mây bay…

Ở Hà Nội, chúng tôi gặp nhau nhiều hơn. Tôi đọc thơ anh khi còn ở dạng bản thảo. Nguyễn Ngọc Quế đưa tôi tập thơ mới: Những thước phim quay chậm với 50 bài thơ. Anh viết về bé ăn xin, về người hát dân ca, về mùa thu thành thị, về người già, về sự vô cảm của con người trong đời thực và vô tình với tự nhiên… Có một số bài, viết trong những đêm khó ngủ, nằm nghe “tiếng thở dài của đêm”: Tiếng thở dài của đêm/ Nuối tiếc này qua/ Khổ đau ngày tới/ Niềm vui một đời thật ít”. Đến “Vịnh sen” mà cũng nghe tiếng thở dài: “Ta bươn trải lo miếng cơm manh áo/ Bao lần đi qua/ Sen vẫn nõn/ Mà tóc mình đã úa”… Thơ Nguyễn Ngọc Quế đến chặng này trầm lắng và hiền minh hơn trước, tinh giản hơn trong ngôn ngữ. Hãy đọc các bài thơ ngắn: Ngày chín; ĐêmPhố nhớ chỉ có 13 từ: “Phố nhỏ/ Ngắn/ Con đường vắng/ Người đi/ Hoa rụng/ Dài/ Nỗi nhớ”. Cõi người, có vui có buồn, vậy mà Nguyễn Ngọc Quế đắng đót: “Khúc vui cho bạn, khúc buồn cho tôi”. Thi sĩ thường cực đoan nên anh mới có thơ tặng cho mình, cho đời như thế này:

Đời người ngắn tựa gang tay

Dại khôn mấy kẻ, nợ vay duyên tình

Cõi người vất vả mưu sinh

Tài kia, sắc ấy, phận mình phù hoa…

(Ngóng người tận xứ mây vàng)

Với kinh nghiệm văn học của mình, tôi đã nghĩ “Nàng Thơ” từ xưa xa đến nay được người đời nuôi sống chỉ bằng khổ buồn và hạnh phúc. Nguyễn Ngọc Quế cứ nuôi “Nàng Thơ” bằng cách riêng của mình. Tôi luôn mong sao anh có được Thơ. Thi hào Octavio Paz, Giải thưởng Nobel về văn chương năm 1990, từng nói thơ là cái còn lại để an ủi con người…

Nguồn Văn nghệ số 4/2021


Có thể bạn quan tâm