April 20, 2024, 5:33 am

Người nối dài con chữ ở cửa biển

Đã hơn 17 năm, kể từ ngày cô giáo Nguyễn Thị Thông, thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa lập ra lớp học với tất cả tình thương đó. 17 năm qua, bà đã hiến dâng tình yêu, sức lực và cả tuổi trẻ của mình để truyền thụ kiến thức cho những em nhỏ có hoàn cảnh đáng thương, không gì hơn là một khát vọng: Biết đọc và biết viết. Bấy nhiêu năm bận bịu với công việc dạy học cao cả, cô hiến dâng cả lẽ sống bác ái cho một ước mơ không thể lay chuyển nổi, lặng lẽ gieo mầm con chữ ở cửa biển ầm áo tiếng sóng ấy.

 

Bà giáo Thông đang uốn nắn từng con chữ cho các em học sinh tại lớp học của mình

 

Một lời hứa, cả đời trăn trở

Bà Thông năm nay đã 70 tuổi, gương mặt phúc hậu, tóc vẫn chưa hoa râm, răng vẫn đều chằn chặn, tiếng nói và lời giảng vẫn sang sảng như chuông đồng. Lớp học của bà giáo Thông nằm bên bờ phải cửa biển Hậu Lộc, chỉ vỏn vẹn vài ba bộ bàn ghế đơn sơ. Tiếng là lớp học, chứ thực ra đó chỉ là cái phòng nhỏ. Mặc dù có cái tên nghe kêu như vậy, nhưng lớp học này nằm trơ trọi ở một nơi, và cứ ngày một thưa thớt đi ngay từ những ngày đầu thành lập: tính đến nay đã mười bảy năm – mà hầu hết đều dạy những em học sinh lớn lên hẳn hoi, chứ không chỉ đơn thuần là tiếng tăm – như lời đồn thổi, chỉ dựng lên cho có. Những ngôi trường được đầu tư tầm cỡ thì chẳng nói làm gì, lý do thật dễ hiểu, nhưng ở lớp học của bà Thông, cha mẹ phụ huynh, các em học sinh tìm đến cao hơn học chữ đó là học làm người, cách sống làm người. Nhìn hình ảnh những bậc phụ líu nhíu gửi con trong đến lớp học, người ta không khỏi thán phục một tấm lòng không chỉ của cô giáo, mà đúng hơn là một tấm lòng yêu thương con trẻ. Nhớ lại những ngày đầu dựng trường, trước mắt còn bao khó khăn, nào chọn địa điểm, nào đạo cụ giảng dạy, nào phương pháp truyền thụ, nhưng cái khó là làm sao để các bậc phụ huynh có thể yên tâm mà giao phó con mình, đó quả là một sự thử thách tuyệt đối đối với cô Thông. Thế mà năm tháng qua đi, các em học sinh tìm đến ngày một lớn hơn, đông đúc hơn, ai cũng nhìn thấy tương lai, tiền đồ, chứ trước đó tất cả đều ở bên bến bờ tuyệt vọng vì thiếu học, khát chữ.

Số phận đưa bà Thông trở thành giáo viên nhân dân, rồi bây giờ lại tiếp tục neo đậu đời mình ở bến học. Những năm tháng tuổi thơ túng quẫn, gia cảnh neo nghèo, có đôi lúc khiến cô bé Thông phải lỡ dở việc học hành. Bố mẹ có biết gì chữ nghĩa đâu, cả một đời làm lụng, gắn bó với mảnh vườn, góc sân. Còn cô bé Thông thì lao vào học hành như người ta lao xuống nước, chẳng đắn đo suy tính gì nhiều... Học mãi, học mãi, đến mùa thu năm 1965, thì cô Thông thi đỗ vào trường 7 cộng 2 Thanh Hóa, nơi mở ra cả một chân trời tri thức cho một tâm hồn bé nhỏ như cô. Sẵn chí hướng đó, cô học lên cao đẳng sư phạm, rồi về hoạt động chuyên nghiệp ở nhiều nơi Đông Minh, Đông Sơn, Hòa Lộc, Đa Lộc.

30 năm hoạt động giáo dục chuyên nghiệp, năm 1997, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 2001, bà Thông bắt đầu được nghỉ chế độ. Tuy thế cái khát vọng dạy học chưa trút bỏ, bà Thông bỗng nhận ra mình còn sức, cần phải làm thêm một điều gì đó ý nghĩa, dù bé, dù nhỏ, dù đơn giản hơn nhiều so với hy vọng, nhưng bây giờ phải thực hiện ngay kẻo chẳng còn thời gian nữa… Thế là năm 2002, bà đề nghị với địa phương xin phép mở lớp học tình thương ngay tại ngôi nhà nhỏ của mình. Và rồi chính bà cũng không thể tưởng tưởng nổi, bởi có nhiều em đến theo học đến thế…

Lớp học của bà giáo Thông có nhiều điều đặc biệt. Có em 8 tuổi nhưng có em 14, 15 tuổi, thậm chí có em 19 tuổi. Mỗi em đến đây với một hoàn cảnh khác nhau, số phận khác nhau. Nhiều em không được lành lặn hoặc có hoàn cảnh khó khăn, trong đó đông nhất là số em mồ côi cả cha lẫn mẹ, những em học sinh bị khuyết tật bẩm sinh, không có khả năng. Dù thế nào đi chăng nữa, ngôi trường của bà giáo Thông vẫn chào đón các em như ngôi nhà thứ hai của mình. Vì khi được theo học ở đó, thì ít ra các em ngoài việc được chăm lo về đời sống, ăn đủ bữa, ngủ đủ giấc, học hành đến nơi đến chỗ, thì nói chung các em được phát triển toàn diện cả về thể chất và nhân cách.

Nâng cánh những thiên thần

Hành trình tìm chữ cho học sinh tật nguyền vùng biển, đối với cô giáo Thông không phải bao giờ cũng dễ dàng. Những ngày đầu tiên ấy, lớp học đìu hiu, vắng vẻ, thực ra đó chỉ là một căn phòng chưa đừng 6m2. Nơi ấy cũng chính là ngôi nhà tạm bợ của bà giáo Thông cùng người chị gái mù. Hai người sống nương tựa vào nhau, như hai thân phận cô độc. Dù cả hai đều không có một gia đình riêng, theo đúng nghĩa đen, nhưng họ đã cùng nhau nguyện làm những công việc hữu ích. Năm học đầu tiên, thiếu thốn trăm bề, đến nỗi cô phải gỡ từng tấm ván trong ngôi nhà mình để làm bảng đen, làm bàn cho học sinh viết. Nghĩa là, để có thể truyền dạy được nhiều kiến thức cho các em học sinh, cô giáo Thông có thể vì mình mà bất chấp tất cả, ngay cả cuộc đời cô cũng chẳng có gì, chỉ có các em là nguồn an ủi tuổi già và chỉ có tiếng cười của các em mới khiến cô trở nên hiu quạnh. Trước tấm lòng cao cả, và một “bóng cây cao cả” về sự nghiệp giáo dục, năm 2010, chính quyền địa phương đã quan tâm bằng cách bố trí phòng học tại Trung tâm học tập cộng đồng để cô giáo Thông và các học trò của mình có thể yên tâm hơn trong đời sống. Lớp học mới rộng 20m với một tấm bảng to với 5 bộ bàn ghế đủ kiểu dáng, rất sạch sẽ. Đến với lớp học mới, các em càng có nhiều cảm hứng hơn để lao vào việc học, nhờ đó mà kết quả học tập đều tốt.

Ngồi học chung một lớp nhưng mỗi em được học một chương trình riêng, điều đó tạo ra sự khác biệt, khiến các em tìm được nguồn an ủi với việc học. Dù học lớp 1, lớp 2, lớp 5, các em vẫn được cô giáo Thông dạy cho tinh thần đoàn kết, yêu thương, nó khích lệ các em bước ra ngoài cuộc sống vững vàng hơn. Bàn ghế, đạo cụ giảng dạy, phấn trắng, bảng viết, được cô phân thành các dãy ngăn nắp, rộng rãi, để các em có môi trường học tập lành mạnh. Phần bên phải được dành cho lớp 1, lớp 2, bên trái dành cho lớp 3,4, còn riêng phần lớp 5 được cô giáo ra bài rồi trực tiếp làm ngay trên vở. Những em học sinh trong lớp được cô giáo chia thành các nhóm - nhóm trẻ câm điếc, nhóm trẻ thiểu năng, nhóm trẻ khuyết tật, như thế vừa giúp các em có thể hòa nhập dễ dàng. Để truyền đạt ý tưởng học tới các em học sinh câm điếc, bà dùng khẩu hình rõ ràng, lành mạnh, cơ mồm gần nhất với kiến thức, để các em có thể hiểu được ngôn ngữ và thông tin. “Chữ A, thì đọc há miệng rộng, chữ 0 miệng tròn như vành thúng, chữ E thì đầu lưỡi hơi cong lên, đồng thời cầm tay học sinh vừa viết chữ vừa đọc. Có những em phải học đến nỗi hàng năm trời mới ra được hơi, khi mà bật ra được hơi như vậy, các em có thể bắt đầu phát âm mạnh mẽ bằng miệng”, bà Thông tâm sự. Ở đây, từ mười mấy năm qua, chẳng bao giờ có tiếng trống trường thúc giục rồn rã lên lớp, những tiếng ồn ào, náo nhiệt nhưng bao giờ cũng trở nên nhẹ nhõm và ấm áp hơn bởi tình thương và những bài giảng đầy chân lý…

Tôi lùi lại đằng xa lớp học, để ngắm tình thầy trò từ một góc quan sát nhỏ, từ phía tình thương và trách nhiệm. Vì nguyên cớ gì, một cô giáo, không gia đình riêng, không cần tiền bạc, danh vọng, không cần sự nổi tiếng, lại từ trái tim mình, bằng cách riêng của mình, thực hiện công việc “chở đò” thầm lặng đến thế. Tôi để ý rằng, hiện nay, ở nhiều ngôi trường, người ta chọn đầu vào học sinh khá gắt gao. Chẳng hạn như các em thiểu năng, bệnh tật, đều không được nhận theo học. Và thế là ước mơ thay đổi cuộc đời, thay đổi số phận của các em cứ ngắn với định kiến và thành kiến. Còn với cô giáo Thông, thì dù có nhiều học sinh bị bệnh “giời hành” như vậy đi chăng nữa, cô cũng dám bắt chấp cả cuộc đời mình để các em trở thành người như các em được sinh ra. Ghi nhận sự cống hiến ấy là 24 tấm bằng khen treo trang trọng trên góc tường loang nổ phấn trắng, bản đen được dành cho một tấm lòng hết “vì sự học ngày nay”. Và cũng năm 2017, cô giáo Thông được vinh danh ở hạng mục giải thưởng KoVa. Đối với cô giáo Thông, việc được vinh danh có giải thưởng hay không, điều đó đâu có trở nên quan trọng. Mà sang năm 70 tuổi, cô nghiệm ra hy vọng cần tiếp tục được thắp sáng bởi ngọn lửa học hành. Và khi mọi thứ tiến gần hơn đến chỗ ấy thì hy vọng nối dài con chữ được ấp ủ như một lời hứa, cả đời trăn trở đã mãn nguyện.

Những ngày tham gia dựng lớp, dựng trường từ buổi đầu, cô đã phải chịu đựng nhiều đến nỗi tự nhiên muốn tin rằng nhất định thế nào việc học cũng phải đem lại sự cần thiết đối với các em học sinh, cái sự mông muội, tăm tối phải thua ý chí, một khi các em đã cùng cô quyết tâm cho đến tận bây giờ. Và ở đây, trong ngôi trường giáo dưỡng nhỏ bé này, trong vòng tay của bà giáo, dường như có một ý chí mãnh liệt: đã học rồi nhất định sẽ làm người tử tế. Đôi khi, trong những phút lắng dịu thanh thản, một niềm tin ngọt ngào sẽ đến với lớp học của bà Thông, bà tin rằng một trăm phần trăm các em sẽ biết đọc, biết viết, cũng giống như bây giờ, dần dần từng chút một, không phung phí mất mát, bà sẽ tới được ngày cuối cùng khi nắm từng tay học sinh nói rằng các em đã thành công, sau khi đã trải qua quá trình rèn luyện nghiêm túc, ngay mà cô có thể thanh thản và nhìn nụ cười các bậc phụ huynh đón các em trở về nhà.

*

Cho đến trước khi chia tay, bà giáo Thông bộc bạch: “Bây giờ tôi trăn trở lắm. Dĩ nhiên cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, nhưng hiện nay số các em bị bệnh, bạo bệnh, bị từ chối hoặc các em không có điều kiện đến trường nhiều không đếm xuể. Làm sao để chúng ta xóa đi rào cản và định kiến. Làm sao để người thầy và người trò có thể xích lại gần nhau trong một mục tiêu chung vì sự nghiệp giáo dục, tôi chưa kịp hình dung xem đã có bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu khát vọng bị lụi tàn gây ra từ việc không được giáo dục và học hành tử tế. Ngay lúc này đây, tuổi tôi không còn nhiều, nhưng những gì tôi đang làm cũng đã gắng sức, nhưng trong tôi vẫn còn một nguyện vọng là dù khó khăn thế nào thì cả xã hội chúng ta phải chung tay vì “sự học ngày mai” của các em, để các em được vươn cao, vươn xa hơn, đánh thức ước mơ trên con đường tiến gần hơn với chân trời tri thức. Chừng nào còn sức khỏe, còn trí lực, chừng đó tôi sẽ tiếp tục công việc giáo dục của mình. Vì điều đó với tôi, là một duyên nghiệp. Nếu cho chọn lại, tôi vẫn chọn công việc đó chứ không phải là một công việc nào khác”.

Bà giáo Thông tóc điểm bạc, rất ngại ca ngợi về công việc mình đang làm. Mỗi phòng học đi qua, cô đều khép lại cẩn thận, để các em học sinh đến đây lại tìm được ước mơ của mình bắt đầu từ đó. Các em học sinh, chính các em đã níu bước chân bà giáo Thông lâu hơn với con đường giáo dục chân chính.

Số phận như một định mệnh gắn cô với nơi này…

Nguồn Văn nghệ số 22/2020


Có thể bạn quan tâm