April 19, 2024, 9:01 am

Người mẹ nước Lào

Thân tặng anh Thongvanh Thongdy

Ngồi trong quán cà phê mang tên Madame, cạnh Thư viện quốc gia Lào một biệt thự trắng từ thời Pháp, có hàng cây sứ bao quanh khiến ta nhớ đến Thư viện Hà Nội, Chính cố tận hưởng nốt cảnh hoàng hôn cuối ngày. Trời đẹp. Chỉ còn ngày mai là sẽ kết thúc chuyến thăm Viên Chăn, dẫu ngắn ngủi nhưng đã để lại trong Chính nhiều cảm xúc khó diễn tả. Viên Chăn nằm thoai thoải ven sông Mekong, là một thành phố sát biên giới, bên kia sông là tỉnh Nongkhai của Thái Lan. Mùa này nước cạn, chảy êm đềm.

Minh họa của LÊ TRÍ DŨNG

Chính đã thăm những chốn thiêng như Wat Sỉ Muang, Wat Sisaket, Khải Hoàn Môn Patuxay, Thạt Luồng… Gọi Viên Chăn là “xứ chùa” không sai. Rất nhiều chùa, cao rộng và được trang trí lộng lẫy. Mái chùa cổ kính thấp thoáng sau những tán cây xum xuê, đa phần màu vàng, mang đậm biểu tượng Phật giáo Tiểu thừa.

Kể cả giờ cao điểm, giao thông tại Viên Chăn khá vắng, trật tự và không có tiếng còi. Anh Văn nói người Lào có câu châm ngôn “muốn nhanh thì phải từ từ”. Chứng kiến cảnh xếp hàng dài kiên nhẫn trước trạm xăng, Chính cảm nhận được sự sống chậm của người Lào. Chính ghi nhận câu nói của anh Văn “Viên Chăn nhỏ xíu và người Lào hiền hậu và vô cùng thân thiện”.

Gọi một chai bia nhâm nhi, lúc này Chính mới thấy bia Lào quả là thơm và rất ngon. Lúc đầu hơi đắng, chát, ngậm lâu trong miệng thì tự nhiên có hương thơm dâng lên và vị ngọt bắt đầu xuất hiện. Chính bỗng bật cười nhớ lại chai bia Lào hôm trước.

Sau cả buổi sáng cuốc bộ thăm Khải Môn Patuxay, Chợ Sáng, Phủ Chủ tịch…, Chính thấy đói và ra mấy quán ăn ven sông. Thực đơn đa dạng và giá không đắt lắm. Với phương châm “đến Lào phải thưởng thức món Lào” nên Chính đã chọn món Tam Maak Hung,Phở Lào, kèm một chai Bia Lào, vốn được ca ngợi là bia ngon nhất Đông Nam Á. Chai bia Lào mát lạnh khiến Chính phấn chấn, cái đói trở nên cồn cào hơn. Cậu nghĩ bữa nay sẽ rất ngon miệng! Hơn nữa, cậu chọn món Tam Maak Hung “là món gần như không thể thiếu trong các bữa ăn của người Lào”, gồm đu đủ nạo trộn gia vị nước cốt chanh, mắm tôm, cà pháo, tiêu, ớt… Mới nghe đã chảy nước miếng!

Khi nộm được đem ra, cậu hớn hở gắp ngay một miếng lớn đưa vào miệng, dẫu đã được người phục vụ cảnh báo là “hơi cay”. Vừa nhai được mấy miếng, cậu dừng sựng. Cả khoang hàm ếch như bị đốt vậy. Cay xè, nóng rực. Cậu kín đáo nhổ ra khăn ăn, tu liền một mạch gần hết vại bia.

Dẫu khỏe mạnh, nhưng ăn uống thất thường từ mấy ngày qua, thêm chuyến đi dài và thay đổi múi giờ, sự phấn chấn được khám phá vùng đất mới khiến quên đi mỏi mệt, nhưng lúc này, cái bụng rỗng vừa chứa gần một chai bia khiến Chính chao đảo, mắt hoa lên. Cậu quay sang tô phở Lào với hi vọng làm giảm cơn cồn cào, nhưng… không giống phở Việt Nam! Phở Lào được bê ra với các đồ riêng rẽ và ta tự pha chế. Liếc nhìn người khách cũng gọi phở Lào ở bàn bên cạnh, Chính thấy họ tưới nước dùng vào bát bánh phở, cho gia vị và ăn với mọc và tiết lợn. Ngoài đĩa rau sống đủ loại còn có đĩa đậu đũa tươi luộc tái để cạnh một bát mắm tôm sống. Đã gần chục năm không ăn mắm tôm, chỉ vừa vắt chanh và cho đũa vào khuấy, mùi mắm rất nặng xộc thẳng vào mũi, khiến Chính bật dậy, chạy thẳng vào toa-lét và nôn thốc nôn tháo. Chai bia Lào cũng theo đó mà ra hết. Khi không còn gì để nôn, Chính mệt phờ quay trở lại bàn và gọi tiếp một bát cơm trắng, rau muống luộc và đậu phụ rán trước sự ngạc nhiên khó hiểu của người phục vụ. Đó là bữa cơm đầu tiên của Chính trên xứ sở Chăm Pa, và chưa bao giờ Chính thấy ngon miệng như vậy!

Nếu chuyến du lịch này đã diễn ra suôn sẻ và hết sức thú vị cũng là nhờ anh Văn. Anh làm việc ở Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào và là người quen của bác Tích, bác ruột của Chính, một cựu sỹ quan quân Tình nguyện, và bác đã nhờ anh giúp đỡ Chính trong lần đầu đặt chân đến Viên Chăn. Anh Văn nói tiếng Việt rất lưu loát. Anh ra đón Chính ở sân bay, đưa đi thăm một số nơi, chỉ cho cậu những chỗ nên đến... Anh Văn kể đã sang Việt Nam “du học” từ khi 11 tuổi, học từ cấp II, cấp III, rồi sau đó lên đại học Giao thông Vận tải…

 Tối qua, sau khi chia tay anh Văn, Chính ăn nhanh vài lát bánh mì với thịt hun khói mang theo từ Pháp, rồi đi xem Chợ Đêm và đường đi bộ Pha Ngum. Quả là nhiều người Việt bán hàng. Chính nhận ra nhờ những cuộc đàm thoại. Họ nói to. Chính nhận ra trọng âm của từng vùng Bắc, Trung, Nam.

Pha Ngum là con đường đi bộ buổi tối nổi tiếng của Viên Chăn, chỉ hoạt động từ 17h30 đến 22h, nằm giữa công viên Chao Anouvong và triền sông Mekong. Rất nhộn nhịp với Quảng trường vua Chao Anouvong và bức tượng cùng tên sững sững hiên ngang đầy khí phách, mặt quay ra sông, trong tư thế tay trái cầm kiếm, tay phải chỉ thẳng hướng Thái Lan. Dây lưng chạm hình rắn Naga, tượng trưng cho hoà bình và đạo đức. Đã đọc qua thân thế của đấng quân vương, Chính ngưỡng mộ tinh thần yêu nước, dũng cảm, kiên cường của ngài. Dẫu cuộc đấu tranh của ngài không thắng lợi nhưng tinh thần bất khuất và lòng tự tôn dân tộc của ngài còn sống mãi trong trái tim người Lào và những người yêu tự do độc lập. Thành bại nhiều lần và cuối cùng chấp nhận bị giam cầm và chết trong trại tù của người Thái, đấng quân vương Chao Anouvong khiến Chính nhớ đến nhà chí sỹ yêu nước Việt Nam Nguyễn Thái Học, với câu nói khẳng khái trước quân thù: Không thành công cũng thành nhân!

Khi Chính trở về khách sạn thì Viên Chăn đã vào đêm từ lâu, lung linh huyền ảo khiến sông Mekong trở nên rõ ràng hơn, nhờ những cột đèn đường bật sáng ở đôi bờ. Từ cửa sổ tầng bảy, Chính có thể dõi mắt đi rất xa, đến tận khúc lượn của sông mà Chính cho là đẹp nhất.

Tối nay, vừa thấy Chính bước vào khách sạn, cậu lễ tân chào và nói ngay:

- Có anh Văn gọi điện và nhắn anh gọi lại ạ.

- Cám ơn cậu. Mình sẽ gọi trên phòng. Chúc buổi tối vui vẻ! – Chính nói trước khi tiến về phía thang máy.

Làn nước mát trong phòng tắm tắm khiến cậu tỉnh hẳn, không còn thấy mệt như lúc ăn phở ban nãy nữa, dẫu đó là phở Việt Nam chính hiệu và cậu đã xì xụp uống hết những thìa nước cuối cùng.

Cậu nhấc máy, bấm số của anh Văn. Anh trả lời ngay.

- Chào em! Hôm nay đi chơi thú vị chứ! Trời đẹp nhưng hơi nắng nhỉ! Em đã đi Vườn Phật chưa?

- Vâng, rất thú vị ạ…, Chính hào hứng đáp. – Nhưng em chưa đi được Vườn Phật!

- Lịch sáng mai thế nào? Anh định rủ em đến một nơi khá thú vị, nơi này sẽ đi qua Vườn Phật, chúng ta ghé thăm luôn.

Chính nghĩ nhanh. Những chỗ cần thăm thì cũng đã đi.

- Sáng mai em chỉ định đi mua ít đồ và thăm Vườn Phật thôi.

Anh Văn cười phá lên:

- Cậu nghĩ đang ở Hà Nội hay ở Paris à? Ngày mai chủ nhật, cậu sẽ chẳng tìm thấy cửa hàng nào mở đâu…

- Ô, vâng… Vậy sáng mai em đợi anh đến đón.

Đã khá muộn, nhưng Chính muốn tải ảnh đã chụp vào máy tính, và đăng vài bức lên Facebook. Chính không ngờ mình đã chụp được nhiều hình ảnh đến thế! Cả thành phố Viên Chăn và vùng phụ cận như đã nằm trọn trong máy tính của Chính. Cậu hài lòng trước những cảnh tượng tuyệt vời đã chụp được. Nhưng những bức chụp ở Chùa Mẹ Si Mương bỗng đặc biệt thu hút Chính. Hầu như bức nào cũng bị mờ, lung linh hệt như chuyển động. Có bức lại như có khói thoảng qua. Nhất là chiếc ghế băng cạnh gốc cây cổ thụ trong vườn. Khi nhìn kỹ chiếc ghế trống được chụp trước khi đến ngồi thì cậu giật bắn mình. Chiếc ghế không hề trống mà có ba người đang ngồi. Ba người đó chỉ lờ mờ nhưng giống hệt hình ảnh mà Chính đã ngỡ mình bị ảo giác. Chính nhớ lại những cảm giác kỳ lạ khi tham quan ở đây, nghe các nhà sư tụng kinh, được một nhà sư già ban phước và buộc vào cổ tay mình chiếc vòng được tết bằng những sợi chỉ đa sắc. Đây là lần đầu tiên trong đời cậu để cho người ta làm mà chẳng hiểu gì. Cả người cậu như có một luồng điện chạy qua khi nhà sư chạm vào cổ tay. Cậu chưa bao giờ ngờ rằng chính sự yên lặng vì ngôn ngữ bất đồng mà tạo nên được cảm giác hoan hỉ này. Hoặc khi âm thanh của ngôn ngữ không còn quan trọng, thì ta có thể trực cảm một cách rõ rệt hơn? Có lẽ Chính sẽ không bao giờ quên ánh mắt nhà sư già nhìn cậu và âm thanh những câu thần chú ấy. Chúng tràn ngập sự từ bi khiến cậu thấy bình an. Do không muốn để mất cảm giác ấy, nên Chính đã ra khỏi chùa và chọn chiếc ghế băng còn trống dưới gốc cây cổ thụ xòe tán mênh mông, sau khi chụp những bức ảnh này. Chính nhớ khi vừa ngồi xuống, mắt vẫn dõi theo những vết nắng đung đưa dưới nền sân. Chính mơ hồ nhìn thấy ba người, ăn mặc khác lạ so với xung quanh. Một người phụ nữ còn trẻ, ăn vận theo lối người Lào cổ. Người phụ nữ thứ hai già hơn, ăn vận theo lối nông dân Lào, người thứ ba thật kỳ lạ, đó là một anh bộ đội Việt Nam. Chính nhận ra vì trên đầu anh đội mũ gắn sao, và bộ quân phục bạc màu còn lấm tấm bùn. Hai người sau có vẻ cung kính trước người phụ nữ trẻ. Cả ba đều vui, nhìn Chính tủm tỉm mà không nói. Một góc tâm trí Chính mách bảo rằng đó chỉ là ảo giác, Chính cố lắc đầu, dụi mắt, nhưng hình ảnh ấy vẫn không biến đi. Nắng vàng tưới ướt rượt nóc chùa nhắc Chính hoàng hôn đang dần buông trên thành phố...

Cơn buồn ngủ bỗng ập đến, Chính tắt máy đi nằm mà không nghĩ đến việc đăng ảnh lên Facebook nữa.

Tầm 4h sáng, tỉnh giấc vì lạnh, Chính muốn kéo chăn đắp mà cả người cứng đờ, trong khi đầu óc rất tỉnh táo, mắt vẫn mở. Cậu thấy anh bộ đội mặc quân phục bạc màu đứng phía cuối giường. Tay ôm mũ gắn sao, miệng nhoẻn cười nhìn Chính, dáng vẻ anh rất hân hoan. Chính không thấy sợ, chỉ muốn mở miệng hoặc ngồi dậy thò tay chạm vào anh, nhưng như có một sức nặng ghìm chặt cơ thể Chính xuống giường! Trong chốc lát, người lính di chuyển về phía cửa sổ rồi tan loãng sau tấm rèm.

Chuyện chỉ diễn ra trong khoảng 30 giây. Sau đó, Chính cảm thấy mình trở nên nhẹ nhõm, lâng lâng.

Khoan khoái sau một giấc ngủ sâu, Chính đã lấy lại sức và thấy đói cồn cào. Cắm bình siêu tốc, pha trà và ăn sáng với bánh khô đem theo từ Paris. Đã 5h30. Qua cửa sổ, đường phố Viên Chăn vẫn vắng tanh, thi thoảng có xe hơi bật đèn pha phóng vụt qua. Cảm giác được chạy bộ ven sông Mekong vào buổi sớm lành lạnh khiến Chính thích thú. Thay quần áo, cắm tai nghe nhạc và đi xuống. Cậu lễ tân nằm nghỉ trên sô pha tại tiền sảnh vui vẻ mở cửa. Khu Chợ Đêm giờ đã quang đãng, những gian hàng đã dọn đi, chỉ còn vương vãi giấy gói hàng và túi ni lông bay lất phất. Băng qua công viên, bước qua thanh chắn hành lang, Chính dấn vào đường Pha Ngum và chạy về hướng quảng trường Vua Chao Anouvong. Tai nghe nhạc, chân sải những bước dài, bỗng Chính cảm thấy như có ai níu lại và kéo về phía sau, khiến cậu đứng sựng và lùi lại vài bước. Chưa kịp hoàn hồn thì cách Chính chừng nửa mét, một chiếc xe hơi ngược chiều bị mất lái, bẻ ngoặt và đâm thẳng vào thanh chắn bên phải, ngay trước mặt Chính. Xe đâm mạnh đến nỗi thanh chắn đứt đôi và chiếc xe cứ lao thẳng xuống dưới sườn dốc thoai thoải, và chỉ dừng lại khi đâm vào một ụ đất. Hoàn hồn, Chính chạy xuống. Kỳ lạ, xe đâm mạnh và lao xuống rệ đường sâu như thế nhưng khi Chính đến nơi, tài xế là một người đàn ông trung niên đã mở cửa xe và đang gắng toài ra. Mặt ông tái mét nhưng không hề bị thương.

Ông hỏi Chính bằng một tràng tiếng Lào. Không hiểu nhưng Chính đáp lại bằng cử chỉ rằng mình không sao. Người đàn ông bỗng quỵ xuống, Chính nhanh chân đến đỡ ngang lưng và đặt ông ngồi xuống mô đất. Sau vài phút, ông hoàn hồn và móc điện thoại gọi điện. Chừng 30 phút thì có mấy người dân thường đi xe máy đến. Chính tự hỏi sao không gọi cảnh sát mà lại gọi người nhà? Thấy họ trò chuyện liến thoắng bằng tiếng Lào, đi vòng quanh chiếc xe xem xét, chỉ chỗ này, chỉ trỏ chỗ kia rồi lại bình luận mà quên cả sự có mặt của Chính. Thấy ông lái xe có vẻ đã trở lại bình thường, Chính cáo từ ra về.

Chính không chạy nữa mà lững thững đi bộ về. Cậu men theo lối đi trong công viên. Những gì vừa xảy ra có thể nói là kỳ diệu, cách giải quyết cũng hết sức đơn giản!

Đồng hồ chỉ hơn 7h, Chính vội vàng tắm rửa, cạo râu, thay quần áo, xếp va li, không quên chiếc máy ảnh đã sạc đầy pin, và xách tất cả xuống phòng ăn. Có rất nhiều đồ ăn sáng và khách tự chọn. Các nhân viên nhiệt tình niềm nở. Ăn nhanh và xuống quầy lễ tân, Chính thanh toán xong thì xe anh Văn cũng rà tới. Chính chào cậu lễ tân và không quên thả tờ 100.000 kip vào cái bình thủy tinh khá to để ở góc bàn bên trái.

Anh Văn giúp Chính xếp va li vào cốp xe và Boualam nổ máy.

Anh Văn bỗng nói: “Đất nước Lào mang ơn Việt Nam rất nhiều!”

Rồi anh bắt đầu kể cho Chính nghe lịch sử mối quan hệ Việt-Lào, thấm đẫm nghĩa tình.

- Bắt đầu từ năm 1949, các lực lượng quân sự Việt Nam đã sang công tác và chiến đấu giúp Lào và mang tên quân Tình nguyện. Qua các cuộc chiến tranh, mối quan hệ ấy càng được thiết chặt hơn…

Anh Văn còn nói nhiều điều mà Chính mù tịt. Nhưng thật kỳ lạ, Chính nghe mà nhập tâm ngay, cứ như thể anh chỉ nhắc cho Chính nhớ lại. Chính hình dung ra từng thời kỳ với những cảnh tượng sôi động, cam go ác liệt trong lửa đạn chiến tranh.

- Hôm nay anh muốn đưa em đi thăm một ngôi mộ. Kể cũng hơi bất thường. Ngôi mộ đã được giấu kín từ hơn ba chục năm nay. Là nhờ một cô giáo tên là Ainoy Phouvong sống ở Viên Chăn đã phát hiện ra. Cô Ainoy gọi bà cụ già đó bằng Dì. Cụ tên là Dachai. Cách đây mấy tháng, bà cụ ốm nặng nên cô về thăm.

Chính đáp “vâng”, trong đầu nghĩ vẩn vơ…

Trời sầm lại và gió bắt đầu thổi. Cửa kính xe để mở nên hơi lạnh thốc vào và Chính cảm thấy vảng vất, nhưng vẫn ngắm phong cảnh. Cậu nhận thấy một số tàn tích thành quách với những bức tường đá đổ nát, những cây già cong queo sà trĩu xuống đất như thể muốn nằm nghỉ và trở về với trạng thái hạt mầm ban đầu. Cỏ bên đường mọc cao, chệnh choạng lượn theo những cơn gió. Cậu chăm chú quan sát những sắc màu đã phai lạt theo năm tháng và thừa nhận rằng chốn này mang một vẻ quyến rũ nào đó.

Anh Văn lại lên tiếng:

- Chắc cụ Dachai nghĩ mình sắp chết nên mới thổ lộ, nhưng lúc đầu cô Ainoy nghĩ cụ già rồi nên lẩn thẩn, chỉ nghe mà không tin. Nhưng khi cụ mất, cô dọn nhà nên thấy một cái hộp. Mình sắp đến nơi rồi. Nằm phía bên phải đó.

Theo hướng tay anh Văn, Chính nhận thấy xa xa có một ngôi làng nhỏ. Boualam cho xe rẽ xuống, băng qua đoạn đường dài khấp khểnh đầy “ổ voi” và đỗ lại.

- Đây là cổng làng. - Anh Văn nói và mở cửa xe bước xuống.

Đây không thể gọi là làng! - Chính nghĩ bụng, - một xóm tiểu phu thì đúng hơn! Chỉ lèo tèo vài nóc nhà dưới chân đồi. Cỏ mọc um tùm khắp nơi, như thể đã bị bỏ hoang từ lâu. Không một bóng người, không một tiếng chó sủa, không một tiếng gà kêu!

Chính rảo bước sau anh Văn. Chừng vài trăm bước, họ đến một ngôi nhà hẻo lánh nằm tách biệt sau làng. Đường vào nhà đã được phạt quang, những mầm cỏ non đang nhủ lên. Ngôi nhà lá vô cùng đơn sơ, nền đất, các vách gỗ thủng lỗ chỗ, chiếc bàn gỗ và giường tre siêu vẹo. Một vách ngăn với căn buồng, có cánh cửa khép hờ. Sát tường phía gian trái có một cái chạn bằng tre, trong đặt vài cái bát cũ kỹ, sứt mẻ, những đôi đũa đã mòn, một cái ga-men nhôm và mấy cái thìa… “Hình ảnh hệt như trong một nhà bảo tàng”, - Chính nghĩ. Bên kia khoảng sân nhỏ là gian bếp bé xíu và siêu vẹo hơn nữa. Trên mặt bàn kê sát vách, có một tấm ảnh bà cụ già. “Chắc là cụ Dachai!”, - Chính bỗng ngờ ngợ, hình như đã thấy bà cụ ở đâu đó... Anh Văn cúi xuống cột nhà, moi ra một chiếc chìa khóa và mở cánh tủ nhỏ gắn phía dưới chiếc bàn sát tường và lấy ra một cái hộp. Anh lần tìm trên thanh ngang trong tủ để lấy ra một chìa khóa. Anh vẫy Chính lại gần:

- Đây là tất cả món đồ bà cụ để lại, cô Ainoy Phouvong đã không dám đem về nhà mình. – Anh nói và nhặt những đồ trong hộp đặt lên mặt bàn. Trước tiên là một cặp quân hàm Thiếu úy, kế đến là một chiếc ví, cây bút máy, một cái lọ bé xíu chứa tờ giấy gấp nhỏ.

Chính nhấc chiếc ví lên xem. Bên trong có bức ảnh đen trắng, nước ảnh đẹp, các đường nét rõ ràng. Đó là một người lính mặc quân phục gắn lon trung sỹ. Chính lật mặt sau thấy ghi Đồng Tâm 22/06/1970. Bỗng Chính giật mình. Khuôn mặt này quen quen, - Chính tự nhủ. Rồi mắt Chính trượt khỏi bức ảnh và như bị hút về phía góc nhà. Chính như đang nhìn thấy một bà mẹ Lào, bà cụ Dachai hồi còn trẻ, kiên nhẫn nhỏ từng giọt cháo hay thuốc vào miệng một anh bộ đội. Miệng anh mím chặt, đầu quấn đầy băng, bắp chân cũng quấn băng, đôi bàn chân tươm tướp những vết máu đã khô đen. Anh thở khó nhọc, mắt nhắm nghiền. Bà mẹ Lào để bát xuống, khẽ tách nhẹ cặp môi anh để đổ thìa thuốc. Anh nuốt một cách khó nhọc, khiến cổ hằn rõ những đường ven…

Bỗng như một con robot, Chính rời khỏi bàn, đi ra sau mà không chú ý đến vẻ ngạc nhiên của anh Văn. Chính tiến lại gần một chiếc cọc dài được chôn sát tường, cách gốc cây một khoảng đủ để mắc võng. Chính không dám sờ vào những sợi dây dù vẫn được vắt trên đó, tất cả đều bị mốc rêu và mạng nhện giăng đầy. Cậu hoàn toàn bị đồ vật này thu hút. Sự hiện diện của nó hình như nhấn mạnh sự có mặt của người lính đã ở đây. Chính hồi tưởng khuôn mặt thanh tú trong bức ảnh đen trắng và đem đặt khuôn mặt và hình hài ấy vào chiếc võng này. Chính hình dung giọng nói khàn khàn yếu ớt và nụ cười gắng gượng của anh. Sự tồn tại mong manh ấy được tỏa ánh hào quang nhờ thiện tâm của bà mẹ Lào. Chính rõi mắt ra xa hơn, như thể cậu ước có được Thiên nhãn thông để soi thấu ngàn trùng, xem có còn người lính nào đang ở chỗ này, chỗ kia. Những anh X., anh A. đang đứng dõi mắt ngóng về phương xa như muốn chọc thủng cả những khu rừng bạt ngàn, chọc thủng dãy Trường Sơn để tìm về một vùng quê có bà mẹ già đang ngóng…

Chính lại nghĩ đến bức ảnh trong chiếc ví. Cậu có cảm giác nhiều thứ đang đảo ngược thời gian thực tế của chúng, rằng chúng đang quay ngược trên chính mình và bức ảnh chụp xưa kia, trong hai màu đen trắng đặt định rõ những đường nét, đã lệnh cho không gian nơi đây sẫm dần để quay trở lại màu đen trắng như thuở hoang sơ ban đầu. Gió thổi mạnh và có tiếng mưa rơi đâu đó. Chính lắc mạnh đầu, cứ như thể đó là một cảnh trí tạo dựng cho một bộ phim chiến tranh. Hoặc trong cơn ác mộng của người cựu binh già vậy. Cậu bỗng thấy khó ở. Lo âu vì không gian quá im ắng, cậu nhẹ bước trên lối mòn lờ mờ dẫn cánh đồng. Ở đó, cậu ngồi bệt xuống đất, nhìn ngắm bầu trời bao la tối sầm và những đám mây lao vun vút. Cậu như nghe trong gió vẳng tới một giọng khàn khàn, ngàn ngạt, thốt ra những lời khó hiểu. Thoắt đến thoắt đi. Xâu chuỗi những câu nói đứt quãng, Chính luận ra vài tiếng, hình như là: “ở lại… đại ngàn… mẹ Lào…” Những câu đôi lúc khỏe khoắn mãnh liệt, lúc lại ủ ê sầu than.

Tiếng bước chân của anh Văn và người lái xe kéo Chính về với đời thường.

- Ô, em ngồi ở đây hả? – Anh Văn hỏi để chỉ mà hỏi. – Anh đã nói mà, nông thôn Lào rất đẹp, bình an, khiến tâm hồn an tịnh.

Chính nhìn sững anh. “Khiến cho tâm hồn an tịnh ư? Anh Văn làm sao biết điều gì đang quay cuồng trong nội tâm mình!”

Anh Văn đưa máy ảnh cho Chính.

Chính bắt đầu chụp. Cậu muốn ghi lại tất cả hình ảnh nơi đây. Cậu không ngẩng nhìn trời nữa, không hề để ý đến những đám mây đen mọng. Mắt Chính dán vào lỗ ngắm của chiếc Nikon, và chợt thấy lời anh Văn có khi không sai! Nơi này, khác xa với Thủ đô Ánh Sáng nhưng mang một vẻ quyến rũ kỳ lạ, một sự bình an vĩnh hằng, một niềm an tịnh bất biến, một nơi cất giấu trong mình bao điều bí ẩn diệu kỳ…

Một ngọn gió mạnh dai dẳng cứ đeo bám Chính. Phong cảnh trở nên lờ mờ do cỏ cây di động quá nhanh. Và đây, một người đàn ông mặc quân phục bạc màu, lấm tấm bùn và ngôi sao trên mũ đỏ rực màu máu, nhìn cậu đăm đăm bất động. Mảnh áo bị rách trên vai anh bay lật phật theo những cơn gió thốc tới, hệt như một lá cờ trước mũi con tàu ma. Anh bỗng mỉm cười trước ống máy của Chính, vẫy tay chào rồi quay lưng, lại tan loãng vào đất trời bao la, hệt như một ảo ảnh!

Chính quay vào nhà, anh Văn và Boualam đang ngồi đợi, những di vật của người chiến binh xưa vẫn ở trên bàn.

- Em chụp ảnh những thứ này chứ? Em có thể sẽ nói với bác Tích …

Chính gật đầu và bắt đầu chăm chú ghi cận cảnh từng thứ, trong lúc anh Văn vẫn thong thả nói:

- Theo cô Ainoy nhớ lại lời kể của cụ Dachai thì nhân một buổi đi thăm đồng, cụ đã gặp anh lính này, bất tỉnh nằm phục dưới ruộng. Chắc anh đã lết đi trong nhiều ngày, tay chân tươm bướp, máu me bê bết. Cụ đã đem về nhà chăm sóc, tưởng đã đỡ nhưng vết thương lại bị nhiễm trùng, và rút cục anh ấy đã chết vào rạng sáng ngày 12 tháng 12 năm 1972…

Đang chăm chú căn hình, Chính bỗng dừng phắt lại:

- Anh vừa nói gì? Anh ấy chết khi nào?

- Rạng sáng ngày 12 tháng 12 năm 1972, - anh Văn nhắc lại.

Chính nhìn anh trừng trừng, anh Văn đâu biết rằng đó chính là ngày sinh tháng đẻ của cậu, chỉ cách đúng 12 năm. Cậu sinh năm 1984.

Rồi họ xếp mọi thứ vào hộp, anh Văn khóa lại, cất chìa khóa lên thanh ngang, đặt hộp vào tủ, khóa tủ rồi giấu chìa khóa xuống dưới cột nhà.

Lúc ra xe, Chính ngoái đầu nhìn căn nhà siêu vẹo ngoài bìa làng và thoáng thấy anh bộ đội đứng chon von trên nóc nhà mỉm cười vẫy tạm biệt. Chính quay hẳn người lại, chắp tay và cúi chào!

Boualam thở phào khi băng hết đoạn đường gần 2 km đầy vũng nước sâu để lên đến Quốc lộ. “Lạ thật, trong làng có đâu mưa nhỉ!”, anh Văn thốt lên.

Trời sáng lên và mặt trời lại hiện ra. Ráng chiều hoàng hôn sau mưa thật tuyệt đẹp! Chính bảo Boualam dừng xe. Cậu muốn hít căng lồng ngực luồng khí thanh khiết của núi rừng thiên nhiên, cố gắng quên câu chuyện huyễn hoặc về hình ảnh người lính và những giọng nói âm u cứ dai dẳng bám theo. Thảm thực vật trải dài trước mắt. Xa xa đồi núi nhấp nhô nổi bật trong cảnh hoàng hôn đầy mây. Một màu vàng cam rực rỡ bao phủ các mái nhà trong ngôi làng heo hút xa xa kia. Tiếng chuông đâu đó văng vẳng vọng tới cùng những đàn chim đang dịu dàng sải dài cặp cánh vô ưu.

Chính thấy lòng mình tràn ngập niềm xao xuyến!

Anh Văn xem đồng hồ rồi nhắc sắp đến giờ ra sân bay.

Như để làm hài lòng Chính, Boualam mở băng cát-xét với các bài hát ca ngợi mối tình Lào - Việt.

Anh Văn nói:

- Là các ca sỹ Lào sáng tác và hát đấy…

 Chính tròn mắt và yên lặng lắng nghe, người lắc lư theo điệu nhạc. Lời ca “trong như ngọc, nhiều như nước sông Cửu Long, cao như dãy núi Trường Sơn, sáng như trăng rằm và thơm như hoa chăm-pa…” khiến Chính cảm nhận thêm sự sâu sắc về mối tình thuỷ chung mà người Lào dành cho Việt Nam.

Trời đã quang mây, thành phố đã lên đèn. Ánh đèn làm cho nền trời trở nên vời vợi với những ngôi sao sớm, nhấp nháy, ánh xanh hư ảo. Dưới vòm lá, ánh đèn đường dường như ấm áp hơn. Lá rung rinh, xao động, ánh đèn và gió đang pha màu yêu thương, nhuộm không gian thành một màu vĩnh cửu...

Lúc ngồi uống cà phê trước giờ lên máy bay, Chính trầm ngâm nói:

- Anh Văn ạ, không biết em có nên kể chuyện này cho anh nghe không?

- Nếu thực sự tin tưởng anh thì hãy nói! – Anh cười độ lượng và nhìn thẳng vào mắt Chính. – Chuyện ở ngôi nhà bà cụ Dachai à?

- Vâng, và những chuyện khác mà em cảm thấy từ lúc đến Viên Chăn, khi thăm chùa Mẹ Si Mương…

Rồi vừa khuấy hờ ly cà phê, Chính vừa kể đều đều những gì xảy đến với mình trong mấy ngày qua, cuối cùng cậu kết luận:

- Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi khám phá Viên Chăn, em nhận  thấy có một sự thay đổi trong nội tâm, thấy trong mình như hé nở một thứ tình cảm khác lạ khiến em cảm thấy bình an. Nó giống như cảm giác khi biết mình được che chở, - anh hiểu không? Đó là một trạng thái mà ngôn ngữ không diễn tả được. Một thứ cảm giác không thể giải thích bằng ngũ quan…

- Anh chúc mừng em! – Anh Văn với tay qua bàn để vỗ nhẹ lên tay Chính. – Anh không ngạc nhiên khi nghe chuyện của em, - anh nói với sự từng trải vững tin. - Em quả là may mắn! Có những điều mà khoa học không thể giải thích được. Điều em đã trải qua từ mấy ngày nay, chỉ xảy ra khi những trái tim thiện và tâm hồn tinh khiết chạm vào nhau, nói cách khác là cùng theo một nhịp đập từ trường cao thượng. Theo anh, em đã chiêm nghiệm  được sức mạnh của sự Tỉnh Thức.

Rồi anh nói tiếp sau một lúc suy nghĩ:

- Nhiều người nghe nói đến chữ “tu” thì đã sợ, bởi họ nghĩ ngay đến cảnh khổ hạnh, ép xác… Nhưng với những kẻ phàm trần như chúng ta, tu là tự sửa mình. Tu là để mất dần bản ngã, phân biệt được đúng sai. Tu là để giữ tâm hồn được tĩnh lặng, bất biến trước mọi sự thay đổi của thế giới bên ngoài… Sự tĩnh lặng của tâm hồn không đồng nghĩa với sự bất động của tâm thức, càng không phải cố ghìm nó đứng yên mà là một trạng thái thả lỏng, để tâm thức thực sự tự do.

Dừng một lát, anh nói tiếp:

- Anh đã đọc ở đâu đó nói rằng sự tĩnh lặng đơn độc đôi khi khiến người ta phát điên. Những tù nhân tại Mỹ đôi khi phát khùng và trở nên hung hăng khi bị giam biệt lập quá lâu. Nhưng theo Phật giáo thì khác hẳn, sự tĩnh lặng và cô độc khiến các đạo sỹ đắc đạo.

Tiếng loa phóng thanh vang lên thông báo khách đi Hà Nội chuyến 20h45 vào làm thủ tục. Chính đứng lên, lần đầu tiên cậu ôm chặt anh Văn, người đàn ông mới quen, bằng cả tấm lòng chân thành. Chuyến viếng thăm ngắn ngủi thủ đô xứ Chăm pa đã ảnh hưởng đến tâm hồn cậu một cách kỳ lạ. Chính sẽ nhớ lắm sự thân thiện, nồng hậu và ấm áp của các bạn Lào. Nhất định cậu sẽ quay lại!

Còn trước mắt, chuẩn bị về gặp bố mẹ và gia đình và nhất là làm thế nào để một người vô thần như bác Tích nghe và tin câu chuyện Người mẹ Lào?

Nguồn Văn nghệ số 29/2020

 


Có thể bạn quan tâm