April 24, 2024, 12:29 am

Người lặng lẽ “ươm những mầm xanh”

Mảnh mai, tươi tắn, nụ cười hết sức gần gũi, thân thiện, thần tượng của nhiều thế hệ học sinh, cùng với sự trân trọng của nhiều bậc phụ huynh, đó là cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Thạc sĩ Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Toán, Tổ phó Tổ Tự nhiên 1, Trường THCS Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội.

 

Mối cơ duyên với môn Toán

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng đang soạn bài giảng online cho học sinh

Sinh ra trong một gia đình ở vùng quê xã Chàng Sơn, Thạch Thất, thuộc Hà Tây cũ. Từ thời thơ ấu, “cô giáo xóm” đã thích dạy các trẻ em trong làng bằng trò chơi dạy học. Cho đến khi ngồi trên ghế trường phổ thông, cô Nguyễn Thị Hồng luôn ước muốn mình trở thành một kỹ sư tâm hồn. Mơ ước chân thành và giản dị đó đã chắp cánh ước mơ cho cô trò nhỏ trong suốt những năm học phổ thông. Chia sẻ với tôi, cô cho biết: “Em yêu con trẻ, yêu nghề dạy học vì đơn giản là… em yêu thôi… và bởi đời em may mắn đi học gặp toàn thầy cô giáo tuyệt vời. Những tấm gương giản dị, chân thành, hết lòng vì học trò của các thầy cô, đã gieo vào ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của em hình ảnh về người thầy. Để rồi ước mơ được đứng trên bục giảng của em cứ lớn dần, khiến em càng thêm quyết tâm phải biến ước mơ đó thành hiện thực”.

Được biết, để thực hiện ước mơ của mình, ngay từ nhỏ, cô Hồng đã kiên trì phấn đấu, nỗ lực hết mình trong việc học tập, trau dồi kiến thức. Vì vậy, cô đạt được những thành tích ấn tượng: Cấp tiểu học, cô thi vào Trường Chuyên Thạch Thất; từ năm lớp 9 đến lớp 12 đều là học sinh giỏi cấp tỉnh với Giải Nhất môn Hóa toàn tỉnh năm lớp 10; Giải Nhì môn Sinh học cấp tỉnh năm lớp 11; Giải Ba môn Sinh học cấp tỉnh năm lớp 12 và Giải Khuyến khích môn Sinh học toàn quốc cùng luôn năm đó.

Chính bằng những nỗ lực bền bỉ không ngừng, cô Nguyễn Thị Hồng đã biến ước mơ đó thành hiện thực. Sau khi tốt nghiệp cấp 3 Chuyên Quang Trung – Hà Đông, cô được vào thẳng CĐSP Hà Tây, học Cao đẳng Sư phạm Toán, để rồi năm 2002, duyên phận đưa cô về trường THCS Thành Công. Từ đó, năm 2004, vừa đi làm, cô vừa đi học Đại học Sư phạm hệ chuyên tu… và năm 2008, học Đại học Tài chính lấy văn bằng 2.

Nhấp ngụm nước nhỏ, cô tiếp tục chia sẻ với tôi: “Nếu có người hỏi “Vì sao em chọn ngành sư phạm?” thì… em sẽ không ngần ngại trả lời “Tôi luôn ước muốn trở thành một cô giáo, đơn giản vậy thôi”. Thật vậy, với rất nhiều người trong xã hội, hai từ “nhà giáo” vô cùng thiêng liêng, cao quý. Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. Cao quý bởi đó là sự nghiệp trồng người, ươm mầm và nuôi dưỡng những tài năng tương lai của đất nước như lời Bác Hồ nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Như chú ong chăm chỉ dâng mật ngọt cho đời

Cô giáo Nguyễn Ngọc Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Thành Công cùng cô Hồng và các đồng nghiệp chuẩn bị tiết mục văn nghệ biểu diễn tặng các học sinh

Tình cảm đặc biệt với học sinh trong suốt 20 năm dạy học của cô, khiến cô dần trở thành người mẹ thứ hai trong lòng nhiều thế hệ học trò. Những lúc kèm cặp các học sinh yếu kém, không chỉ dỗ dành, cô còn kể chuyện cho học sinh nghe. Cô chỉ mong là học sinh của cô không còn thấy chán ghét môn học khó và khô khan này, rồi dần dần chuyển sang yêu thích và ham học môn Toán hơn. Để giúp học trò của mình hứng thú với môn Toán, cô luôn tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, sử dụng công nghệ thông tin phù hợp, hiệu quả, dạy cho học sinh cách học, cách tư duy, chú trọng phương pháp tự học, tự nghiên cứu… lấy học sinh làm trung tâm, cô là người tổ chức các hoạt động cho học sinh; tổ chức cho học sinh tự học có hiệu quả, nhằm phát huy sở trường và năng lực toàn diện của các em, rèn luyện kỹ năng sống, tạo hứng thú trong học tập, nhất là với học sinh khối 9.

Cô chia sẻ: “Từ khi còn là sinh viên, em đã luôn trau dồi kiến thức sư phạm, khi có thời gian rảnh thì em tập hát để hát được một vài bài về thiếu nhi, về nhà trường, để có thể hòa mình cùng học sinh trong các hoạt động tập thể. Có những lúc, em còn phải tập viết để làm sao nét chữ và cách trình bày cho học sinh dễ đọc và dễ hiểu nhất. Vào mỗi buổi tối cuối tuần, em lên giảng đường tập viết trên bảng, đến khi cánh tay mỏi nhừ mới thôi. Bên cạnh đó, em phải đọc rất nhiều, nghe rất nhiều để kể chuyện cho các con nghe… Đó là, những câu chuyện về các thầy cô xử lý các tình huống sư phạm, các bài báo viết về thầy cô, các tấm gương của thầy cô, đọc sách về định hướng nghề, đọc sách về giáo dục ở Mỹ, ở Nhật,.. để xem cách giáo dục ở các nước đó ra làm sao? Đôi lúc, cả truyện ma, vì học sinh rất thích nghe thể loại này. Để có thể kể được chuyện cho các con học sinh, em cố gắng hoàn thành tiết học trước 5 phút. Em thường kể chuyện ma dài, đến một đoạn rất hấp dẫn, chuông reng, là em nói “chúng ta nghỉ tiết sau kể tiếp”. Em luôn nghĩ, những câu chuyện như vậy sẽ làm cho tiết học sinh động hơn, học sinh yêu thầy cô hơn. Để từ đó, các thầy cô mới cảm hóa được học sinh”.

Bên cạnh việc lên lớp truyền thụ kiến thức, bài giảng cho học sinh, đối với các phụ huynh, cô Hồng cũng ứng xử hết sức chân thành, cởi mở và thẳng thắn. Cô chia sẻ: “Khi về Trường THCS Thành Công, em luôn ý thức, Hà Nội là đất địa linh nhân kiệt, thủ đô cả nước, toàn người tài hoa, vì vậy, các phụ huynh đều là những người tài hoa, nên con họ cũng rất giỏi giang. Cho nên, với học sinh yếu kém, em không bao giờ gọi điện trách phụ huynh, bởi em luôn tâm niệm, phụ huynh không có lỗi gì trong chuyện này. Em chỉ gọi điện trao đổi với bố mẹ trước. Lỗi của cháu thế này.., không có gì, anh chị vui lòng tối nay nghe một cuộc điện thoại...”.

Được biết, học sinh của cô Hồng ở lứa tuổi này rất cần sự quan tâm của cha mẹ và thầy cô, vì vậy, cô luôn dạy dỗ học sinh bằng tất cả tấm lòng và sự hiểu biết của mình. Cô chia sẻ: “Em luôn dạy các con trong lớp phải đoàn kết,  coi như anh em một nhà, lớn phải dạy bé. Lớn ở đây là đứa học giỏi hơn. Trong giờ lên lớp, em chấp nhận sự ồn ào. Ai chưa hiểu thì giơ tay, nhưng phải trung thực”.

Sinh viên đại học năm thứ 3, Nguyễn Minh Ngọc, là học sinh cũ của cô Hồng, đã chia sẻ về cô giáo như sau: “Trên lớp, cô Hồng luôn dạy chúng con: Cô không quan tâm bố mẹ các con là ai, giàu có đến mức nào, chỉ có tri thức, kiến thức mới là của các con. Vậy, hãy cố gắng học thật giỏi, để sau này biến những kiến thức, trí tuệ của các con thành tiền bạc, của cải. Bên cạnh đó, cô luôn yêu cầu, mỗi bạn có quyển số nhỏ ghi lại những điều cô dặn dò”.

Cô giáo Trần Thanh Ngân, giáo viên môn Văn học của trường THCS Thành Công đang tự hào nhận xét về người đồng nghiệp trân quý của mình

Còn cô giáo Trần Thanh Ngân, dạy môn Văn học của trường THCS Thành Công, tự hào nhận xét về người đồng nghiệp của mình: “Cô Nguyễn Thị Hồng là một cô giáo giỏi về chuyên môn, có ý chí và nghị lực trong cuộc sống. Bên cạnh đó, cô không ngừng trau dồi, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, có tinh thần học hỏi đồng nghiệp đi trước, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ đồng nghiệp trẻ. Đồng thời, cô là một người con hiếu thảo, người mẹ mẫu mực, người vợ thủy chung”. Đó là một lời nhận xét về đồng nghiệp vô cùng chân thành. Với tôi, thật đúng như vậy! Lời nhận xét đó xuất phát từ đáy lòng, từ sự cảm phục cũng như trân trọng của một đồng nghiệp dành cho một đồng nghiệp khác.

Để rồi, đón nhận những “trái chín ngọt lành”

Tôi được biết, trong suy nghĩ của mình, cô giáo Nguyễn Thị Hồng luôn tâm niệm: giáo dục không chỉ chú trọng đến việc dạy Chữ mà luôn phải quan tâm đặc biệt đến việc dạy Người và chuẩn bị cho học sinh những kỹ năng sống cần thiết để có thể hòa nhập với cuộc sống hiện đại. Với 20 năm giảng dạy môn Toán ở trường THCS Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội, nhiều năm Chủ nhiệm Câu lạc bộ em yêu thích bộ môn Toán và nhóm trưởng nhóm Toán của bao thế hệ học sinh nay đã trưởng thành, các em luôn nhớ về cô giáo Nguyễn Thị Hồng với những tình cảm trân trọng. Quên sao được những tháng ngày cô cần mẫn lên lớp để truyền thụ kiến thức cùng những bài học làm người, giúp các em ra đời tự tin và vững vàng hơn. Được biết, để động viên học sinh phấn đấu rèn luyện trong học tập, hàng năm cô đã dành một phần tiền lương khiêm tốn của mình làm phần thưởng tặng cho những học sinh có thành tích tiêu biểu nhất. Tấm gương hết lòng vì học sinh thân yêu của cô giáo Nguyễn Thị Hồng có sức lan tỏa mạnh mẽ và lưu lại trong lòng nhiều thế học sinh Trường THCS Thành Công, là những kỷ niệm đẹp nhất của tuổi học trò và động lực giúp các em luôn ý thức trong việc rèn luyện tài năng và nhân cách.

Chia sẻ với tôi, cô Hồng cho biết: “Em yêu quý bọn trẻ bằng cả cái tâm trong sáng. Em cứ sống chân thành với trẻ, không màu mè gì, giản dị, nói sao làm vậy!”. Cũng có lẽ vì yêu quý tấm lòng chân thành và giản dị của cô giáo Hồng, mà có nhiều học sinh, mặc dù đã rời trường phổ thông, nhưng vẫn luôn nhớ tới cô. Có con thì gọi điện hỏi: “Cô có nhà không ạ? Nếu cô ở nhà, con đến chơi với một lúc, rồi chào cô để tuần sau con đi tập quân sự”. Có con học tận Tp.Hồ Chí Minh, được nghỉ học kỳ ra Hà Nội, cũng tranh thủ vào thăm cô. Có những học sinh đi học nước ngoài, viết thư cho cô suốt, khi về nước đều qua nhà cô tặng quà. Tất cả đều với một tình cảm con trẻ vô cùng trong sáng.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng cùng các em học sinh trên lớp học

Với sự tận tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, cho Trường THCS Thành Công và cho các học sinh thân yêu, những thành tích cá nhân cô đạt được đó là: danh hiệu Lao động Tiến tiến cấp Quận, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nhiều năm có Sáng kiến kinh nghiệm cấp Thành phố, danh hiệu “Đoàn viên Công đoàn điển hình tiên tiến”, danh hiệu “Người tốt, việc tốt” do Chủ tịch UBND Thành phố trao tặng… Song, điều cô thấy vinh dự hơn cả, đó là được sự tin tưởng của các cấp lãnh đạo cũng như của Ban Giám hiệu, nên nhiều năm liên tục, cô được tham gia giảng dạy và làm chủ nhiệm nhiều lớp, cũng như các Câu lạc bộ Toán. Không phụ sự tin tưởng của Ban Giám hiệu, trong suốt 20 năm công tác, cô đã giảng dạy và đào tạo nhiều thế hệ học sinh đoạt nhiều giải thưởng cấp Quận, cấp Quốc gia, Quốc tế, các lớp thi vào 10 đạt thành tích cao, nhiều học sinh đỗ trường chuyên và các trường công lập chất lượng cao của thành phố. Năm học 2021 – 2022 vừa qua, Câu lạc bộ Toán 7 của cô đạt thành tích cao, trong đó, có 02 học sinh đạt Huy chương Đồng, 01 học sinh đạt giải Khuyến khích trong cuộc thi Đấu trường Toán học cấp Quận; 01 học sinh đạt Huy chương Bạc (Distinction) trong kỳ thi Tìm kiếm Tài năng Toán Học Quốc tế ITMC 2022; có 01 học sinh đạt Huy chương Bạc trong Kỳ thi học sinh giỏi Toán Hoa Kỳ mở rộng AMC 8; 03 học sinh đạt Huy chương Bạc (Distinction) trong Kỳ thi Thách thức tư duy thuật toán Bebras 2022; 02 học sinh đạt Huy chương Bạc trong kỳ thi Đấu trường Toán học Châu Á (AIMO), 01 Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic Toán Quốc tế PhiMO vòng thi Quốc gia, 01 Huy chương Đồng trong kỳ thi Olympic Toán Quốc tế PhiMO trong vòng thi cao nhất.

Riêng tôi chỉ nghĩ, những thành tích của các học sinh đạt giải kia, mới chính là minh chứng rõ ràng nhất, là nguồn động viên vô cùng to lớn cho sự nghiệp trồng người suốt 20 năm của cô giáo Nguyễn Thị Hồng. Nó giúp cô tiếp tục vững bước trên con đường mình đã chọn, chắp cánh cho mơ ước cháy bỏng, chân thành và giản dị từ thuở học trò bay cao, bay xa. Để từ đó, cô không ngừng phấn đấu, luôn hoàn thiện mình, trở thành người lặng lẽ “ươm những mầm xanh”./.

Hà Nội, ngày 25/10/2022

 


Có thể bạn quan tâm