April 26, 2024, 4:57 am

Người lái con thuyền vì học sinh vùng biên

 

“Hãy yêu nghề và giữ lửa nghề khi ta còn cầm viên phấn trắng viết trên tấm bảng đen. Với tôi, nghề giáo là cuộc “phiêu lưu” khi không vững tay lái và có một ý chí thép thì con thuyền của bạn sẽ bị đấm bất cứ lúc nào” – đó là lời tầm tình của cô giáo trẻ Trần Thị Bích Tuyền – giáo viên Trường Tiểu học Thường Thới Hậu B1 – huyện biên giới Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp).

Trần Thị Bích Tuyền – giáo viên Trường Tiểu học Thường Thới Hậu B1 – huyện biên giới Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp).

Điểm “độc và lạ” của cô giáo trẻ vùng biên

Khi còn trên ghế nhà trường, xem được những phóng sự ngắn về những em học sinh khốn khó ở vùng cao, hải đảo. Cô giáo trẻ Trần Thị Bích Tuyền (sinh năm 1985) ở Đồng Tháp đã “nuôi dưỡng” niềm yêu nghề và quyết theo đuổi nghề giáo,  “hứa hẹn” những chuyến “phiêu lưu” nơi vùng cao, hải đảo sau khi tốt nghiệp ra trường. Tốt nghiệp 12, cô Tuyền đã chọn thi vào Trường Đại học Sư phạm Đồng Tháp (nay là Trường Đại học Đồng Tháp) với chuyên ngành Sư phạm Ngoại ngữ nhưng “chưa đủ duyên” nên cô xét tuyển ngành giáo dục Tiểu học. Năm 2009, tốt nghiệp “loại ưu” là top đầu được chọn trường nên cô Tuyền đã chọn về huyện biên giới Hồng Ngự. Hỏi về lý do, cô Tuyền tâm sự, ngay từ khi chọn làm nghề giáo thì bản thân chị đã muốn về nơi khó khăn “nhất” để góp một phần sức lực của mình cho quê hương đất nước. Đó là điểm “lạ” mà những người bạn thường hay cười vì bản thân chị không giống ai khi chọn những nơi như thế.

Những ngày đầu về trường vùng biên giới xã Thường Thới Hậu B là bắt đầu chuỗi ngày khó khăn, vất vả, dù đã “sẵn sàng” tâm lý đón nhận những khó khăn, thử thách ở vùng đất nghèo về vật chất lẫn tri thức như lúc bấy giờ. Hơn 30km đi về với chiếc xe “cà tàng” là quãng đường mà cô giáo trẻ hằng ngày phải đối mặt, đoạn đường thì cũng không mấy thuận lợi, tình hình buôn lậu cách đây 10 năm vì ráp với nước bạn Campuchia cũng vô cùng phức tạp, chính vì thế, thách thức lại nhân lên gấp bội phần. Khó khăn chính là “bước đệm” để cô giáo trẻ Bích Tuyền “rèn” thêm ý chí và nghị lực phi thường. Mặt khác, điều kiện vật chất, trường học và đặc biệt là học sinh nơi đây sống cùng với ông bà là chủ yếu vì bố mẹ phải đi làm ăn xa nên đó cũng là trở ngại lớn đối với giáo viên ở đây vì giáo viên vừa làm thầy vừa làm ba mẹ, vừa giáo dục vừa chăm sóc chúng như những người thân trong gia đình.

Chính lòng yêu nghề và mến trẻ đã giúp cho cô giáo trẻ Bích Tuyền chinh phục những khó khăn, vất vả và áp lực giảng dạy, giáo dục thời bấy giờ. Từng bài giảng, từng con chữ hay những bài đọc trên lớp luôn được cô chuẩn bị cẩn thận, chu đáo để mỗi tiết dạy của cô là những bài học quý trong đời của các em học sinh.

Thay vì chọn cho mình cái nghề đơn giản, nhẹ nhàng hay chọn cho mình những nơi làm việc tốt, đầy đủ tiện nghi thì cô giáo trẻ Trần Thị Bích Tuyền lại chọn cho mình nơi khó khăn nhất, nơi không đủ cả vật chất, lẫn tinh thần để cô “nhóm” lên ngọn lửa nghề và tình yêu thương trẻ mà cô đã nuôi dưỡng bấy lâu nay

 

Đam mê sáng tạo và không ngững học hỏi vươn lên

Xã Thường Thới Hậu B là xã biên giới nên việc trở ngại lớn nhất của giáo viên đó là “ngôn ngữ địa phương” – nó ảnh hưởng từ ông bà, cha mẹ và hàng xóm xung quanh nên rất khó để các giáo viên có thể dạy các em đọc viết đúng theo chuẩn chính tả theo phương pháp giáo dục mới. Từ những trăn trở đó, cô Tuyền đã quyết định “dùi mài kinh sử” thi Cao học, một phần để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phần khác là tìm những phương pháp “mới”, cách dạy mới từ đồng nghiệp, giảng đường để giải quyết “bài toán” khó của tập quán bản địa. Với tinh thần ham học hỏi và đầy sáng tạo, cô Tuyền cùng đã chinh phục lớp Cao học trở thành Thạc sĩ chuyên ngành giáo dục Tiểu học vào năm 2016. Thầy Nguyễn Hữu Tiến – Trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện Hồng Ngự nhận xét, cô Trần Thị Bích Tuyền là một giáo viên trẻ đầy nhiệt quyết và giàu lòng yêu nghề, luôn phấn đấu không ngừng để hoàn thành xuất sắc mọi công tác mà Phòng giáo dục, Ban giám hiệu nhà trường giao cho. Cô là giáo viên trong thời đại mới, có phẩm chất đạo đức tốt, tác phong mẫu mực được học trò yêu thương, đồng nghiệp quý mến.

Tấm gương tự học và học mọi lúc, mọi nơi được cô Tuyền học từ Bác, với cô Bác là “ánh sáng soi đường” để thế hệ giáo viên trẻ như cô học tập, noi gương suốt đời. Những bài học giản dị, bình thường trong cuộc sống, công việc thông qua những mẫu chuyện kể về Bác hay những bài học trong những lần phát biểu của Bác với cán bộ, với nhân dân – những điều đó đã khắc sâu trong tâm trí của người giáo viên trẻ. Từ đó, cô Tuyền đã luôn phấn đấu không ngừng, suốt 10 năm công tác, cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, hỗ trợ tích cực đồng nghiệp trong công tác chuyên môn.

Cô giáo trẻ Trần Thị Bích Tuyền đã nhiều lần được vinh danh bởi những đóng góp to lớn cho ngành giáo dục như: danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; hướng dẫn học sinh với tác phẩm “Chiếc ghế thân thiện” đạt giải C cấp toàn quốc về sản phẩm Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng; nhiều năm liền được UBND huyện công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và lao động tiên tiến và gần đây là Bằng khen của  Bộ GDĐT hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thực hiện chương trình “Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học” (SEQAP).

Chia sẻ về sản phẩm “chiếc ghế thân thiện” cô Tuyền phân tích, tại khu vực trường và xung quanh có nhiều chai nhựa không tận dụng sẽ bị “biến” thành chất thải gây ô nhiễm môi trường, đồng thời, xã Thường Thới Hậu B lại là vùng sông nước nên và mùa lũ các em lại dễ gặp nguy cơ đuối nước. Từ những yếu tố đó mà cả tập thể  cô trò của trường đã cho ra đời sản phẩm có thể dùng để ngồi để dự lễ chào cờ, làm kệ đựng sách, phao cứu sinh vào mùa mưa bão và làm ống heo cho các bạn nhỏ….. với đa tính năng lại thân thiện môi trường, “tác phẩm” đã thật sự gây ấn tượng và đạt giải cao ở cấp tỉnh và toàn quốc.

 

Cô giáo với “trái tim nhân ái” vì học sinh nghèo và người nghèo

Khi mới về trường, một lần tình cờ nghe học sinh trong lớp nói: “Em chưa từng được ăn bánh Trung Thu”. Lòng của cô giáo trẻ như “thắt” lại và cô quyết tâm tạo cho các em học sinh nghèo những món quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa. Từ đó, cô đã vận động gia đình và bạn bè gần xa, cứ đến Trung Thu là tổ chức tặng bánh cho bạn nghèo, mỗi chiếc bánh là tâm tình của người giáo viên trẻ hết lòng vì công tác. Với cô Tuyền thì đều mà cô tâm đắc nhất đó là lối sống giản dị của Bác, tiết kiệm để giúp đở mọi người và trên hết là gần “dân”. Cô Tuyền xem phụ huynh và các em học sinh là người thân trong gia đình, cùng nhau để vun đấp yêu thương.

 Hằng năm, với số tiền vận động các mạnh thường quân từ 20 – 60 triệu đồng cô Tuyền đã giúp đở cho hàng trăm hoàn cảnh học sinh có thêm quần áo mới, tập sách, cặp… để đến trường nhân dịp năm học mới. Với mỗi giáo viên đều có cách riêng để thể hiện sự yêu thương học sinh của mình, với cô giáo trẻ Trần Thị Bích Tuyền lại chọn cách “đồng cảm” và “sẻ chia” những khó khăn, vất vả và cả những mơ ước nhỏ nhoi nhất của các em. Tâm sự với chúng tôi, thầy Nguyễn Hữu Tiến – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự nhắn nhũ, chỉ mong muốn thế hệ giáo viên của huyện Hồng Ngự   tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, tâm huyết với nghề, luôn đổi mới, sáng tạo; lấy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh làm phương châm

Năm 2009, với mô hình “biến ước mơ thành hiện thực” được cô Tuyền phát động và tạo cho em học sinh của mình những buổi “sinh nhật” thật ý nghĩa, bằng tiền tiết kiệm cá nhân cô đã tổ chức những buổi sinh nhật, tặng những món quà khuyến khích học tập đến các em học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Trường Tiểu học Thường Thới Hậu B1 và Trường Tiểu học An Thạnh 3. Song song đó, cô còn tổ chức “đóng vai” ông già Noel để tặng những món quà cho các em nhỏ nhân dịp giáng sinh hay mô hình “Trang trí cổng và áo cưới miễn phí” cho các cặp gia đình nghèo trên địa bàn huyện Hồng Ngự và Thị xã Hồng Ngự. Cô Tuyền tâm sự, mỗi chúng ta đều muốn có một cuộc sống hạnh phúc, trọn vẹn yêu thương và điều hạnh phúc nhất của bản thân là đem niềm vui và hạnh phúc đó chia sẻ cho mọi người.Hình ảnh của cô giáo trẻ vùng biên - Trần Thị Bích Tuyền là một tấm gương sáng về lòng yêu nghề, đam mê sáng tạo – được ví như đóa hoa sen tỏa ngát hương trên vùng đất Sen Hồng.

Nguồn Văn nghệ số 33/2019

 


Có thể bạn quan tâm