April 25, 2024, 2:52 am

Người đứng sau anh em cựu chiến binh

 

Thường về hưu người ta nghĩ đến việc vui thú điền viên, hưởng tuổi trời với con cháu, còn chuyện xã hội nhường lại cho lớp trẻ, nhưng Nguyễn Chính Hải không nghĩ thế. Anh về hưu lại bận bịu hơn ngày còn ở trong quân ngũ bởi anh là một doanh nghiệp thành đạt ở tỉnh Bình Dương mà nhắc đến tên giới doanh nhân hầu như ai cũng biết.

Ngày mới về hưu, Nguyễn Chính Hải mở nhà hàng ở phường An Phú (Thị xã Thuận An), nhà hàng ăn nên làm ra, anh mở thêm khách sạn Hoàng Cung ở thành phố mới Bình Dương. Khách sạn rất đông khách, nhất là khách nước ngoài. “Thừa thắng xông lên”, anh mở thêm nhà máy tôn, nhà nuôi yến… đều có hiệu quả tốt. Nhưng kinh doanh giỏi không phải để “vinh thân phì gia” mà anh biết hướng hiệu quả này đến một nhiệm vụ cao cả hơn, đó là giúp đỡ những anh em cựu chiến binh, những đồng đội của anh có cuộc sống tốt đẹp hơn, nhân văn hơn qua tổ chức Hội Doanh nhân cựu chiến binh Bình Dương.

 

 

Anh Phạm Trung Tín cũng là một cựu chiến binh đã về hưu, nay là Bí thư Chi bộ phố Đông, phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, đồng thời trong Ban chấp hành chi hội Doanh nhân cựu chiến binh thị xã Thuận An cho biết: “Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Bình Dương là hội xã hội nghề nghiệp dựa trên cơ sở là hội cựu chiến binh tỉnh Bình Dương, có tính chất động viên thu hút cựu chiến binh cùng nhau tham gia sản xuất kinh doanh dịch vụ làm giầu cho gia đình một cách chính đáng và đóng góp cho xã hội. Ngoài ra còn làm nhiệm vụ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều anh em cơ nhỡ, không có kinh nghiệm, vốn liếng, không có tay nghề, mới ở ngoài quê vào đây cần có sự đùm bọc, giúp đỡ... Anh Chính Hải đã có thời gian dài làm việc này, có tấm lòng hướng tới việc xây dựng tổ chức Hội Doanh nhân cựu chiến binh để kết nối với các doanh nhân địa phương. Học hỏi kinh nghiệm, truyền đạt nhau cách thức hoạt động”. Ngừng một lúc, nhấp chén trà nóng, anh Tín nói tiếp: “Chi hội Doanh nhân cựu chiến binh thị xã Thuận An chúng tôi được thành lập muộn vì anh em tham gia chưa đều, anh Hải phải vất vả trong việc liên hệ giữa tỉnh và thị xã Thuận An để  thành lập chi hội, nhiều lần họp hành, lập danh sách, mời gọi đầu tư, đến hoạt động phải có kinh phí ban đầu. Đến nay chi hội Doanh nhân cựu chính binh thị xã Thuận An mới đi vào hoạt động. Anh Hải đóng vai trò quyết định cho việc thành lập tổ chức này. Tỉnh Bình Dương có gần chục đơn vị quận huyện, tất cả các chi hội đều nhờ anh Hải đến tư vấn, giúp đỡ. Anh sẵn sàng bỏ công việc, tự lái xe đi làm cố vấn phong trào, rồi giao lưu với các tỉnh, với trung ương, anh đều một mình bỏ kinh phí ra lo chu đáo, thể hiện trách nhiệm cao của một chủ tịnh Hội Doanh nhân cựu chiến binh của tỉnh…” 

Anh Nguyễn Ngọc Căn, một cựu chiến binh, về hưu nhưng có đến hơn 20 năm làm tổ trưởng tổ dân phố ở phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An đưa tôi và anh Tín lên thành phố mới Bình Dương. Nói về anh Nguyễn Chính Hải, anh Căn cho biết: “Anh Hải làm những việc mà nhiều người khác không làm được. Lúc mới thành lập Hội nó bối rối lắm, nội chuyện tranh cải nhau hoạt động thế nào, xây dựng quy chế làm sao cũng đã là vấn đề. Nguyễn Chính Hải đã làm việc đó rất tâm huyết, giúp đỡ các đơn vị mới thành lập, tạo ra sân chơi mang ý nghĩa rất cao là hỗ trợ lẫn nhau trong bối cảnh kinh tế thị trường. Việc này ngoài giá trị vật chất nó còn hội được rất nhiều yếu tố về tình anh em cựu chiến binh, về tổ chức xã hội nghề nghiệp, lấy tôn chỉ mục đích giúp nhau vượt qua khó khăn làm giầu chính đáng, tôi cho đó là việc rất nên cổ xúy, nên trao đổi học tập”.

Anh Nguyễn Chính Hải đón chúng tôi ở khách sạn Hoàng Cung, trên đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Hòa Phú, thành phố mới Bình Dương. Khách sạn có hai mặt tiền, mặt tiền nhìn ra công viên và sân thể thao rộng mênh mông có cái view tuyệt vời, làm du khách thích nghỉ chân tại đây, nhất là khách nước ngoài. Trước cửa khách sạn còn có tấm bảng “Hội Doanh nhân CCB - T.Bình Dương”. Thì ra anh Hải đặt trụ sở Hội tại đây, trong khi chưa có trụ sở chính. Tiếp chúng tôi một lúc thì vợ anh đi chùa về, chị còn mặc nguyên bộ áo tràng của giới tu hành. Anh Chính Hải giải thích: “Bà xã tôi dạo gần đây thích lên chùa, chúng tôi đều quan niệm cần ăn chay, làm nhiều việc thiện để đức lại cho đời”. Có thể những việc làm thiện nguyện vì mọi người vừa qua của gia đình anh Hải còn có cả niềm tin trong tâm linh chăng?.

Theo đề nghị của anh Căn, anh Hải đưa chúng tôi lên cơ sở kinh doanh của anh trên Bắc Tân Uyên nằm cách khách sạn Hoàng Cung chừng hơn hai mươi cây số. Đó là khu đất rộng mênh mông nằm cạnh con lộ lớn cuồn cuộn xe cộ. Một nhà máy tôn với máy móc ngổn ngang, công nhân đang điều hành máy cán tôn, ép tấm lợp… Chúng tôi phải ghé sát vào tai nhau nói thật to vì tiếng máy ầm ầm. “Anh Hải có nhà máy tôn cũng là để giúp đỡ anh em cần lợp nhà đến anh bán giá ưu đãi, hay cho trả thiếu phần nào đó. Anh mời gọi anh em nếu nhà nào có khó khăn thì đến nhà máy tôn của anh mua, làm đại lý kinh doanh, anh cho ứng vốn để làm ăn”.

Nhà nuôi yến của anh Hải cũng nằm gần nhà máy tôn. Một ngôi nhà ba tầng, bên trên chi chít những lỗ như lỗ châu mai. Từng đàn chim yến chao liệng trên trời thỉnh thoảng lại hạ cánh chui tọt vào những lỗ nhỏ. Anh cho biết anh có đội ngũ sơ chế yến rất chuyên nghiệp, có thể gia công cho các đơn vị khác. Anh Tín lại khoe, tháng 9/2019, Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam có tổ chức cuộc họp các Hội Doanh nhân cựu chiến binh 6 tỉnh Đông Nam bộ (do Hội Doanh nhân CCB tỉnh Bình Dương đăng cai) cả trăm đại biểu và khách mời được anh Hải chiêu đãi món yến. “Đúng là yến tiệc của vua chúa”. Mọi người cười vang. Anh Nguyễn Trung Tín nói “Nuôi yến ở đây đã có nhiều người làm rồi, nhưng nuôi yến có hiệu quả thì anh Hải đầu tư rất công phu, tự tìm hiểu cách thức xây dựng, kỹ thuật nuôi, kỹ thuật gọi yến đến, dinh dưỡng cho ăn để phát triển đàn, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh để tạo ra sản phẩm vừa tốt vừa nhiều, kết quả cao, tiến tới bước nữa là nắm được yếu tố cơ bản trong việc xây dựng nhà yến, rút tỉa kinh nghiệm. Nói vậy thôi chứ xây dựng nhà yến không đơn giản, diện tích bao nhiêu là vừa, ví dụ như nhà ba tầng, chiều ngang 8 mét, dài 20 mét, con chim yến chui vào sải cánh nó bay như thế nào là nó dừng lại, làm tổ, cái đó sách vở có dạy, nhưng thực tế lại khác. Như quản lý, hái lượm, chế biến để có yến sạch, thành thương hiệu là cả quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nắm được bí quyết nghề nghiệp, để rồi anh Hải truyền bá kinh nghiệm đó cho anh em, hoặc đi xây dựng nhà yến cho anh em có yêu cầu. Nhiều anh em có đất đó, có tiền vay ngân hàng nhưng không biết xây dựng kiểu gì, tổ chức khai thác chế biến như thế nào? Để anh em mày mò làm rất dễ rơi vào thất bại, thì bằng kinh nghiệm của mình, anh sẵn sàng giúp anh em kinh nghiệm, từ xây dựng đến vận hành để anh em rút ngắn thời gian mày mò trong làm ăn là cách làm thiết thực nhất. Thành công của anh Chính Hải muốn chia sẻ và nhân rộng mô hình này ra cho anh em làm kinh tế, là người có tâm huyết chứ không phải nắm bí quyết rồi thủ một mình. Hiện nay anh đang giúp anh chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Bình Phước trọn gói nhà nuôi yến để mong sao anh Chủ tịch này cũng như anh Hải, chỉ bảo cho anh em doanh nhân cựu doanh nhân tỉnh bạn cùng làm giầu. Mà xã hội có nhiều người giầu là xã hội phát triển. Đó cũng là một trong tiêu chí của Hội Doanh nhân cựu chiến binh, giúp nhau chia sẻ kinh nghiệm, đoàn kết anh em, giao lưu học hỏi lẫn nhau. Giúp nhau cần câu cơm.

Chúng tôi trở về khách sạn Hoàng Cung lúc 12 giờ trưa. Trong bữa cơm ấm cúng với gia đình anh Hải chúng tôi còn tiếp anh Kim, cũng là một cựu chiến binh quê gốc ở Thanh Hóa. Anh Kim là Chi hội trưởng Hội Doanh nhân cựu chiến binh thành phố Thủ Dầu Một. Anh Hải giới thiệu anh Kim và nói luôn “Anh Kim cũng là một doanh nghiệp thành đạt, vừa trúng thầu cung cấp thiết bị y tế cho bệnh viện lớn của thị xã có đến hai ngàn giường bệnh với số tiền lên đến mấy trăm tỷ đồng”. Chúng tôi cụng ly lòng dạt dào cảm kích. Các anh em cựu chiến binh trở về, dù tuổi cao, có người còn mang thương tật vẫn hăng hái tham gia vào dòng chảy kinh tế địa phương, cái chính là giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Các anh đang góp phần xây dựng một xã hội giầu có và nhân văn. Đó cũng là tiêu chí của Hội Doanh nhân cựu chiến binh đang hình thành trên đất Bình Dương.

Nguồn Văn nghệ số 08/2020


Có thể bạn quan tâm