March 29, 2024, 3:09 pm

Người đọc với tiếng Việt văn học của Truyện Kiều

KỶ NIỆM 200 NĂM MẤT NGUYỄN DU (16/9/1820 – 16/9/2020)

Một thời, người đọc và cả một “bộ phận không nhỏ” nhà phê bình, nghiên cứu thường có cách đọc tác phẩm văn học từ sức hút hoặc do áp lực của những quan niệm ngoài nghệ thuật. Vì vậy, nhiều lúc đọc tác phẩm ta thường, hời hợt một cách “hồn nhiên” với mạng lưới tế bào ngôn từ cụ thể đã cấu thành tác phẩm như một sinh thể văn hóa, mà lại quan tâm một cách rất “lý tính” tới những tình tiết của đề tài, chủ đề, sự kiện… có “triệu chứng” thời sự, chính trị xã hội… xem tác phẩm có một nghĩa xác định hay còn nhiều nghĩa phức tạp khác, có “vấn đề” gì không! Ngày nay, nhận thức của công chúng văn học nghệ thuật đã tiếp cận ngày càng đúng với văn hóa đọc muôn thuở của loài người: Đọc văn học là đọc một nghệ thuật - một nghệ thuật gắn bó máu thịt với vận mệnh, lẽ sống, khát vọng của con người về một xã hội lấy nhân tính làm bản thể, xem nhân đạo là bản chất và nhân văn là lý tưởng văn hóa. Mà văn học là nghệ thuật ngôn từ. Vậy, để khởi động văn hóa tự nhận thức, giải phóng sức tái sản xuất giá trị của tác phẩm, người đọc trước hết cần quan tâm tới từng “tế bào” ngôn từ của tác phẩm tạo cơ sở liên kết các yếu tố ngôn từ thành những cấp độ chỉnh thể của nghệ thuật. Từ đó mới tích hợp được thế giới nghệ thuật của tác phẩm như một chỉnh thể toàn thiên. Như vậy, đọc và hiểu các yếu tố ngôn từ của tác phẩm là yêu cầu bắt buộc với bất cứ người đọc nào, mà yêu cầu tiên quyết là phải hiểu đúng nghĩa tác giả dùng trong tác phẩm.

Truyện Kiều của Nguyễn Du là một kiệt tác của văn học nhân loại.  Văn hóa đọc văn học, đọc Truyện Kiều ở cấp độ đầu tiên, cấp độ cơ sở, là đọc hiểu các yếu tố ngôn từ đúng nghĩa Nguyễn Du dùng trong tác phẩm.

Ngôn ngữ văn học của Truyện Kiều vừa là đỉnh cao của truyền thống văn học dân tộc vừa “đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước ta”. Tiếng Việt trong Truyện Kiều cực kỳ phong phú do tính chất nhiều nguồn của nó (…). Với tài năng trác tuyệt và cảm hứng nhân văn sâu sắc, Nguyễn Du đã sử dụng ngôn từ hết sức năng động, để có thể chỉ một yếu tố ngôn từ nhưng tác giả dùng trong các ngữ cảnh hành chức khác nhau của văn bản sẽ cấp cho ta những nghĩa khác nhau. Người đọc ngày nay với phổ ngữ hiện đại đọc Truyện Kiều không dễ tiếp nhận được ngay nghĩa ngôn từ cụ thể do Nguyễn Du dùng trong tác phẩm. Trong hai thế kỷ vừa rồi, nhiều người đọc thoát ly cái “thân mệnh” ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm, đưa ý tưởng chủ quan của mình áp đặt theo kiểu “bao cấp” đối với tác phẩm, dẫn đến tình trạng lạc đường trên hành trình đi tìm văn hóa của văn học, của Truyện Kiều (…).

Một người đọc đặc biệt - tác giả Từ điển Truyện Kiều (TĐTK) - cụ Đào Duy Anh đã giúp ta đọc hiểu tiếng Việt văn học trong Truyện Kiều. Cuốn TĐTK soạn xong từ 1965 phải trải qua 10 năm “chiếc bách giữa dòng” không xuất bản được (…). Tưởng đã “gieo ngọc chìm châu”, đến 1974 cuốn TĐTK mới được in lần đầu. TĐTK cùng bạn đọc nhận nghĩa các đơn vị ngôn từ theo một giới hạn xác định: những nghĩa Nguyễn Du dùng trong tác phẩm. Vượt ngoài nguyên tắc đó, có trường hợp hiệu đính bản gốc TĐTK để tái bản đã sửa chữa nhiều đơn vị ngôn từ không còn đúng với “nghĩa Nguyễn Du dùng trong tác phẩm”. Thoát ly ngữ cảnh hành chức, người đọc sẽ hiểu sai nghĩa Nguyễn Du muốn thể hiện, nghĩa là người đọc tự đánh mất khả năng tiếp nhận tính nhiều nghĩa của tiếng Việt văn học trong Truyện Kiều.

Chúng tôi vì vậy, vẫn gắn bó hơn với TĐTK được tái bản từ bản gốc (1974) của tác giả (TĐTK, Nxb Phụ Nữ, 2007). TĐTK đã giúp người đọc nhận nghĩa hầu hết các từ ngữ của Truyện Kiều với khoảng 7.300 đơn vị. Trong đó có hơn 200 điển cố, điển tích, gần 300 thành ngữ, tục ngữ Việt và Hán cùng nhiều tiếng Việt cổ, từ Hán Việt khó hiểu… TĐTK cũng giúp người đọc nhận rõ sức sáng tạo đầy tính phát hiện của Nguyễn Du với tiềm năng ngữ nghĩa tiếng Việt thông qua các biện pháp: ẩn dụ, hoán dụ, tỉ dụ, đối ngẫu, tăng cấp… Bài này chỉ xin dẫn vài ví dụ:

- Từ ghép mây Tần: TĐTK cho biết có trong hai câu thơ nhưng Nguyễn Du đã dùng theo nghĩa không giống nhau do hai nguồn điển khác nhau: câu 249 “Mây Tần khóa kín song the” (theo điển ở Tấn thư) và câu 2236 “Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa” (lại theo điển từ câu thơ Hàn Dũ).

- Từ gió: TĐTK tìm ra 23 từ hệ thuộc mà hầu hết gió từ hiện tượng tự nhiên đã chuyển hóa thành hiện tượng con người qua các ngữ cảnh hành chức của ngôn ngữ thi ca: gió đàn, gió đông, gió mây, gió giật mây vần, gió kép mưa đơn, gió tủi mưa sầu, gió tựa hoa kề, gió trăng mát mặt…

Nguyên tắc giải nghĩa của TĐTK còn giúp người đọc phản biện các cách hiểu sai lầm đối với tiếng Việt của Truyện Kiều. Một ví dụ: Tuyếtsương (câu: Một tường tuyết chở sương che). Có học giả Trung Quốc “chê Nguyễn Du là đem cảnh tuyết mùa đông miêu tả vào dịp xuân hè… phá hoại tính thống nhất chân thực của hoàn cảnh” (theo GS. Trần Đình Sử trong Thi pháp Truyện Kiều). Vị học giả đã đơn giản hóa ngôn ngữ nghệ thuật, cứ nghĩ đã có sương, tuyết thì ắt là tả cảnh thiên nhiên. Cách tư duy cơ giới không thể đến gần văn hóa của tiếng Việt văn học trong Truyện Kiều được. Tuyết, sương ở đây là một ẩn dụ để chỉ duyên cách giữa Kim Trọng và Thúy Kiều gợi lên cái ranh giới của luân lý đối với tình yêu tự do của con người. Mặt khác tuyết, sương phải đọc trong ngữ cảnh hành chức của ngôn ngữ thi ca chứ không phải ngôn ngữ văn xuôi kể chuyện.

Phạm vi bài báo không thể kể hết rất nhiều đóng góp của TĐTK. Mặt khác cụ Đào Duy Anh là bậc trí thức có văn hóa rất cao khi ý thức rằng: nhờ có các vị thức giả (…) góp ý nên TĐTK đã “bớt được khuyết điểm”. Bớt khuyết điểm nghĩa là một số sai sót vẫn còn. Đó là một lẽ tự nhiên. Vì nguyên lý bất toàn có mặt trong 100% sự kiện, sản phẩm… TĐTK (Nxb Phụ nữ, 2007) trong Lời giới thiệu cũng nói đến một số sai sót chưa được sửa chữa nên đã cố gắng sửa chữa. Nhưng rồi sai sót vẫn còn trong TĐTK của Nxb Phụ nữ. Chúng tôi từ yêu cầu đọc Truyện Kiều của mình và cũng từ mong muốn của cụ Đào Duy Anh, tiếp tục đính chính một số chỗ còn chưa đúng với nguyên tắc mà cụ đã đề ra: “Chỉ nêu những nghĩa Nguyễn Du dùng trong tác phẩm”.

Khảo sát 7.300 từ ngữ, thấy TĐTK còn tồn tại những lỗi giải nghĩa từ chưa đúng với nguyên tắc trên. Do giới hạn bài báo, xin sửa một số lỗi:

1. Ai: Theo TĐTK có 3 nghĩa, ở nghĩa 2: “như người nào, từ dùng để hỏi hoặc hàm ý hỏi than”. TĐTK ví dụ (VD), câu 80: “Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm”. Ai ở đây không phải là để hỏi. Lời Vương Quan cũng không phải để than mà theo nghĩa khẳng định: Ai tức là không ai cả, không ai thăm mồ Đạm Tiên cả. Ý khẳng định này gợi lên trong tâm cảm Kiều nỗi đau vì sự bạc bẽo của người đời, sự vô cảm của thế gian đối với số phận hồng nhan, để sau đó ngay tức khắc Kiều bộc lộ “mối thương tâm” với thân phận Đạm Tiên và thân phận của đàn bà.

2. Ấy: TĐTK nêu 3 nghĩa, nghĩa 2: “Đại từ, phiếm chỉ người hay vật nào đó”. TĐTK ví dụ: Ấy mồ vô chủ (câu 80). Ấy không hề phiếm chỉ mà là thực chỉ sự vật ngay trước mắt người nói (Vương Quan) và người nghe (Kiều - Vân): Ấy là mồ Đạm Tiên. Đừng nghĩ “mồ vô chủ” thì ấy thành phiếm chỉ. Chủ là người giữ gìn, chăm sóc chứ không phải người nằm dưới mộ.

3. Mé tây thiên: câu 195 “Hàn gia ở mé tây thiên”. TĐTK giải: “Chỗ đường ruộng ở phía tây” là không đúng ý Nguyễn Du. Đây là lời đáp của hồn ma Đạm Tiên trong giấc chiêm bao của Thúy Kiều khi nàng hỏi “… đâu mà đến đây”. Đạm Tiên nhắc lại địa chỉ vừa “… cùng nhau lúc ban ngày”. Đó là nơi mồ Đạm Tiên hoang vu, tịch địa, dường như không ai đặt chân tới. Trong Truyện Kiều không có một từ nào nói rằng đó là nơi đồng ruông cả. “Mé tây thiên”, theo Hán Việt từ điển chính cụ Đào Duy Anh giải thích: “nhà Phật gọi tây thiên là thế giới cực lạc”. Linh hồn Đạm Tiên đã thuộc về thế giới ấy, nhưng sao lại là mé? Đạm Tiên hay chính Nguyễn Du đã dùng từ để chỉ cái thân phận Đạm Tiên chỉ ở bên rìa của thế giới ấy cũng như mộ nàng ở nơi cô liêu vắng vẻ, ngoài rìa thế giới đô hội, dập dìu của tiết Thanh minh, chẳng phải nơi đường ruộng mà con người luôn đặt chân tới để mưu sinh.

4. Chung:

- Điều mục 1 theo TĐTK có 2 nghĩa:

+ Cùng nhau, cùng của nhiều người, trái với riêng, VD: lời chung (câu 84), của chung (câu 736)…

+ Hợp lại với nhau: chung lưng (câu 813).

Vậy không thể để chung bóng (câu 1592), chung gối (câu 1871) vào nghĩa 1 được. Chúng phải ở nghĩa 2 cùng với chung lưng. Lại còn chung tình (câu 3093 và 3144) không được kê dẫn. Để tránh sự lộn xộn và sót từ ở trên, nên tách 2 nghĩa của chung như sau:

- Chung đi liền sau danh từ, động từ để chỉ sự cùng nhau của nhiều người: lời chung, của chung, ở chung, chồng chung… (chung: tính từ).

- Chung đi trước danh từ, tính từ để chỉ sự hợp lại với nhau: chung lưng, chung chạ, chung bóng, chung tình, chung gối… (chung: động từ).

5. Cánh hồng: (câu 2970) “Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo”. TĐTK dựa vào Tư Mã Thiên truyện có câu: “Tử hoặc khinh ư hồng mao”, nghĩa là cái chết nhẹ hơn lông chim hồng và giải nghĩa: “tỉ dụ cái chết nhẹ nhàng… tức là lúc (Thúy Kiều) gieo mình xuống sông để chết”.

- Xét trong ngữ cảnh hành chức của hình ảnh thơ thì giải nghĩa như vậy là “oan” cho Nguyễn Du. Đây là lúc cha mẹ, người yêu, em ruột đau đớn và buồn thảm nhìn sông Tiền Đường tưởng tượng cảnh Thúy Kiều nhảy sông tự tử. Cánh hồng là tưởng tượng đầy đau đớn, nặng nề và buồn thảm của những người thân.

- Còn trong ngữ cảnh rộng hơn để xét tự thân cái chết của Thúy Kiều thì đó là cái chết trong tâm cảnh hết sức đau khổ, hối hận, nặng lòng với lầm lỗi của mình, thương những người thân yêu và thương mình (12 câu độc thoại nội tam trước khi chết: 2605 - 2616). Cánh hồng trong tưởng tượng của những người thân yêu là phép tỉ dụ về con người đẹp, còn người cao quý ấy đã chết, không phải là cái chết nhẹ tựa lông hồng.

6. Lòng: theo TĐTK có 2 nghĩa: 1: ruột, bụng, chỉ sự sinh đẻ: có trong 2 câu: “… rốt lòng” (câu 13), “… đầu lòng” (câu 15). 2: ruột, bụng dạ, tâm tình, ý nguyện, ý chí (160 câu).

- Cần bỏ từ ruột ở nghĩa 2 để loại biệt cho rõ.

- Riêng từ hệ thuộc lòng quê (cả nỗi quê), cách giải nghĩa của TĐTK chưa đúng: “lòng thơ dại” (quê mùa vụng dại) và nỗi quê: “nỗi lòng quê mùa vụng dại”. Đúng phải là lòng thương nhớ quê hương của người xa xứ: “Lòng quê đi một bước đường một xa” (câu 1122).

7. Con: TĐTK nêu 8 nghĩa. Ở nghĩa 1 tác giả giải: “Người hay vật do cha mẹ đẻ ra”. VD: “… con thứ rốt lòng” (câu 13). Tìm mãi chẳng thấy câu nào có con vật được gọi là con theo nghĩa này cả. Vậy trong nghĩa 1, Nguyễn Du chỉ dùng con để gọi người do cha mẹ đẻ ra thôi. Còn “Con én đưa thoi” (câu 39), con ong (câu 846, 1758) và con tằm (câu 1976) là thuộc nghĩa thứ 7: con ở đây là loại từ chỉ loài vật.

8. Dặm: theo TĐTK có 2 nghĩa: 1: “đơn vị đo đường dài” (135 trượng). 2: “con đường, đường đi”.

Dặm” trong câu 2029 được kê dẫn ở cả 2 nghĩa, trong khi thực chất nó thuộc nghĩa 2: “Mịt mù dặm cát đồi cây”. Hai nghĩa của dặm thực ra rất dễ phân biệt: dặm theo nghĩa 1 đặt sau số từ: muôn dặm, nghìn dặm, mười dặm. Còn dặm theo nghĩa 2 lại đặt trước một danh từ, động từ hoặc tính từ và cả số từ: dặm về, dặm băng, dặm xanh, dặm cát, dặm nghìn…

Ở trên chỉ mới một số trong hơn 30 trường hợp cần có sự sửa đúng, xin được trình bày ở một dịp khác.

Nguồn Văn nghệ số 38/2020


Có thể bạn quan tâm