April 19, 2024, 8:07 pm

Người đã vân du vào miền mây trắng

VĨNH BIỆT NHÀ THƠ VÂN LONG

(Trích Điếu văn nhà thơ Vân Long của Hội Nhà văn Việt Nam)

Nhà thơ Vân Long, một người hiền, rất hiền theo nghĩa đầy đủ nhất của từ này, đã về nơi an nghỉ cuối cùng. Những năm cuối đời, ông đã kiên cường chống lại căn bệnh tuổi già trong vòng tay yêu thương chăm sóc của gia đình, người thân, bạn bè và các con cháu. Và hôm nay, ông từ giã tất cả chúng ta, như một con rồng sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình ở thế gian này, bắt đầu cuộc vân du vào miền mây trắng. 

Nhà thơ Vân Long tên đầy đủ là Nguyễn Văn Long, nguyên quán ở Việt Hòa, Khoái Châu, Hưng Yên. Ông tuổi Giáp Tuất, sinh ngày 6/3/1934 tại Hà Nội, nơi cha mẹ ông từ Hưng Yên lên làm ăn buôn bán. Từ nhỏ ông đã được gia đình cho học đàn violon có thầy tư kèm. Và tư chất nghệ sĩ của ông cũng bộc lộ từ rất sớm. Bên cạnh chơi nhạc, ông bắt đầu làm thơ, năm 1952, 18 tuổi ông đã có thơ in ở Hà Nội thời còn đang bị tạm chiếm.

Giải phóng Thủ đô, cũng là năm Vân Long tròn 20 tuổi, như mọi thanh niên ngày ấy, ông hăng hái tham gia vào công cuộc kiến thiết đất nước. Các đoàn ca nhạc được thành lập, rất cần người biết chơi nhạc. Năm 1959, ông được Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Việt Nam tuyển làm nhạc công violon. Năm 1965, chiến tranh phá loại của đế quốc Mỹ lan ra miền Bắc, Hà Nội chi viện một số văn nghệ sĩ cho Đoàn ca múa nhạc thành phố Hải Phòng. Trong số này có Vân Long. Cuộc chi viện kéo dài 10 năm, đó là 10 năm sôi động và khốc liệt ở Hải Phòng, khi cùng với đất nước “vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa đấu tranh giải phóng miền Nam”. 10 năm ấy có những tác động rất quan trọng đến chặng đường văn học của Vân Long sau này. Ở Đoàn ca múa một thời gian, đích thân nhạc sĩ Trần Hoàn, bấy giờ là giám đốc Sở Văn hóa thành phố Hải Phòng xin Vân Long về Sở Văn hóa làm công tác biên tập văn học, sáng tác và hoạt động phong trào. Có lẽ lúc này Vân Long cũng đã nhận ra, âm nhạc không phải là con đường của mình.

Những năm tháng ấy, Hải Phòng là một trong những thành phố phải hứng chịu các đợt đánh phá ác liệt nhất của không quân Mỹ - “phản lực Mỹ đánh Hải Phòng một ngày ba trận”.  Như cánh chim được bung sức bay, Vân Long đã có mặt ở khắp nơi: bến cảng, bến sông, công trường, xưởng máy; ông đi xuồng len lỏi qua những bãi thủy lôi dày đặc để đến với những con tàu nước ta và nước bạn không thể vào thả neo trong cảng. Dù mỗi cuối tuần, không sót tuần nào, ông đều đặn đạp xe 4-5 tiếng về Hà Nội thăm vợ con rồi chiều hôm sau lại đi, nhưng 10 năm ấy đã cho Vân Long trở thành một người Hải Phòng thật Hải Phòng. Điều này chúng ta có thể thấy qua những bài thơ, câu thơ hiện thực vạm vỡ, mặn mòi gió biển và tiếng còi tàu, lăn lộn với cuộc sống, chiến đấu ác liệt mà oai hùng, lạc quan mà mạnh mẽ ở thành phố Cảng. Có thể gọi ra tên những bài thơ tiêu biểu của ông giai đoạn này như: “Chuyện kể về một vùng biển nóng”, “Kỷ niệm đỏ” (Ghi lại 12 ngày đêm B52 tháng 12/1972) hay “Thành phố trong tranh”…  Ông đã yêu Hải Phòng bằng “Một tình yêu kỳ lạ/Bằng cái đau của mái trường giặc phá/Bằng nỗi vui một buổi thông cầu/Cái trăn trở của không gian vùng bom nổ chậm/Cái hào hùng trong tiếng hát trầm sâu...”, và cả những góc riêng tư: “Lật trang sách tiếng cá quẫy/Ðêm rơi đầy chiếc gạt tàn/Một góc đời tôi ở đấy/Phố ôm da diết vòng tay…” Bên cạnh những cảm xúc công dân dâng trào, hào hùng, đã thấy lấp lánh một Vân Long thơ trữ tình, đầy chiêm nghiệm, tinh tế và sâu sắc.

Đất nước thống nhất, năm 1975, nhà thơ Vân Long chuyển sang công tác tại Ty Văn hóa Hà Sơn Bình. Đến năm 1980, ông tiếp tục chuyển công tác về báo Độc Lập, là Trưởng ban Văn nghệ. Năm 1988, ông lại chuyển công tác lần nữa, lần này về làm biên tập viên thơ tại NXB Hội Nhà văn. Công tác thêm 10 năm, đến 1997 thì ông nghỉ hưu, nhưng Tổng Biên tập báo Sức khỏe & Đời sống, nhà thơ Lê Thấu lại mời ông làm giúp trang Văn nghệ cho đến năm 2012. Ở tuổi 79, ông mới chính thức nghỉ hẳn việc cơ quan. Một sức làm việc và một năng lượng sống thật phi thường, ít người sánh kịp!

Cuộc đời của nhà thơ Vân Long, nhìn qua các mốc thời gian, có thể nói là khá long đong, chuyển hết từ địa phương này sang địa phương khác, cơ quan này tới cơ quan khác, vậy mà những ai đã từng gặp ông đều thấy lúc nào ông cũng bình thản, thong dong đến lạ. Từ ông luôn toát lên sự nho nhã, lịch lãm, từ tốn của một trí thức thời Tây; sự hồn hậu, ân cần với người đồng đạo, không phân biệt tuổi tác. Nhớ đến ông là nhớ ngay đến nụ cười rạng rỡ, ánh mắt lấp lánh trìu mến dành cho người đối thoại. Rất hiếm khi thấy Vân Long to tiếng với ai bao giờ. Còn nhớ, cuối những năm 80 thế kỷ trước, bước vào thời đổi mới, Hội Nhà văn Việt Nam in tác phẩm cho các nhà văn “lớp trước” trong đó có các nhà thơ từng gặp “tai nạn văn chương” (chữ của nhà thơ Lê Đạt) như Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm... Được giao biên tập, ở hoàn cảnh còn khá tế nhị vào thời điểm ấy, ông hết sức trân trọng nâng niu từng trang bản thảo nhưng cũng thẳng thắn trao đổi những gì còn phân vân, cân nhắc, sao cho tác phẩm “của các anh” có thể sớm đến với bạn đọc.

Nhà thơ Vân Long có những bạn vong niên lớn tuổi thân thiết như các nhà thơ Quang Dũng, Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện…, nhưng ông cũng rất thích kết giao với những người viết trẻ. Ông thường dành cho họ sự bao dung, trìu mến, tôn trọng và bình đẳng. Chúng ta chợt nhớ đến một câu thành ngữ Nhật Bản, đại ý: Hạt lúa càng nặng thì bông lúa càng trĩu xuống, để ví nhân cách của một con người, chỉ có những nhân cách lớn mới thể hiện ra ngoài sự khiêm nhường tự  nhiên trong ứng xử thường ngày.

Chơi với những người trẻ, ngoài sự liên tài, nhà thơ Vân Long từng tâm sự, ông muốn chia sẻ năng lượng của tuổi trẻ để luôn đổi mới thơ mình, không bao giờ cho phép mình được cũ. Một nhà thơ đã từng nhận xét, Vân Long đã “năm, sáu lần tự lột xác” để tìm cách bắt kịp với tiếng nói thơ của thời đại mình đang sống: “Những ngọn cây/Những ngọn cây cao/Cứ sục tìm chi khoảng biếc/Nõn lá tủa ra quyết liệt”. Thành công đến đâu, thời gian sẽ là những người thẩm định công minh nhất. Nhưng chính qua sự vật lộn không ngừng làm mới bản thân và thơ mà ông gần gũi với những người làm thơ trẻ và được họ yêu mến. Nói đến những bài thơ hay thể hiện sự tự đổi mới không ngừng của nhà thơ Vân Long, người ta hay nhắc đến bài “Thu cảm”, với những câu thơ vừa hiện đại vừa truyền thống, nhưng say đắm và lay động:  “Em như cơn gió thổi qua ngang/Trẻ đến làm đau cả lá vàng/Lá phượng vụng về rơi mái tóc/Lại thành hoa rắc em mang/Như người chưa bao giờ được trẻ/Tôi bâng khuâng với mặt hồ đầy/Bước vào khoảng không em để lại/Một lần thêm trống trải nước mây”. Một bài thơ nữa của ông làm giai đoạn này cũng hay được nhắc tới là “Ngõ Tràng An”, mà có người coi là một sự tổng kết trữ tình cuộc đời bằng thơ đạt đến những chiêm nghiệm sâu sắc nhất  mà cũng giản dị nhất của ông – một người Tràng An: “Tôi thả bước lơ ngơ/ Trưa vàng/ngõ cũ/In một bước tình cờ/ Lên dấu chân ngày nhỏ”, tuổi thơ, vui buồn, thăng trầm đã qua đi, chỉ còn lại “Hoa đại đầu thế kỷ/Rụng vào tôi-bây-giờ”. Có lẽ còn rất nhiều câu thơ, bài thơ khác của ông lúc này hẳn đang vang lên trong đầu bạn đọc, những người yêu quý ông và những người dự lễ tiễn đưa ông hôm nay.

Trong hơn 60 năm cầm bút, nhà thơ Vân Long đã để lại 11 tập thơ, 7 tác phẩm viết cho thiếu nhi và 10 tập chân dung, tiểu luận cùng hàng ngàn bài báo. Ông từng là Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Hà Nội, ba lần được nhận Giải thưởng văn học của Ủy ban toàn quốc các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam; giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Hà Nội, cùng nhiều giải thưởng văn chương khác.

Trong căn nhà của ông phố Vĩnh Phúc có treo một vế đối của Cao Bá Quát: Nhất sinh đê thủ bái mai hoa – Chỉ cúi đầu trước hoa mai. Có nhiều người chơi câu đối này, một vế hoặc cả hai vế. Nhưng lúc này đây, ta bỗng thấy vế đối ấy thật đúng với ông - một người khiêm nhường và kiêu hãnh, hồn hậu và đầy dũng khí, đã tận tụy cho thơ, cho những trang bản thảo tâm đắc để lại với đời này.

Lúc 12 giờ 30 phút ngày 6/5/2022, trái tim nhà thơ Vân Long đã ngừng đập, ông hưởng thọ 89 tuổi.

Xin được cúi đầu tiễn biệt ông bước vào chuyến vân du bất tử trong miền mây trắng.

________

* Những chữ in nghiêng trong bài là trích thơ của Vân Long

Nguồn Văn nghệ số 20/2022


Có thể bạn quan tâm