April 19, 2024, 7:52 pm

Người cứu nạn

 

Đèn chùm giữa nhà bật sáng, tỏa ánh vàng ấm cúng xuống bàn ăn. Cả gia đình bác Totila quây quần bên những bát súp gà thơm nức. Mùi mù tạc cay hắc. Đĩa hành sống tươi non, cà chua đỏ thẫm.

Góc nhà, tiếng nhạc du dương cùng mùi cà phê ngào ngạt.

Ông nội ngồi giữa. Chú bé Galien bên cạnh, để giúp ông lấy thức ăn, ông đã quá già, liệt hai chân, phải ngồi xe lăn.

Bác Totila thở dài. Cảnh nhà ấm cúng thế này, nhưng bên ngoài đang kịch điểm căng thẳng. Bác Totila gái cũng đăm chiêu, mắt quầng trũng đã mấy tháng nay. Chỉ có Galien là vẫn hồn nhiên, nó mới sáu tuổi chưa biết thế nào là chiến tranh, chưa biết chiến tranh thế giới đã nổ ra, và quân Đức quốc xã khét tiếng tàn ác đã đánh chiếm thành phố của nó. Chị Li Da học sinh Trung học, mặt đẹp như tranh thánh cũng đã phủ màu xám nhạt.

- Có lẽ ta nên dỡ cái đèn chùm này xuống, phân kim lọc lấy ít vàng mạ nơi cuống đèn - Bác Totila bảo vợ - Xưa anh đã dùng cả vốc vàng mạ lên nó.

- Đời ai ngờ đến nông nỗi này...

 Gia đình Totila đã mấy đời làm nghề kim hoàn. Đánh vòng cổ, hoa tai. Tay nghề nổi tiếng, thu hoạch khá. Nhưng bác không có ý định cho con cái nối tiếp công việc trạm trổ tỷ mẩn này. Con gái phải học lên bác sĩ, con giai làm luật sư.

Có tiếng bấm chuông ngoài cổng, tiếng báng súng đập cánh cửa gỗ sồi. Tiếng giày đinh lộp cộp. Bác Totila ra cửa cung kính:

- Kính chào các ngài sĩ quan Đức.

- Sửa soạn đồ đạc, đeo băng phù hiệu sao sáu cánh Do Thái lên cánh tay, rời nhà ra quảng trường ga tàu hỏa tập trung- Một tên nói.

- Thưa các ngài, cho chúng tôi lui lại ít ngày. Cha tôi là một ông già liệt nửa người, ngồi xe lăn, khó di chuyển.

Tên đại úy Đức đến gần ông già xem xét rồi hất hàm. Hai tên lính đến bê cỗ xe lăn và ông già di chuyển ra gần cửa sổ. Mọi người không hiểu ra làm sao. Ông già liệt ú ớ. Thản nhiên, hai tên lính nâng bổng xe và ông già, ném ra cửa sổ tầng ba xuống đất, như ném một thùng rác.

Cả nhà rú lên kinh hoàng. Tên đại úy rút súng lục bắn tan chiếc đèn chùm lộng lẫy. Thủy tinh rơi rào rào tung tóe, điện chập nổ lốp bốp, căn phòng tối om.

- Nửa tiếng nữa, mọi người phải có mặt ở ga tàu - Tên lính chốt lệnh cuối cùng - Quá hạn sẽ bị xử tử.

Bọn lính rời phòng, bác Totila lao xuống cầu thang, định chạy ra xem bố chết thế nào, nhưng bà vợ giữ lại:

- Chúng sẽ bắn chết anh ngay tại chỗ.

Totila kéo hai con lại thì thầm:

- Lẩn ngay qua cửa sau, theo ngõ xép, đến trốn tại nhà bác Uyn tơn người Anh ở phố 116. Bác là khách hàng thân thiết của bố.

Bản năng sống chết, không thể dùng dằng, Li Da kéo tay Galien đi thẳng, không cả kịp hôn chia tay bố mẹ.

- Ta lên đường - Bác Totila hạ lệnh cho vợ.

Thực ra vali đã sẵn sàng từ lâu, chờ lệnh đến khu tập trung Do Thái. Nhưng không ai ngờ lại diễn ra tàn bạo thế này.

Quảng trường ga tàu đông nghẹt. Ánh đèn pha loang loáng. Con tàu dài dặc, hơi nước phun phì phì. Tiếng lính Đức quát tháo trên loa gắt gỏng cục cằn.

Hàng trăm người Do Thái xô đẩy, chen chúc lên tàu. Chồng kéo vợ, cha kéo con. Những ông già tập tễnh, bị báng súng nện vào lưng, ngã khuỵu. Ai cũng phải nhanh. Không nhanh thì chết. Báng súng dồn người như lèn cá. Đàn ông, đàn bà, trẻ con, ông già, tất cả bẹp dính vào nhau như giấy ép. Sân ga ban nãy đông đúc mà giờ vắng teo. Vài người Do Thái chậm chân bị lính giương súng bắn tỉa chết giẫy đành đạch trên sân.

Con tàu như con sâu thời tiền sử, hú một hồi còi ai oán rồi lao vào bóng đêm.

Hai ngày, hai đêm, con tàu cũng sợ mất vía, chạy bán sống bán chết. Hết than, hết nước dừng lại ít phút, tiếp thêm, rồi lại lên đường. Bánh sắt xiết đường ray tóe lửa. Rạng sáng ngày thứ ba, tầu dừng lại trước trại giam Ausơvít (Ba Lan). Như rẻ rách lèn chặt, bây giờ bung ra, đoàn Do Thái túa khắp quảng trường, chạy nháo nhác. Tiếng sĩ quan Đức hạ lệnh chỉ dẫn trên loa như tiếng chó sủa. Trẻ con xếp hàng vào một góc. Phụ nữ xếp hàng vào một góc. Bàn tay hai mẹ con nắm nhau, nhùng nhằng một giây. Quá một giây có thể bị đánh chết. Rời ngay về chỗ xếp hàng.

- Mẹ ơi, con nhớ mẹ .

- Con ơi mẹ yêu con…

Tiếng loa rành mạch:

- Đàn ông khỏe mạnh đứng ở phía tay phải. Ông già, người ốm về phía tay trái.

Không có màn “đồng diễn” nào đều, nhanh, hơn ở đây. Những khối hình người gọn gàng.

- Đi đều, bước - Khối hình phụ nữ chuyển động đầu tiên. Những quý bà, má vẫn còn phấn, môi vẫn còn son, đầu đội mũ lông chồn đắt giá. Những thiếu nữ đẹp xinh như thiên thần…

Khối hình dừng lại trước một tòa nhà đen kịt đồ sộ, kín mít, chỉ hé một cánh cửa bé tạo.

- Đây là nhà tắm tẩy trùng - Tên lính Đức giải thích - Tất cả mọi người đến đây phải tẩy hết vi trùng, vi khuẩn gây bệnh trên người. Yêu cầu cởi hết đồ nữ trang, trút bỏ quần áo, xếp vali hành lý ngoài sân vào tắm.

Váy áo kiểu quý tộc nhiều dây, nhiều nút, cũng tháo gỡ nhanh tắp lự. Roạt, áo lột phăng, hở ra vú trần trụi. Roạt, váy tụt xuống, hở mông lồ lộ. Hàng trăm quý bà, quý cô trần truồng, không nhìn nhau, bước vào cánh cửa nhỏ.

Bác Totila gái có thân hình đậm đà, da trắng như sứ, bác trai vẫn say mê thân hình này. Mùi mồ hôi thơm dịu. Mùa đông, làn da ấm nồng, mùa hè lạnh mát. Bây giờ đây bác phải tẩy trùng cho không còn một con vi khuẩn trên da, hy vọng ngày mai yên hàn, về lại thành phố, tấm thân sạch sẽ, và chồng bác lại ôm chầm lấy âu yếm.

Xè xè xè… thiết bị máy mở trong phòng phả ra màn sương khói hơi độc, hơi ngạt mù mịt. Sương đi đến đâu các bà, các cô ho sặc sụa, máu mũi, máu tai ộc ra, mắt trợn ngược. Không cả gào thét được một câu. Luồng hơi độc cực mạnh đã xộc vào tim phổi các bà, các cô. Các bà, các cô ngã vật xuống cào cấu giẫy giụa như bày rươi, xác thiên thần chồng lên xác tiên nữ…

*

... Đội hình đàn ông khỏe mạnh đứng xếp hàng vuông vắn. Tên đại úy Đức thổi còi:

- Những ai biết nghề thuộc da bước lên ba bước.

Mười người, tự hào, chuyển vị trí. Mấy đời cha ông họ đã sống bằng nghề thuộc da. Những con bò, trâu, ngựa, lợn, da gì cũng thuộc được hết, để thành những đôi giày bóng lộn, những cặp sách, vali, túi đeo vai phụ nữ.

Người họ bao năm ám mùi da thuộc hôi hám và giờ đây họ thoát chết, được phục vụ công xưởng thuộc da của trại tù. Có tay nghề cũng sướng thật. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Nếu vô dụng, vô nghề nghiệp, họ sẽ bị bọn Đức bắn đòm, chôn sống.

- Những ai biết nghề làm tóc giả bước lên hai bước.

Lại chục người vào vị trí mới. Thế gian này thiếu gì người trọc đầu phải đeo tóc giả. Họ mua tóc của người chết, về kết lại thành những mái tóc mới đủ kiểu bán khắp châu Âu. Tóc vàng lượn sóng ôm gáy thiếu nữ đẹp hơn thật. Tóc ánh kim rẽ đường ngôi lệch. Tóc đen uốn xoăn ôm lấy gương mặt điển trai… Người trọc đầu, không dám nhô ra đường vì mất tự tin. Chỉ một mái tóc giả, lại thành người bình thường. Tổ tiên họ được truyền nghề làm tóc giả từ thời các quan tòa, nhà bác học,  quý tộc, hay đội tóc xoăn bên má…

- Những ai biết nghề kim hoàn bước lên một bước.

Bác Totila bước đầu tiên. Kèm năm người nữa, trên vai là cặp đồ nghề. Đồ nghề kim hoàn đơn giản: chiếc đèn khò, chiếc búa chuyên dụng, kìm, giũa… Chỉ thế thôi nhưng đã trạm trổ nên những vòng, khánh nữ trang tinh xảo. Dân kim hoàn phòng thân, đi đâu cũng đem đồ nghề theo, ngả ra làm, và không bao giờ phải đói. Bác Totila tự hào. Có lẽ trong nhóm này bác có tay nghề cao nhất, bây giờ đem phục vụ trại giam, chắc được nhiều ưu đãi.

Tên đại úy dẫn ba nhóm thợ vào ba nhà khác nhau. Với nhóm thuộc da hắn nói:

- Chúng ta sẽ chọn lựa một số xác chết, đàn ông, đàn bà, những ai có bộ da chất lượng, lột ra, thuộc hóa chất, để làm các chao đèn, ví da, cặp sách, túi đeo cao cấp. Da con gái đẹp lắm, mịn nõn. Khi thuộc phải đảm bảo không quá biến dạng để người ta nhận biết được đó là da người, không lẫn lộn với da lợn.

Những người da thuộc rùng mình. Họ chưa bao giờ dùng chất liệu này. Nhưng nếu từ chối, họ sẽ bị xử tử ngay. Phải sống cái đã…

- Trong nhà tắm ngạt vừa có một mớ đàn bà con gái mới chết, thịt da còn ấm mềm. Thợ lành nghề chúng mày phải vào đấy lọc ngay những bộ da nào tốt để làm việc - Tên đại úy nói - Các hóa chất đã có sẵn trong phòng này. Đứa nào lột được bộ da còn nguyên hình năm ngón tay, làm thành cái túi xách, tao sẽ thưởng.

Một bác thợ da mới nghe đến đây đã rú lên, phát điên. Không thể để ảnh hưởng đến tinh thần người khác, tên đại úy rút súng kết liễu người thợ tâm thần.

Ở nhóm thợ làm tóc giả, tên đại úy giao nhiệm vụ vắn tắt, vì công việc đơn giản:

- Vào nhà xác, cắt tóc bọn đàn bà mới chết, về làm tóc giả. Tao mới nhìn thoáng qua. Chúng nó có những bộ tóc rất đẹp. Hy vọng chúng mày không gặp khó khăn gì. Tóc giả của chúng ta sẽ bán, tặng cho những ai cần dùng…

Đoàn thợ làm kim hoàn vào nhà số 3, được một tên Thiếu tá chỉ dẫn sơ lược, đại khái là đánh vàng thành đồ trang sức. Tên trợ lý đưa ra một túi vải, trong đựng toàn vàng vụn, bóc ra từ những chiếc răng vàng. Đã thành lệ ở đây, các tù nhân đến, phải há mồm cho lính kiểm tra. Tên lính cầm một chiếc búa chuyên dụng. Thấy mồm ai có răng vàng, hắn bổ một cái gẫy răng rồi đem về cho bộ phận bóc vàng ra. Những túi đựng răng, vàng và máu nhầy nhụa. Hàng nghìn hàng nghìn cái răng. Nung chẩy nó ra rồi đúc thành thỏi, mài rũa thành đồ trang sức.

Totila được ưu tiên trao những vàng miếng, hoa tai, vòng xuyến của các bà để tái chế. Không được giữ nguyên vòng xuyến cũ dù đẹp đến đâu. Nhất thiết phải nung chảy, làm lại. Đồ trang sức này để các ngài sĩ quan về tặng mẹ, vợ, người yêu của mình. Quý tộc không dùng đồ trang sức thừa của tù nhân thải ra.

Tên thiếu tá hẹn bác Totila một tuần sau, đến lấy kết quả. Một tuần, bác Totila cặm cụi, trổ hết tài, làm nên một chiếc vòng cổ treo những đóa anh đào vàng tinh xảo. Đến công chúa xưa cũng có đến thế này là cùng. Ngày trao hàng, bác hồi hộp. Tên thiếu tá từ nay chắc sẽ yêu quý bác, dễ sống hơn. Nào ngờ, đồ vừa trao, tên thiếu tá trả công bằng một báng súng lục vào trán bác tóe máu.

- Thưa ngài, ngài không ưng ý ạ…

- Không. Rất ưng ý. Đẹp lắm. Nhưng đây là lôgíc của lối sống ở đây. Chúng mày phải cố mà thích nghi.

Bị đánh vỡ trán, nhưng bác Totila còn may mắn hơn đám bác sĩ, luật sư, kỹ sư, văn nghệ sĩ... Bọn đấy mồm luận lý rẻo kẹo, tai chuyên nghe tim phổi người khác, tay giấy bút, đàn sách… đến đây, giờ “thất nghiệp”, chỉ còn mỗi nghề cầm cuốc xẻng đào đất, dọn dẹp gạch đá. Mặt đất này chỗ nào chả ngổn ngang, còn là dọn khướt. Và khiêng người vào lò thiêu xác. Khiêng xác người chết khó lắm nhé. Một anh nâng đầu, một anh nâng chân. Cái xác cứng đơ. Hai, bà nào, buông tay quẳng nó vào lò…

*

… Tên Đại tá mệt mỏi trở về phòng riêng, qua cửa sổ nhìn thấy đám tù trẻ con đang ngồi đợi góc sân. Ngồi chờ chết mà chúng còn cựa quậy, chòng ghẹo nhau… Trẻ con Do Thái mặt mũi sáng sủa chẳng kém ai… Nhưng ai bảo chúng mày nòi Do Thái, không thuộc chủng tộc Aryan, cho mày chết - Hắn nghĩ thầm…

Đại tá mở hộp kính tròn có dây bạc, vẫn đeo trên cổ, trong đó là ảnh con trai hắn. Thằng Alếchxăng xinh đẹp, chỉ tội nghịch và học dốt. Nhưng hắn yêu quý lắm, xa xôi, chẳng ngày nào không ngắm nghía con…

- Trợ lý đâu – Đại tá gọi.

- Thưa ngài tôi đây.

- Thú thực nhìn cảnh lũ trẻ chờ vào phòng ngạt kia, lòng tao hơi xao xuyến. Tao buồn. Nếu con trai tao biết tao đã từng cho vào lò ngạt hàng ngàn vạn đứa trẻ, nó có còn yêu qúy tao không. Vậy phải làm sao bây giờ.

- Làm sao là làm sao ạ.

- Theo mày đám trẻ kia sống hay chết là có lý.

- Dạ tôi chỉ biết theo lệnh ngài.

- Nhưng hôm nay tao cho mày bày tỏ ý kiến.

- Theo luật thì chúng phải chết.

- Luật nào?

Tên trợ lý lúng túng.

- Mày có con không?

- Dạ không. Vợ chồng tôi khao khát có một đứa con mà không làm sao đạt được.

- Cái bọn trẻ con này… dồn tất cả về đây bắt tao giải quyết… Tao nghe nói ở nhiều thành phố, có một số người châu Âu đã che chở giấu diếm, đem những đứa trẻ Do Thái đi trốn.

- Dạ, đó là trái luật. SS điều tra ra thì tử hình.

- Nhưng chúng vẫn cứ hoạt động. Giấu trong nhà, dưới hầm, trong rừng, cho lên tàu thủy trốn sang Anh. Kể ra bọn này cũng gan thật. Tao nghe nói có đứa cứu thoát được cả nghìn trẻ Do Thái.  Này mày này, chúng mình làm việc này, Chúa có trừng phạt không …

- Nhưng thượng đế đã trao  sứ mệnh  cho ngài. Ngài phải ra sân khấu cuộc đời trong vai này. Vinh quang lắm chứ.

- Tao trước là bác sĩ, chuyên gia nghiên cứu y sinh. Chiến tranh nổ ra, tao mặc áo lính, Quốc trưởng bảo: cho anh cả triệu người Do Thái làm ruồi dấm, chuột bạch. Mổ xẻ, lai ghép, thí nghiệm... Anh hãy tập hợp các nhà khoa học, tạo cho tôi những sinh vật người có gien ưu thế nhất, thượng đẳng nhất, và đồng thời diệt hết những sinh vật người hạ đẳng.

Sứ mệnh của tao đúng là không đùa được thật. Ba cái chuyện lò ngạt, tống trẻ con vào, chỉ là chuyện nhỏ, vậy mà đôi lúc làm tao lăn tăn. Một đêm tao nằm mơ thấy mình bị treo cổ lủng lẳng ngoài pháp trường.

- Ai hạ lệnh ấy.

- Không biết. Các giấc mơ thường mù mờ không đầu không đuôi. Tao giãy giụa. Tỉnh dậy toát mồ hôi. Giấc mơ giúp tao có cảm giác như thế nào khi chết, do đó tao hiểu hơn cảm giác của bọn vào lò ngạt.

- Ngài cần tĩnh dưỡng an thần một thời gian. Xin ngài giao toàn quyền vụ lò ngạt cho tôi. Tôi sẽ xử êm ngọt đám trẻ con, không để ngài phải vướng bận. Ngài đứng ngoài vô can…

- Mày giỏi lắm. Tao sẽ thăng chức cho mày. Cho về Béc Lanh nghỉ phép. Và lần này gặp vợ, cố mà nặn ra một đứa con. Thằng ngốc, việc ấy thì khó gì.

- Thế mà khó nhất đời đấy đại tá ạ. Thượng đế không cho, không được. Nhân hôm nay thấy ngài cởi mở, tôi xin mạnh dạn trình bày.

Tôi thấy ở ngoài kia có một thằng bé Do Thái, hai tuổi, mắt xanh, tóc vàng, rất giống chủng Aryan. Ngài có thể ban cho tôi một đặc ân: giấu đứa bé, và kỳ này đem về Béc Lanh cho vợ tôi nuôi, với danh chính ngôn thuận là con đẻ của chúng tôi. Không ai biết, tất cả bí mật. Ngài không nói ra, ngài cho phép, thì tất cả mọi sự trót lọt. Chúng tôi xin coi ngài là Đức Thánh cứu tinh đời vợ chồng chúng tôi. Ôi, chúng tôi khao khát có một đứa con biết dường nào. Lạy chúa, chúng con đã làm gì nên tội, mà bị trừng phạt như thế này.

- Thôi được. Tùy mày. Nhưng phải thật kín đáo, đừng để liên lụy đến tao…

*

Năm 1995, nghĩa là nửa thế kỷ sau chiến tranh Thế giới thứ Hai, tại một studio Đài truyền hình Anh quốc, có một chương trình đặc biệt. Người ta mời hàng trăm “đứa trẻ Do Thái” được cứu xưa, đến gặp đại ân nhân của mình. Ông Uyn tơn người Anh, người đã vượt qua mọi hiểm nguy, cất giấu, cứu sống 669 đứa trẻ Do Thái, đem về Anh, tìm người nhận nuôi chu đáo.

Trong phòng quay, ngồi hàng đầu có LiDa và Galien, hai người con của bác Totila. Vợ chồng bác Totila xưa chết ở trại Ausơvít, vợ trước, chồng sau, da bị lột, thuộc tẩm hóa chất làm chao đèn, túi xách.

LiDa, đúng như mong ước của bác Totila, đã thành giáo sư tiến sĩ y khoa. Còn Galien là luật sư ở tòa thượng thẩm.

Trong phòng quay còn có hai người Đức. Một người tên là Alếchxăng còn người kia không xưng tên. Alếchxăng nói: Đức quốc xã thật sự là một loài quỷ đã hiện diện trên mặt đất của con người. Đừng bao giờ để tái diễn cảnh đó.

Người “không xưng tên” bộc bạch: Tôi chính là người Do Thái. Năm hai tuổi, tôi được một sĩ quan Đức ở Ausơvít giấu đi, đem về Béc lanh cho vợ nuôi, vì bà không đẻ được. Tôi yêu mẹ nuôi, nhưng hôm nay phải đến đây để đồng cảm với đồng bào của mình.

Màn hình chiếu những thước phim tư liệu cảnh trại Ausơvít. Bóng hình đại tá, cha của Alếchxăng rõ mồm một. Alếchxăng đã xem phim này nhiều lần, lần nào cũng đầy cảm giác đau khổ, tủi nhục, nhưng anh giấu kín gốc tích của mình, không dại gì nói cho ai biết.

Cha anh đã bị tòa án Nurembe hành quyết, treo cổ. Nhưng anh vẫn được sống như người thường trong nước Đức mới, văn minh.

Anh đến đây để cầu nguyện, cho tâm hồn thanh thản.

Phim chiếu xong, người ta dẫn một ông già mái tóc dày gợn sóng trắng bông lên sâu khấu. MC giới thiệu:

- Đây là Ngài Uyn tơn đã cứu 669 đứa trẻ Do Thái ở Tiệp Khắc, Đông Âu, đem về Anh…

Ông Uyntơn có một cuốn sổ ghi rõ tên tuổi từng đứa trẻ. Có em còn có cả ảnh chân dung. Sau chiến tranh ông Uyn tơn cất kỹ cuốn sổ, và không nói với ai về chuyện này. Cuộc đời bận rộn, không ai để ý. Cho đến một hôm, bà vợ ông Uyn tơn phát hiện ra, đem cuốn sổ đến Đài truyền hình chúng tôi. Nhận thấy đây là một đề tài khá hay, chúng tôi tiến hành chương trình này. Xin mời cha già Uyn tơn lên bục cao cho mọi người được chiêm ngưỡng.

Cả hội trưởng xao xuyến. Nhiều tiếng khóc òa. Những đứa trẻ đáng lẽ phải vào lò ngạt Ausơvít, giờ có mặt ở đây hôm nay… Cha già Uyntơn, chúng con xin ghi nhớ công ơn Người…


Nguồn Văn nghệ số 13/2019


Có thể bạn quan tâm