March 28, 2024, 6:46 pm

Người cựu binh “gan lì, chịu chơi!”

Bị phơi nhiễm chất độc màu da cam khi phục vụ và chiến đấu trên tuyến đường 1-C (con đường vận chuyển vũ khí từ miền Đông về phục vụ chiến trường miền Tây Nam bộ), cuộc đời anh Cao Long Phiêu sau chiến tranh lại mang một màu sắc khác. Trước mặt tôi là người đàn ông ngoài 60, gầy gò, khắc khổ.

Anh vừa trải qua cơn giải phẫu lấy đi những mảnh bom trong phổi, sau hơn 40 năm bị thương, gây ra chứng tràn khí phổi nguy kịch đến tính mạng. Anh nói mình vừa thoát chết trở về. Tôi không tin nổi đây là chàng trai đầy nhựa sống của một thời bi tráng. Anh quê ở Cà Mau, trốn nhà đi TNXP khi mới 15 tuổi. Từ đó, cuộc đời anh gắn với với tuyến đường 1-C ác liệt, không chỉ là những chuyến chuyển hàng mà còn làm giao liên, cảnh giới, cùng bộ đội tham gia những trận đánh quyết tử để bảo vệ tuyến đường. Anh nói mình thật tự hào khi có mặt trong trận đánh bảo vệ căn cứ Túc Mía. TNXP đã chiến đấu ngoan cường, khôn khéo, dũng cảm, diệt hơn 300 tên địch rồi giao lại chiến trường cho đơn vị bộ đội, thanh thản đi làm nhiệm vụ tải hàng. Anh lại lao vào cuộc chiến đấu mới, đánh chiếm ba cao điểm Túc Mía, núi Bang Hang, Hãng Phân, rồi lại cùng đồng đội tiếp tục chuyển hàng về chiến trường Tây Nam bộ. Là TNXP nhưng anh được cấp trên cho đi học bắn pháo, để trở thành những pháo thủ xuất sắc, chia lửa cùng đồng đội, đẩy lùi các đợt tấn công của địch, bảo vệ những kho hàng trong những cái hang núi chiến lược. Là TNXP nhưng anh được chọn vào tổ cảnh giới, mở đường, đối mặt với hiểm nguy, cái chết trong gang tấc. Lịch sử đã chọn những con người “gan lì”, chịu chơi như anh vào đội cảm tử quân khai hỏa những trận đánh để dụ địch, cho lực lượng TNXP chuyển hàng. Chiến trường 1-C đã khiến anh dày dạn trận mạc, không nhiều chữ nghĩa nhưng biết sáng tạo, đánh giặc hiệu quả, như lời anh kể:

 

Cựu TNXP đường 1-C Cao Long Phiêu (trái), và chiếc máy quay phim Liên Xô nhận từ Tư lệnh quân khu 9 thời tham gia TNXP để thực hiện những công việc bí mật cho quân khu.  Ảnh chụp ngày 1-11-2018

 

“Nhớ lúc tôi đưa bảy đứa trong đội cảm tử lên chỗ chú Tư Khánh nuôi voi để học sử dụng nối dây, mỗi đứa mang theo 3 mét dây, ba cục pin và một cái xẻng. Học cách nối chỉ 2 tiếng đồng hồ mà về đánh địch tả tơi… Thông thường, ở nước ngoài, người ta đặt pháo cách bốn, năm cây số mới bắn vô. Còn mình, mỗi đứa mang hai trái, bò vô thật sát, sát đến chừng nào không còn vô được nữa mới nằm xuống moi đất, đắp mô. Mỗi đứa ba cục pin, dí điện vô là bắn. Đạn nổ sáng trời, cách chúng tôi chỉ mấy chục thước...”.

Con người “gan lì” và “chịu chơi” như anh nhiều lần rơi nước mắt khi đồng đội hy sinh trước mắt mình, nhiều lần khóc vì phải chôn vội đồng đội trên đường hành quân, khóc nghẹn lúc bất lực bỏ lại thương binh bị thương sọ não trong hang. Tiếng kêu ai oán của các anh dội vào vách đá, còn đeo đuổi anh đến tận giờ. Con người “gan lì” và “chịu chơi” như anh luôn đứng nơi đầu ngọn sóng, nơi hiểm nguy, để nhiều lần phơi nhiễm chất độc da cam chết người. Nhìn bức ảnh thời thanh xuân của anh, tôi bật lên câu hỏi: “Gan lì, chịu chơi lại đẹp trai như anh hồi đó chắc nhiều cô mê. Các chị thời trẻ cũng rất duyên dáng, xinh đẹp. Anh có mối tình nào ghi dấu tuyến đường TNXP 1-C không?”. Anh chợt trở nên thật nghiêm trang, nét mặt đượm buồn, nói: “Không. Nói đúng ra là không dám. Suốt ba năm trời chỉ có cái quần cụt với cái áo thì làm sao mà dám yêu! Thấy mấy chị đẹp cũng thích. Nhưng chiến tranh ác liệt quá, có yêu ai, thương ai thì cũng để trong lòng, thiệt tình không dám!”.

Vậy mà sau hòa bình, anh bộ đội Cao Long Phiêu về tiếp quản Sài Gòn, lại “dám” yêu một cô sinh viên trường Luật. Kể về mối hôn nhân đổ vỡ này, anh không khỏi ngậm ngùi: “Năm 1971, tôi được rút về quân khu. Học xong khóa quân chính, tôi về An Ninh R. Năm 1975, trên đường tiến về Sài Gòn, tôi bị thương, do bắn khẩu cối A82 trong khoảng đất quá chật... Vết thương tạm ổn, tôi về Sài Gòn công tác, trong ngành công an. Thời gian này tôi gặp cô ấy. Vội vàng yêu, vội vàng cưới, rồi cũng tan nhanh. Đứa con trai đầu sinh ra nhiễm chất độc da cam, đầu óc không được bình thường, là nỗi đau dai dẳng của những bậc làm cha mẹ. Vợ chồng lo mua bán làm ăn. Tôi gan lì, chịu chơi đánh giặc, chớ đâu giỏi mánh khóe, ngón nghề ở thương trường. Làm ăn thất bại, vợ chồng lục đục, kéo nhau ra tòa. Tôi bỏ hết, ra khỏi nhà với bàn tay trắng. Đó cũng là lúc tôi rời khỏi ngành vì thấy con người mình không thích hợp. Tôi thân sơ thất sở, về Long An chơi, thăm lại người đồng đội cũ từng chiến đấu ở miền Đông. Ảnh ngạc nhiên nhìn bộ dạng xác xơ của tôi. Tôi nói thiệt hết. Ảnh thương, gả đứa em gái cưng cho mình. Cô ấy nhỏ hơn tôi hơn chục tuổi chớ ít gì. Cổ hiền, siêng năng, hết lòng thương tôi. Chúng tôi có với nhau hai đứa con gái. Đứa chị cũng bị nhiễm chất độc da cam. Chất độc da cam quái ác ngấm vào gia đình tôi tới ba thế hệ. Đứa cháu nội cũng bị di chứng. Vợ tôi bán cơm cơm, sống qua ngày. Phụ cấp thương binh và nạn nhân chất độc da cam của tôi cũng khoảng ba triệu. Cứ vậy mà đắp đổi qua ngày… Cuộc sống gia đình tôi như cô thấy...”.

Những gì thấy từ căn hộ tập thể của anh làm tôi nhói lòng. Anh ở tầng một nhà tập thể quân đội cấp, đã quá cũ nát, sập xệ. Chiếc tủ cũ mối mọt ăn lổ chỗ chứa đựng một vùng ký ức sâu thẳm thời chinh chiến, Anh lấy từ trong tủ ra những tấm hình đã ố vàng, cũ kỷ; chiếc máy quay phim hiệu KPAPLL 2X8CB của Liên Xô và một máy quay phim thời những năm 1990 đặt trên chiếc bàn xiêu vẹo. Tôi kinh ngạc kêu lên: “Làm sao anh có được những thứ này?!”. Cầm chiếc máy quay phim Liên Xô lên, anh nghiêm trang nói: “Thời chiến tranh, những bí mật quốc phòng ở miền nam, hầu hết do TNXP 1-C chúng tôi thực hiện. Nào phải đâu chuyển hàng, vũ khí; chuyển người, giao liên, cảnh giới, trinh sát, mở đường, chiến đấu bảo vệ tuyến đường; chúng tôi còn thực hiện những công việc bí mật của quân khu... Bom đạn như vãi trấu mà tôi cũng phải cố ngóc đầu lên để quay những cảnh cấp trên dặn. Vì thế, tôi biết sự nguy hiểm của những nhà quay phim thời chiến tranh, cái chết và sống trong gang tấc...”.

Anh Cao Long Phiêu cầm lên chiếc máy quay phim, chụp ảnh thời những năm 1990, ngậm ngùi: “Kỳ lạ thay, những năm đau buồn, bi đát nhất của cộc đời, tôi lại càng bị thôi thúc tìm lại đồng đội. TNXP 1-C sau ngày hòa bình quá nhiều thiệt thòi. Chúng tôi lao vào cuộc chiến đòi lại cái tên đúng nghĩa. Nhiều đêm nằm mơ, tôi thấy đồng đội hy sinh trở về, hờn trách, khóc nói với tôi sao người ta quên lãng một tuyến đường gánh vác cả cuộc chiến tranh miền Tây Nam bộ nhanh như vậy… Đồng đội lớp hy sinh khi đánh địch, khi chuyển hàng, lớp hy sinh vì đói, kiếm ong ăn; chết vì bệnh tật, thiếu thuốc men... cứ hiện lên trong giấc mơ của tôi, trong những ngày hòa bình. Những người hy sinh, cuộc sống khó khăn của đồng đội luôn ám ảnh tôi. Lúc ấy, tôi bị khủng hoảng nặng, nếu không đến được với Chúa, tôi nghĩ mình không thể vượt qua những ngày bị trầm cảm nặng nề!”.

“Đến với Chúa?!”. Anh làm tôi quá đỗi kinh ngạc. Cho đến lúc ấy, tôi mới nhìn thấy bức tượng Chúa bị đóng đinh được treo trang trọng trên bức tường căn phòng khách sập xệ nhà anh. Anh cười hiền: “Cô ngạc nhiên phải không? Cuộc đời mà. Lần ra Bắc học, tôi đến thăm nhà đồng đội tôi cùng chiến đấu ở rừng miền Đông. Tôi thấy ba má nó đạo Thiên Chúa, sống rất đạo đức, rất thương người, thương đất nước. Tôi nhận ông bà làm cha mẹ nuôi. Ông bà khuyên tôi đừng tuyệt vọng. Chúa đóng mọi cánh cửa cũng chừa lại cánh cửa sổ, cũng còn lối thoát. Kỳ lạ thay, khi đến được với Chúa, tôi trở nên thanh thản. Tôi đi tìm lại đồng đội từ những năm tháng bị khủng hoảng ấy… Từ những chuyến đi của chúng tôi, nhiều hài cốt đồng đội được quy tập, đưa về quê hương; rồi tổ chức viết lịch sử, làm phim để cả nước biết tới lực lượng đặc biệt này. Năm 2010, lực lượng TNXP tuyến đường 1-C được phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng… Nhờ những chuyến đi tìm hài hốt đồng đội mà tôi thấy cuộc đời mình còn có chút ý nghĩa…”.

Tôi đồng cảm với lời bộc bạch thẳng thắng của anh. Cùng các chị trở về tuyến đường 1-C sau mấy mươi năm, tôi gặp quá nhiều những phận đời bèo dạt mây trôi sau chiến tranh như chị Huỳnh Thị Bé (út Bé) với đàn con đứa chết, đứa dị dạng, đứa động kinh vì nhiễm chất độc da cam từ mẹ, chị Hồng Đực vì nghèo không còn đường về quê hương, là nỗi buồn tủi của Tư Vân khi bị gạt ra bên lề con đường 1-C sau lần bị địch bắt dù chị rất trung kiên. Chị Tuyết B52 phải bỏ ngôi nhà tình nghĩa trống lốc đi làm mướn phiêu bạt nơi nào, chị Võ Thị Phục chưa chết mà người đang sống muốn chị vĩnh viễn chết đi để hưởng yên chính sách liệt sĩ, chị Nguyễn Thị Tuyết Hồng với nghị lực phi thường, vượt qua nỗi bất hạnh với hai đứa con tật nguyền, do bảy lần chị bị phơi nhiễm bởi chất độc màu da cam khi phục vụ và chiến đấu trên tuyến đường 1-C... Nỗi thống khổ của những cựu TNXP bị phơi nhiễm chất độc màu da cam trên tuyến đường 1-C, những bất cập về chính sách dành cho một lực lượng đặc biệt đang hiện hữu sau hơn 40 năm là như vậy đó. Tim tôi thắt lại vì nỗi đau bất lực và tự hỏi: chúng ta có cách nào để chung tay xoa dịu vết thương trong lòng những cựu chiến binh trên tuyến đường lịch sử đã từng dâng hiến tuổi thanh xuân cho ngày toàn thắng của Tổ quốc?! Tôi biết anh còn giấu trong lòng nhiều nỗi buồn, khuẩn khúc của cuộc đời riêng, những mất mát hy sinh sâu thẳm của đồng đội, nỗi đau ẩn sâu trong tâm hồn bị thương tổn và nỗi đau do những mảnh đạn găm vào ở những chỗ khó của cơ thể chưa lấy ra hết được. Đôi mắt anh nhìn tôi, có những khoảng lặng, không thể nói bằng lời. Nhưng rồi với bản tính bộc trực, khẳng khái, anh nhìn thẳng vào mắt tôi, nói: “Tôi biết cô nghĩ gì rồi. Cái thằng Cao Long Phiêu “gan lì”, “chịu chơi” cuối cùng yếu đuối phải không, cũng bỏ cuộc giữa chừng. Rốt cuộc chẳng làm ra cơm cháo gì, gia tài sự sản trống không. Ấy vậy mà tôi lại thanh thản. Thời chiến tranh, tôi đã theo Đảng để chiến đấu hết mình. Hòa bình, tôi theo Chúa để sống trong tình yêu thương con người. Đó cũng là một cách chọn lựa...”. Tôi cũng thẳng thắn hỏi lại anh: “Nếu được chọn lựa, anh có đi lại con đường mình đã chọn?”. Anh đáp, không chút phân vân: “Có. Tôi vẫn dấn thân vào tuyến đường 1-C, cùng chia lửa với đồng đội trong chiến đấu, chia sẻ những gian lao để hoàn thành nhiệm vụ của một người dân khi Tổ quốc cần chúng tôi nơi đầu ngọn sóng. Nhưng tôi tham gia theo kiểu khác, có thể chúng tôi biết lựa chọn, không ấu trĩ, mù quáng làm khổ đồng đội mình; có bản lĩnh, kiên quyết hơn để ngăn đồng đội không chết oan uổng. Nhiều lần giựt mình, chới với lúc nửa đêm, thấy đồng đội hy sinh trước mắt. Những giấc mơ ấy cứ ám ảnh tôi. Có lẽ vì vậy mà tô buông bỏ nhiều thứ. Sau hòa bình, công tác ngành công an. Tôi đối mặt với quá nhiều càm dỗ. Người ta nói cờ đến tay cứ phất. Tôi không thể phất lá cờ tham nhũng, ăn cắp của dân. Ở tuyến đường 1-C, chúng tôi từng vận chuyển những kiện hàng là tiền đô la, là vàng, hàng đắt hiếm. Chúng tôi đặt tên cho loại hàng đó là “Chất độc”. “Chất độc” ngày hòa bình chảy vào từng ngóc ngách sâu kín mỗi con người. Tôi tan nát, ê chề quá, buông tay, ra khỏi ngành”.

Ôi biết đó chỉ là cách nói của anh. Khi nghe tôi thông báo các chị cựu TNXP 1-C nghe tin anh vừa qua cơn nguy kịch giải phẫu lấy miểng pháo ra khỏi lá phổi, các chị đợi đến ngày lãnh lương hùn nhau thuê chuyến xe lên Sài Gòn thăm anh; con người “gan lì”, “chịu chơi” năm xưa quay mặt, giấu đi những giọt nước mắt.

Nguồn Văn nghệ số 29/2021


Có thể bạn quan tâm