March 28, 2024, 6:09 pm

Người của mùa thu năm ấy


 

Năm 1941, trong bài “Kính cáo đồng bào”, Bác Hồ đã viết: “Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: toàn dân đoàn kết. Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại. Cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm...”. Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 là một kết quả rực rỡ của tư tưởng đó. Và trong những ngày thu đẹp nhất của lịch sử dân tộc ấy, có phần đóng góp của những người cộng sản kiên trung mà tôi đã có dịp làm phim về họ.

 

Bản lĩnh Trần Tử Bình

Thiếu tướng Trần Tử Bình tên thật là Phạm Văn Phu, sinh ngày 5/5/1907, trong một gia đình nông dân công giáo nghèo tại thôn Ðồng Chuối, xã Tiêu Ðộng, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Từ một cậu thiếu niên phải sống nương nhờ trong nhà thờ, Chủng viện, ông đã được giác ngộ cách mạng để rồi trở thành người tiên phong trong các phong trào đấu tranh đòi quyền sống của hơn 5.000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng, làm nên một "Phú Riềng đỏ" oai hùng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam.

Sau sự kiện “Phú Riềng đỏ”, Trần Tử Bình bị thực dân Pháp bắt và kết án hai lần. Lần thứ nhất, ông bị đày ra Côn Đảo và lần thứ hai nhận bản án 20 năm tại nhà tù Hỏa Lò. Tại nhà tù Hỏa Lò, cùng Trần Ðăng Ninh, Lê Tất Ðắc..., tối 9/3/1945, Trần Tử Bình tham gia lãnh đạo thành công cuộc vượt ngục của gần 100 tù chính trị. Ðây là cuộc vượt ngục thành công nhất trong lịch sử đấu tranh của tù chính trị Việt Nam trong nhà tù đế quốc.

Tháng 5/1945, ông tham gia Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ và giữ vai trò Ủy viên thường vụ. Khi thời cơ cách mạng đã chín muồi, trước vận mệnh dân tộc, ngày 17/8/1945, tại An toàn khu của Xứ ủy ở làng Vạn Phúc (Hà Ðông), nhân danh Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Trần Tử Bình và Nguyễn Khang quyết định phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ vào ngày chủ nhật 19/8/1945.

Cố đại tá Lê Trọng Nghĩa, nguyên Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội, đã từng chia sẻ với chúng tôi: “Từ Nhà hát Lớn Hà Nội, chúng tôi dẫn đầu đoàn quần chúng ào ạt tiến về Phủ Khâm sai... Tôi, anh Trần Tử Bình, anh Nguyễn Khang và nhiều quần chúng vượt qua cổng sắt, tràn lên đại sảnh và tiến vào Văn phòng Phủ Khâm sai. Nhân danh Ủy ban Quân sự Cách mạng, anh Trần Tử Bình tiến thẳng đến nơi làm việc của Nguyễn Xuân Chữ, người cầm đầu "Ủy ban chính trị" bù nhìn, ra lệnh phải đầu hàng... Từ những ngày cùng bị giam ở Hỏa Lò, anh đã là người đầu tiên dạy tôi rất nhiều về ý thức giai cấp, về tính Đảng, tính tổ chức… Đó là những bài học vô cùng quý giá cho những thanh niên trí thức như tôi khi mới dấn thân vào con đường cách mạng theo Đảng”.

Sau Cách mạng tháng Tám, Trần Tử Bình được cử làm chỉ huy mặt trận Đường số 2 – Sông Lô, đập tan một trong hai gọng kìm của quân Pháp tiến quân lên Việt Bắc hòng bắt giữ cơ quan đầu não kháng chiến. Với những thành tích và chiến công lập được, ngày 20/1/1948, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 112/SL phong hàm Thiếu tướng cho đồng chí Trần Tử Bình. Ông trở thành 1 trong số 11 vị tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và đến năm 2001, Thiếu tướng Trần Tử Bình đã được Đảng và Nhà nước ta truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

 

Từ núi rừng Ba Tơ đến vị tướng trấn giữ biên cương

            Cuốn hồi ký Từ núi rừng Ba Tơ do đại tá, nhà văn Lương Sĩ Cầm chấp bút là một áng văn học sử sinh động về những người du kích Ba Tơ anh hùng trong những năm đầu cách mạng. Truyện kể rằng, ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, lúc này chỉ thị từ Trung ương “Nhật đảo chính Pháp - hành động của chúng ta” tuy chưa vào đến nơi nhưng bằng sự nhạy bén của mình, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi đã quyết định cướp đồn Ba Tơ, giành chính quyền về tay nhân dân Ba Tơ.

   Nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy khởi nghĩa Ba Tơ đã được Tỉnh ủy lâm thời giao cho “Tê Đơ - Phạm Kiệt”. Từ vùng núi Ấn sông Trà Quảng Ngãi, người cộng sản trẻ Phạm Kiệt tham gia tổ chức “Thanh niên cách mạng đồng chí hội” khi chưa đầy 15 tuổi, và  nhanh chóng trưởng thành, trở thành “hạt giống đỏ” của cách mạng Việt Nam. Bị kết án tử hình rồi hạ xuống chung thân, những trận đòn tù dã man tại các nhà lao như Lao Bảo, Buôn Mê Thuột, Ba Tơ… dường như chỉ là ngọn lửa lò tôi rèn thêm bản lĩnh và lý tưởng của người Cộng sản trẻ, tạo nên một ngọn đuốc sáng trong những ngày cả nước vùng lên giành độc lập. Mật danh “Tê Đơ” cũng là một cái tên được đặt trong những tháng ngày hoạt động cách mạng sôi nổi ấy.

Chiều 11/3/1945, khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra. Phạm Kiệt cùng với các đồng chí lãnh đạo lâm thời tỉnh ủy Quảng Ngãi đã phát động quần chúng nhân dân tổ chức hai cuộc mít tinh lớn tại sân vận động Ba Tơ sau đó là cuộc biểu tình tuần hành thị uy kéo đến đồn Ba Tơ. Suốt một đêm dài giằng co, đấu trí với địch quần chúng cách mạng đã chiếm đồn Ba Tơ, bắt tất cả sỹ quan và quân lính trong đồn, thu 17 khầu súng, 1 5 thùng đạn và giải tán chính quyền phản động, giành thắng lợi hoàn toàn mà không hề đổ máu, hy sinh một ai.

            Sáng 13/3/1945, Đội du kích Ba Tơ chính thức được thành lập, có tổ chức mít tinh trước đông đảo quần chúng nhân dân, đồng bào các dân tộc ít người trong vùng Ba Tơ. “Tê Đơ - Phạm Kiệt” được Tỉnh ủy giao làm chỉ huy trưởng Đội du kích Ba Tơ. Tại đây, Chỉ huy trưởng Phạm Kiệt đã tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân, kêu gọi nhân dân đoàn kết, quyết tâm chiến đấu bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá rất cao thắng lợi này, coi đó là một điển hình tiên phong táo bạo, một bài học kinh nghiệm lớn về chiến tranh nhân dân. Khởi nghĩa Ba Tơ đã mở đầu cho truyền thống đánh thắng trận đầu, tạo nên tinh thần “quyết chiến quyết thắng” của quân đội ta, của lực lượng vũ trang nhân dân ta.

         Từ thắng lợi vẻ vang đó, đội du kích Ba Tơ đã tỏa đi khắp các miền quê Quảng Ngải, tạo lập nên nhiều chiến khu và căn cứ vững chắc, trở thành lực lượng nòng cốt cùng chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám sớm nhất cả nước. Sau Cách mạng Tháng 8, quân du kích Ba Tơ lan tỏa đi khắp liên khu V và Nam Bộ và trở thành một trong những lực lượng nòng cốt, tiền thân của lực lượng vũ trang Việt Nam. Chỉ huy trưởng Phạm Kiệt sau này trở thành Trung tướng, thứ trưởng Bộ Công an kiêm Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, một lực lượng của những chiến sĩ mang quân hàm xanh có nhiệm vụ bảo vệ vẹn toàn bờ cõi biên cương Tổ quốc. Năm 2012, Trung tướng Phạm Kiệt được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.  

 

Song Hào, nhà chính trị xuất sắc của quân đội

Tham gia hoạt động trong Phong trào Mặt trận bình dân tại quê hương Nam Định từ khi còn rất trẻ, tháng 3 năm 1939, Song Hào được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Bị thực dân Pháp bắt giam và kết án 7 năm tù và bị tra tấn, di lí đi nhiều nơi, song mỗi một phòng giam cũng chính là giảng đường để  người con thành Nam ấy tổ chức cho anh em tù chính trị học tập lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, xây dựng các chi bộ Đảng trong nhà tù. 

Năm 1944, Song Hào vượt ngục thành công và trở về hoạt động cách mạng tại chiến khu Việt Bắc. Với cương vị là Bí thư phân khu ủy Nguyễn Huệ, ngay từ tháng 3/1945, ông đã cùng với phân khu ủy nhanh chóng chớp thời cơ, quyết định phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa Thanh La (Sơn Dương - Tuyên Quang) giành chính quyền thành công. Đêm 10/3/1945, lực lượng vũ trang cách mạng khu ủy Nguyễn Huệ đã mau lẹ đột nhập các mục tiêu theo kế hoạch, tước vũ khí của bọn lính dõng bảo vệ và bắt bọn tổng lý giao nộp súng ống, triện đồng cho nhân dân. Ngay trong đêm, chính quyền nhân dân xã được thành lập.

Theo TS. Dương Minh Huệ, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khởi nghĩa Thanh La có ý nghĩa lan tỏa lớn với cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám giành chính quyền sau đó. Tháng 5/1945, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã từ Pác Bó - Cao Bằng về Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang để trực tiếp lãnh đạo cao trào Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 giành thắng lợi vẻ vang, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đồng chí Song Hào được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng trong những ngày khởi nghĩa, trong đó có nhiệm vụ phụ trách củng cố tổ chức đảng tại các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, tổ chức lại các đơn vị chiến đấu và tổ chức tiêu diệt thổ phỉ cùng thám báo Pháp, bảo vệ chính quyền cách mạng vừa mới ra đời.

Qua mỗi mùa chiến dịch, trí tuệ, bản lĩnh của người cộng sản Song Hào càng được tôi luyện. Năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 09/SL, bổ nhiệm Song Hào giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, mang quân hàm Thượng tướng. Với bản lĩnh của một người cộng sản, với tầm nhìn của một người đứng đầu chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị của Quân đội Nhân dân Việt Nam, có thế nói, vai trò của Thượng tướng Song Hào được ghi nhận trong nhiều chiến dịch quan trọng của quân đội ta những năm chống Mỹ như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Năm 1977, Thượng tướng Song Hào được chuyển sang làm Trưởng ban kiểm tra Trung ương, rồi Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Khi ông đến tuổi nghỉ hưu thì cũng là lúc Hội Cựu chiến binh Việt Nam được thành lập, Thượng tướng Song Hào lại được phân công làm Chủ tịch lâm thời.  

Cống hiến của Thượng tướng Song Hào đối với cách mạng Việt Nam và sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam là điều không thể phủ nhận. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay, những kinh nghiệm lãnh đạo về chính trị, quân sự của Thượng tướng Song Hào vẫn là tấm gương tham chiếu của quân đội ta nói chung và ngành chính trị quân đội nói riêng. 

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2019


Có thể bạn quan tâm