April 25, 2024, 8:54 am

Người có cung nô bộc đắc địa

Dịch giả Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Hà Tĩnh, mất ngày 22 tháng 11 năm 2020 tại Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Quốc gia Voronezh ở Liên Xô, ông giảng dạy văn học Nga tại Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi làm biên tập viên Nhà xuất bản Lao Động. Từng là Ủy viên Hội đồng văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam, phó tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài. Năm 1999, ông sáng lập Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây. Đoàn Tử Huyến đã dịch và biên soạn khoảng 40 đầu sách, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng của văn học Nga và thế giới.

Nhân dịp 100 ngày mất của dịch giả, Văn nghệ xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng về ông.

Dịch giả Đoàn Tử Huyến (trái) và tác giả

Tôi kết giao với rất nhiều anh em từng học ở Đại học Quốc gia Voronezh, Liên bang Nga, từ những người thế hệ trước như các anh Đào Trí Úc, Hoàng Thế Vệ, Bùi Khắc Bút…đến những anh em khóa đầu những năm 70 như Lê Văn Nhân, Phùng Trọng Toản, Nguyễn Xuân Hồng… Phải thừa nhận rằng những sinh viên Việt Nam được đào tạo về khoa học xã hội ở Voronezh, một tỉnh nhỏ nằm cách Moskva chừng 500 km về phía Nam, khi về nước đều trở thành những nhà ngoại giao, nhà khoa học, nhà giáo, dịch giả… có trình độ chuyên môn rất cao. Trong số những người tài năng đó, có thể nói, Đoàn Tử Huyến là nhân vật đặc biệt. Anh là dịch giả tiếng Nga siêu hạng, là người khởi đầu thành lập mô hình văn hóa tại Thủ đô- cafe sách rất nổi tiếng: “Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây”.

Vào những năm 80, tôi và anh Đoàn Tử Huyến chỉ quen biết  nhau qua việc trao đổi, giao lưu văn học Nga tại một vài hiệu sách và quán trà hè phố - những địa điểm hội ngộ lý tưởng của thời bao cấp. Nhưng từ năm 1982, chúng tôi thân thiết với nhau hơn. Ít thư từ, ít gặp nhau, ít bù khú, nhưng chúng tôi quan tâm về nhau qua các sự kiện văn học, chuyển cho nhau những tờ báo hiếm hoi về thời đổi mới ở nước Nga. Những ý tưởng về việc in ấn, xuất bản, phổ biến văn học và mô hình cafe sách sau này, cũng manh nha trong anh từ những năm tháng ấy.

Đoàn Tử Huyến là một người bạn, một dịch giả mà tôi hết lòng ngưỡng mộ. Tôi kinh ngạc trước sức lao động kiên trì, bền bỉ khi nhìn lại trong vòng gần ba chục năm, anh lần lượt trình làng hơn 20 tiểu thuyết Nga nặng ký do anh dịch như: Tiếng gọi vĩnh cửu, Kỳ lạ thế cuộc đời này, Nguyệt thực, Trò chơi, Trái tim chó, Nghệ nhân và Margarita... Là tín đồ trong lĩnh vực nghiên cứu văn học Nga, tôi thật sự khâm phục tài năng và lòng dũng cảm vô bờ bến của anh khi anh bắt tay vào dịch tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bulgakov, cuốn sách mà những chuyên gia tiếng Nga cao tay ở nước Việt coi là “khó nhằn” nhất. Nghệ nhân và Margarita dày khoảng 800 trang gồm 506 nhân vật vừa hữu danh vừa vô danh; hiện thực và huyễn tưởng, pha trộn với nhau trong một bối cảnh phức tạp, mang tính triết học sâu sắc, rất kén người đọc. Đoàn Tử Huyến đã phải lao tâm khổ tứ, phải vật lộn, phải “khai thác hàng ngàn cân quặng chữ” mới có một bản dịch hoàn hảo; thành công này xứng đáng với trình độ và sức lao động bền bỉ của anh.

Tôi cũng chỉ là một trong cộng đồng bạn bè đông đảo của anh khắp cả nước, nhưng anh dành cho tôi một tình cảm vừa mang tính anh em, vừa mang tính bằng hữu. Mười hai lần tôi tổ chức ra mắt sách tại Hà Nội trong vòng hơn hai chục năm qua, thì duy nhất chỉ một lần Đoàn tử Huyến vắng mặt. Anh thích đứng một góc lặng lẽ, làm theo ý mình, hoặc là chụp ảnh, hoặc là cùng ai đó trao đổi chuyện riêng. Anh dị ứng với việc đăng đàn, hay xuất hiện trước đám đông tranh biện. Nhưng trong các cuộc gặp gỡ riêng tư, thì anh chẳng ngại ngần gì mà không thể hiện thoải mái các ý kiến riêng hay tiết lộ các câu chuyện thâm cung, bí sử. Anh sở hữu một vốn kiến thức dồi dào, đủ dùng cho mọi cảnh huống và một kho tư liệu phong phú về đời tư của bao nhân vật xa gần, vấn đề ở chỗ anh có thích nói hay không, và nói với ai thôi.

Tôi không rành về tử vi, nhưng tôi tin chắc rằng cung nô bộc của Đoàn Tử Huyến rất đắc địa. Anh có rất nhiều bạn, lắm bè, và ai cũng dành cho anh một sự quý mến không giải thích nổi. Có khi là do sự nể phục danh tiếng; có khi là do sự tận tình của anh; cũng có khi là tính xuề xòa, dễ dãi của anh, ít khi câu nệ, làm người ta rất dễ gần và xóa đi ngăn cách. Ai tiếp xúc với anh cũng đều nhận ra một tấm lòng nhân hậu, một trí tuệ sắc sảo và một tâm hồn thanh khiết giấu kín sau dáng vẻ bụi bặm bề ngoài, sau bộ tóc râu cẩu thả, lười chăm chút của anh. Anh thích rượu, nhất là vodka Nga và cá khô vovla - đặc sản của Nga mà các đệ tử lưu linh sùng bái. Mọi cuộc nhậu, nếu có loại cá khô này, anh là người thu dọn cuối cùng, không bỏ sót bất cứ một mẩu nào, bất kể đuôi, đầu, “bởi vì các ông không hiểu hết cái ngon của nó”, anh nói. Vì thế mỗi lần về nước, bất luận quá cước thế nào, thì tôi cũng phải mang rượu và cá cho anh.

Anh và tôi ít khi đi xa, chỉ quanh quẩn ở Hà Nội, cùng lắm là ra ngoại ô, đến các quán quen ngồi nhẵn cả ghế với những người bạn quen tới mức rành khẩu vị của nhau. Một chủ nhật tháng 8 năm 2014, anh rủ tôi và dịch giả Thái Bá Tân cùng lên thăm nhà thông gia của anh ở Sơn Tây. Do kế hoạch đi câu cá hôm đó không thực hiện được, nên chúng tôi cùng ông thông gia của anh ngồi đàm đạo, đi thăm làng, và ăn trưa. Hôm đó, lần đầu tiên tôi thấy Đoàn Tử Huyến không còn là một lãng tử Thủ đô nữa, anh vào vai một nho sĩ điềm đạm, mực thước, trịnh trọng tiếp chuyện các bậc cao niên trong xóm mạc.

Hằng ngày, cứ khoảng sau mười rưỡi sáng, qua Trung tâm Đông Tây mới có thể gặp anh. Anh dậy muộn, túc tắc đi từ nhà đến Trung tâm mất chừng mươi phút. Khách đến nườm nượp, người ngồi đọc sách, người uống trà, tôi nói đùa, “mỗi ngày ông phải bắt tay không dưới hai trăm lượt”. Anh bảo, cũng gần gần con số ấy! Mô hình văn hóa Đông Tây, cafe sách của anh trong bối cảnh văn hóa nghe, nhìn đang lên ngôi và lấn lướt văn hóa đọc, là một hình thức rất sáng tạo. Anh đã góp phần mở ra không gian cho những người yêu sách; kiến lập các cuộc giao lưu văn hóa trong nước, ngoài nước đối với những người làm văn học; giúp cho sinh viên nghèo, ham học, có chỗ ngồi, có sách đọc.

Như một bà đỡ mát tay, Đoàn Tử Huyến lo in cho tôi sáu tập thơ và một tập truyện ngắn. Tôi phó thác bản thảo cho anh, còn từ các khâu chế bản, trình bày, xin giấy phép xuất bản, in ấn… đều do anh lo liệu. Tôi chỉ có mỗi việc báo địa chỉ của tôi để nhà in chở sách đến mà thôi. Anh làm sách có nghề, thận trọng, tỉ mẩn soi từng câu chữ, góp ý chân thành và thẳng thắn, phê bình một cách nhẹ nhàng, nhưng cương quyết.

*

Cuối năm 2011, tôi cùng với Đoàn Tử Huyến, PGS Anatoly Sokolov, Lê Văn Nhân cùng bắt tay dịch quyển Nhật ký Đặng Thùy Trâm sang tiếng Nga. Cả ba chúng tôi đều là dân xứ Nghệ, nhưng phẩm chất ông đồ, có lẽ chỉ đọng lại ở Đoàn Tử Huyến. Không hài lòng với một từ nào là anh quyết tra tìm đến tận nguồn cội, bao giờ đạt được mới thôi. Cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm được các cựu chiến binh và chuyên gia quân sự Nga từng công tác ở Việt Nam trong những năm chống Mỹ đón nhận một cách nồng nhiệt. Trong thâm tâm, tôi cảm ơn các anh Lê Văn Nhân, Đoàn Tử Huyến, Sokolov đã cật lực làm việc để tập sách ra mắt kịp thời đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ.

Đầu năm 2014, để chuẩn bị kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du, chúng tôi cùng Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi, một cây đại thụ trong làng tiếng Nga, dịch giả Đoàn Tử Huyến, PGS Anatoly Sokolov và nhà thơ Vasily Popov bắt tay vào dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Nga. Chúng tôi phối hợp một cách nhịp nhàng, hoàn thành các công đoạn như một dây chuyền sản xuất. Gần một năm rưỡi lao động miệt mài, cuốn Truyện Kiều bằng tiếng Nga đã ra mắt độc giả, được in ra lần đầu với số lượng 5000 bản… Như vậy, sau hai bản dịch dang dở trước đây của các dịch giả Nga, thì công trình tập thể của chúng tôi là bản dịch đầu tiên hoàn chỉnh nhất, được các bạn Nga, nhất là các nhà nghiên cứu văn học phương Đông, rất hoan nghênh. Buổi lễ ra mắt Truyện Kiều được tổ chức trang trọng tại Hội trường lớn của Hội Hữu nghị Nga - Việt. Chúng tôi đã mời đông đảo các nhà nghiên cứu văn học, những nhà phương Đông học, các sinh viên, nghiên cứu sinh, các phóng viên báo, đài và lãnh đạo Sứ quán, các tổ chức xã hội Nga tham dự.

Vào dịp Tết năm 2016, Đoàn Tử Huyến bị bạo bệnh, qua thông tin của bạn bè, tôi biết anh mê man trong phòng mổ và sức khỏe tiên lượng xấu. Nhưng anh đã hồi phục một cách kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Năm tháng sau, gặp anh ngay sau khi anh rời bệnh viện chưa được bao lâu, mặc dù anh còn gầy gò, nhưng bắt gặp ánh mắt và nụ cười tươi tắn của anh, tôi quá đỗi vui mừng vì nghĩ rằng anh đã trở về ngoạn mục từ cõi vô vọng. Nhưng đau lòng biết bao, khi một trí tuệ mẫn tiệp như anh mà không gọi nổi tên một người bạn, mặc dù trong thẳm sâu anh vẫn biết, vẫn nhận ra tất cả!

Lần về nước gần đây nhất, vào dịp Tết năm 2020, tôi cùng với TS Trần Anh Tuấn, giảng viên Đại học Giáo dục, có ghé thăm Đoàn Tử Huyến. Tôi rất mừng vì nom anh phong độ, tươi tỉnh hẳn ra so với lần trước; và mừng hơn nữa, anh mặc vừa như in chiếc áo comple tôi tặng anh. Anh mở máy tính cho tôi xem các files ảnh anh chụp, lôi ra bao nhiêu ảnh của tôi trong máy. Khi ra về, anh chậm rãi bước xuống cầu thang tiễn tôi và Tuấn, chụp chung với nhau mấy kiểu ảnh xong, anh tựa cửa đứng mãi cho đến khi chúng tôi ra tận đường lớn anh vẫn chưa vào…

Có ngờ đâu, đó là lần cuối cùng, rồi chúng tôi vĩnh viễn xa nhau.

Moskva, 5/2/2021

Nguồn Văn nghệ số 9/2021


Có thể bạn quan tâm