April 23, 2024, 8:32 pm

Người chép lại chuyện cổ tích làng mình

“Một ngày nọ trong tôi bỗng nảy sinh ý nghĩ kể lại những chuyện từng xảy ra trong thời thơ ấu của chúng tôi và thế là Ngày ấy ở Yên Trung ra đời”. Ngô Xuân Hội bộc bạch. Vâng, không chỉ là Ngô Xuân Hội. Rất nhiều người trong chúng ta, nhất là các nhà văn nhà thơ cũng đã nhiều lần nghĩ như thế. Viết một cuốn sách về tuổi thơ mình, quê hương mình. Nhưng làm được thì lại không hề dễ. Trước hết là phải vượt qua được rào cản, phản ứng từ phía người đọc. Xã hội đang có những biến động rất phức tạp và sôi động. Một món quà từ quá khứ? Sẽ không phải không có người phủi tay: Ôi giời, chuyện đã qua rồi thì cho qua đi, bận lòng chi với mấy cái kỉ niệm cũ rích. Nhà văn phải là tấm gương phản chiếu thực tế thời đại. Để tâm mà viết về những điều đang xảy ra , những điều đang nóng hổi tính thời sự nè... Đó là một thực tế. Nhưng cũng vẫn có những thực tế khác. Với cũng không ít người, quá khứ luôn là một kỉ niệm đẹp, một viên ngọc quý trong cuộc đời. Nhưng thời gian qua đi không bao giờ trở lại. Những ngày xưa thân ái vẫn cứ trôi, trôi, lùi dần vào tấm màn sương mù quá khứ. Người ta thiết tha có được một tấm vé trên con tàu trở về với tuổi thơ. Các nhà văn nắm bắt được nhu cầu này từ phía độc giả nhưng đáp ứng được không hề dễ. Để làm ra được những con tàu, chỉ chở tuổi thơ mình thôi cũng đã khó. Nó cần đến rất nhiều sự hóa thân, rất nhiều sự nhớ. Cùng đó là những chọn lọc trong đống kỉ niệm của quá vãng để đưa ra làm những kỉ niệm khả dĩ gây nên những đụng chạm, ấn tượng hay chí ít là cảm thông, chia sẻ từ người đọc. Ngô Xuân Hội hẳn biết những điều đó. Và bằng tài năng, bằng trách nhiệm cùng tình cảm sâu nặng dành cho tuổi thơ và quê hương mình, anh đã chọn lựa.

 

Ngày ấy ở Yên Trung của Ngô Xuân Hội xác thực là một tiểu thuyết tự truyện. Truyện của Ngô Xuân Hội là truyện về cuộc đời thực của anh. Đây là những câu chuyện thật của một con người thật, của một miền đất thật. Bằng giọng văn hóm hỉnh, chân mộc, giản dị, Ngô Xuân Hội làm cho ta có cảm giác thấy có gì đó giống như một chiều từ đồng vè nhà, chưa kịp cổi chiếc áo còn đãm mồ hôi, chân còn chưa kịp rửa đi những vệt bùn bám trên bắp ta đã nghe tiếng anh ới. Và rồi trên bậc thềm hiên  đất nện, cạnh bát nước chè xanh còn bốc khói, sau khi đẩy cho ta chiếc chổi rơm ngồi tạm, sau cái vỗ vai bạn bầu anh bắt đầu: Hôm qua... Hồi nãy... Mới đây... và tiếp những câu ề à, mộc mạc, chậm rãi ấy, những ông Cát Uyên, ông Hào, bà Lành,... thằng Phàn, thằng Đại, thằng Đảo, cái Linh.... cứ lững thững mà bước ra, hiện hữu, chân thật đến tưởng như ta có thể ngửi thấy cả mùi khét trên mái tóc cháy nắng của họ...

Cố Cuốn đang ngồi bán hàng. Cố bán hàng tại nhà. Nhà của cố là một gian trong ngôi nhà ngói năm gian to cao rộng rãi, với những bức tường gạch, những cây cột gỗ lim mà tôi dù có vươn tay hết cỡ cũng không ôm khít. Ngôi nhà ấy nguyên là của cố Bang bố vợ ông Chắt Uổn, một cự phú trong làng. Năm Cải cách ruộng đất cố Bang bị quy địa chủ, tài sản bị tịch thu chia cho dân nghèo, những hộ thuộc loại chuội rễ của cách mạng. Bọn trẻ con trong làng nhiều đứa mắt bị mụt lẹo và chúng tin rằng cứ đến gặp Cố, hét to “ Mụt lẹo đéo cố Cuốn” là lẹo tự dưng biến mất.

Thằng Phùng Lô con nhà Hương Lô. Để lấp đầy cái dạ dày như thùng không đáy của mình, nó cho đủ thứ vào miệng. Nhớ lần đi chăn trâu, không hiểu Phùng kiếm đâu được một bánh khô dầu, thứ người ta vẫn dùng để nuôi lợn, tròn, to như cái thớt, chung quanh còn dính những cọng rơm ăn, xong xuống sông uống nước. Trong bụng Phùng, khô dầu gặp nước trương nở, làm cái bụng trở nên to lặc lè. Phùng ôm bụng nằm rên... Phùng bảo tôi:

- Khi mô anh Chắt Phú nhà tau chết, giỗ tau cho mi xôi.

Có lẽ chỉ trẻ con mới có cách nói như vậy. Nghe mà xót xa.

Rồi “lạc Trung ương đem xuất khẩu để đổi lấy máy móc thiết bị về xây dựng đất nước. Ăn kẹo lạc, kẹo mè xửng hay bất cứ một thứ bánh kẹo gì có lạc, kể bằng ăn gang thép vậy”. Chính vì Người lớn ở xã đã dặn thế nên  khi được bạn cho miếng Mè xửng, thằng Đảo vội cầm miếng kẹo nhai ngấu nghiến vì sợ bị quy tội ăn gang thép.

Trẻ tắm sông. Leo lên cây sung sai chi chít quả rồi gieo mình bông nhông xuống nước. Đàn ông con trai bắt cá cào hến. Đàn bà con gái bắt cá dọc sông. Trẻ con rủ nhau đi đặt bẫy bắt chim cò, hối nhau bơi qua sông sang bãi của làng bên trộm ngô hay chui vườn hàng xóm trộm ổi. Chán thì tụ nhau thành từng băng, từng đảng cạy đất ném nhau, lôi cả tông ti họ hàng nhau ra mà chửi. Chửi chỉ để cho vui, cho đời đỡ tẻ, chẳng vì thù oán chi chi. 

Cũng có khi là làm việc giúp cha mẹ. Gom rơm nhồi với bùn trát vách tường, làm thức ăn dự trữ cho trâu bò mùa rét, làm nùi xin lửa về nhóm bếp khi bếp nhà mình nguội lửa, rơm còn có tác dụng chống rét.

Rồi đến lớp. Có lẽ đây là công việc chán nhất với bọn trẻ. Nhưng chán vẫn phải làm. Muốn thành ngườì tử tế sau này thì phải học. Đảo nhà nghèo. Cơm đựng trong rá, bốn cha con cởi trần ngồi bốn bên. Không ai gắp cho ai, không ai xới cơm giúp ai. Vá đấy, muôi đấy chẳng ai dùng. Hết lượt cha cũng như con vục chén vào rá cơm xúc lên một chén cơm đầy ụ, lại nghiêng cả tô canh lớn đổ canh vào chén cơm rồi và, rồi húp soàn soạt, soàn soạt. Cha, con người nào người ấy mồ hôi tuôn ròng như những trái mây chín. ...Vậy mà Đảo là cậu học trò học giỏi nhất nhì trường. Cha Đảo, ông Chắt Uyên là một người tuyệt vời. Ông là Túi khôn, là Thần đỏ mỏ. Ông như một cuốn từ điển sống của làng, có tài đan lát và đặc biệt kể chuyện ma. Lần ngào ngồi nghe ông kể chuyện ma, bọn trẻ nhiều đứa đều són ra ướt hết đũng quần mà vẫn cứ mê, cứ không thể dứt ra được. Nhưng ông cũng là người trượng nghĩa và giàu lòng nhân ái. Dù không phải nhưng ông vẫn đứng ra nhận mình là tác giả của cái thai trong bụng bà Lam vợ liệt sỹ, tự gánh mọi chê cười để bà Lam khỏi bị gọt đầu bôi vôi thả cho trôi sông theo lệ làng.

Và cái làng Yên Trung. Có gì giống như một trại lính. Ông Uôn, ông Lợi Bường, ông Châu Chang, ả Yên Tùy, chị Thu, anh Chắt Phú... nhiều, nhiều lắm những người dân nghèo khác. Không thể liệt kê ra hết những nhân vật nhà quê của một vùng quê nghèo. Bởi họ đều giống nhau như những cục đất trên nền ruộng hạn: xù xì, nham nhở và chất phác. Họ có thân phận thấp bé. Làm những nghề nhỏ nhoi kiếm sống. Cũng không thể điểm cho hết những khó khăn, tủi nhục, những cơn bão đã tràn qua cuộc đời họ. Cải cách ruộng đất. Phong trào Hợp tác xã. Cách quản lí của chính quyền bên cạnh những hủ tục, những ràng buộc. Và nổi trội hơn, dữ dằn hơn là cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ đánh vào miền bắc, cuộc chiến khốc liệt ở miền nam. Tất cả tạo thành một vành kim cô vô hình trói chặt và đè nặng lên người nông dân vốn nhỏ nhoi như cỏ....

Và có một điều đặc biệt thú vị: Xuyên suốt toàn bộ câu chuyện, với từng trang, từng hồi, từng phân đoạn nhỏ, nếu chỉ cần thêm vào đầu mỗi phần câu: Ngày xửa ngày xưa... thì lập tức sẽ có nhiều người tưởng đang đọc một cuốn truyện cổ tích dài. Nhiều trò chơi dân dã, nhiều nghề thủ công, phương pháp kiếm sống của những người dân lam lũ của một vùng quê nghèo được ông ghi lại. Nhiều trang tả cảnh rõ và sống động như một cuốn phim. Điều này rất quý.

Có thể mai này, một cậu bé, cô bé nào đó sẽ níu áo hỏi mẹ: Mẹ ơi, nhà tranh vách đất là gì, áo tầm nóp là áo gì. Con nghé đang chờ vực là con gì. Đào Trọ gạy, thả trúm là gì? Rau tập tàng là rau gì? Vụ giáp hạt là sao? Gộc chuối và thân cây đu đủ mà cũng ăn được ha mẹ???... Nghe bé hỏi, nhiều ông bố bà mẹ thời @ sẽ ngẩn mặt ra, lục tìm trong kí ức và sẽ sàng: Ngày xửa ngày xưa... Và từ đó những kỉ niệm sẽ ào về. Họ sẽ thì thầm kể lại cho con. Có thể sẽ không tường tận được bởi chính họ  cũng đã quên. Vậy thì những trang sách sẽ giúp .

Hoặc giả cũng có thể một cậu thanh niên sau khi móc ví trả tới tiền triệu cho một đĩa ốc hấp lá sả trong một nhà hàng sang trọng đã ghé tai cô bạn đời tương lai: Cái ni mà kêu đặc sản?! Mai mốt anh đưa em về quê anh, Mạ ra sông một lúc là có cả rổ, em ăn thoải mái luôn. Cô gái sẽ ngước nhìn chàng trai với ánh mắt vừa tò mò ngạc nhiên vừa chứa chan hy vọng.

Không chỉ là ghi lại những sự vật sự việc để lưu giữ, mỗi trang sách còn luôn chứa luôn được gắn với những con người cụ thể và qua đó thể hiện cái tình, cái chất người ấm áp và thân thiện. Đang có đấy trong truyện những cảnh, những người mà với xã hội hiện đại bây giờ đã trở thành xa lạ. Và cũng đang có đó những thân phận thấp hèn đêm đêm mơ được một bữa cơm không độn khoai mì. Có những cậu bé trong lửa đạn bỗng vươn mình thành chàng trai Phù Đổng. Và giữa đời thường vẫn có đó những ông bụt ông tiên bất ngờ hiện ra dưới tấm áo khoác rách sờn, hàng ngày còng lưng đan thúng mủng, lần hồi kiếm ăn giữa chợ đời một ngày kia gặp cảnh người con gái đang gặp cơn nguy nan vụt biến thành chàng hoàng tử đưa tay cứu giúp. Một cái nhìn luôn có hậu của cổ tích.

Mỗi trang sách ngoài việc trở thành một kỉ niệm, một lưu giữ cho mai sau còn là một nhắn gửi, khuyến khích và ngợi ca cùng sự củng cố lòng tin vào cái đẹp trong con người. Con người trong truyện của Ngô Xuân Hội dù chính diện hay phản diện đều luôn có một cái gì đó lấp lánh, sự lấp lánh của NHÂN BẢN.

*

Không đao to búa lớn. Không lên giọng thuyết giáo răn dạy. Cũng chẳng cường điệu. Toàn những chuyện trong làng ngoài ngõ mà hình như hồi nào ta đã từng nghe. Toàn những gương mặt mà một thời ta đã gặp, đã quen, chỉ khác về tên tuổi. Mỗi nhân vật, mỗi số phận là một mụn vá trên chiếc áo của người nghèo những năm đói rách. Vậy mà cuốn hút. Vậy mà đã cầm cuốn sách lên đọc dù chỉ mấy trang đầu đã thấy không thể dứt ra được.

Đọc Ngô Xuân Hội ta thấy anh có vốn sống rất phong phú, có sự am hiểu rất rộng, có tình cảm rất sâu nặng với nông dân và nông thôn, đặc biệt là những đứa trẻ nông thôn của vùng Nghệ An quê anh những năm đầu 60 thế kỉ trước. Và trên tư cách nhà văn, anh không sáng tác mà chỉ đơn thuần khiêm tốn đóng vai một người đang kể lại, ghi chép lại chuyện cổ tích của làng mình.

Ngày ấy ở Yên Trung - Sẽ có người cẩn thận lục tìm trong kí ức, tra địa lí, thậm chí gõ Google để truy tìm xem ngày ấy là thời gian nào, Yên Trung là ở đâu... Nhưng chỉ cần đọc qua vài trang là những băn khoăn kia sẽ biến mất.  Ngôn ngữ vùng miền với mức độ chọn lọc vừa phải được đặt đúng lúc đúng chỗ đã làm tăng thêm chất đặc thù của truyện. Người ta đọc và nhận ra ngay con người và vùng đất ấy mà không cần giới thiệu chi nhiều. Và nhiều người sẽ ngộ ra rằng... Yên Trung ấy chính là quê mình. Ngày ấy là ngày của tuổi thơ mình. Cuốn sách đã tạo nên một gắn kết, một va chạm. Những tiếng lanh canh của chuông gió sẽ ngân lên trong một bản giao hưởng u trầm về làng quê, về tuổi thơ và kỉ niệm. Và có phải chăng đây chính là chất keo dính tuyệt vời mà một cuốn tự truyện mang lại.

Truyện của Ngô Xuân Hội, với trên 200 trang in, Tạp chí Nhà văn – Hội Nhà văn Việt Nam, số 1/2013 đã trích in chương 22. Bà Lam. Sau đó Tháng 7 – 8/2019 Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm – Hội Nhà văn Việt Nam số 36 in trọn lần đầu khi viết xong. Cũng thời gian này  NXB Phụ Nữ đã in thành sách. Nhưng chỉ nửa năm sau, tháng 4 năm 2020 Ngô Xuân Hội lại dỡ tung cuốn sách ra viết lại và bổ xung đến gần 1/3 cuốn. Chỉ thoáng qua vài dòng tư liệu vậy cũng thấy sự lao động cự kì nghiêm túc của anh. Với cuốn sách viết cho tuổi thơ mình, về quê hương  anh luôn mong có được một trọn vẹn và dâng hiến hết mình.

Nguồn Văn nghệ số 41/2022


Có thể bạn quan tâm