April 23, 2024, 9:10 pm

Người cận vệ của vua Hàm Nghi

 

Một người dưới xuôi thường lên xuống các bản làng dân tộc thiểu số bán muối và mua các sản vật của rừng. Người ấy cũng đã có vài lần đến bản ông, một bản làng tận rừng sâu heo hút trên dãy Trường Sơn, nơi thượng nguồn sông Long Đại, sông Nhật Lệ, sát biên giới với nước Lào nói: Nước mình đã độc lập, không còn bị người Pháp đô hộ nữa. Ông mừng hơn ai hết trong bản làng chỉ mươi lăm nóc nhà sàn này. Từng là một nghĩa binh, bảo vệ vua Hàm Nghi, bị giặc Pháp đánh bại, ông cùng với mấy anh em nghĩa binh không chịu đầu hàng đã lẩn trốn về nơi đây. Suốt cả một đời người uất hận, mòn mỏi đến lúc tuổi đã ngoài tám mươi như cái cây già đi hết vòng đời xanh tươi không còn hy vọng gì lại được thấy đất nước độc lập tự do! Chuyện trọng đại, quá bất ngờ làm cho ông đêm nay trằn trọc, không sao ngủ được. Ra hàng hiên, ông ngậm cái tẩu thuốc dài bằng gỗ mun đen đã lên nước, bóng loáng. Chốc chốc đầu tẩu đốm lửa nhỏ lóe lên trông rõ nếp nhăn, da mốc thếch trên khuôn mặt của một con người dày dạn, rắn rỏi chốn rừng xanh và đôi mắt bừng sáng lên một sức sống mãnh liệt như không biết thời gian, tuổi tác. Ông nhìn bóng núi chập chùng, không gian mênh mông trong vắt tinh khiết đến lạ thường. Ánh trăng thu rải vàng trên những mỏm núi xanh ngắt vời vợi. Đôi làn gió nhẹ vỗ về xao động mái tóc bạc trắng ngang vai của ông như làn mây chiều sau mưa. Bao ký ức trào dậy trong lòng ông những tháng ngày của cuộc đời tưởng mọi việc vừa mới xảy ra...

Hơn năm mươi bảy năm về trước, đêm 26  tháng 9 năm 1888, ở Chà Mạc miền thượng Tuyên Hóa, giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh núi rừng thâm u hiểm trở. Đêm đó thật khủng khiếp. Tên Hiệp quản Trương Quang Ngọc hộ giá vua Hàm Nghi phản bội. Hắn bí mật dẫn quân Mường có quân Pháp yểm trợ vào tận nơi nhà vua ngủ. Nhát kiếm của Tôn Thất Thiệp, con trai của chủ tướng Tôn Thất Thuyết vung lên, chưa kịp bổ vào đầu tên Ngọc thì bị nhiều phát súng của giặc bắn gục. Ông cùng hàng chục lính cận vệ vung gươm chống trả để bảo vệ vua cùng ngã xuống chung quanh lán trại nhà vua. Ông cũng bị một viên đạn găm vào đùi, ông lăn xuống vực núi, quơ quạng hái một nắm lá rịt vết thương cầm máu. Hồi ấy ông mới ngoài hai mươi tuổi, sức vóc cường tráng, giỏi côn quyền, trước đứng trong nghĩa binh của Vệ úy Hoàng Phúc. Khi Vệ úy Hoàng Phúc đang hoạt động vùng Quảng Bình, Quảng Trị nghe Hịch Cần Vương đã hội quân phò vua từ Tân Sở, Quảng Trị ra miền thượng Quảng Bình. Từ đấy, ông được sung vào đội cận vệ của vua. Qua một đêm đánh phá của bọn Trương Quang Ngọc và quân Pháp, căn cứ của triều đình tan nát. Toàn bộ vua tôi, số bị bắt, số tử trận. Một số ít binh sĩ thoát nạn, không chịu đầu hàng, họ trốn vào rừng rậm, trong đó có ông. Hôm sau, họ tụ tập tại một vực núi sâu, được năm người. Các nghĩa binh hỏi ông: Bây giờ đi đâu? Những khuôn mặt của tàn binh qua một đêm kinh hoàng đói khát gầy hốc, phờ phạc nhìn ông. Ông cũng chẳng hơn gì họ, vết thương còn nhức buốt, áo quần tả tơi. Chính ông cũng không biết đi đâu bây giờ giữa rừng xanh ngút ngàn này. Ông ngước mắt lên trời nghĩ ngợi. Ông lần về những tháng ngày theo nghĩa quân Vệ úy Hoàng Phúc trên nẻo đường xông pha, mong tìm đâu đó một căn cứ ẩn thân. Chợt ông nhớ ra, ngày còn ở trong quân của Vệ úy Hoàng Phúc hoạt động trong vùng Ngân Sơn - Lèn Bạc, ông nghe chủ tướng nói miền thượng nguồn Đại Giang gần biên giới Lào, giữa núi non hiểm trở có một vài vùng đất hẹp có thể dung thân khi thất thế. Ông bàn với các chiến binh. Họ theo ông. Năm, sáu ngày luồn lách qua không biết bao nhiêu rừng rúi, có khi phải lấn sang bên kia nước Lào để tránh một ngọn núi đá dựng đứng. Không lương thực, đói dùng kiếm đào củ mài, xuống suối chém cá thay cơm. Cuối cùng ông cùng các nghĩa binh đã tìm được nơi dừng chân. Đấy là một thung lũng hẹp, có con suối băng qua một vùng đất bằng mọc đầy lau sậy hoang sơ, vết chân thú dữ chồng lên nhau, ba bốn bề núi giăng, không có đường ra đường vào. Muốn về xuôi chỉ còn cách thả bè hay thuyền độc mộc một tay chèo vượt qua khe hở của bảy cái thác hung tợn lúc nhúc những tảng đá chắn đường. Nhưng cũng chỉ được mùa khô. Một cơn mưa, con suối nước dâng lên thành lũ dữ réo ầm, cuốn theo những tảng đá, những gốc cây lớn hối hả xô đẩy vào vách núi đôi bên bờ vang động như sấm. Con suối ở thung lũng này là đầu nguồn của con sông Đại Giang.

 

.


Có thể bạn quan tâm