April 19, 2024, 1:10 pm

Người Cà Mau

Tôi quê gốc Bạc Liêu theo cơ quan về Cà Mau, sau thời điểm thủ phủ tỉnh Minh Hải di dời từ Bạc Liêu xuống Cà Mau, năm 1984. Đến năm 1997 Trung ương quyết định chia tách tỉnh Minh Hải ra thành hai tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, tôi lại theo cơ quan mới lộn ngược về quê cũ. Tính ra, tôi làm “khách trú” Cà Mau đến 13 năm. Mười ba năm trong đời một con người thì không phải là ngắn, 13 năm định cư ở một vùng đất lại không ngắn ngủi chút nào. Bao nhiêu vui buồn, bấy nhiêu kỷ niệm của cuộc đời mà mỗi lần nghĩ đến là trong lòng chứa chan tình đất tình đời của cái mảnh đất đã từng dung dưỡng, cưu mang.

00Thật ra tôi biết Cà Mau và gắn bó với nó trước thời điểm 1984. Lúc ấy tôi làm phóng viên báo Minh Hải, rồi được phân công làm phóng viên thường trú huyện Cái Nước. Đó là thời kỳ bao cấp, đất nước vô cùng khó khăn và đời sống của anh em nhà báo cũng khó khăn vất vả cùng đất nước.

Cái Nước là một huyện vùng II của tỉnh Minh Hải. Từ Bạc Liêu đi Cái Nước là hơn 130 cây số. 130 cây số không là “cái đinh” gì so với bấy giờ nhưng thời điểm ấy muốn đi từ Bạc Liêu xuống Cái Nước là vô cùng vất vả. Lộ Bạc Liêu - Cà Mau được làm từ kỳ Pháp thuộc. Đến thời chế độ trước họ cho rải đá tảng bên dưới và bên trên thì rải đá 6x4. Trải qua mấy chục năm chiến tranh với những cuộc đào lộ đắp mô phục vụ chiến trường… cung đường này trở nên đầy ổ voi, ổ gà. Mặc dù thời đó có thẻ ưu tiên đi xe đò, nhưng nhà báo muốn xuống Cà Mau phải mất 5-6 giờ đồng hồ, trên những chiếc xe đò cũ kỹ, già cỗi, thiếu sự tu sửa của thời buổi kinh tế khó khăn, bị bao vây, cấm vận và công nghiêp lạc hậu. Từ Bạc Liêu về Cà Mau, dù đi từ sớm cỡ nào cũng đã trễ chuyến tàu về huyện Cái Nước và các huyện vùng II. Thế là ở lại một đêm với Cà Mau trong điều kiện tiền lương không có.

Từ Cà Mau đi các huyện cũng là một cung đường mà nhắc đến là nổi da gà. Tàu khởi hành từ lúc 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều mới đến huyện Cái Nước và một số huyện khác. Đó cũng lại là một con tàu với tổ máy già cỗi – đặc trưng của thời kỳ bao cấp. Mỗi lần đi công tác huyện là mất 2 ngày, tiền tàu xe ăn đường là đi tong khoản tạm ứng cho 15 ngày xuống huyện. Thế là 13 ngày còn lại không có cách nào khác anh nhà báo lại phải dựa vào cơ quan huyện và nhân dân trong huyện mà sống. Hồi đó các cơ quan huyện còn khó hơn tỉnh về tài chính. Ở ngoài Bắc, cán bộ tỉnh xuống huyện là phải mang gạo theo hoặc phải nộp vào cơ quan mình thường trú một khoản kinh phí cho suất ăn, còn ở Minh Hải thời đó không ai nhận tiền, gạo của cán bộ tỉnh bao giờ. Việc này tạm hiểu là nó xuất phát từ tố chất hào phóng, nghĩa hiệp của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, nhưng có điều là anh cán bộ tỉnh phải nhảy vào “cùng ăn cùng ở cùng làm” với địa phương. Việc này có khẩu hiệu hành động cách mạng chứ chẳng phải chơi. Hồi đó tôi được bố trí ăn ở tại Ban Tuyên huấn huyện. Xuống tới là tôi cùng với mấy anh chị đi chẻ củi nấu cơm rồi cùng anh Tư Bình cán bộ Ban tuyên huấn huyện đi đặt lờ, đặt lợp. Cũng may, thuở ấy cá mắm nhiều lắm. Vài tiếng sau khi đặt lờ đi thăm là cơ man nào là cá sặc rằng, sặc bướm, cá lóc, cá rô, thậm chí có bữa còn bắt được vài chú rùa, rắn to mỗi con cả ký. Sau đó chỉ hái mớ bông súng non, bạc hà ở cạnh cơ quan, vậy là có một bữa cơm thịnh soạn. Phương châm “Cùng ăn cùng ở cùng làm” nó hay lắm đối với anh nhà báo mới tập tễnh vào nghề như tôi. Đã cùng ăn cùng ở cùng làm thì rất dễ đồng cảm. Đồng thời anh nhà báo sống trong đời sống sự kiện nên rất dễ nắm bắt tình hình, có nguồn có cội đời sống kinh tế văn hóa xã hội của địa phương.

Một bận, tôi mới xuống, chế Nam Nga chánh văn phòng huyện ủy cười rất hồn nhiên rồi bảo: “Ê nhà báo, mày vô đây chế tặng mày cái này”. Tôi vào văn phòng, chế Năm mở tủ ra đưa cho tôi chiếc nón tai bèo mới tinh. Dưới vành mũ nón còn thêu dòng chữ đỏ “Chế Năm Nga tặng em Trung Nghĩa”. Tôi không nói câu nào mà ngồi thừ ra ôm món quà mà ứa nước mắt. Đó thật sự là món quà quý, thời đó vải vóc đắt đỏ khan hiếm, mua được một khúc vải ly phăng màu xanh để may nón tai bèo là không phải dễ. Và nó càng quý hơn là chế Năm ngồi nhiều đêm để may nón và thêu 7 chữ tặng tôi. Thời đó không phải ai cũng may, thêu được, thường thì những người chị xuất thân từ cán bộ thoát ly đi kháng chiến hay học được kỹ năng này.

Tôi xúc động bao nhiêu thì chế Năm Nga hồn nhiên bấy nhiêu. Đó là cách cư xử rất bình thường đối với mấy chị cán bộ thời ấy, phẩm chất này được trui rèn trong cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ đầy gian khổ, hy sinh.

Một bữa anh Năm Hạo, phó Ban Tuyên huấn Huyện ủy nháy mắt “Ê, chiều hai anh em mình, rủ thêm thằng Tư Bình về nhà anh. Đêm hôm anh đổ lợp được hai con rùa, chắc hơn 2 kg, để lâu nó ốm, tối nay ba anh em mình “trảm” nó cho rồi”.

Nhìn đôi mắt tinh ranh của Tư Bình tôi linh cảm rằng không đơn giản chuyện anh Năm Hạo rủ về nhà ăn rùa. Chiều mưa dầm lê thê, tôi ngồi giữa chiếc xuồng ba lá cho Tư Bình chèo còn anh Năm thì ngồi trước mũi phì phèo điếu thuốc gò to bằng ngón tay để xua bầy bù mắt và dàn muỗi đang rượt theo. Chúng tôi đi từ sông Cái Nước rồi rẽ vào kênh, qua lung bào... đến vùng nông thôn heo hút mới tới nhà anh Năm Thạo. Tháng mưa đất vùng II của tỉnh Minh Hải thời ấy trông u buồn mà chan chứa hồn đất, tình quê. Đồng nước nổi mênh mông, những bờ bao của những mảnh vườn thửa ruộng đầy chuối, dừa. Giữa ruộng mọc đầy bông bồn bồn, nông dân phát bồn bồn, cỏ ruộng rồi cào thành bờ giồng và cấy những giống lúa rất dài ngày và năng suất dăm ba dạ một công. Được cái, dưới làn nước là từng bầy cá bổi, cá rô, cá lóc… chạy thành đàn. Lại có rùa, lươn, rắn… nhiều không sao kể siết.

Hồi ấy vùng Cái Nước, Đầm Dơi, U Minh là vựa cá đồng của tỉnh Minh Hải và là nơi xuất phát những câu chuyện như huyền thoại về cá đồng Cà Mau. Mới đây, khoảng một năm, tôi lần dò về trốn cũ, nơi mà gần 40 năm trước tôi sảy bước chân nhà báo tuổi 20 thì cảnh quang thật tiêu điều, những hàng dừa cao trật ót, ghi dấu sự hình thành lâu đời của làng xóm và chấm phá thêu dệt một nét duyên quê đầy hồn phách cho vùng hai cũ giờ cụt đầu gãy ngọn giống như một trận B52 bừa qua nơi này, thời chiến tranh. Những bờ chuối không còn, những đồng bồn bồn bị thủ tiêu, để bây giờ bồn bồn trở thành đặc sản của Bạc Liêu trong khi vài chục năm trước nó là cỏ dại của Cà Mau. Mọi nguyên nhân bắt nguồn từ việc người ta cho nước mặn tràn vào đồng ruộng, để nuôi tôm. Từ đó hệ sinh thái ngọt bị tuyệt diệt. Đã từng có ai so sánh hiệu quả kinh tế và hệ lụy của nó đối với những vuông tôm mới và vùng ngọt cũ chưa nhỉ? Riêng tôi cứ đau đáu về sự phai nhạt hồn quê ở những vùng đất này.

Xuồng ghé bến trước sân nhà, anh Năm Thạo nháy mắt cho Tư Bình, bảo: “Em dẫn Nghĩa vào nhà, rồi bắt rùa rang muối đi, anh đi công việc một chút”.

Số là lương thực rất thắt ngặt, Nhà nước ra chủ trương cấm cán bộ uống rượu và cấm nông dân đặt rượu. Năm Thạo phải chống xuồng lòn lách trên một con kênh nhỏ ngoằn ngèo, xa hơn một cây số để đến nơi cháu anh che chòi trốn chính quyền mà đặt rượu lậu.

Thời đó cũng vì Nhà nước cấm rượu mà nhiều chuyện nhậu cười ra nước mắt xảy ra. Ba, bốn ông bạn, đi săn lùng được một ít rượu rồi rủ nhau ra đống rơm giữa đồng, có giao kèo hẳn hoi, thay vì uống rượu bằng ly thì được quy định phải húp bằng muỗng. Ai húp không nghe một cái “rột” thì bị phạt, thay vì ngày nay người ta phạt uống thêm thì hồi đó phạt không cho uống, chỉ được ngồi đó nhìn người ta uống rượu để thèm chơi. Sở dĩ có quy định này là vì rượu mà húp bằng muổng, nghe kêu, thì mau say lắm. Say sớm thì mới đủ rượu uống.

Bữa nay Năm Thạo tìm cho ra 2 lít rượu là bởi cái việc anh phải làm mà tôi biết được trong tiệc rượu đêm đó. Số là tôi đã thường trú huyện Cái Nước một năm, đây là tháng cuối tôi phải rời địa bàn, luân chuyển theo quy định của Toàn soạn, đi nhận thường trú huyện Hồng Dân. Đây là tiệc liên hoan tiễn tôi mang đặc thù thời buổi cấm rượu. Đối với dân Cà Mau, Bạc Liêu từ xưa giờ nó thế, những cuộc chia tay, những mối giao tình được thể hiện bằng những lời nói rất kiệm, mà cái tình nghĩa, cái khí khái ứng xử có khi bằng một vài ly rượu là cũng cạn lời. Đêm đó Năm Thạo, Tư Bình uống thật say để tiễn một thằng em về xứ của nó. Cuối buổi tiệc, Năm Thạo bảo: “Anh Bảy Diệp, gửi cho em chai dầu Phong Lạc” – Đó một thứ dầu gió xa xỉ thời đó – Bảy Diệp là phó Bí thư Thường trực Huyện ủy. Hóa ra cuộc “nhậu lậu” của ba anh em tôi Thường trực Huyện ủy cũng biết!

Thời gian tôi thường trú ở Cái Nước anh em xem tôi như người nhà, như cán bộ huyện. Dường như không có việc hỷ của gia đình anh em Ban Tuyên giáo, văn phòng và lãnh đạo Huyện ủy nào mà không có mặt tôi. Có lần tôi, Ngô Hải (Phó Tổng Biên tập báo Cà Mau, đã mất cách đây vài năm) cùng Nguyễn Quốc Vương, cán bộ Huyện Đoàn Cái Nước về nhà chị ruột của Vương ở xã Đông Thới, cách huyện non 10 cây số chơi. Chị gái Vương hồi đó khoảng hơn 30 tuổi, có 2 con, chồng làm cán bộ giáo dục huyện. Chị mảnh khảnh mà có có duyên thầm. Chị là giái quê “thuần chủng”, quê chị lại ở vùng căn cứ kháng chiến nên xử sự của chị đối với khách đến nhà rất đậm đà chất thời kháng chiến. Chúng tôi về, chị chuẩn bị nhà cửa sạch sẽ gọn gàng, nấu những món ăn quê thật ngon đãi khách. Balô của 3 thằng để trên giường, chị tự nhiên soạn đồ dơ đem giặt hết, rồi ủi cho thẳng thóm, xếp lại đâu đó gọn gàng, tôi đi qua nhà bạn cũ của Quốc Vương chơi về nhìn thấy rồi xúc động, cảm được cái bàn tay chăm sóc của chị giống với bàn tay của chị gái mình. Chúng tôi ở chơi ba ngày, chị với hai đứa con quấn quýt với chúng tôi. Khi bọn tôi về, 12 giờ khuya chị đã thức dậy nấu cơm cho bọn tôi ăn rồi chuẩn bị mấy nải chuối, ba gáo dừa mắm lòng xuống xuồng chèo 3 cây số đưa chúng tôi đến chỗ đón tàu về Cà Mau rồi bịn rịn, mắt ngân ngấn nước: “Mấy cậu về lần này rồi không biết chừng nào về thăm chế nữa?”

Về tới Tòa soạn, tôi, Ngô Hải soạn quần áo đi tắm, thấy trong ba lô của mỗi thằng một chiếc quần cụt mới tinh.

Tôi hiểu nó là của ai tặng rồi, tôi lại cũng ngồi thừ ra mà mân mê món quà và rơm rớm nước mắt.

Hồi đó cái tình đồng chí, nghĩa đồng bào nó sâu nặng như thế. Tôi nhớ nhà tôi nghèo lắm, vậy mà khi anh Sang (anh ruột của tôi) dẫn các anh, chị ở cơ quan Dân y huyện Vĩnh Lợi về, dù rất nghèo nhưng bao nhiêu gà vịt, ba má tôi đều làm cho ăn hết. Ba má tôi vừa quý họ là cán bộ cách mạng lại vừa giống như con cháu ruột của mình. Còn nhà cô Tư tôi còn lạ lẫm hơn. Sau giải phóng năm 1975, dượng Tư tôi vì là gia đình có công, lại là đảng viên được kết nạp thời kháng chiến nên được phân công làm trưởng ấp Công Điền, xã Vĩnh Trạch. Lập tức ngôi nhà ba căn kê tán của dượng biến thành công sở Nhà nước. Xã, huyện cứ đến đó họp dân để làm công tác vận động quần chúng, rồi phân phối hàng nhu yếu phẩm cho nhân dân ấp thời kỳ bao cấp. Tức là hội hè liên miên. Hồi đó trưởng ấp làm gì có lương, “Trụ sở” như nhà dượng tôi làm gì có kinh phí ăn uống. Vậy mà năm này tháng nọ cứ rần rần, ai đến nhà thì tự nhiên đổ nò bắt cá, tép rồi vô lu xúc gạo nấu cơm mà ăn. Thậm chí dân đến chờ phân phối hàng cũng được mời ăn cơm. Nhà dượng tôi làm trăm công lúa, nuôi cả ngàn con vịt đẻ, hàng chục cái đìa cá chỉ để phục vụ cán bộ và nhân dân chứ không bán được “cắc lớn cắc nhỏ” nào. Vậy mà suốt năm chủ nhà không một lời ca thán, gương mặt nhiệt thành như là mình có bộn phận, như trời sinh ra là phải như thế.

Điều này có thể giải thích tình cảm của nhân dân đối với Cách mạng cũng được hoặc là tính phóng khoáng nghĩa hiệp của người Bạc Liêu cũng được.

Hồi đó tình đồng chí nghĩa đồng bào thông qua các mối quan hệ có tên gọi hẳn hoi đó là: Má nuôi, chị nuôi, em nuôi… vì vậy người ta cư xử ăn nói với nhau rất ngọt ngào, như người trong một nhà, cứ chế chế, em em, má má, con con. Cho đến tận bây giờ đã năm mươi năm trôi qua mà lớp cán bộ xưa, đầu bạc trắng vẫn giữ được cách xưng hô cũ, gặp người lớn tuổi hơn mình vẫn xưng em, trong khi đó họ đã 70-80 tuổi rồi.

Thông qua các quan hệ có tên gọi mộc mạc ấy nó nâng cấp độ lên thành một mối quan hệ lớn lao, thiêng liêng, đó là tình đồng chí, nghĩa đồng bào. Mối quan hệ này đã kết tinh thành văn hóa, mà không có nó một điều chắc chắn rằng cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ sẽ chẳng bao giờ thành công.

Và tôi trong bước đường chập chững làm báo, tập tễnh vào đời trong một hoàn cảnh đầy khó khăn đã được thứ tình cảm ấy đùm bọc, nâng niu tâm hồn, chắp cánh cho nhân cách. Để tôi biết yêu thương đúng chỗ biết quý trọng những điều đáng quý.

Vì thế, trong tôi, Cà Mau là một trong những vùng đất để lại nhiều thương nhớ.

Nguồn Văn nghệ số 10/2022


Có thể bạn quan tâm