April 20, 2024, 8:30 pm

“Người bao đồng” Trần Viết Bính

Nhạc sĩ Trần Viết Bính (trái) và nghệ nhân dân gian Chơ Ro Năm Nổi.

Suốt gần 40 năm qua, nhạc sĩ Trần Viết Bính, tác giả ca khúc “Hạt gạo làng ta” (thơ Trần Đăng Khoa) cứ lặng lẽ, miệt mài, say mê nghiên cứu dân ca của các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai và các tỉnh lân cận, dù không có bất kỳ khoản chi phí nào. Thành quả ngọt ngào là cho đến nay ông đã sưu tầm được gần 200 bản dân ca của năm tộc người Mạ, Chơ Ro, S’tiêng, Kơ Ho, Chăm Islam.

“Đánh thức” dân ca

Nhạc sĩ kể, năm 1985, khi đang là cán bộ của Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Đồng Nai, ông được giao nhiệm vụ chuẩn bị một tiết mục dân ca tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc. Từ những tiếp xúc đầu tiên với đồng bào Chơ Ro, ông nhận thấy kho tàng dân ca các dân tộc ở đây rất phong phú nhưng lại chưa được sưu tầm, khai thác. 

Mặc dù ông rất muốn làm nhưng ngặt nỗi đây là công việc phải có thời gian điền dã, phải có chút ít tiền để ăn, ở, đi lại, quà cáp bồi dưỡng cho nghệ nhân mà kinh tế chưa cho phép. Ý định ấy lại có cơ hội “bùng” lên khoảng 5 năm sau (lúc này ông đã giữ cương vị Phó Giám đốc) theo đoàn đi thăm đồng bào Mạ ở Tà Lài (huyện Tân Phú, Đồng Nai) và được một người thanh niên trẻ động viên “phải đánh thức tiếng hát của đồng bào dân tộc thiểu số”. Người thanh niên ấy nay là PGS, TS Huỳnh Văn Tới, Chi hội trưởng Văn nghệ dân gian Đồng Nai và luôn sát cánh cùng ông trong việc khám phá “kho báu” dân ca nơi đây.

Ông nghiên cứu, sưu tầm dân ca từ 1993 và đến năm 2000 đã sưu tầm được 51 bài dân ca của các tộc người Mạ, Chơ Ro, S’tiêng. Từ những thành quả bước đầu ấy, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương: “Khắc phục tình trạng sưu tầm rồi “bỏ kho”, sưu tầm để nghiên cứu, truyền dạy, phổ biến, gieo cấy trở lại trong đồng bào, giữ gìn phát huy, làm giàu tài sản văn hóa cho đồng bào”. Từ đó, hàng loạt các lớp dạy hát cho thanh, thiếu niên đồng bào các dân tộc Mạ, Chơ Ro, S’tiêng được tổ chức, các đĩa Karaoke dân ca xuất hiện trong sinh hoạt của các nhà văn hóa.

Việc làm này của Đồng Nai như nhận xét của nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, có thể coi là đi đầu trong toàn quốc và rất có hiệu quả trong việc giữ gìn, phát triển dân ca. Năm 1999, GS, nhạc sĩ Tô Vũ (nguyên Viện trưởng Âm nhạc cơ sở II tại TP Hồ Chí Minh) đã nhận định: “Tuyển tập “Sưu tầm dân ca Mạ” của Trần Viết Bính có thể là công trình sưu tầm dân ca một sắc tộc miền núi với tham vọng quán triệt xuất hiện đầu tiên đối với các sắc tộc Tây Nguyên”.

Tất cả vì đam mê

Đi tìm một làn điệu dân ca có khi chỉ là một giai điệu ngắn chứa trong một vài ô nhịp, mấy lời ca của giai điệu đó, tưởng chừng như một công việc đơn giản nhưng thật ra là một công việc rất vất vả, phải giải quyết được nhiều công đoạn để có được một bài dân ca, như ghi lại lời hát bằng cách phiên âm Latin hóa lời ca dân tộc rồi dịch sang tiếng Việt phổ thông… “Suốt mấy chục năm qua, tôi đã đến nhiều nơi có các đồng bào Mạ, Chơ Ro, S’tiêng, Kơ Ho sinh sống để làm quen, gây tình thân ái với các già làng, ấp trưởng, nghệ nhân và cuối cùng là với tất cả dân ở buôn làng làm cho họ “mở lòng” lục lại trí nhớ cho mình ghi lại những làn điệu dân ca cổ. Mặc dù không biết uống rượu nhưng tôi phải tập uống rượu cần bằng được, không ăn được mắm của người dân tộc nhưng cũng phải tìm cách thoát qua bằng được. Tôi luôn “khắc cốt ghi tâm” lời của GS Tô Ngọc Thanh căn dặn là làm nghề này phải cùng ăn, cùng say, cùng ở và cùng làm việc với họ để họ coi mình là người nhà thì may ra mới lấy được vài tiếng hát của họ”, nhạc sĩ Trần Viết Bính giãi bày.

Điền dã nhiều nơi đồng bào cư trú, nhạc sĩ Trần Viết Bính hiểu ra rằng, chỗ nào có người sinh sống thì chỗ đó có âm nhạc. Âm nhạc là một thứ không khi nào tách riêng khỏi đời sống con người. Bản thân ông đã sưu tầm được gần 200 bài dân ca, có vẻ là nhiều nhưng thật ra chưa thấm tháp gì so vốn liếng thực có còn rải rác ở nhiều nơi. “Có đi sâu vào lĩnh vực này mới thấy mỗi bài dân ca là một câu chuyện cuộc sống của đồng bào, rất phong phú và thú vị. Nếu những bài dân ca của các tộc người này không được ghi chép lại, chúng sẽ đi theo các già làng, trưởng bản, những bậc cao niên trong làng khi họ khuất bóng. Cứ mỗi lần tôi xuống các cơ sở thì lại thấy mất đi vài cụ nghệ nhân. Tôi tiếc lắm, nên muốn làm rất nhanh công việc này. Đứng về phía trách nhiệm là một nhạc sĩ có khả năng và sống cận kề với kho tàng ấy, mình không làm thì ai làm? Thế nên tôi cứ làm đến khi nào không còn đi được nữa mới thôi”, nhạc sĩ Trần Viết Bính quả quyết.

Ở tuổi 87 nhưng vẫn khăn gói lên đường với công việc không đem lại thu nhập trong khi vẫn phải trả tiền thuê nhà hằng tháng, nhiều người gọi ông là “người bao đồng”. Ông cười bảo, mình không hề suy nghĩ về chuyện giàu nghèo vì nghĩ rằng cuộc đời mỗi người có một niềm say mê riêng và số phận đã trao cho mình phải đi tìm cái đẹp, cái lấp lánh trong những giai điệu, lời ca đang nằm ẩn khuất trong nhân dân.

“Cũng có người dị ứng với việc ký âm dân ca bằng bảy nốt nhạc Tây nhưng lấy đồng bào làm thước đo thì việc này có ý nghĩa thiết thực. Hôm trình chiếu tại Nhà dài dân tộc Chơ Ro ở ấp Lý Lịch (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), bà con ngồi dự thâu đêm, già làng Năm Nổi vui sướng quá vỗ đùi thốt lên: “Nhạc sĩ Bính của mình giỏi thiệt!”. Trong lần điền dã tại Lộc Bắc, Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) bà con dân tộc Mạ cũng đã đón nhận “bài hát của mình” tương tự như vậy”, nhạc sĩ Trần Viết Bính kể.

(Nguồn: https://nhandan.vn/)


Có thể bạn quan tâm